Đông Á sẽ ra sao nếu Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ

Nếu đắc cử và thực hiện những tuyên bố trước đây của mình, ông Trump có thể thúc đẩy sự trỗi dậy của Trung Quốc, đẩy Đông Á vào tương lai ảm đạm.

Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump. Ảnh: Reuters

Sau khi chính thức trở thành ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa, tỷ phú Donald Trump vẫn tiếp tục khiến cả thế giới hoang mang vì không ai biết liệu ông có thực hiện những gì đã tuyên bố trong quá trình tranh cử hay không.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng khu vực Đông Á sẽ khó có thể trông đợi một tương lai tươi sáng từ chính sách đối ngoại của tỷ phú này nếu ông đắc cử, theo StraitsTimes.

Giáo sư Satoru Mosi từ đại học Hosei, Nhật Bản cho rằng dưới thời "tổng thống Trump", ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Á sẽ suy yếu đáng kể và sự thịnh vượng, ổn định trong khu vực sẽ dần đi chệch quỹ đạo. Những yếu tố này sẽ tác động ngược trở lại nước Mỹ, khiến Mỹ suy yếu theo. Điều này sẽ trở thành mối hiểm họa lớn với phần còn lại của thế giới.

Theo giáo sư Mosi, ông Trump luôn cho rằng Mỹ trở thành con nợ lớn của thế giới là do bị các nước khác lợi dụng. Để tránh tình trạng này, ông muốn Mỹ xem xét lại mối quan hệ với các nước và tổ chức, theo hướng có lợi cho Mỹ. Nói cách khác, tỷ phú sẽ sẵn sàng đánh đổi các mối quan hệ liên minh, đối tác hiện nay để đảm bảo những lợi ích của riêng nước Mỹ.

Ông Trump chỉ trích các đồng minh châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc không chi đủ tiền để đổi lấy sự đảm bảo an ninh của lực lượng quân sự Mỹ đồn trú, yêu cầu các nước này phải gánh vác chi phí an ninh nhiều hơn. Ông Trump tin tưởng các đồng minh châu Á sẽ san sẻ gánh nặng chi phí nếu Mỹ thay đổi cách tiếp cận, bằng cách đe dọa sẽ rút lực lượng đồn trú khỏi Nhật Bản và Hàn Quốc.

Giáo sư Mosi cho rằng đây chỉ có thể là lời đe dọa gây sức ép của ông Trump, nhưng Triều Tiên và Trung Quốc sẽ coi đó là một thông điệp rõ ràng rằng Mỹ sẽ không quan tâm tới việc bảo vệ các đồng minh của họ.

Điều này sẽ đe dọa nghiêm trọng đến các lợi ích Mỹ ở châu Á. Chịu áp lực từ Mỹ, các đồng minh có thể ngày càng mất niềm tin vào chính quyền Trump. Những rạn nứt trong quan hệ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc khiến Triều Tiên có thể leo thang khiêu khích quân sự ở mức độ chưa từng thấy và để tìm cách dỡ bỏ các biện pháp cấm vận. 

Nhật Bản và Hàn Quốc có thể bị thiệt hại về kinh tế bởi các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rút khỏi các nước này nếu tình hình căng thẳng gia tăng và những tác động xấu này cũng sẽ ảnh hưởng đến Mỹ.

Quan hệ với Trung Quốc

Đối với Trung Quốc, ông Trump nói rằng sẽ triển khai quân đội Mỹ ở Biển Đông và biển Hoa Đông một cách hợp lý, coi đây là một công cụ để tăng cường vị thế của Mỹ trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc. 

Tuy nhiên, không rõ Trump có cân nhắc việc giảm quy mô hiện diện quân sự Mỹ ở biển Hoa Đông và Biển Đông khi đàm phán thương mại song phương với Trung Quốc có tiến triển và đạt được một thỏa thuận làm hài lòng các bên hay không.

Giáo sư Mosi cho rằng bản thân nhận thức của Trump về quan hệ Mỹ - Trung đã chứa đựng rủi ro, nếu như tỷ phú chỉ xem Trung Quốc là một đối tác thương mại. Trung Quốc rất có thể đưa ra một số đề xuất khiến Trump hài lòng để đổi lấy việc Mỹ không can thiệp vào các vấn đề an ninh Đông Á, tạo điều kiện cho Bắc Kinh từng bước hành động giành quyền kiểm soát Biển Đông và biển Hoa Đông.

Trong lĩnh vực kinh tế, ông Trump có thể sẽ gây áp lực với Trung Quốc để thay đổi các "chính sách kinh tế bất công" mà ông cho là đang tước đoạt các khoản lợi nhuận khổng lồ của Mỹ. Bởi vậy, ông dọa sẽ chỉ đích danh Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ ngay khi ông nhậm chức.

Trump đã công khai nói rằng ông sẽ hủy bỏ Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và xem xét lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ. Ông dường như đưa ra những tuyên bố này dựa trên suy đoán đơn giản là ông có thể ngăn các công ty Mỹ mở rộng đầu tư ở nước ngoài, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất, và tăng thêm công ăn việc làm trong ngành sản xuất Mỹ bằng cách từ chối thương mại tự do. 

Trong trường hợp đó, Trung Quốc sẽ dễ dàng thâm nhập vào thị trường các nước khác, khi một trật tự thương mại tiêu chuẩn cao được hỗ trợ bởi các quy tắc tiên tiến như TPP bị Mỹ phá bỏ. Rõ ràng, điều này sẽ giúp Trung Quốc tăng cường vị thế so với Mỹ.

Tóm lại, tình hình khu vực Đông Á có thể ngày càng trở nên bấp bênh và đầy bất ổn, và các chuỗi cung ứng kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng bởi môi trường không mong muốn này. Các nước châu Á có thể lâm vào tình thế khó khăn, các vấn đề phát sinh trong khu vực sẽ lan đến Mỹ và phần còn lại của thế giới theo nhiều cách khác nhau.

Ảnh hưởng của Mỹ sẽ suy yếu nếu Mỹ từ bỏ vai trò là một thế lực giúp ổn định tình hình Đông Á. "Quan điểm mà Trump theo đuổi giống như một con đường nguy hiểm dẫn đến tương lai ảm đạm không chỉ với Mỹ mà cả khu vực Đông Á và toàn thế giới", giáo sư Mosi nhấn mạnh.

Nguồn: VnExpress

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top