Cựu đặc vụ CIA tranh cử tổng thống Mỹ: Kịch bản “lấy trứng chọi đá”?

Sau khi ứng viên độc lập Evan McMullin tuyên bố sẽ ra tranh cử tổng thống Mỹ vào giờ chót, nhiều chuyên gia nhận định đây sẽ là kịch bản “lấy trứng chọi đá” của mùa bầu cử năm nay. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng cựu đặc vụ CIA có thể sẽ làm nên cú lội ngược dòng ngoạn mục.

Ứng viên độc lập Evan McMullin. (Ảnh: NPR)

Ngày 8/8, cựu đặc vụ Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) Evan McMullin tuyên bố sẽ tham gia tranh cử tổng thống Mỹ khi chỉ còn chưa đầy 100 ngày nữa cuộc bầu cử toàn quốc sẽ chính thức diễn ra. Ông McMullin là người phản đối mạnh mẽ tỷ phú Donald Trump, ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa, và mục đích của ông là nhằm thu hút phiếu ủng hộ của các cử tri đảng Cộng hòa cùng chia sẻ quan điểm với ông. Ông từng nhiều lần công khai chỉ trích ông Trump trên mạng xã hội.

Trong một tuyên bố được đăng độc quyền trên kênh truyền hình ABC News hôm 8/8, McMullin nhấn mạnh: "Trong một năm mà người Mỹ mất niềm tin vào các ứng viên tổng thống của cả hai đảng lớn, đã đến lúc họ cần một bộ máy lãnh đạo mới”. "Không bao giờ là quá muộn để làm những điều đúng đắn, và người Mỹ xứng đáng với những điều tốt đẹp hơn so với những gì mà ông Donald Trump hay bà Hillary Clinton mang lại cho họ. Tôi sẽ ra tranh cử như một nhà lãnh đạo khiêm nhường có thể giúp hàng triệu người Mỹ đang bất mãn có một sự lựa chọn", cựu đặc vụ CIA khẳng định.

Cơ hội vào phút chót

Dù tuyên bố tranh cử muộn và bỏ lỡ nhiều cơ hội để có thể nhận được sự ủng hộ từ phía các cử tri so với hai ứng viên tiềm năng là ông Donald Trump và bà Hillary Clinton, nhưng quyết định của ứng viên độc lập này được đánh giá là có thể ảnh hưởng tới kết quả của cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.

Ông McMullin từng là đặc vụ chống khủng bố của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) (Ảnh: VOX)

Theo BBC, ông McMullin chắc chắn sẽ phải đối mặt với một loạt các trở ngại trong khoảng thời gian từ giờ cho tới tháng 11 vì đã bỏ qua hạn chót để có được lá phiếu sơ bộ tại 26 bang trước đó, trong khi ông Trump và bà Clinton đều đã làm được điều này. Tuy nhiên, ứng viên độc lập này vẫn còn thời gian giành lá phiếu ở các bang còn lại. Theo quy định, đối với ứng viên ra tranh cử độc lập, họ cần phải đệ đơn đề nghị từng bang đưa tên của mình vào lá phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử. Đối với cuộc bầu cử tổng thống năm nay, ước tính một ứng viên độc lập cần phải thu thập được khoảng 880.000 chữ ký để tên của họ được xuất hiện trên lá phiếu của tất cả các bang ở Mỹ.

Trong số các bang còn lại, ông McMullin được đánh giá là có khả năng làm nên chuyện ở một số bang cạnh tranh gay gắt như Ohio, Virginia, New Hampshire và đặc biệt là Utah, tiểu bang quê nhà của ông. Mặc dù ứng viên độc lập này không có cơ hội xuất hiện nhiều tại các bang khác trên toàn nước Mỹ, nhưng ông McMullin có thể cản đường tỷ phú Trump trong việc giành phiếu ở những bang có truyền thống theo đảng Cộng hòa như Utah và lấy bớt một số cử tri bảo thủ của ông Trump, từ đó làm giảm phần nào cơ hội chiến thắng của ứng viên đảng Cộng hòa.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, sự ủng hộ của các cử tri ở bang Utah dành cho tỷ phú Trump là rất thấp. Trước đó, Thượng nghị sĩ Ted Cruz từng thắng áp đảo ông Trump ở bang Utah trong cuộc bầu cử sơ bộ với kết quả 69% số phiếu ủng hộ, so với 14% ủng hộ tỷ phú Trump. Trong khi đó, ông McMullin được đánh giá là sẽ gặt hái thành công lớn ở tiểu bang này. Theo CNN, từng là một người theo giáo phái Mormon, ông McMullin nhiều khả năng được ủng hộ mạnh mẽ tại Utah vì tại đây có rất nhiều cử tri theo giáo phái này. Hơn nữa, ông McMullin từng theo học Đại học Brigham Young, ngôi trường thuộc sở hữu của nhà thờ Mormon, do vậy ứng viên độc lập này có thể thu hút các cử tri Cộng hòa theo giáo phái Mormon tại Utah cũng như tại các bang mà giáo phái Mormon chiếm ưu thế như Idaho hay Arizona.

Ứng viên độc lập McMullin được nhóm Better for America hậu thuẫn (ảnh chụp màn hình trang web vận động tranh cử của ông Evan Mcmullin) (Ảnh: Dailynews)

Theo Ibtimes, từ nhiều tháng nay, có nhiều đồn đoán cho rằng các lãnh đạo bảo thủ ở đảng Cộng hòa đang tìm người thay thế ông Trump, vốn được biết đến là một ứng viên có nhiều phát ngôn gây tranh cãi khiến công chúng nhiều lần “dậy sóng” và nội bộ đảng đến nay vẫn mâu thuẫn nhau vì ứng viên này. Trong số các lựa chọn để có thể thay thế tỷ phú, ông McMullin nổi lên là một ứng viên tiềm năng.

Trang BuzzFeed nhận định, mặc dù mới chỉ có 40 tuổi và chưa kết hôn, nhưng McMullin đã có một “bản lý lịch ấn tượng và sự hậu thuẫn hùng hậu về tài chính từ các nhà tài trợ trong đảng Cộng hòa”. ABC News cho biết, ông McMullin còn nhận được sự hỗ trợ từ Better for America (Tốt hơn cho nước Mỹ), nhóm được thành lập từ các thành viên bảo thủ trong phong trào phản đối ông Donald Trump (tên gọi là phong trào Never Trump). Mục đích của Better for America là tìm kiếm một ứng viên tổng thống độc lập để đương đầu với tỷ phú Trump và ông McMullin đã được chọn cho vị trí này.

Sự xuất hiện của McMullin vào thời điểm gần như phút chót của cuộc bầu cử tổng thống năm nay đã thu hút sự chú ý đặc biệt của công chúng Mỹ, đặc biệt là những người vốn không hài lòng với hai ứng viên của hai đảng lớn nhất ở Mỹ hiện nay. Sau khi ông tuyên bố sẽ ra tranh cử, số người theo dõi trên trang Twitter cá nhân của ông McMullin lên tới con số 12.000 chỉ trong vài giờ đồng hồ, so với 135 người trước đó. Đây cũng là lợi thế đối với một gương mặt mới “trình làng” như McMullin.

Theo New York Times, việc ông McMullin có nền tảng vững chắc về an ninh quốc gia với 11 năm kinh nghiệm làm việc cho CIA có thể khiến ông trở thành một lựa chọn tốt cho các cử tri, đặc biệt là những cử tri bảo thủ, những người vốn không muốn ủng hộ cả Donald Trump và Hillary Clinton. Một quan chức hàng đầu của đảng Cộng hòa là Rick Wilson được mong đợi sẽ giúp ông McMullin trong chiến dịch tranh cử từ giờ cho tới cuối năm. Ông Wilson trước đó cũng đã đưa ra những lý do cho việc ông Trump cần phải chấp nhận thất bại trên mục bình luận của tờ New York Daily News hôm 7/8.


Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump và ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton (phải) (Ảnh: Dogonews)

Kịch bản “lấy trứng chọi đá”?

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia phân tích, động thái tranh cử của ông McMullin gần như không làm thay đổi hiện trạng của cuộc bầu cử năm nay và những nỗ lực của ông để đánh bại tỷ phú Donald Trump cũng như cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khó có thể đạt hiệu quả, nếu không muốn nói là không khả thi. Lý do là vì ông xuất hiện quá muộn trong một cuộc đua đầy thử thách và tốn kém như bầu cử tổng thống Mỹ. Nhiều người dự đoán rằng mục đích chính của ông McMullin chỉ đơn giản là giành chiến thắng ở bang Utah, nơi có 6 phiếu đại cử tri để tham gia vào cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Ngoài ra, mục tiêu thu thập vài chục nghìn trong tổng số 800.000 chữ ký để được đề tên trên lá phiếu của một số bang trong khi ngày 10/8 đã là hạn chót của những bang này cũng khó có thể thực hiện được đối với ông McMullin.

Theo BBC, ứng viên độc lập McMullin còn phải kêu gọi hàng triệu USD tài trợ trong vài tuần tới để có thể đuổi kịp hai ứng viên rất mạnh hiện nay của hai đảng lớn là ông Trump và bà Clinton. Đây cũng là một bài toán không hề đơn giản đối với một ứng viên non trẻ như McMullin.

Với tư cách là ứng viên độc lập ra tranh cử, một khó khăn nữa mà McMullin phải đối mặt là ông sẽ không thể nhận được sự ủng hộ rộng rãi và mạnh mẽ từ đảng Cộng hòa dù là một thành viên của đảng. Thậm chí, Nate Hodson, người phát ngôn của tổ chức đại diện cho nghị sĩ đảng Cộng hòa ở Hạ viện (HRC), nơi McMullin làm giám đốc phụ trách chính sách, nói rằng họ không hề biết về ý định tranh cử của ông. Một trợ lý của tổ chức cho biết McMullin không còn làm việc ở đây.

Ngoài ra, lịch sử có vẻ cũng không đứng về phía ông McMullin vì tính đến thời điểm hiện tại, chưa có ứng viên độc lập nào giành chiến thắng trong một mùa bầu cử tại Mỹ. Ngoài McMullin, cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay xuất hiện thêm hai ứng viên không thuộc hai chính đảng là Gary Johnson của đảng Tự do và Jill Stein của đảng Xanh. Tất cả sẽ cùng chạy đua với hai ứng viên đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Ông McMullin, 40 tuổi, sinh ra tại Utah, tốt nghiệp Đại học Brigham Young và nhận bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania. Từ năm 2001 đến năm 2011, ông là đặc vụ chống khủng bố của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA). Năm 2013, ông trở thành cố vấn cấp cao về các vấn đề an ninh quốc gia cho Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ. 2 năm sau đó, ông giữ chức Giám đốc phụ trách chính sách của hội nghị đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ. Ngày 8/8 vừa qua, ông chính thức tuyên bố từ chức để bắt đầu tranh cử tổng thống.

Nguồn: Báo Dân trí

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top