Báo in còn là “đội quân chủ lực” trong tương lai”?

16:02 01/07/2016 - Bình luận
Một loạt sự kiện chưa có tiền lệ đã diễn ra trong thời gian qua khi những tờ báo in đình đám, từng thống trị ngành truyền thông thế giới một thời như: Fi- nancial Times, Deutschland, Frankfurter Rundschau (Đức), Newsweek (Mỹ), The Independent (Anh)... lâm vào tình trạng phải đóng cửa. Chưa bao giờ báo in phải đối mặt với một tương lai ảm đạm, nhiều chông gai và vật lộn cầm cự để thích nghi với những thay đổi của công nghệ, công chúng và thị trường như trong thời điểm hiện tại. Hãy lắng nghe ý kiến trao đổi của các nhà báo về vấn đề rất nóng bỏng: Tương lai của báo in...

Tờ báo giấy The Independent của Anh. Nguồn: Internet

Nhà báo, Thiếu tá Hồ Quang Phương - Báo Quân Đội Nhân Dân:

Báo in vẫn còn “đất” sống khi công chúng thấy thực sự cần thiết với họ

Thời gian gần đây, có hai thông tin đặc biệt thu hút sự chú ý của công luận liên quan đến ngành báo in mang hai sắc thái trái ngược nhau. Thứ nhất, một trong những tờ báo uy tín hàng đầu của Anh là The Independent (báo Độc lập) sẽ ngừng xuất bản báo giấy từ ngày 26/3/2016. Thứ hai, phim Spotlight kể về chuyện tác nghiệp của các phóng viên điều tra của một tờ báo in trong việc vạch trần tình trạng lạm dụng tình dục trẻ em tại một số nhà thờ tại Mỹ đã thắng lớn tại Giải Oscar 2016. Hai câu chuyện kể trên đã cho thấy, việc làm báo in trong thời buổi này không “ngon ăn” và công chúng vẫn luôn đặc biệt quan tâm, tôn trọng, ngưỡng mộ những chiến công của báo chí trong cuộc chiến làm lành mạnh hóa xã hội, thúc đẩy cuộc sống phát triển. Nói cách khác, công chúng vẫn đang rất cần báo chí, nhưng đó phải là những tờ báo thực sự cần thiết với họ.

Việc báo in - một sản phẩm đặc trưng của thời công nghiệp kiểu cũ, dần được thay thế bằng các phương tiện báo chí, truyền thông thế hệ mới, đặc trưng cho thời đại công nghệ thông tin là điều dễ hiểu. Thế nhưng, những tờ báo nào xây dựng được bản sắc riêng, có đối tượng độc giả riêng thì vẫn sống được. Bởi điều mà độc giả cần từ các tờ báo in, không phải là tin tức vụn vặt, những chuyện “cướp, giết, hiếp”. Điều mà độc giả cần từ báo in chính là những tin tức chuyên sâu, những bài báo khiến người ta phải động não và gợi mở hướng giải quyết nhiều vấn đề.

Ở Việt Nam, ngày càng có nhiều tờ báo ra đời, nhưng cũng ngày càng ít tờ báo có đẳng cấp, có “tầm” và giàu chất xám. Điều này thì tác giả Mitchell Stephens đã phân tích kỹ trong cuốn “Hơn cả tin tức: Tương lai của báo chí”. Có một thực tế là người ta đang tuyệt đối hóa công nghệ, kỹ thuật tiếp nhận thông tin báo chí, mà dường như coi nhẹ vấn đề cốt yếu: Điều gì đọng lại cho độc giả khi tiếp nhận những thông tin ấy? Báo in vẫn còn đất sống trong thời buổi cạnh tranh gay gắt như hiện nay, tuy nhiên, những người làm báo có đủ “tầm” để tiếp tục trụ lại tại mảnh đất đó hay không? Đó mới là thách thức đang được đặt ra!

Nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo điện tử Vietnamplus (TTXVN):

Cạnh tranh khốc liệt giữa các loại hình báo chí sẽ tiếp tục diễn ra

Có thể nói, chưa bao giờ trong hoạt động báo chí, truyền thông thế giới lại đang diễn ra nhiều thay đổi, xuất hiện nhiều công nghệ mới, nền tảng mới, thậm chí có thể gọi là những cuộc cách mạng mới như vài năm vừa qua. Trong vòng chưa đầy một thập niên, chúng ta đã chứng kiến những bước đi công nghệ làm thay đổi cuộc chơi. Các trang web như YouTube từng đưa nội dung video lên Internet rồi quay trở lại chiếm lĩnh phòng khách các gia đình thông qua những chiếc smart TV. Vậy chúng ta sẽ gọi các chương trình video trên Internet là truyền hình hay là nội dung số? Dịch vụ Netflix đang khuynh đảo thế giới đương nhiên là nội dung số, nhưng có khác gì truyền hình khi không chỉ có phim mà có cả những phóng sự hấp dẫn do hãng này tự thực hiện. Sportify, Pandora, Rhap- sody là phát thanh hay không phải phát thanh? Podcast của các cá nhân thì thế nào?

Nhờ sự phát triển như vũ bão của công nghệ truyền thông, một website có thể triển khai hàng chục phiên bản, nhắm đến độc giả ở nhiều nơi trên thế giới mà không cần đến tận nước sở tại, vượt qua mọi rào cản về địa lý, thậm chí cả những quy định pháp lý. Và cũng nhờ công nghệ nên bất kỳ ai cũng có thể tạo ra nội dung, tự phát hành thông qua các kênh như mạng xã hội, gửi cho những cơ quan báo chí trong nước hoặc nước ngoài mà họ muốn. Trong một bài viết mới đây trên tờ Guardian của Anh, tác giả Emily Bell thậm chí nói rằng, các nhà xuất bản giờ đây đã mất quyền kiểm soát thông tin. Xét ở nghĩa bóng hay nghĩa đen thì phát biểu này cũng có cơ sở nhất định.

Vậy tiếp theo báo in, phát thanh truyền hình và báo điện tử sẽ là gì? Hiện nay là thời đại của đa phương tiện và đa nền tảng, cơ quan báo chí nào cũng cố gắng thực hiện sản phẩm báo chí bằng nhiều loại hình báo chí và phát trên mọi nền tảng có thể - dù là bản in, truyền hình, máy tính, tablet, mobile, thậm chí cả các dịch vụ OTT - để tiếp cận công chúng.

Báo in có những thế mạnh của mình, song những thế mạnh đó không còn mang tính tuyệt đối trong thế giới phẳng và trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển cực kỳ mạnh mẽ như hiện nay. Xu hướng “điện tử hóa” báo chí là điều không thể tránh khỏi. Các nhà quản lý báo chí sẽ tập trung nhiều hơn cho xu hướng này trong khi vẫn cố gắng duy trì những giá trị then chốt của báo chí truyền thống, nhất là tính chính xác, trung thực của thông tin. Bên cạnh đó, những tạp chí chuyên ngành vẫn có cơ hội tồn tại, càng tập trung sâu vào một lĩnh vực nhất định thì càng giảm rủi ro, nhưng tất nhiên là phải có cả bản điện tử với khả năng tương tác cao với người đọc.

Nhà báo Đỗ Quốc Cường, Đài PT- TH Khánh Hòa:

Không kịp thời thay đổi tương lai của báo in sẽ khó đoán định

Nghề báo buộc tôi hàng ngày phải đọc đủ các loại báo để cập nhật tin tức vừa phục vụ công việc vừa thỏa mãn nhu cầu thông tin. Đã thành thói quen, đến đâu thấy có tờ báo là tôi cầm lên để đọc, bất kể là báo cũ hay mới. Hồi trước, khi Interrnet và smartphone chưa phổ biến như bây giờ, mỗi ngày tôi có thói quen mua một tờ Tuổi Trẻ và một tờ Thanh Niên. Lâu lâu mua thêm cuốn Thời báo Kinh tế Sài gòn, Kiến thức ngày nay... Vào dịp Tết tôi cũng hay mua những ấn phẩm Xuân như: Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Văn hóa Thể thao, Kiến thức ngày nay... xem như là những món ăn tinh thần không thể thiếu trong ngày Xuân bên cạnh những bánh chưng, củ kiệu hay mứt Tết... Thế rồi, không biết tự lúc nào, khi Internet và smartphone trở thành phổ biến trong cuộc sống, thói quen mua báo hàng ngày và mua báo Tết của tôi cũng không còn nữa. Thay vào đó, tôi đọc báo mạng. Trên mạng người ta không chỉ đọc mà còn nghe và xem. Rõ ràng, báo điện tử cập nhật thông tin nhanh hơn báo in, phát thanh, truyền hình và có thể đọc ở mọi lúc, mọi nơi. Chỉ khi cần tìm thông tin quan trọng, đòi hỏi độ tin cậy cao phục vụ công việc, tôi mới lại tìm đến báo in. Trường hợp của tôi chắc không phải là cá biệt. Giới trẻ bây giờ lúc nào cũng lăm lăm trong tay cái smart- phone để online . Tôi nghĩ báo in vẫn tồn tại vì còn hữu ích, nhưng lượng người đọc sẽ càng ngày càng ít dần. Và nếu báo in không kịp thời thay đổi để cạnh tranh với báo điện tử thì một ngày nào đó tương lai của báo in sẽ thật... khó đoán định!

Nhà báo Trương Văn Chuyển, Tổng biên tập Báo Cần Thơ:

Báo in vẫn tồn tại trong gian khó

Báo in là loại hình báo chí ra đời sớm nhất trong lịch sử báo chí, hiện đang bị đặt trong thách thức tồn tại hay không tồn tại. Nhiều dự đoán rằng, báo in tồn tại trong khoảng 30 - 40 năm nữa, thậm chí có dự đoán rằng, báo in chỉ có thể tồn tại trong vòng 10 năm nữa thôi!

Nhưng mới đây, việc tờ nhật báo The New Day ở Anh được xuất bản số đầu tiên, trong khi nhiều cơ quan báo chí khác cho ngừng xuất bản báo in, chỉ giữ lại báo điện tử, khiến làng báo quay trở lại bàn luận về sự tồn tại của báo in.

Chúng ta ai cũng biết, thời gian gần đây, công nghệ thông tin phát triển, báo điện tử, mạng xã hội ngày càng chiếm ưu thế trong việc cung cấp thông tin nhanh, đa dạng, phong phú cho công chúng. Báo điện tử và mạng xã hội ngày càng lấn át báo in và thậm chí thách thức cả truyền hình - một loại hình báo chí đã và đang chiếm ưu thế.

Song, mỗi loại hình báo chí đều có lợi thế riêng. Ưu thế của báo in là cung cấp thông tin chiều sâu, tính bình luận, độ chính xác, tính cộng đồng cao, khả năng lưu trữ tốt hơn các loại hình báo chí khác, và đặc biệt là góp phần duy trì và phát huy văn hóa đọc - vốn mai một trong thời gian gần đây. Có nghĩa là, báo in vẫn còn cơ hội và yêu cầu của xã hội để tồn tại và phát triển. Giống như loại hình báo phát thanh những tưởng đã bị loại ra khỏi cuộc chơi truyền thông nhân loại, nhưng vẫn tồn tại tốt đến nay.

Mỗi loại hình báo chí tồn tại trong môi trường xã hội của nó, xã hội còn có nhu cầu và bản thân nó có cố gắng thì còn cơ hội tồn tại. Ở Việt Nam, mặc dù báo điện tử và mạng xã hội phát triển nhanh, nhưng số lượng người đọc báo in vẫn còn nhiều, văn hóa đọc đang được khuếch trương. Đảng và Nhà nước ta xác định báo in vẫn là một trong những công cụ tuyên truyền hữu hiệu và tiếp tục quy hoạch để phát triển.

Tất nhiên, báo in đang tồn tại trong khó khăn. Vì thế, những người làm báo in phải không ngừng suy nghĩ, sáng tạo để cung cấp cho công chúng những sản phẩm báo in chất lượng nhất, nhất là chất lượng thông tin. Và đó là điều quan trọng!

ThS. Phan Văn Tú, Trưởng Bộ môn Truyền thông điện tử, Khoa Báo chí - Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội - Nhân văn Tp. Hồ Chí Minh

Báo chí phải biết sống chung trong sân chơi truyền thông sôi động mới tránh được nguy cơ bị loại

Việc tờ báo giấy uy tín ở Anh, báo Độc Lập, vừa tuyên bố ngưng xuất bản báo giấy vào 26/3 này thật sự không gây bất ngờ đối với giới nghiên cứu truyền thông. Những dự báo về sự kết thúc của báo in đã được đưa ra cách nay trên 10 năm và thực tiễn báo chí thế giới 5 năm trở lại đây ngày càng chứng minh rằng, đó là những dự báo tương đối đúng. Sự phát triển chóng mặt của công nghệ Internet và sự lớn mạnh của truyền thông xã hội hiện nay đang đe dọa tương lai tất cả các loại hình báo chí truyền thống. Báo in ở một số nước châu Á và Việt Nam có những đặc thù riêng, chuyện “đóng cửa” chắc cũng còn một thời gian nữa, nhưng đó là xu thế không tránh khỏi được, nhất là khi quá trình toàn cầu hóa diễn ra ngày càng sâu sắc hơn, khi tỷ lệ người dân sử dụng thiết bị di động kết nối Inter- net ngày càng phổ biến hơn. Phát hành nội dung thông tin trên nền tảng số thay cho vật liệu giấy hay sóng điện từ không còn là điều xa lạ trong đời sống báo chí Việt Nam hơn 15 năm qua. Tuy nhiên, so với sự phát triển của công chúng truyền thông mới, chúng ta vẫn còn quá lạc hậu và lãng phí. Phương thức phát hành và cách thức tổ chức sản xuất nội dung phù hợp và có giá trị độc lập mới là điều cốt lõi quyết định sự tồn tại của một thương hiệu báo chí hiện nay. Mặt khác, báo chí chính thống phải biết sống chung, phải biết làm đối tác với mạng xã hội trong sân chơi truyền thông cực kỳ sôi động hôm nay mới có thể tránh được nguy cơ bị loại./.

Đã có không ít ý kiến cho rằng, báo in đang ở thế bí bách và bên bờ vực tuyệt vọng. Song, với những độc giả trung thành, họ vẫn tin rằng, báo in chỉ đang chống chọi với những khó khăn của thời đại để sang một giai đoạn mới của vòng đời. Dù thế nào đi nữa cũng phản ánh một thực trạng: Báo in ngày nay có những vấn đề cấp bách cần giải quyết.

Phạm Ngọc - Huy Long (thực hiện)

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top