Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Báo điện tử thông tin phòng, chống đại dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 xảy ra, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người dân, mà còn tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, giao thông, du dịch, việc làm...

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa có cuộc gặp tri ân các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch chiều 18/10

Phát huy thế mạnh

Báo điện tử được phát hành trên mạng Internet, có nhiều ưu điểm như: Khả năng đa phương tiện kết hợp cả văn bản, hình ảnh, âm thanh, video, đồ họa..., truyền tải thông tin liên tục phi định kỳ 24/24h, tính tương tác cao, lưu trữ và tìm kiếm thông tin mọi lúc, mọi nơi. Trong bối cảnh cả nước cùng tham gia chống dịch, báo điện tử nhanh chóng trở thành phương tiện xung kích truyền tải thông tin thời sự đến công chúng, tạo thành luồng tin tức sự kiện không ngừng.

Qua khảo sát, từ ngày 01/01/2020 đến 31/12/2020 trên ba báo điện tử là Sức khỏe & Đời sống, VnExpress, VietnamPlus đã đăng tải 23.754 tin, bài góp phần tạo nên “bức tranh” toàn cảnh về cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19 chưa từng có ở Việt Nam và các nước trên thế giới.

Xung kích trên mặt trận thông tin phòng, chống đại dịch Covid-19, báo điện tử đã chủ động phản ánh kịp thời, minh bạch, chính xác, đúng định hướng, đồng thời có những phân tích, đánh giá đúng đắn, toàn diện về nguy cơ dịch bệnh, mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng, hoạt động đời sống xã hội - kinh tế; con đường lây nhiễm, số ca nhiễm bệnh từng địa phương, trong nước và thế giới; biện pháp phòng, chống đối với từng đối tượng, khu vực; quá trình nghiên cứu sản xuất bộ KIT xét nghiệm Covid-19, vắc-xin Covid-19; các biện pháp điều trị hiệu quả; kêu gọi, huy động sự chủ động, tích cực tham gia của mỗi người dân trong công tác phòng, chống dịch Covid-19; khuyến cáo chú trọng thông điệp “5K”... Kịp thời phản ánh, biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong hoạt động phòng chống dịch và hỗ trợ người dân, như các y bác sĩ, lực lượng vũ trang, nhân viên phục vụ ở các điểm cách ly, các tổ chức, cá nhân đã có nhiều sáng kiến trong hoạt động này...

Báo điện tử đã làm tốt công tác tuyên truyền, cổ động tập thể, vừa giúp công chúng hiểu rõ vấn đề và mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, từ đó có ý thức chủ động phòng, chống đại dịch, tránh lây, nhiễm, vừa huy động được sự tham gia hưởng ứng của các cơ quan, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân trong chiến dịch phòng, chống đại dịch Covid-19. Nhiều nhà báo của các cơ quan báo chí điện tử thực sự đã xông pha tác nghiệp ở những điểm “nóng” dịch bệnh, trong các bệnh viện, ở các khu cách ly, ở biên giới... với tâm thế của những “phóng viên chiến trường” để có những thông tin, hình ảnh chân thực, sống động, phong phú. Có trường hợp nhà báo đã bị nhiễm Covid-19!

Bảng khảo sát số lượng tin bài trên 3 báo điện tử trong năm 2020

Qua khảo sát 300 công chúng đánh giá về nội dung thông tin phòng chống đại dịch Covid-19 trên báo điện tử, phần lớn người tham gia trả lời (chiếm 74%) cho rằng thông tin trên báo điện tử nhanh chóng, kịp thời, hữu ích, thiết thực. Từ thông tin trên báo điện tử, đa số người dân (chiếm 96%) nghiêm túc chấp hành chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, các cấp chính quyền và khuyến cáo của Bộ Y tế về biện pháp phòng chống đại dịch Covid-19 tại nhà, nơi công cộng, khu cách ly, bệnh viện...; thực hiện thông điệp “5K” (Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế); tố giác người vi phạm với cơ quan chức năng...

Để truyền tải những thông tin hay, hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của công chúng, báo điện tử đã thực hiện các chuyên trang, chuyên mục và ứng dụng làm báo hiện đại. Nhiều sản phẩm báo chí đa phương tiện với các dạng bài infographics, mega story, e-magazine, long-form... bao gồm cả chữ viết, ảnh, video, ảnh động, file âm thanh, các yếu tố đồ họa được thiết kế hấp dẫn đã tạo nên những món ăn tinh thần mới mẻ, mang lại cảm xúc ấn tượng. Các tác phẩm đồ họa đã chuyển hoá những số liệu khô khan, khó nhớ thành con số “biết nói” qua biểu đồ, đồ thị, bản đồ, sơ đồ, hình ảnh minh họa và bảng biểu, cung cấp cho công chúng những thông tin cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ.

Đồng thời, nhờ trực quan hóa mà các thông tin về số lượng người nhiễm bệnh, số ca được chữa khỏi, số ca tử vong (ở các khu vực khác nhau theo những mốc thời gian cụ thể), cách thức lây lan, sơ đồ lây nhiễm, biện pháp phòng chống dịch bệnh, khuyến cáo thực hành các thông điệp của Bộ y tế, quy trình 6 bước rửa tay với xà phòng, đeo khẩu trang đúng cách... được miêu tả, giải thích một cách lô gic, dễ tiếp nhận. Báo điện tử cũng trở thành loại hình báo chí mũi nhọn đăng tải các ấn phẩm truyền thông như tờ rơi, tờ gấp, pano, áp phích... của các cơ quan chức năng đến người dân.

Đặc biệt, đối với gói tin tức phi tuyến tính, công chúng có cơ hội trải nghiệm cảm giác tiếp nhận thông tin hoàn toàn chủ động, tự điều hướng đến những nội dung mình quan tâm thay vì phải kiên nhẫn tiếp nhận mọi thông tin từ đầu đến cuối. Điển hình với chuyên trang: “Những người trên tuyến đầu chống dịch” của báo VnExpress, công chúng vừa tiếp nhận thông tin chủ động, vừa có thể gửi lời chia sẻ, tri ân với lực lượng tham gia phòng, chống đại dịch Covid-19.

Để công chúng theo dõi thông tin, sự kiện phòng chống đại dịch Covid-19 xuyên suốt, thuận tiện, báo VietnamPlus đã tổ chức dòng sự kiện “Dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19”, độc giả nhấp chuột sẽ hiện ra link “https://www.vietnamplus.vn/chude/dich-viem-duong-ho-hap-cap-covid19/1070.vnp”, tập hợp các tin, bài sự kiện diễn biến, phòng chống đại dịch Covid-19 các nước trên thế giới, khu vực, châu lục, tại Việt Nam, các địa phương...

Tin tức Covid-19 trên VnExpress

Báo Vnexpress đưa ra từ khóa “Tin tức Covid-19”, độc giả chỉ cần nhấp chuột vào từ khóa, sẽ hiện ra link “https://vnexpress.net/covid-19/tin-tuc” tập hợp tất cả được các tin, bài thông tin liên quan đến phòng chống đại dịch Covid-19. Đối với báo Sức khỏe & Đời sống các thông tin nóng hổi liên quan đến phòng chống đại dịch Covid-19 được tổ chức tại chuyên mục “Thời sự”, dòng sự kiện cập nhật mới nhất Covid-19, tuyến tin bài “Nhật ký từ “tâm dịch””... thể hiện các thông tin, sự kiện về phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh đó, trước nhiều thông tin không chính xác trên mạng xã hội, báo điện tử tham gia quyết liệt đấu tranh với tin giả, bằng những thông tin chính thống có xác minh của cơ quan chức năng, trở thành nguồn tin tin cậy cho cộng đồng, định hướng dư luận xã hội, tránh gây hoang mang trong nhân dân. Báo VietnamPlus đã xây dựng chuyên mục “Cuộc chiến với Fake News” đăng tải thông tin chính thống, phản bác thông tin thất thiệt, sai sự thật, gây tâm lý sợ hãi, hoảng loạn trong cộng đồng xung quanh dịch Covid-19. Đặc biệt, tác phẩm Rap news phiên bản đặc biệt mang tên Không Fake News được phát hành trên nền tảng số, được dịch ra nhiều ngôn ngữ, tiếp cận nhiều đối tượng công chúng.

Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, không sợ Covid-19 là cách sống mới cần chấp nhận hiện nay

Một số hạn chế

Bên cạnh những ưu điểm, thông tin phòng, chống đại dịch Covid-19 trên báo điện tử vẫn tồn tại một số hạn chế. Do tính chất nóng của dịch bệnh, cộng với sự quan tâm chú ý của người dân, thêm vào đó là sự cạnh tranh gay gắt giữa các loại hình truyền thông khác nhau, thông tin về phòng, chống đại dịch Covid-19 trên báo điện tử có mức độ quá dày đặc, khiến người dân choáng ngợp. Có những thời điểm, cách đưa thông tin chưa hợp lý dẫn đến người dân lo lắng, đổ xô đi mua khẩu trang, thuốc, dung dịch sát khuẩn, tích trữ lương thực... vừa đẩy giá của những sản phẩm này tăng chóng mặt vừa gây tụ tập đông người, nguy cơ lây lan, bùng phát dịch bệnh.

Thêm nữa, báo điện tử tập trung truyền thông vào những đợt cao điểm bùng phát và lan rộng dịch bệnh tại cộng đồng, nhưng khi đã khống chế được dịch bệnh, tần suất và số lượng tin bài bị rút đi nhiều khiến người dân có tâm lý chủ quan, lơ là, coi thường dịch bệnh, thậm chí nghĩ rằng đã hết dịch dẫn đến nguy cơ tái diễn dịch trong cộng đồng.

Với thông tin về phòng dịch bệnh, thông tin y tế có tính khoa học, khá nhạy cảm, nhiều phóng viên theo dõi lĩnh vực y tế còn hạn chế về những kiến thức y học dự phòng, hoặc y tế công cộng, khiến việc khai thác thông tin chưa đúng và trúng, tiếp xúc nguồn tin là các chuyên gia y tế còn yếu.

Đôi khi báo đưa tin quá nhanh về một vài ca nghi nhiễm, hoặc suy diễn thái quá về nguy cơ dịch tễ khi chưa có khẳng định của cơ quan chức năng, tạo ra sự hoang mang trong xã hội. Do dịch bệnh truyền nhiễm, một bộ phận phóng viên chủ quan và thiếu kỹ năng đảm bảo an toàn phòng tránh lây nhiễm chéo trong quá trình tác nghiệp; một số phóng viên khác lại có tâm lý “sợ” lây nhiễm, nguy hiểm khi tiếp cận hiện trường, nên “sào sáo” lại thông tin từ các nguồn khác nhau.

Ở góc độ khác, không ít thông tin trên báo điện tử vẫn còn một chiều, tương tác còn thấp, chưa chú ý nhiều đến ý kiến, sự phản hồi từ phía công chúng. Nhiều bài nội dung còn dàn trải theo kiểu báo cáo, không tạo được điểm nhấn thu hút, hấp dẫn độc giả.

Chung sức đồng lòng chống dịch Covid-19

Đi tìm giải pháp

Trước sự phát triển của công nghệ, độ phủ sóng của Intenet, công chúng hoàn toàn thuận lợi tiếp nhận thông tin phòng, chống đại dịch Covid-19 trên báo điện tử từ các thiết bị nhỏ gọn như điện thoại di động thông minh, ipad... Đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, biến hóa khôn lường trên thế giới và tại Việt Nam, vấn đề đặt ra là phải có giải pháp để vừa phòng, chống dịch bệnh mà vẫn đảm bảo các hoạt động bình thường trong đời sống xã hội.

Thứ nhất, cùng với hệ thống các loại hình truyền thông khác, báo điện tử cần tiếp tục sát cánh với ngành y tế làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao hiểu biết của mọi người dân về dịch bệnh, sẵn sàng chung sống an toàn, không hoang mang khi dịch bệnh kéo dài; chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, thay đổi thói quen sinh hoạt, vệ sinh; tăng cường chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ; xây dựng môi trường học tập, giao thông, sản xuất, kinh doanh an toàn...

Thứ hai, cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn, cơ quan báo chí điện tử cần phối hợp chặt chẽ nhằm cung cấp và truyền tải thông tin chính thống, minh bạch, tạo sự đồng thuận xã hội; coi công tác tuyên truyền là một nhiệm vụ quan trọng, đi trước, kịp thời dự báo tình hình để có những định hướng, chỉ đạo hiệu quả trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, không để bị động, bất ngờ. Công tác tuyên truyền cần kiên trì, đều đặn, đa dạng về hình thức, ngắn gọn về nội dung, tăng cường chuyển đổi số, tối ưu hóa quy trình sản xuất.

Phát huy mạnh mẽ, lan tỏa thông tin tích cực, tin cậy trên báo điện tử, mạng xã hội tạo đồng thuận với tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”; hướng dẫn, động viên, cổ vũ, truyền cảm hứng cho người dân để họ hiểu, tin tưởng, chia sẻ và tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19 của Đảng và Nhà nước. Thông tin không chỉ tập trung vào một thời điểm, giai đoạn nhất định mà phải thường xuyên, liên tục, có kế hoạch và lộ trình rõ ràng.

Những phóng viên trên tuyến đầu chống dịch

Thứ ba, phóng viên trong thời đại công nghệ 4.0 phải không ngừng rèn luyện, học hỏi phương thức làm báo đa phương tiện, có nhiều kĩ năng như viết, ghi âm, quay phim, chụp ảnh, tự biên tập, dàn dựng, tương tác... Thường xuyên trau dồi, tìm hiểu kiến thức chuyên sâu về y tế để có những hiểu biết vững vàng nhằm đưa thông tin khoa học, khách quan, chân thật, hiệu quả nhất. Đồng thời, phóng viên cũng cần trang bị hiểu biết, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cho bản thân và đồng nghiệp, tránh bị lây nhiễm trong quá trình tác nghiệp.

Thứ tư, tạo mạng lưới cộng tác viên báo điện tử là các cán bộ phụ trách công tác truyền thông của các đơn vị. Phải nói thêm rằng, trong suốt gần hai năm qua, kể từ khi xuất hiện đại dịch Covid-19, truyền thông chống dịch không chỉ có báo chí nói chung, báo điện tử nói riêng. Từ các hình thức nhắn tin SMS qua điện thoại, tài liệu in ấn, tờ rơi, pa-nô, áp phích, băng rôn, bảng điện tử, xe lưu động đến các trang web, trang fanpage của các cơ quan chức năng... đều vào cuộc tích cực của đội ngũ làm truyền thông của các cơ quan, đơn vị, tạo nên binh chủng đặc biệt trên chiến tuyến chống dịch. Khi có mặt trong các sự kiện, những cán bộ phụ trách công tác truyền thông này nếu am hiểu và có kỹ năng, nghiệp vụ báo chí sẽ chủ động biên soạn và cung cấp thông tin đến báo chí, giúp truyền tải thông tin kịp thời, chính xác, minh bạch đến công chúng.

Thứ năm, báo điện tử cần chủ động hơn nữa trong việc cung cấp và chiếm lĩnh thông tin trên mạng xã hội, vừa tạo nên sức mạnh của báo chí trong môi trường truyền thông số, vừa tham gia đấu tranh với “truyền thông bẩn”, thanh lọc tin giả, tin xấu độc, định hướng dư luận xã hội. Đồng thời, kết hợp với các cơ quan quản lý báo chí tích cực đấu tranh, phê phán, tiếp tục xử lý nghiêm khắc, kịp thời các cá nhân, tổ chức cố tình đưa thông tin thiếu khách quan, sai sự thật về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Đảng, Nhà nước và nhân dân tan./.

PGS, TS NGUYỄN THỊ TRƯỜNG GIANG - NGUYỄN THỊ VÂN

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top