Phẩm chất nhà báo hiện đại

23:00 20/07/2016 - Đời & Nghề
Ở các nước tiên tiến, báo chí hiện đại có xu hướng thoát ly dần sự trợ cấp, phải chịu sự giám sát quyết liệt của công chúng và sự cạnh tranh gay gắt của thị trường, cũng như internet. Có một số tờ báo, tạp chí sống “rất khoẻ” và ngược lại có những tờ rất khó khăn, có nguy cơ “phá sản” vì không đủ trang trải tài chính.

Phóng viên tác nghiệp. Ảnh: TL

Làm báo là bước vào đường đua

Công nghệ thông tin và truyền thông (Information & Communication Technologies = ICT) đang thực sự làm biến đổi thế giới và trở thành phương tiện kỳ diệu tạo nên khả năng to lớn cho việc truyền tải, thu nhận thông tin của cơ quan truyền thông và công chúng báo chí. Xã hội càng phát triển, thì thông tin càng mở và đa chiều. Trong xã hội hiện đại, báo chí phát triển như một yêu cầu tất yếu. Xã hội đòi hỏi báo chí không những phải có tính chiến đấu, phải trung thực, công bằng, phải cập nhật tin tức, sự kiện hàng ngày, hàng giờ, hàng phút mà còn phải hết sức nhạy cảm và gần gũi với công chúng. người làm báo phải có trình độ chuyên sâu, phải có sức khoẻ và phải rất “đa năng” vì làm báo là thực sự bước vào đường đua.

Càng ngày, các tờ báo càng phải hết sức chú trọng đến uy tín, thương hiệu. hiện nay chất lượng tin, bài và thị hiếu của công chúng là yêu cầu số một của các Tổng biên tập báo. báo chí không những phải khách quan trung thực, phải phản ánh kịp thời những vấn đề “nóng”, nhạy cảm người đọc quan tâm, mà còn thực sự là diễn đàn gần gũi của công chúng; thu hút được người đọc không những bởi sự kiện, tin tức, đời sống văn hoá, khát vọng của cộng đồng... mà cả bút pháp, góc độ nhìn nhận, dự đoán hiện tượng, sự việc.

Ngày nay những kỹ năng về công nghệ thông tin, công nghệ ghi chụp trở thành yêu cầu số một của người làm báo. Khi liên hệ đăng tải một bản tin, anh bạn ở báo Trung ương điện cho tôi: “cậu đừng fax, anh em không kịp đánh máy đâu. hãy mail cho tớ!”. Anh không hiểu tôi đang ở xa trung tâm, không có mạng inter- net. Thoạt đầu nghe anh nói, tôi hơi khó chịu, nhưng khi bước vào làm phóng sự tôi mới hiểu và thông cảm với anh: Trong “trường đua” hiện đại, dừng lại là đồng nghĩa với vĩnh viễn không bao giờ theo kịp người đi trước.

Đổi mới là yêu cầu tiên quyết

Tại trung tâm châu Âu - nơi quê hương của những rừng thông xanh, những lâu đài cổ kính, với nền văn minh nổi tiếng - Thụy Điển là một nước có đời sống vào tầm cỡ cao nhất thế giới. Chỉ có hơn 9 triệu dân (bằng khoảng 1/10 dân số Việt Nam) mà Thụy Điển có tới hơn 170 tờ báo. Mỗi ngày đất nước này phát hành khoảng 4 triệu bản báo in; tính bình quân cứ hai người dân có một tờ báo. Báo chí thực sự trở thành một phần của đời sống văn hoá - xã hội, là nhu cầu không thể thiếu được của người dân Thụy Điển. Vậy mà ở nước này giá bán lẻ báo lại khá đắt, trung bình khoảng 2 USD/tờ. Tức là gấp khoảng 12 - 15 lần giá báo ở nước ta.

Thụy Điển không có khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Văn phòng của cơ quan báo chí dù đóng ở đâu vẫn là những khu “VIP” và đặc biệt các chuyên viên quảng cáo của những tờ báo có thương hiệu, mới thực sự là những ”công dân hạng I”. Như vậy, đủ thấy tầm ảnh hưởng của báo chí với đời sống xã hội ở đất nước này.

Phần lớn ở các nước ở châu Âu, văn hoá đọc vẫn chiếm ưu thế. người ta đọc sách, báo trong lúc ngồi trên phương tiện giao thông, lúc ngồi chờ giải quyết công việc, giờ nghỉ ở công sở... Khác với ở nước ta, văn hoá nghe, nhìn đang có xu hướng lấn át văn hoá đọc. Đó là chuyện dài về chiến lược con người, về văn hoá đọc... mà hiện nay những người thực sự có cương vị, trách nhiệm với xã hội, những người làm báo chí, làm văn hoá chân chính rất cần phải quan tâm.

Ở nước ta, báo chí là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng văn hoá, là tiếng nói của các tổ chức Đảng, chính trị - xã hội. người làm báo có vinh dự và trọng trách rất lớn, công việc làm báo là vất vả, nặng nhọc. Thu nhập người làm báo chân chính chưa cao. Nhà báo có bản lĩnh phải chịu nhiều giông bão và được xã hội ghi nhận... Nhà báo cơ hội thì dù khôn ngoan đến đâu cũng không che được sự nhìn nhận của đồng nghiệp và độc giả.

Có nhà báo được đưa lên vị trí cao nhất của một tờ báo lớn mà vẫn bị đồng nghiệp và xã hội xem thường. “Có nhà báo cần mẫn viết như gà đẻ trứng nhưng trong con mắt của đồng nghiệp và độc giả chỉ là người dùng ngòi bút làm cần câu cơm. Nhà báo chân chính đi tìm sự thật, nhà báo tầm thường đi tìm lợi ích”. Có người vẫn nói: viết báo kiếm tiền. Với tư cách là một cộng tác viên, tôi nghe mà thấy ngại!...

Trong đời sống xã hội tiên tiến hiện đại, văn hoá, báo chí nói chung và người làm báo nói riêng đang phải gồng mình lên cho kịp với kỉ nguyên công nghệ số, mà đổi mới, hiện đại là mục tiêu, là yêu cầu quyết liệt./.

Phan Tất
©Tạp chí Người Làm Báo số 389 - Tháng 7/2016

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top