Nơi hình thành lý luận và định hướng phát triển báo chí cách mạng Việt Nam

Những mốc son lịch sử, thành tựu và giá trị truyền thống cốt lõi, bài học kinh nghiệm 60 năm qua và phương hướng phát triển Viện Báo chí - một mô hình đào tạo, nghiên cứu báo chí cách mạng cho đất nước, trong bối cảnh toàn cầu hoá, cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng báo chí số, báo chí đa nền tảng, đa phương tiện hiện nay.
Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Lễ ra mắt Hội đồng tư vấn ngành và Hội đồng Viện Báo chí

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Lễ ra mắt Hội đồng tư vấn ngành Báo chí, Hội đồng Viện Báo chí (Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền)_ Ảnh: TGCC.

Khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (BC&TT) thành lập ngày 16/01/1962. Tháng 01/2019, Viện Báo chí chính thức thành lập trên cơ sở hợp nhất Khoa Báo chí và Viện Nghiên cứu Báo chí Truyền thông của Học viện. Trong 60 năm qua, đơn vị đã xây dựng và thực thi chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu báo chí đáp ứng yêu cầu cách mạng ở từng thời kỳ, đạt được nhiều thành tựu to lớn trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ báo chí - truyền thông. Gần 20.000 sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh các hệ đào tạo đã trưởng thành, nối tiếp truyền thống tốt đẹp, khẳng định bản sắc và có nhiều đóng góp xứng đáng cho nền báo chí truyền thông; vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, đổi mới và phát triển đất nước.

Trong 60 năm, Khoa Báo chí và Viện Báo chí đã đào tạo  gần 5.000 cử nhân báo chí, hơn 100 cử nhân truyền thông đại chúng và truyền thông đa phương tiện, khoảng 6.000 sinh viên hệ tại chức, vừa làm vừa học tại Học viện và các địa phương trong cả nước; khoảng 5.000 học viên được đào tạo, tập huấn qua các khóa bồi dưỡng ngắn hạn theo chức danh tòa soạn, theo nhu cầu xã hội và các chương trình đào tạo theo các dự án hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước. Khoa Báo chí, Viện Báo chí là đối tác tin cậy với Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành, doanh nghiệp, các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Viện Báo chí đã đào tạo cho Bộ Quốc phòng hàng ngàn người học ở tất cả các bậc, các hệ, đáp ứng yêu cầu hệ thống nhân lực báo chí - truyền thông trong quân đội; hàng ngàn người học cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khác thuộc hệ thống chính trị. Tính đến nay đã có 18 khóa cao học báo chí và quản lý báo chí truyền thông, với khoảng 1.200 học viên đã tốt nghiệp nhận bằng thạc sĩ; 16 khóa nghiên cứu sinh báo chí với gần 100 tiến sĩ báo chí đã tốt nghiệp với chương trình đào tạo do Khoa Báo chí - Viện Báo chí xây dựng và phát triển. 60 năm, có khoảng 18.000 người học đã tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ tại Khoa Báo chí, Viện Báo chí; nhiều ngàn học viên của các khóa đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn; đào tạo cho nước bạn Lào gần 100 cử nhân và thạc sĩ báo chí, hiện đang công tác ở những cơ quan báo chí, quản lý báo chí truyền thông của nước bạn. 

Những mốc son lịch sử

Năm 1962, Khoa Báo chí, Trường Tuyên huấn Trung ương thành lập ngày 16/1/1962, là đơn vị chuyên môn đào tạo báo chí đầu tiên trong cả nước. Nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn đầu tiên này là công tác đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn   dành cho cán bộ tuyên huấn, biên tập viên, phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Năm 1969, Khoa Báo chí chính thức đào tạo bậc đại học. Đại học Báo chí Khóa 1 (1969 - 1973) là khoá đại học báo chí đầu tiên. Đại học Báo chí khoá 1 có lớp “Phóng viên Tiền phương" được cử vào chiến trường miền Nam tác nghiệp, góp phần làm nên chiến thắng Mùa xuân năm 1975.

Năm 1977 và 1978, Khoa Báo chí xuất bản bộ Giáo trình Nghiệp vụ báo chí đầu tiên, 2 tập. Năm 1979, tách Khoa Báo chí thành hai khoa là Khoa Báo chí và Khoa Phát thanh - Truyền hình; khóa 3 Đại học Báo chí (1979 - 1984). Mùa hè năm 1984,  Khoa Phát thanh truyền hình lại được hợp nhất.

Từ năm 1992, chính thức tuyển sinh thí sinh tốt nghiệp THPT trong cả nước và nước ngoài từ Khoá 11 (1992 - 1996). Từ khoá 11, đào tạo cử nhân báo chí theo 4 chuyên ngành: báo in, ảnh báo chí, phát thanh, truyền hình; xây dựng các Tổ bộ môn: Lý luận và lịch sử báo chí, Báo viết, Báo ảnh, Phát thanh, Truyền hình; đánh dấu sự khởi đầu cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu để xây dựng trường phái lý luận và lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, ứng với các loại hình báo chí đương đại.

Năm 1995, chính thức đào tạo thạc sĩ báo chí ngành báo chí. Năm 2003, đào tạo tiến sĩ Báo chí học, chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế. Năm 2004, tái lập Khoa Phát thanh - Truyền hình. Năm 2006, thành lập Viện Nghiên cứu Báo chí và Truyền thông. Năm 2015, mở chuyên ngành đào tạo thạc sĩ Quản lý báo chí truyền thông. Năm 2017, tuyển sinh khóa đầu tiên ngành Truyền thông đại chúng và Truyền thông đa phương tiện, tạo nguồn nhân lực cho nền báo chí hội tụ, đa phương tiện, đa nền tảng, báo chí truyền thông dữ liệu, báo chí đa phương tiện, báo chí số.

Năm 2018 – 2019, thành lập Viện Báo chí, mô hình đào tạo - nghiên cứu báo chí truyền thông hội tụ, đa nền tảng, đa phương tiện.

Tập thể cán bộ, giảng viên Viện Báo chí hiện nay

Tập thể cán bộ, giảng viên Viện Báo chí hiện nay.

Đào tạo - nghiên cứu trong bối cảnh cách mạng 4.0 và chuyển đổi số quốc gia

Tháng 1 năm 2019, Viện Báo chí chính thức thành lập trên cơ sở hợp nhất Khoa Báo chí và Viện Nghiên cứu Báo chí truyền thông của Học viện. Viện Báo chí là đơn vị cấp Viện duy nhất của Học viện Báo chí và Tuyên truyền có lịch sử và truyền thống lâu đời nhất, quy mô lớn nhất và có tầm ảnh hưởng sâu rộng. Với 3 ngành đào tạo bậc cử nhân: báo chí, truyền thông đaị chúng và truyền thông đa phương tiện, hai chuyên ngành đào tạo thạc sĩ báo chí (Báo chí và Quản lý báo chí truyền thông) và tiến sĩ Báo chí học, cùng nhiều chương trình bồi dưỡng ngắn hạn dành cho  các đối tượng thuộc các vị trí, chức danh trong hệ thống các cơ quan báo chí và quản lý báo chí truyền thông trong nước; đào tạo, nghiên cứu báo chí hội tụ, đa phương tiện, đa nền tảng, báo chí truyền thông dữ liệu, báo chí đa phương tiện, báo chí số.

Viện Báo chí có chức năng nghiên cứu khoa học và nghiên cứu ứng dụng, bao gồm: Nghiên cứu phát triển lý luận báo chí và lịch sử báo chí; nghiên cứu, cung cấp luận cứ khoa học phục vụ hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về báo chí truyền thông và các lĩnh vực liên quan; nghiên cứu ứng dụng thành tựu báo chí và công nghệ báo chí truyền thông hiện đại vào thực tiễn báo chí Việt Nam.

Những giá trị truyền thống cốt lõi

Trong 60 năm hình thành và phát triển, những giá trị truyền thống cốt lõi nhất của Viện Báo chí bao gồm:

-  Đặt nền móng lý luận và định hướng phát triển báo chí cách mạng Việt Nam: Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền chính là nôi đào tạo đại học báo chí, nơi xây dựng chương trình trình Bộ Giáo dục và Đào tạo để mở mã ngành đào tạo báo chí bậc thạc sĩ, tiến sĩ sớm nhất trong cả nước, là đơn vị có bộ Giáo trình Nghiệp vụ báo chí đầu tiên năm 1977 phục vụ cho đào tạo đội ngũ nhà báo cách mạng sớm nhất trong cả nước; đơn vị mở đầu cho trường phái nghiên cứu lý luận báo chí cách mạng Việt Nam, với một hệ thống các công trình nghiên cứu, đặc biệt là lý luận báo chí chuyên ngành, nơi đầu tiên trong cả nước xây dựng các tổ bộ môn chuyên ngành báo viết, ảnh báo chí, phát thanh, truyền hình; xây dựng lý thuyết các loại hình báo chí căn bản,  nhóm thể loại và thể loại tác phẩm báo chí; nơi xây dựng và phát triển hệ thống giáo trình báo chí làm xương sống, là kim chỉ nam về nghiệp vụ báo chí cho nền báo chí cách mạng Việt Nam từ gần nửa thế kỷ qua. Sự ra đời của Viện Nghiên cứu báo chí truyền thông đầu tiên của Việt Nam năm 2006 là tiền đề và dấu mốc quan trọng để xây dựng chiến lược phát triển Viện Báo chí như một mô hình đào tạo - nghiên cứu báo chí truyền thông đầu tiên ở Việt Nam hiện nay.

- Bản lĩnh, sáng tạo để thành công: Từ những bài giảng đến hoạt động thực hành nghề nghiệp những chuyến thực tập, thực tế khi còn ngồi trên ghế nhà trường của Khoa, các thế hệ sinh viên được truyền thụ những điều cốt lõi, những giá trị từ thầy cô; cho đến khi tham gia các vị trí trong nghề báo; các thế hệ những người làm báo Việt Nam đã được rèn giũa “vừa hồng, vừa chuyên”. Trò ra trường giữ vững bản lĩnh, trau dồi để tỏa sáng giá trị sáng tạo nghề nghiệp, trưởng thành và gặt hái nhiều thành tựu nghề nghiệp, tiếp tục tham gia giảng dạy, truyền nhiệt huyết báo chí cách mạng, bản lĩnh của nhà báo cách mạng, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp cho các thế hệ sau, góp phần xây dựng truyền thống, quyết tâm giữ vững vị thế là địa chỉ “đỏ”, nôi đào tạo cho báo chí cách mạng.

Những người thầy báo chí bản lĩnh để vượt qua những giai đoạn còn nhiều khó khăn của đất nước, những vất vả gian nan khi trụ lại đơn vị, vừa không ngừng nỗ lực vươn lên thực hiện vai trò tiên phong trong đào tạo, nghiên cứu, vừa phải đối mặt với những khó khăn của cuộc sống. Họ đã thầm lặng mà kiên cường nỗ lực hoàn thiện, bản lĩnh, sáng tạo đóng góp vào những thành công trong sự chuyển mình của Viện Báo chí. Bền bỉ nỗ lực để nâng cao trình độ giảng viên, mở rộng hình thức đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ, tập trung phát triển chuyên môn đội ngũ, xây dựng và đổi mới hệ thống giáo trình, sách chuyên khảo, tham khảo phục vụ công tác đào tạo, nghiên cứu báo chí…, để xứng đáng với tầm nhìn sứ mệnh và giá trị cốt lõi đơn vị đào tạo - nghiên cứu báo chí truyền thông có lịch sử lâu đời nhất, quy mô lớn nhất, có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong cả nước.

- Kết nối giá trị, hội nhập để phát triển. Kế thừa giá trị truyền thống của các thế hệ đi trước, tổng kết thực tiễn báo chí cách mạng Việt Nam; hội nhập quốc tế, kết nối giá trị của nền khoa học báo chí truyền thông hiện đại, học hỏi, ứng dụng để phát triển lý luận và thực tiễn báo chí Việt Nam; đào tạo - nghiên cứu báo chí truyền thông hội tụ cho nền báo chí cách mạng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số. Nhiều công trình nghiên cứu của Viện có tính ứng dụng, nhiều sản phẩm báo chí được đánh giá cao trong và ngoài nước. Điều đáng nói đó là, dù phát triển truyền thông số, song giá trị báo chí cách mạng, báo Đảng vẫn được Viện giữ gìn và truyền tải trong các thế hệ giảng viên, sinh viên của trường.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức kết nạp Đảng viên cho các sinh viên.

Bài học từ lịch sử và phương hướng phát triển

Một số bài học kinh nghiệm, bao gồm: Bài học về xác định tầm nhìn, sứ mệnh và vai trò “đầu tàu” trong việc xây dựng nền móng lý luận báo chí cách mạng và khoa học báo chí - truyền thông cho đất nước và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực báo chí - truyền thông. Bài học từ quan điểm đào tạo nhân lực cho một nền báo chí dựa trên nền tảng khoa học - thực tiễn của nền báo chí cách mạng Việt Nam, đáp ứng yêu cầu đất nước trong từng thời kỳ; người học có khả năng làm việc trong môi trường toàn cầu hóa. Bài học về tính tiên phong và tính chiến lược trong xây dựng mô hình Viện đào tạo - nghiên cứu báo chí truyền thông. Bài học về việc phát triển mô hình đào tạo tiên tiến, đáp ứng xu hướng phát triển báo chí truyền thông, đáp ứng yêu cầu của thời đại. Bài học từ việc xây dựng nguồn nhân lực cơ hữu, thỉnh giảng, các hội đồng tư vấn ngành, hội đồng khoa học - đào tạo, hội đồng Viện, cộng tác viên nghiên cứu nhằm đáp ứng yêu cầu về đội ngũ nhân lực quản lý, thực thi nhiệm vụ đơn vị trong bối cảnh giảm cán bộ, giảng viên cơ hữu. Bài học về mở rộng và phát huy vai trò và sự tham gia của các cơ quan báo chí, cựu sinh viên và huy động các lực lượng trong đào tạo, nghiên cứu báo chí truyền thông.

Từ những bài học đã được nhìn nhận, xác định phương hướng phát triển:

Thứ nhất, về lĩnh vực đào tạo: duy trì và phát triển hệ thống đào tạo thạc sỹ, nghiên cứu sinh, mở thêm các chuyên ngành đào tạo thạc sỹ và nghiên cứu sinh báo chí phù hợp với xu thế phát triển của báo chí truyền thông hiện đại và nhu cầu thực tiễn báo chí truyền thông Việt Nam. Xây dựng hệ thống chuẩn đào tạo, bồi dưỡng chức danh lãnh đạo, quản lý báo chí truyền thông Việt Nam. Đào tạo nguồn lực giảng viên - nhà nghiên cứu cho Viện Báo chí đáp ứng yêu cầu của từng thời kỳ. Đào tạo nguồn lực giảng viên báo chí truyền thông cho các cơ sở đào tạo trong nước.

Thứ hai, về lĩnh vực nghiên cứu, xu hướng báo chí truyền thông hiện đại: báo chí tích cực, truyền thông sáng tạo, báo chí dữ liệu, hội tụ và đa phương tiện, các phương tiện truyền thông mới, truyền thông xã hội, chuyển đổi số lĩnh vực báo chí, báo chí số, báo chí dữ liệu và cơ sở dữ liệu báo chí truyền thông, an ninh truyền thông. Báo chí chính trị xã hội, báo chí chính luận, báo chí điều tra, báo chí văn hóa - nghệ thuật giải trí, báo chí chuyên biệt. Quản lý nhà nước lĩnh vực báo chí truyền thông trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0

Để thực hiện được đề xuất có tính chiến lược nêu trên, cần đáp ứng  những điều kiện về tổ chức cán bộ và cơ chế quản lý và giám sát, tăng cường hơn nữa cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ cho đào tạo, nghiên cứu, đổi mới cơ chế  hoạt động theo hướng tăng cường trách nhiệm và hiệu quả.

 PGS,TS Đỗ Thị Thu Hằng 

Viện trưởng, Viện Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Tags
Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top