Những quy định cơ bản về đạo đức người làm báo Việt Nam
15:34 03/10/2016
- Pháp luật
Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam được thông qua tại Đại hội
Hội Nhà báo Việt Nam khóa VIII, năm 2005. Sau 2 kỳ đại hội và 11 năm đi vào thực tiễn, có
thể nói, Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam với 9 điều, đã bao
quát tương đối cơ bản những vấn đề liên quan đến đạo đức của người làm báo nước ta.
Thông tin trung thực, chính xác, khách quan là tiêu chí hàng đầu của báo chí. Ảnh minh họa
Đạo đức báo chí là một trong những phạm trù rất quan trọng liên quan đến đạo đức xã hội của người làm báo. Do tính chất, đặc điểm, vai trò của báo chí chi phối đến thái độ, hành vi của người làm báo trong hoạt động nghề nghiệp, cho nên những quy định đạo đức người làm báo Việt Nam phải vừa bao quát được những giá trị chung nhất của đạo đức công dân, vừa thể hiện rõ ràng, sâu sắc những giá trị cốt lõi, đặc thù của đạo đức báo chí.
Vì lợi ích quốc gia và dân tộc
Nội dung này phù hợp với Điểm 1, Điều 4 Luật Báo chí 2016 quy định: “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của nhân dân”; và Điểm 2, Điều 4 quy định báo chí: “Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân” (Khoản a); và báo chí có chức năng, nhiệm vụ: “Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước” (Khoản b). Bên cạnh đó, nội dung điều này cũng phù hợp với Khoản b, Điểm 3, Điều 25 quy định nhà báo có nghĩa vụ: “Bảo vệ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Tôn trọng công chúng, bảo vệ nguồn tin
Đó là sự phản ánh phẩm chất nghề nghiệp và thể hiện tính chất đạo đức đặc thù của người làm báo Việt Nam. Khoản a, Điểm 3, Điều 25 quy định nhà báo có nghĩa vụ: “Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân; phản ánh ý kiến, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân”.
Tôn trọng công chúng là thể hiện ý thức, bổn phận của người làm báo trong việc tiếp nhận thông tin của công chúng, truyền đạt thông tin của công chúng trên báo chí - tất nhiên đó phải là những thông tin lành mạnh, nhân văn, vì lợi ích của công chúng. Tôn trọng công chúng cũng có nghĩa là sẵn sàng tiếp thu những ý kiến đóng góp xác đáng của công chúng, phản hồi thông tin theo yêu cầu chính đáng của công chúng, kịp thời cải chính những thông tin sai sót trên báo chí để mang lại niềm tin cho công chúng.
Bảo vệ nguồn tin là một trong những khía cạnh cơ bản, quan trọng trong đạo đức của người làm báo nhằm góp phần giữ gìn, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của các đối tượng (cá nhân, tổ chức) cung cấp thông tin cho báo chí.
Đề cao trách nhiệm xã hội, thượng tôn pháp luật
Nội dung này thể hiện phẩm chất đạo đức công vụ của người làm báo. Nghề báo là một nghề đặc biệt trong xã hội, đó là người đưa tin, đồng thời là người chuyển tải, bồi đắp, nuôi dưỡng niềm tin cho công chúng. Muốn tạo niềm tin cho công chúng để góp phần tạo niềm tin cho xã hội, đòi hỏi nhà báo phải công tâm - tức là có cái tâm vì lợi ích chung của đất nước, xã hội và công chúng; có đức tính liêm chính - tức là có lòng tự trọng, ngay thẳng để không bao giờ “bẻ cong” ngòi bút hay làm “bồi bút” cho bất cứ đối tượng nào. Mặt khác, sức lan tỏa nhanh nhạy, tác động sâu rộng đến xã hội và sự ảnh hưởng mạnh mẽ của báo chí tới đông đảo công chúng đòi hỏi những người làm báo phải đề cao trách nhiệm với từng câu chữ, với từng con số, sự kiện, với từng khuôn hình, thước phim, hình ảnh của mình làm ra. Trách nhiệm xã hội là một trong những nội dung quan trọng làm nên tư cách đạo đức nghề nghiệp của nhà báo. Khi càng coi trọng ý thức công dân, đề cao trách nhiệm xã hội của nhà báo, thì càng tăng cường vị thế, uy tín của nhà báo trong xã hội.
Yêu cầu “không vụ lợi” cũng là đòi hỏi cấp bách hiện nay để người làm báo giữ được đạo đức công vụ của mình trong hoạt động nghề nghiệp, từ đó tự mình phòng ngừa những cám dỗ, “cạm bẫy” đầy rẫy trong xã hội. Điều này phù hợp với Khoản c, Điểm 3, Điều 25 quy định nhà báo có nghĩa vụ: “Không được lạm dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu và làm việc vi phạm pháp luật”.
Ứng xử nhân văn, hợp tác với đồng nghiệp
Làm báo không chỉ mang ý nghĩa là làm chính trị, mà còn bao hàm cả ý nghĩa làm văn hóa, vì sản phẩm báo chí là sự kết tinh của trí tuệ, văn hóa của người làm báo. Do đó, biết ứng xử nhân văn với con người, cuộc sống và xã hội sẽ giúp nhà báo thông tin, phản ánh mọi vấn đề, sự kiện dưới góc nhìn thân thiện, vì sự phát triển lành mạnh của xã hội; kể cả khi thông tin các vấn đề tiêu cực cũng được soi chiếu qua cách nhìn nhận, đánh giá mang tính xây dựng của nhà báo.
Bảo đảm tác quyền, giữ gìn bản sắc dân tộc
Tác phẩm báo chí gắn liền với cá tính sáng tạo cá nhân người làm báo. Do đó, việc bảo đảm tác quyền vừa là khía cạnh đạo đức, vừa thể hiện ý thức tôn trọng pháp luật về bảo vệ quyền tác giả của người làm báo trong hoạt động chuyên môn; đồng thời cũng góp phần phòng chống nguy cơ “đạo văn, đạo báo” trong xa lộ thông tin toàn cầu.
Việc đòi hỏi người làm báo phải biết giữ gìn bản sắc dân tộc là thể hiện ý thức, tinh thần coi trọng bảo vệ những giá trị văn hóa tốt đẹp và truyền thống đặc sắc của dân tộc và con người Việt Nam, tránh bị nguy cơ lai căng, sùng ngoại, “xâm lăng văn hóa” trên báo chí. Người làm báo cũng nên biết học hỏi, tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa trí tuệ, văn hóa, văn minh của nhân loại để báo chí Việt Nam chủ động, tự tin tăng cường hợp tác, giao lưu, hội nhập với báo chí khu vực và trên thế giới. Điều này cũng phù hợp với Điểm 2, Điều 4 quy định báo chí có chức năng, nhiệm vụ: “Bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc” (Khoản b); “Góp phần giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt, tiếng của các dân tộc thiểu số Việt Nam (Khoản đ); và “Mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững” (Khoản e).
Có thể nói rằng, Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam cần bao hàm và thể hiện tập trung ở cả 5 tiêu chí cơ bản là phẩm chất chính trị, phẩm chất nghề nghiệp, phẩm chất đạo đức công vụ, phẩm chất đạo đức cá nhân, phẩm chất đạo đức công dân của người làm báo. Các tiêu chí này là một thể thống nhất hữu cơ, thiếu một trong số những phẩm chất đó, đạo đức người làm báo khó có thể hoàn thiện. Hơn nữa, các tiêu chí đó không chỉ phản ánh, thể hiện những giá trị cốt lõi về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí, quyền và nghĩa vụ của nhà báo đã được quy định trong Luật Báo chí 2016, mà còn kế thừa, phát triển những nội dung cơ bản của Quy định đạo đức của người làm báo Việt Nam khóa VIII./. |
Xem thêm video Có cần thiết sửa đổi bộ quy chuẩn đạo đức người làm báo? (Nguồn: TTXVN)
Thiện Văn
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Chuyển đổi hoạt động của cơ quan nhà nước lên môi trường điện tử (02:38 24/10/2024)
- Hỗ trợ cơ quan báo chí tháo gỡ khó khăn trong xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật (10:49 19/06/2024)
- Quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ. (05:23 10/05/2024)
- Quy định mới về học phí (04:48 03/01/2024)
- Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 1/2024 (09:25 27/12/2023)