Nhớ nhà báo Hàm Châu và những bài học về nghề
17:36 17/08/2016
- Chân dung nhà báo
Làm báo là nghề hàng vạn người có thể theo được, nhưng để trở thành“nhà báo”thì
không dễ. Trở thành nhà báo có thẩm quyền, nhà báo được báo giới, đồng nghiệp, công
chúng trong và ngoài nước thừa nhận càng khó khăn gấp bội. Viết về khoa học ở Việt
Nam chỉ một cái tên có thể kể được, đó là Hàm Châu.
Cố Nhà báo Hàm Châu. Ảnh: TL
Mười lăm năm tìm đường
Tốt nghiệp Trường Kinh tế - Tài chính, tiền thân của ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, năm 1959, ông được nhận về làm phóng viên quốc tế Báo Thủ đô, tiền thân của Báo Hà Nội mới.
Nhà báo Hàm Châu sinh ngày 25/9/1935 tại làng Xuân Liễu, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trong một gia đình nhà Nho yêu nước; mất ngày 30/7/2016 tại Hà Nội, nơi ông sống gần trọn cuộc đời. Ông vào nghề báo từ năm 1959, đã viết gần 3.000 bài báo, 12 cuốn sách và đồng tác giả nhiều công trình khác. |
Người thầy đầu tiên, người làm nên thành công trong nghề báo của Hàm Châu, chính là thực tế cuộc sống. Đầu những năm 1960, có phong trào thanh niên thủ đô tình nguyện lên Tây Bắc phát triển kinh tế - văn hóa miền núi mà âm hưởng hào hùng của nó còn vang đọng trong thơ:
Sống ở thủ đô mà dạ để mười phương
Nghìn khát vọng chất chồng mơ ước lớn
Đây miền Tây núi rừng giang tay đón
Những con người sung sướng nhất trần gian
Là được lên đây đem sức lực căng tràn
Với sứ mệnh vinh quang: vỡ đất...
Theo chân những trái tim rực lửa ấy, Hàm Châu có bài viết về Vũ Băng Tú, nữ sinh Hà Nội tình nguyện làm giáo viên không lương tại Trường Thanh niên xã hội chủ nghĩa Hòa Bình, qua đó, cô được Bác Hồ thưởng Huy hiệu của Người. Nhưng ông chỉ thật sự tìm thấy con đường, tìm thấy sở trường của mình từ sau 1975, khi Việt Nam không chỉ làm chấn động thế giới bằng Đại thắng Mùa xuân 1975, mà còn bằng những giải thưởng lớn trong các cuộc thi Olympiad toán học và vật lý quốc tế.
Bản thân con gái ông, Nguyễn Thị Thiều Hoa, giành Huy chương Bạc, thành tích cao nhất của Đoàn học sinh Việt Nam trong kỳ thi toán quốc tế năm 1976 tại Vienna (Áo). Ông là một trong những nhà báo đầu tiên viết và là nhà báo số 1 viết một cách đầy đủ và hay nhất về các vấn đề này. Chẳng hạn, tổ GK1, những nhà khoa học ở ĐH Bách Khoa do TSKH Vũ Đình Cự đứng đầu, đã hóa giải sự phong tỏa cảng Hải Phòng bằng thủy lôi của đế quốc Mỹ năm 1972. Trong bài viết này, ngoài sự chính xác của tư liệu lịch sử, sự ly kỳ của các tình tiết và cách dàn dựng, còn thấy sự khắc họa tính cách và những chi tiết làm toát lên vẻ đẹp của con người. Đó cũng là điều làm tôi chú ý đến phong cách Hàm Châu.
Có thể thấy, Hàm Châu mất đến 15 năm tìm đường để neo lại với đề tài về khoa học và người trí thức tinh hoa, để chín nhuần một phong cách. Nhưng cũng may thay, thời gian còn lại vẫn đủ để làm nên một cây bút lớn trong làng báo. Cuộc đời vốn ngắn ngủi; tuổi nghề càng ngắn, hầu hết các nhà văn, nhà báo đều biến mất vô tăm tích trong sự loay hoay của mình.
Từ lý tưởng, tư tưởng đến nhân cách, tác phẩm
Tôi có gần 30 năm gần gũi nhà báo Hàm Châu, được ông kể cho nghe nhiều điều. Ngay từ nhỏ, ông đã mang lý tưởng chăn dân, báo quốc của nhà Nho, một lý tưởng không xa với mục tiêu và phương pháp của chủ nghĩa cộng sản: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Năm 1955, khi mới 20 tuổi, ông được kết nạp vào Đảng.
Tuy nhiên, đến sau năm 1975, ông mới thật sự nhận thức rằng: Nhân dân là người sáng tạo ra lịch sử, là lực lượng của cách mạng nhưng dẫn dắt nhân dân phải là tầng lớp trí thức tinh hoa; vừa có lòng nồng nàn yêu nước, yêu dân; vừa phải có tri thức đáp ứng yêu cầu thời đại. Làm cho bạn đọc hiểu về họ, dân tộc hiểu về họ, noi gương họ; làm cho các chính khách biết trân trọng, sử dụng họ vì sự phát triển nhanh chóng và bền vững của đất nước - đó chính là lý tưởng, là tư tưởng được xác định; được thể hiện nhất quán trong các tác phẩm báo chí của Hàm Châu. Nếu không có tư tưởng, nhất định không thể trở thành một nhà báo thực thụ. Một nhà báo thực thụ, nhà báo chân chính bao giờ cũng có một nhân cách cao đẹp; trước hết là sự lao động, tận hiến cho nghề nghiệp, cho lý tưởng mà mình phụng sự.
Vào những ngày tháng 6/2016, linh cảm những ngày cuối cùng của cuộc đời, Hàm Châu đã viết một cách xúc động: “Tôi có thể tự hào là suốt đời mình, tôi chưa từng dính dáng đến chuyện chạy chọt cổng hậu, tìm kiếm ô dù, tham ô, hủ bại, luôn cố giữ mình sạch trong cho dù có rơi vào cảnh ngộ éo le... Tôi luôn gắng sống theo đạo của người quân tử “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo hèn không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”.
Lời nói đi đôi với việc làm, cuộc sống trong sạch, cao đẹp của nhà báo chính là một trong những điều căn bản làm nên giá trị của tác phẩm báo chí do anh ta viết ra. Không nhiều người làm được như vậy.
Hàm Châu, trời phú cho một tư chất thông minh. Ông có trí nhớ hơn người. Ông từng kể, nếu so với Lê Quý Đôn thì phạm thượng, “nhưng nếu nói tôi nhớ tất cả những gì thày dạy trên lớp, về nhà ít khi phải đọc lại thì chẳng phải quá lời”. Tuy nhiên, sự thông minh và trí nhớ chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong thành công về sự nghiệp của ông. Ông ham học và tự rèn nghề một cách kỳ lạ, học đủ mọi thứ, ngày nào cũng học, cái gì cũng muốn đạt tới đỉnh cao.
Học tiếng Trung Quốc, từ trước năm 1960, muốn phát âm theo giọng Bắc Kinh, mà phải học bằng thơ Đường, bằng văn học. Rồi học thư pháp, học khí công, yoga, vật lý, toán học; nhất là học ngoại ngữ. Gần 60 tuổi, ông mới đi học tiếng Anh, dù đã biết tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung. Lúc đầu mong muốn chỉ để giao tiếp, để đọc văn bản; sau để viết sách. Ông đã viết được 2 cuốn sách bằng tiếng Anh. Tiếng Anh sau này là con tàu đưa ông đến không chỉ các nước trên thế giới mà đến các thiên hà trong thế giới vật lý để cung cấp cho bạn đọc những trang viết lấp lánh ánh sáng rọi tới từ những ngôi sao xa xôi.
Tôi chưa học được ông ở sự say mê, nghiêm cẩn, ở sự uyên bác trong nghề nghiệp. Và có thể không bao giờ học được. Nhưng, đọc các bài viết của ông, tôi cũng thụ hưởng được vài “ngón nghề”. Thí dụ ở những đoạn mở đầu. Có khi ông cứ nhẩn nha khiến bạn đọc chờ đợi. Nhưng phần lớn, khi viết về nhân vật, bao giờ ông cũng đưa ra nhận định. Điều quan trọng nhất của tác phẩm báo chí phải được nói trước.
Khi viết về GS Hồ Đắc Di, ông kể một dòng họ có 5 nàng dâu là công chúa; còn số tổng đốc, thượng thư thì không đếm xuể, “vậy mà nhiều người trong dòng họ quý phái ấy, như Hồ Đắc Điềm, Hồ Đắc Di, Hồ Đắc Liên... và vợ con họ, tự nguyện rời bỏ cuộc sống ô tô, nhà lầu nơi đô thị đầy đủ tiện nghi, lên đường kháng chiến, “ăn chay nằm đất” với đồng bào chiến sĩ giữa rừng sâu”. Cái mở đầu ấy, không chỉ thông tin về nhân vật mà còn ẩn chứa một lời răn; một câu văn mang tính tư tưởng.
Báo chí không được hư cấu. Nhưng quá trần trụi, cũng khó đem lại những xúc cảm đẹp; khó dựng nên những tâm hồn đẹp và một cuộc đời lấp lánh những ánh sáng khác nhau. Báo chí ngày nay đang thiếu hụt chất văn, thiếu hụt đi một sức mạnh cần thiết đó chăng?
GS Trần Thanh Vân năm 1963 bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ vật lý tại Paris, Pháp khẳng định, hạt proton không phải là "viên gạch cuối cùng" của vật chất, mà là một cấu trúc gồm nhiều "viên gạch" còn nhỏ hơn nữa kết hợp lại (về sau giới vật lý tìm ra các hạt quark) - người có thể đại diện cho các nhà khoa học đỉnh cao đã đánh giá về nhà báo Hàm Châu như sau:
Nguyễn Sĩ Đại
Bình luận: 0