Nhà báo Hữu Thọ (1932 – 2015): Trí thức không vô can
18:08 28/06/2016
- Chân dung nhà báo
Mới cách đây một năm thôi, cũng trong dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, nhà báo Hữu Thọ đã xuất hiện trên không chỉ một diễn đàn với những lời tâm sự thao thiết và có nhiều phần lo âu cho làng báo Việt Nam. Tôi còn nhớ, trong cuộc gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ với đại diện các cơ quan truyền thông, được tổ chức tại trụ sở của Bộ Thông tin – Truyền thông trong dịp đó, chính bài phát biểu của nhà báo Hữu Thọ đã khiến tất cả đều phải suy nghĩ với không ít tâm tư. Ông đã chia sẻ những nỗi buồn và thậm chí cả nỗi đau của ông trước hiện trạng có không ít những dấu hiệu xuống cấp về chất lượng hoạt động của các nhà báo…
Một năm trôi qua, nhớ lại những điều mà nhà báo Hữu Thọ đã nói, cá nhân tôi càng cảm thấy lẽ phải nhiều hơn trong những nhận định của ông.
Như một nén tâm nhang, trong dịp kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, xin giới thiệu lại cùng bạn đọc nội dung một trong nhiều cuộc trao đổi thẳng thắn và tâm huyết với nhà báo Hữu Thọ…
Nhà báo Hữu Thọ.
Hồng Thanh Quang: Thưa ông, đã bao giờ làm báo là một công việc dễ dàng?
Nhà báo Hữu Thọ: Làm báo lúc nào cũng vừa dễ, vừa khó. Dễ nếu anh có tấm lòng tốt, tôi sẽ nói về kiến thức sau. Chỉ cần có tấm lòng tốt thì mọi sự đều là dễ. Nhưng nghề báo sẽ là rất khó nếu trong lòng anh nghĩ ngoắt ngoéo. Ở đời, có nhiều chuyện có thể dối trá được nhưng trong câu chữ, trong văn chương không ai nói dối được đâu. Và mọi sự sẽ trở nên phức tạp nếu trong bài viết anh nói dối, có khéo dùng kỹ thuật che giấu thì rồi cũng lòi ra…
Nhưng đôi khi ta có tấm lòng nhưng ta vẫn không đạt được hiệu quả mong muốn trong bài viết thì sao?
- Còn phải có kiến thức nữa! Người làm báo cả đời phải thâu nạp thông tin, thu thập tư liệu thì mới có thể có lúc đưa ra được những đánh giá đúng và tỏ được thái độ đúng đối với những vấn đề quan trọng mà mình đề cập trong bài viết. Có hai đòi hỏi rất quan trọng để nhà báo có thể đưa ra được đánh giá đúng để tỏ thái độ đúng của mình: Một là tấm lòng với đất nước, với nhân dân, với con người như thế nào? Hai là sự hiểu biết của anh như thế nào? Anh phải có đủ kiến thức và đủ tâm thức thì khen mới đúng và chê mới đúng. Nói thế nhưng xã hội cũng phải thông cảm với anh em nhà báo. Có những sai sót thuộc về kiến thức, có những sai sót thuộc về sự cẩn trọng trong phương pháp. Những cái đó cũng là khuyết điểm nhưng có thể thông cảm. Nhưng có những sai sót thuộc về động cơ không tốt thì không bao giờ được thông cảm. Về cái động cơ ấy thì người làm báo phải tự phấn đấu, chứ chẳng ai phấn đấu hộ nhà báo được. Thế nên ta mới nói việc làm báo nó vừa khó vừa dễ. Nói chung, chỉ làm cho nó vừa phải thì trên đời chả có chuyện gì là không làm được, nhưng làm cho nó giỏi và góp được một phần sáng tạo vào sự sáng tạo chung của cộng đồng, của đồng nghiệp thì cực kỳ khó. Việc gì cũng khó chứ không phải là chuyện làm báo đâu. Trong dàn đồng ca nói chung, tìm được tiếng nói riêng của mình đâu có dễ…
Với cá nhân ông, một người thành đạt trên mọi phương diện, làm báo đã bao giờ là việc dễ chưa?
- Đến bây giờ tôi vẫn nhớ một lời mà ông Thép Mới đã từng khuyên tôi. Dạo ấy tôi mới chuyển từ cấp ủy Đảng địa phương sang làm báo và bị thất bại liên tục, đến mức tôi đã định bỏ nghề vì thấy những bạn bè cùng lứa như Văn Trọng, Văn Sơn, Bạch Diệp, Trần Minh Tân đều thành công cả, chỉ riêng mình thì không đâu vào đâu. Thấy vậy, nhà báo Thép Mới mới nói thế này: Thứ nhất, "mày" (chúng tôi đã xưng hô với nhau như thế) cứ hay nản chí, nghề này phải kiên trì vì không ai một lúc mà viết hay được. Thứ hai nữa là, "tao" đọc "mày" "tao" chán chính ở cái chỗ này, mày hết đưa ý kiến ông này, đưa ý kiến ông kia, nhưng người ta muốn biết ý kiến của "mày" thì "mày" lại không nói!... Trong nghề làm báo, một việc cực kỳ quan trọng là anh phải chọn được một cái giọng của anh, anh phải chọn được đúng ý kiến của anh. Tôi cho là những gì mà nhà báo Thép Mới nói với tôi khi đó đã là lời khuyên có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự rèn luyện của tôi. Nhưng có được tiếng nói riêng không phải dễ. Trái đất thì rộng mênh mông nhưng mỗi người đứng chỉ cần độ mấy chục centimét vuông thôi, nhưng phải đứng đúng trên đôi chân chính mình thì mới có thể đứng vững trong cuộc đời này.
Văn hào Nga Maxim Gorky cũng từng nói, phải có trí tuệ dù nhỏ bé nhưng là của mình. Có được cái của mình cũng đã là việc khó, nhưng có rồi lại nói ra được để xã hội chấp nhận lại càng là việc khó hơn.
- Làm nghề báo, đóng góp ý kiến với xã hội cũng không phải là việc đơn giản đâu nhé.
Bút sa gà chết, một lời đã thả "tứ mã nan truy".
- Đúng thế.
Trong những mô hình xã hội truyền thống, thường thường người ta hay nhấn mạnh tới vai trò quyết định của chủ thể, tức là thành bại ở đời được quyết định bởi các chủ ngữ. Thế nhưng, trong xã hội hiện đại, chúng ta buộc phải hiểu ra rằng, một sự thành công bao giờ nó cũng bao hàm cả một chuỗi những sự vật. Thí dụ, để truyền bá một ý tưởng đúng thì không chỉ ta nói ra được cái đúng mà còn phải nói ra cái đúng ấy vào đúng lúc nó có thể được xã hội chấp nhận đúng nhất. Theo ông, ở trong những thời đại nào thì công việc của nhà báo đỡ khó khăn nhất? Bởi lẽ, nhà báo nếu muốn hoàn thành thiên chức của mình thì không chỉ anh nói hay, nói đúng, mà anh phải nói hay nói đúng đúng lúc, đúng tâm thế xã hội, đúng đối tượng cần nghe thì anh mới được coi là thành công. Theo ông, trong tình hình xã hội nước ta hiện nay, công việc làm báo đang ở tình huống như thế nào?
- Quang ạ, ở đời không phải lúc nào người ta cũng nói thật. Người ta chỉ nói thật với những bạn bè tri kỷ thôi…
Điều này thì tôi hiểu, Bá Nha chỉ đánh đàn cho Tử Kỳ nghe thôi; ở đời, không ai đàn gảy tai trâu cả…
- Người ta ở đời chỉ nói thật bụng với người tri kỷ thôi, chứ không ai mang chuyện trong nhà đi ra nói ngoài đường, trước công chúng. Không ai mang chuyện riêng, tâm tình đi nói với những người sơ giao, bởi làm thế là cực kỳ nguy hiểm. Thế cho nên không phải ai lúc nào cũng nói thật, tức là người ta phải tôn trọng sự thật, nhưng không phải lúc nào người ta cũng nói thật hết. Nhưng cũng không được nói dối… Muốn nghe được tiếng nói thật của dân, của đồng nghiệp thì trước hết phải là người đồng cảm, tri kỷ của họ.
Đã là nhà báo thì có khi chưa nói ra được hết sự thật nhưng dứt khoát là không được nói dối, không được chủ động nói dối, không được ăn không nói có…
- Tôi nói thí dụ thế này. Ngay cả khi mình định tỏ thái độ về một vấn đề gì đấy, thái độ của mình là đúng, mình nghĩ là đúng, nhưng vấn đề quan trọng ở chỗ mình phải biết bày tỏ thái độ đúng ấy vào lúc nào và nói ra với cái giọng nào. Nếu nói ra không đúng giọng thì đó là việc cực kỳ nguy hiểm đối với người làm báo. Hiện nay, đối với một số anh em nhà báo, có những việc gặp tai nạn thì chính là bởi vì nói không đúng lúc. Tôi nói ví dụ về việc rất cụ thể vừa mới xảy ra, khi mà đầu năm Chính phủ tuyên bố dứt khoát không tăng giá xăng dầu. Cái vấn đề quan trọng ở chỗ, ở thời điểm ấy, chúng ta phải chấp hành kỷ cương chung, bởi nếu chỉ sơ suất một chút là có thể dẫn tới đổ vỡ cả nền kinh tế chứ không phải chuyện đơn giản. Trong lúc xã hội ở những giai đoạn đặc biệt, đang cần giữ vững kỷ cương và bày tỏ quyết tâm không để giá tăng thì ngay cả khi trong lòng anh chưa thông lắm về một giải pháp nào đó, anh cũng phải ủng hộ, vì lợi ích chung to lớn hơn. Bởi làm khác đi có thể dẫn tới phân tâm trong xã hội, có thể gây rối ren nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến cả vận mệnh của dân tộc. Nhưng lúc ấy có nhà báo thì lại thấy rằng quyết định ấy không khả thi.
Rất khó khả thi…
- Đúng, rất khó khả thi. Nhưng nếu nói ra điều đó không đúng lúc thì dễ tạo nên sự thiếu lòng tin vào một quyết sách lớn. Và đó là một việc vi phạm quy tắc chung nên có thể bị phạt. Có điều, khi tiền phạt chưa kịp thu thì mấy Bộ đã lại tuyên bố tăng giá xăng dầu… Ở đây, ý kiến của nhà báo không sai, nhưng sai là ở thời điểm đưa ra ý kiến đó trong công luận. Nói không đúng lúc, nói sớm cũng có thể bị coi là nói sai.
Nói không đúng lúc dễ tạo hiệu ứng tiêu cực. Cầm đèn chạy trước ôtô nó trớ trêu là như vậy!
- Nói không đúng lúc và không đúng cách dễ tạo nên sự phân tâm cho xã hội về những quyết sách của Chính phủ. Quyết sách của Chính phủ thì lúc này phải thế này, lúc khác thì lại phải thế khác. Không phải là người ta không nhất quán nhưng bởi vì trong bối cảnh này thì cần quyết sách này, trong bối cảnh khác lại cần quyết sách khác. Đấy là trường hợp nói đúng còn thế, chứ trường hợp nói sai thì còn nguy hiểm hơn. Gần đây anh em hay nói về tin đồn. Tin đồn thì xã hội nào cũng có, lúc nào cũng có. Tin đồn thời tiết, tin đồn chính trị, tin đồn kinh tế… Nhưng chúng ta phải nhớ rằng, đặc điểm của tin đồn là nó không chính thức và có tính lan truyền rất cao, theo hướng thổi phồng, bóp méo, cho nên người ta mới bảo là, một đồn mười và tam sao thất bản…
Hồi tôi còn làm sĩ quan ở Binh đoàn Tây Nguyên, tôi nghe anh em hay nói, "lính đồn, không chồn thì cáo"… (cười)
- (cũng cười): Có tin đồn có một phần sự thật. Nhưng nhà báo không được góp tay vào việc truyền lan những tin đồn. Vừa rồi tôi thấy một số người làm báo đã có những sai sót như đưa những cái thông tin ở dạng tin đồn lên các ấn phẩm của mình. Việc này là không thể chấp nhận được, vì ngay cả chủ nhân của những trang web, nơi công bố những tin đồn đó, cũng đã ghi rằng họ không chịu trách nhiệm về những thông tin này; tất nhiên, tôi cũng không tán thành cách làm đó. Thế mà có người lại sử dụng những thông tin đó làm tư liệu của mình rồi đưa ra đánh giá, bình luận này nọ thì cực kỳ nguy hiểm. Bởi anh làm như thế thì anh đã chuyển những tin đồn sang một trạng thái khác, thành dư luận xã hội mất rồi… Khi đọc những dạng bài như thế thì thực sự tôi cảm thấy sợ cho cách làm báo đó của một số anh em. Anh đánh giá và bình luận về tin đồn có nghĩa là, thứ nhất, anh công nhận tin đồn là thông tin chính thức; thứ hai, khi anh bày tỏ thái độ của mình về những tin đồn ấy thì nó sang một khái niệm khác về tâm lý xã hội, nó chuyển thành dư luận xã hội cho nên nó nguy hiểm hơn. Một số anh em làm báo ở mình đã không hiểu khoa học về tâm lý để điều chỉnh cách sử dụng thông tin. Anh cũng vậy, tôi cũng vậy suốt ngày nghe tin đồn, tin đồn nó đầy rẫy…
Nhà báo Hữu Thọ và nhà thơ Hồng Thanh Quang.
Chúng ta đang bị vây bủa bởi những tin đồn.
- Sáng ra tập thể dục đã nghe tin đồn rồi, nghe mấy cụ về hưu nói có phải ông này sắp thôi chức, ông này sắp lên không? Gặp chị bán xôi là chị ấy đã có thể nói ra những tin đồn về giá cả rồi… Không ai có thể bịt tai với các tin đồn. Nhưng đối với chúng ta, vấn đề quan trọng là thái độ của mình đối với tin đồn. Đối với người làm báo có thể nghe tin đồn đó để tìm hiểu sự thật nhưng không bao giờ được coi tin đồn là một thông tin bởi vì nó không có nguồn. Những cái đó là những cơ sở khoa học rất cơ bản mà người làm báo cần biết. Nhưng những sai sót liên quan tới các tin đồn ấy là những sai sót về kiến thức nghề nghiệp; tôi muốn nói rằng, về những sai sót ấy thì phần nào có thể thảo luận với anh em được và phê bình. Nhưng những sai sót về động cơ thì nó rất nguy hiểm, không thể châm chước…
Rất khó được nương nhẹ?
- Có một sự nguy hiểm nữa trong nghề làm báo là hiện nay vẫn còn hiện tượng một số nhà báo hợp tác với nhau để cùng "đánh"…
Đánh "địch"?
- Không chỉ thế. Có một số nhà báo tụ tập với nhau ở quán cà phê, quán bia. Tất nhiên, các nhà báo họ tìm chỗ để giao lưu với bạn bè là cái cần thiết, nhà báo hay văn nghệ sĩ đều thế cả, đều cần đồng nghiệp… Thí dụ như ông nghệ sĩ nổi tiếng ở gần nhà tôi đây, ông ấy cũng tìm đến một quán cà phê quen thuộc vì ông ấy ngồi đấy thì sẽ có bạn tìm đến ông ấy để hàn huyên, tâm sự. Nhu cầu này là chính đáng. Nhưng đến chỗ giao lưu ấy mà bàn với nhau cùng "đánh" ông này, cùng "nâng" ông kia theo kiểu "đánh, nâng hội đồng" thì là việc không thể chấp nhận được. Không phải tôi nghe tin đó từ cơ quan chức năng đâu, tôi nghe tin bạn bè đồng nghiệp đứng đắn nói. Họ bàn với nhau, mày đánh thủ trưởng tao đi, bởi vì tao không thể đánh thủ trưởng tao được, còn trên báo tao thì tao sẽ giúp mày đánh thủ trưởng mày... Đại khái thế! Trước đây tôi đã từng nghe chuyện ở một tỉnh nọ xảy ra tình trạng mất đoàn kết trong đội ngũ cán bộ, thế là mỗi một vị lãnh đạo lại "nắm" lấy một ông nhà báo để có công cụ đánh nhau… Thực buồn! Và thực nguy hiểm!
Nhà báo rất dễ bị lợi dụng nếu như không làm đúng vai trò, chức năng của mình.
- Nhà báo quả thực là dễ bị lợi dụng, mà không phải chỉ vì phong bì đâu nhé. Có rất nhiều mối quan hệ, có khi vì thân tình, vì ân nghĩa, chứ không phải tất cả chỉ vì phong bì. Nhưng mọi hành vi như thế đều tạo nên sự méo mó thông tin.
Mình nhìn đời méo mó và đời nhìn mình cũng méo mó luôn…
- Mình nhìn đời méo mó thì chắc chắn đời nhìn mình sẽ méo mó. Tôi xin nói, doanh nghiệp nào cũng cần quảng bá và doanh nghiệp nào cũng cần nhà báo, nhưng theo một điều tra xã hội học vừa rồi, 40% số chủ doanh nghiệp nói là họ rất sợ nhà báo, rất ngại các nhà báo. Mà khi nhà báo nói sai thì thậm chí họ còn khuyên nhau một câu rất tiêu cực là: nhà báo nói sai cũng đừng có cãi. Vì cãi nó thì chuyện nọ rọ sang chuyện kia, bởi cuộc đời của mình đâu phải chỉ có một chuyện, chuyện nọ rọ sang chuyện kia thì không biết lối nào mà ra. Cho nên trong nghề làm báo, chúng mình cần thận trọng hơn. Victor Hugo thời xưa đã có lúc nói, đọc báo chỉ toàn thấy những chuyện xấu xa cả, làm cho con người chán nản. Bà Tống Khánh Linh bên Trung Hoa trong hồi ký của mình có viết, có lúc bà đã không hề muốn đọc báo, xem tivi…
Ở nước ngoài có rất nhiều người như thế. Họ bảo xem các chương trình thời sự trên tivi thì chỉ thêm bi quan về cuộc sống, trong khi cuộc sống thực hoàn toàn đâu có như thế.
- Nhưng cũng có nhiều người, kể cả bậc trí giả hẳn hoi, khen nghề làm báo lắm. Thậm chí còn khen một cách quá đáng nữa cơ. Thí dụ như có một câu như thế này: Nếu phải chọn giữa báo chí và nhà nước thì thà có báo chí mà không có nhà nước còn hơn là có nhà nước mà không có báo chí! Nói thế thì cũng quá, nhưng ở nước ngoài có người nói thế… Tuy nhiên, phải thấy vai trò quan trọng của báo chí trong dân chủ hóa xã hội mà Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng. Nhưng nhìn nhận một cách công bằng, xin lỗi bạn, phải thẳng thắn nhận là chất văn hóa của báo chí nhìn chung là chưa cao, trừ một số bài báo, một số tờ báo…
Nhìn chung, cả nhân loại cũng chưa bao giờ hài lòng về trình độ báo chí đương thời...
- Một tờ báo có số lượng phát hành cao thì cũng tốt, vì báo có công chúng đông. Nhưng cần nhất là những tờ báo sang trọng, có chất lượng cao. Một tờ báo không phải ngày nào cũng sang trọng được nhưng một cơ quan báo chí thì dứt khoát phải có những ấn phẩm sang trọng. Nếu anh đi xem những hiệu sách lớn ở trên thế giới thì anh sẽ thấy một điều, họ cũng có "sách đen" nhưng bao giờ "sách đen" cũng để dưới gầm, anh cần mua thì họ bán, còn các cuốn sách đã được để trên kệ thì đều là sách sang trọng cả. Thậm chí, có những người làm sách làm báo còn nói, cuốn sách sang trọng, tờ tạp chí sang trọng là phải sang trọng từ nội dung chữ nghĩa cho đến hình thức trình bày nên không đưa ảnh vào đấy. Có những anh cực đoan đến thế cơ! Theo họ, ảnh có thể làm cho chữ nghĩa cao lên hoặc thấp đi, nên ấn phẩm phải chỉ tuyền chữ nghĩa, sang trọng chính là chỉ còn chữ nghĩa. Một tờ báo nổi tiếng ở Pháp có một thời kỳ nêu cương lĩnh không bao giờ đăng ảnh, bởi vì theo ban biên tập, thực chất của họ là con chữ, chứ không phải là ảnh, vì ảnh không tôn được con chữ lên mà có khi còn làm sai lạc ý nghĩa của con chữ đi…
Ông nói thế khiến tôi nhớ tới một bài thơ của Tây Ban Nha, viết từ những năm 30 của thế kỷ trước. Bài thơ đó định nghĩa thế nào là thơ, tôi đã dịch ra tiếng Việt từ nguyên bản tiếng Tây Ban Nha. Đại ý bài thơ đó như sau:
"Hãy chẻ bài thơ ra từng từ một,
Và hãy tước đi tất cả
Điệu,
Vần,
Rồi tãi từ ra gió.
Nếu khi ấy vẫn còn điều gì đó,
Thì đấy, chính là Thơ!"
Nói quá lên thế nhưng thực sự Thơ theo đúng nghĩa của nó luôn là những con chữ sang trọng, không cần bất cứ sự phụ trợ nào nữa.
- Bây giờ tình hình khác rồi. Bây giờ thì ngay cả tờ báo ấy sau mấy chục năm cũng bắt đầu phải đăng ảnh rồi vì không có ảnh thì không có người mua. Nhưng quan điểm của họ vẫn là như thế: sách sang trọng, sách kinh điển là chỉ trình bày chữ, cái đẹp là ở sự trình bày chữ đẹp, chứ không được trình bày lòe loẹt minh họa hay ảnh...
Tôi nghĩ rằng, tôi cũng như ông, chúng ta rất đồng tình với nhau ở quan điểm, chuyện toàn cầu hóa là một xu hướng tất yếu rồi, mọi thứ Đông Tây nó phải có sự kết hợp và có những giá trị mang tính toàn nhân loại. Cái đó thì mình không phủ nhận. Nhưng đến bây giờ tôi vẫn nghĩ rằng, văn hóa mỗi miền đều có những đặc thù riêng. Cả văn hóa đọc cũng vậy. Và nếu tôi ở phương Đông, tôi mới chỉ đọc những sách kinh điển của phương Đông thì điều đó không có nghĩa là tôi không có văn hóa đọc.
- Đúng thế.
Tất nhiên, tôi cũng hiểu rằng, bể học là mênh mông, cần phải liên tục nạp tri thức, không ngừng, không nghỉ. Nhưng nói thực là tôi rất khó chịu khi nghe thấy ai đó bảo, nếu ta còn chưa đọc cuốn sách này hay cuốn sách kia từ một nền văn hóa mà trước đây, chúng ta còn chưa có điều kiện để tiếp cận tức là ta hoàn toàn không có văn hóa. Chẳng lẽ nếu người phương Đông trong giai đoạn lịch sử nào đó còn chưa biết đến văn hóa phương Tây thì có phải như thế là người phương Đông mông muội và không có văn hóa hay không?
- Thời kỳ anh Trần Hoàn còn làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, có lần tôi đã bàn với anh Trần Hoàn rằng, chúng ta phải tìm mọi cách để hỗ trợ việc dịch từ 100 đến 500 cuốn sách cơ bản có giá trị của loài người, từ thời cổ La Mã cho tới nay sang tiếng Việt. Bên Trung Quốc người ta đã làm xong việc trong 10 năm… Ta cũng phải làm xong chuyện ấy đi để cho tất cả người Việt Nam dù không biết ngoại ngữ thì cũng vẫn có thể tiếp cận được những giá trị văn minh của thế giới. Tuy nhiên, việc này đến gần đây vẫn chưa làm được. Nói một cách công bằng, rất cần tiếp thu những thành tựu văn hóa phương Tây đồng thời cũng không được xem nhẹ, thậm chí coi thường những giá trị văn hóa phương Đông. Bác Hồ của chúng ta ngay từ năm 1924, khi còn ở tuổi thanh niên, cũng đã nói rằng, Chủ nghĩa Mác cũng cần phải bổ sung thêm phần văn hóa phương Đông, chứ nếu chỉ tổng kết văn hóa phương Tây thôi thì phương Tây chưa phải toàn thế giới.
Tại sao lại nói phương Đông không có văn hóa đọc? Đạo Đức Kinh, Luận Ngữ, Kinh Vệ Đà, Kinh Pháp Hoa, rồi ngay ở ta, những Vân Đài Loại Ngữ, Kiến văn Tiểu lục, Bình Ngô Đại cáo… chẳng phải là những tác phẩm vĩ đại sao! Gần đây về hưu tôi mới có thời gian đọc từ nguyên bản một số tác phẩm triết học phương Đông và thấy rất sâu sắc, rất chí lý… Chẳng hạn Khổng Tử nêu về 9 điều cần có của người quân tử. Tất nhiên, khái niệm quân tử và tiểu nhân ở đây là theo tiêu chí của xã hội phong kiến, nhưng đến ngày nay, với chúng ta, những người làm báo, cũng có những điều hết sức bổ ích; chẳng hạn như trong 9 điều đó có những điều: "khi nhìn, phải nhìn cho minh bạch", "khi nghe, phải nghe cho rõ ràng", "nói năng phải trung thực", "điều gì nghi hoặc, phải hỏi han", "khi tức giận, phải nghĩ tới hậu họa", "khi thấy lợi, phải nghĩ tới điều nghĩa"… Tức là vấn đề văn hóa đọc ở đây, quan trọng là đọc gì và điều kiện cho người ta đọc, tiếp cận với tri thức của loài người, cần phải đọc cả tài sản tinh thần của phương Đông và phương Tây.
Tức là chúng tôi sẵn sàng lúc nào cũng mở lòng để biết thêm vì bể học mênh mông, nhưng trong một tình huống nào đấy, một hoàn cảnh nào đấy, chúng tôi chưa biết được tác phẩm ấy thì cũng đừng nhân danh mình là trí thức Tây học mà sỉ vả chúng tôi không có văn hóa đọc!
- Đúng vậy.
Hiện nay, một số người đang nói rất rầm rộ lên rằng, vai trò của trí thức là phải phản biện, phải tư duy độc lập, nhưng họ lại hiểu việc phản biện , việc tư duy độc lập ấy như cách nhìn, cách nói phải "kênh kênh" một chút với chính quyền đương nhiệm, thậm chí đôi khi là nói ngược. Và nhìn từ góc độ ấy, một số người cho rằng các cụ ta ngày xưa không phải trí thức. Theo những người này, kể cả các bậc sĩ phu ngày xưa cũng chưa phải trí thức vì luôn luôn nhất nhất nghe lời vua, đều hành xử theo cách trung quân rồi ái quốc (?!). Ông nghĩ thế nào về vấn đề này? Chúng ta phải nhìn có cái nhìn biện chứng thế nào để thấy là trí thức không phải lúc nào cũng phải nói ngang, tức là khi người ta nói A thì mình phải nói B, khi vua nói A thì anh phải nói B thì mới là trí thức?
- Theo Nghị quyết 7 của Trung ương về vấn đề trí thức vừa rồi, chúng ta định nghĩa trí thức là người có học vấn cao, chuyên môn cao trong từng lĩnh vực, tức là ta đã không gắn khái niệm trí thức với bằng cấp. Ngày xưa Đào Duy Từ cả cuộc đời có đỗ gì đâu mà cả nước gọi bằng thầy. Bác Hồ ta cũng vậy, nhưng là Danh nhân Văn hóa thế giới… Trí thức là người có học vấn cao, trong đó có những người có bằng cấp và có những người không có bằng cấp nhưng người ta tự học mà trở thành những trí tuệ lỗi lạc. Nhưng có điều kiện thứ hai rất quan trọng trong khái niệm trí thức là phải có tư duy độc lập, sáng tạo. Và cái thứ ba là phải có khả năng truyền bá. Sinh thời, ông Nguyễn Khắc Viện có lần đã tâm sự với tôi rằng, đối với một tờ báo thì số lượng phát hành rất quan trọng, nhưng cái quan trọng nhất là phải nắm được đội ngũ độc giả đỉnh cao vì chính những độc giả tinh hoa sẽ làm việc truyền bá những gì đã được viết trên tờ báo.
Tác động tới xã hội của tờ báo nhờ việc ấy sẽ lớn hơn nhiều cái số lượng phát hành cụ thể của tờ báo.
- Rộng hơn nhiều, nó ngấm vào người ta và nó biến thành cái của người ta, đấy mới quan trọng. Cho nên, tờ báo sang trọng không nhất thiết có tiara lớn, nhưng nó nhằm vào độc giả tinh hoa và độc giả tinh hoa ấy có khả năng truyền bá. Còn phản biện chỉ là một khả năng của trí thức. Nói chữ phản biện thì nên hiểu như thế này, về mặt khoa học, phản biện khác với phản bác. Một số anh em bây giờ hay nhầm phản biện với phản bác. Phản biện là nêu lên cái này được, cái này còn thiếu, cái này không được; phản biện khoa học là như thế, trong phản biện có phần phản bác nhưng không phải tất cả là phản bác. Trên thế giới người ta đều nói rằng, báo chí làm nhiệm vụ phanh phui là biểu hiện sự dũng cảm, nhưng khi báo chí đưa ra được các giải pháp cho các khúc mắc còn tồn tại thì mới là báo chí xây dựng, đóng góp…
Mới là báo chí anh minh…
- Tức là anh phanh phui cũng tốt, nhưng anh phanh phui thì mới biểu hiện thái độ dũng cảm thôi, chưa đóng góp gì lắm đâu. Báo chí giải pháp là đàn anh của báo chí phanh phui.
Một số người có thiên hướng phanh phui và để đấy, chỉ làm rối mọi sự thôi chứ không nghĩ ra tìm lối thoát hay cách tháo gỡ.
- Cái này thì trên thế giới người ta cũng đã kết luận rồi, chứ không phải ở nước ta đâu. Báo chí giải pháp mới là báo chí đàn anh, mà người làm báo có đưa được ra giải pháp thì mới là người làm báo đỉnh cao. Người làm báo phanh phui giỏi lắm cũng bằng anh công an, anh điều tra viên, thám tử tư thôi, chứ chưa phải là anh xây dựng…
Một số người cứ nói trí thức là phải đứng đối lập với những người cầm quyền. Cứ nói như thế thì Nguyễn Trãi không phải trí thức hay sao? Ông nghĩ thế nào, cách nhìn thế nào vấn đề đánh giá trí thức đích thực?
- Vì trí thức có tư duy độc lập, có học vấn nên những đóng góp ý kiến của trí thức không phải lúc nào cũng trùng khít với ý của người lãnh đạo. Nên ở ta có tình trạng một số lãnh đạo trọng trí thức nhưng cũng có khi ngại gặp trí thức, vì họ không muốn nghe những lời trái với ý kiến mình. Bây giờ muốn trí thức đóng vai trò phản biện tốt thì phải mở rộng dân chủ. Và người trí thức khi phản biện cũng nên hiểu rằng anh có nghĩa vụ bảo vệ chân lý nhưng còn có nghĩa vụ công dân trong quá trình phản biện, tức là phản biện một cách xây dựng...
Không phải phản bác?
- Tất nhiên, phải phản bác những gì không đúng, không tốt. Bác Hồ cũng nêu nhiệm vụ "Phò chính, trừ tà". Lãnh đạo cũng là con người, cho nên lãnh đạo nào cũng có thể có khuyết điểm hay những điều chưa hẳn đã chu toàn, nhưng khi anh phản biện, phê phán, thì anh phải đứng ở tâm thế như người trong cuộc. Anh nên hiểu rằng, trong mọi sự đang diễn ra đều có phần trách nhiệm của anh, chứ anh không phải là người vô can…
Ngay những người dân thường phải có trách nhiệm liên đới; một dân tộc thế nào mới có một chính phủ như thế chứ… Chính phủ có tự nhiên sinh ra đâu, chính phủ nào mà chẳng được hình thành từ dân…
- Cho nên khi nói về trí thức trong Nghị quyết của Trung ương vừa rồi có nói tới trách nhiệm trí thức đối với Tổ quốc, đối với dân tộc, với mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Nhưng trí thức còn có trách nhiệm với bản thân, anh phải tự rèn luyện bản thân mình để làm được việc đó…
Một mặt, người lãnh đạo rất cần được nghe người trí thức phản biện, góp ý kiến, nhưng mặt khác, về phần người trí thức thì cũng rất cần biết không phải nói theo bất kỳ kiểu nào, mà phải nói thế nào đấy để người ta nghe lọt và mình có tính xây dựng chứ không phải nói thế nào để làm tan "cuộc chơi". Tính xây dựng của người trí thức là rất quan trọng, có phải không, thưa ông?
- Đó là trách nhiệm công dân. Nếu anh xây dựng cho Tổ quốc mình thì đừng gây nên sự mất ổn định, gây nên phân tâm.
Trong mọi chuyện, ngay cả trong sự góp ý cũng cần có tính xây dựng. Tức là sao? Nếu người trí thức cho rằng ý kiến mình là phải, mình nói ra điều phải, nhưng nếu người trí thức không làm cho điều phải ấy được người cần nghe thông hiểu thì cũng không nên chỉ trách người nghe mà phải tự trách mình trước, mình đã không biết cách truyền bá điều phải… Đã là trí giả thì phải như thế, phải "tiên trách kỷ"… Trong cuộc tranh cử của Mỹ bây giờ, trên cơ sở dữ liệu thống kê, các ứng cử viên nói ra điều đúng chưa chắc đã hay, bởi vì, lúc nào nói những điều đúng gì để cho cử tri nghe, tin mình mới là điều quan trọng. Ở Mỹ còn như thế nữa là ở Việt Nam. Ông công nhận như vậy không?
- Tôi đồng ý và xin nói thêm: Lĩnh vực tư tưởng là lĩnh vực đối với đời sống tinh thần của con người. Trong lĩnh vực tư tưởng phải có tính chiến đấu và sức thuyết phục. Nhưng chỉ có sức thuyết phục bằng lý lẽ khoa học, cách xử lý hợp lý, đầy chất nhân văn thì tính chiến đấu mới có hiệu quả. Hợp lý, có lý lẽ thuyết phục thì người ta sẽ nghe theo tự nguyện, bền vững; còn gây ra sự sợ hãi thì có tuân theo nhưng trong lòng không phục, cho nên không thể lâu bền.
Nếu nhìn về xã hội hiện tại cũng như nhìn về quá khứ lịch sử dân tộc, thì người trí thức thực sự cần phải có góc nhìn biện chứng, không nên áp dụng những tiêu chí từ đâu đấy về để đánh giá những cái đã diễn ra trong những điều kiện lịch sử xã hội hoàn toàn khác. Bởi nếu làm như thế thì sẽ dẫn đến chuyện chúng ta phủ nhận vai trò của tiền nhân một cách vô lối.
- Quyết định nào nó cũng có bối cảnh lịch sử của nó. Có nhiều thí dụ về những việc như thế lắm.
Vâng. Xin cảm ơn nhà báo lão thành Hữu Thọ.
Hồng Thanh Quang (thực hiện)
Theo Đại Đoàn Kết
Bình luận: 0