Nhà báo chiến trường tạo nên lịch sử với tư cách là nhân chứng
20:45 28/03/2017
- Lý luận thực tiễn

Phóng viên chiến trường là dũng cảm, dấn thân bất chấp mọi nguy hiểm
Dũng cảm, dấn thân bất chấp mọi nguy hiểm
Theo ủy ban Bảo vệ các nhà báo quốc tế (CPJ), trong 20 năm qua đã có gần 1.000 nhà báo trên thế giới bị giết hại, trong đó phần nhiều là các phóng viên chiến trường. Con số thương vong của các nhà báo chiến trường không ngừng gia tăng theo từng năm. “Năm 2011, 46 nhà báo thiệt mạng. Năm 2012 có 71 nhà báo trên thế giới hy sinh khi đang tác nghiệp, trong số này có 26 nhà báo chết giữa các trận chiến. Năm 2013 con số này “vọt” lên tới 108...
Bên cạnh đó, nhà báo viết về đề tài chiến tranh còn luôn phải chứng kiến sự chết chóc, đau thương bởi sự tàn khốc của các cuộc chiến tranh. Khi ở trên chiến trường, nhà báo dành trọn mọi giác quan, tình cảm, ý nghĩ để có được những thông tin nóng hổi về cuộc chiến. Không ít nhà báo đã mắc các hội chứng tâm lý, những ám ảnh về sự tàn khốc của chiến trận. Chính vì vậy, nhà báo viết về đề tài chiến tranh phải là những nhà báo có lòng dũng cảm, dám chấp nhận rủi ro, chấp nhận hi sinh, đồng thời phải là người giàu kinh nghiệm và có kĩ năng tốt.
Trước khi ra chiến trường, họ phải được trang bị những kỹ năng đặc biệt để sinh tồn trong điều kiện chiến tranh hay tồn tại các điểm nóng giao tranh. Đó là các kỹ năng tự vệ cá nhân trước các tình huống nguy hiểm bất ngờ có thể xảy đến, kỹ năng thoát hiểm trong những tình huống nguy hiểm đến tính mạng, kỹ năng chịu đựng trong những điều kiện khắc nghiệt như: đói, rét, thiếu thốn về mọi thứ, kỹ năng sơ cứu trong các trường hợp bị thương nhẹ, kĩ năng hợp tác và hỗ trợ đồng đội cùng tác nghiệp trên hiện trường...
Bản lĩnh vững vàng, kiến thức sâu
Những vấn đề trọng tâm trong báo chí về chiến tranh rất đa dạng như: hậu quả chiến tranh, dã tâm chiến tranh, nhân vật chiến tranh,... Báo chí không chỉ thông tin mà còn phải làm nhiệm vụ định hướng. Nhà báo cần có nhãn quan chính trị để đưa tin đúng định hướng, qua đó thể hiện quan điểm, thái độ, lập trường của đất nước. Nhãn quan chính trị giúp nhà báo hiểu phải lựa chọn góc độ như thế nào, phản ánh ở mức độ nào, lựa chọn ngôn ngữ như thế nào để vừa đưa tin khách quan về cuộc chiến vừa không gây ảnh hưởng, làm tổn hại đến các mối quan hệ chính trị - ngoại giao của đất nước.
Khi viết về chiến tranh, nhà báo cần hiểu biết về lịch sử thế giới, các biến cố cột mốc sự kiện diễn ra trong lịch sử các cuộc chiến tranh từ quá khứ đến hiện tại; hiểu mối quan hệ giữa các nước, lịch sử tồn tại mâu thuẫn, phân tích nguyên nhân, dự báo xung đột... Kiến thức lịch sử càng có chiều sâu về thời gian, bề rộng về không gian, càng giúp nhà báo viết sâu sắc, phân tích thấu đáo và đưa ra các dự báo phù hợp.
Nhà báo cần phải biết nơi chiến sự xảy ra, môi trường, khí hậu như thế nào và lịch sử, truyền thống của vùng đất, đặc điểm của con người ở đó. Những điều này giúp nhà báo tồn tại và tác nghiệp tốt.
Ngoài ra, các nhà báo viết về đề tài chiến tranh cần có những hiểu biết nhất định về tâm lý của những người dân tại địa phương, tâm lý của những binh sĩ đang chiến đấu tại chiến trường. Hiểu được suy nghĩ của họ về cuộc chiến, hiểu được các hành động của họ, hiểu về điều kiện sống, hoàn cảnh, điều kiện giáo dục, các phong tục tập quán, tín ngưỡng của họ, nhà báo sẽ có những đánh giá khách quan, sâu sắc hơn về cuộc chiến đang diễn ra.
Nguy hiểm đến cả mạng sống luôn kề bên những phóng viên chiến trường
Tôn trọng sự thật chính nghĩa
Trong đề tài chiến tranh, nhà báo phải tôn trọng sự thật, tôn trọng chính nghĩa, lên án và phê phán các thế lực xâm lược, các nước đế quốc thực hiện chủ nghĩa bành trướng,... Những hình ảnh chân thực về cuộc chiến chính là mục tiêu để nhà báo dấn thân vào cam go, nguy hiểm. Quá trình dấn thân đó, nhà báo cần phải điều khiển được yếu tố cảm xúc cá nhân, chủ động với tình huống, vận dụng sáng tạo các kĩ năng, từ đó nắm bắt được những hình ảnh, chi tiết đắt giá nhất cho tác phẩm báo chí của mình. Đó có thể là những hình ảnh bom đạn nguy hiểm, cũng có thể là những hình ảnh tang tóc thương tâm. Đứng trước những cảnh tượng có thể gây chấn động tinh thần mạnh, nhà báo cần có đủ sự bình tĩnh để lựa chọn phương án tốt nhất sao cho vừa bảo toàn tính mạng vừa ghi lại được những khoảnh khắc chân thật nhất của cuộc chiến, cống hiến cho công chúng những tác phẩm có giá trị.
Peter Arnett, cựu phóng viên chiến trường 75 tuổi của hãng tin AP, CNN, người được coi là “huyền thoại sống” của báo chí thế giới từng chia sẻ trong bài trả lời phỏng vấn của báo Thanh niên: “Những câu chuyện của tôi đều trần trụi, không màu mè, kèm theo những chi tiết rất cụ thể, rất thực tế về những vinh quang và mất mát của chiến tranh.
Làm phóng viên chiến trường, không đơn thuần chỉ là một công việc, nó là một nhiệm vụ. Dĩ nhiên, cùng với niềm tin đó, bạn cần mài giũa sắc bén kỹ năng báo chí để có thể mở rộng đến tối đa tham gia vào quá trình tạo nên lịch sử với tư cách một nhân chứng.(2)"
Tuy nhiên, nhà báo cần lựa chọn những hình ảnh vừa phản ánh cuộc chiến một cách trung thực nhất nhưng cũng phải có tác dụng chống chiến tranh. Nhiều khi, những hình ảnh phụ nữ, trẻ em bị thương, người già đói khổ bởi chiến tranh... sẽ có tác dụng chống chiến tranh nhiều hơn là hình ảnh người lính. Có thể kể đến bức ảnh “Em bé Napalm” của tác giả Nick út đã đoạt giải Pulitzer - giải thưởng danh giá về lĩnh vực báo chí năm 1973. Sau khi bức ảnh này được công bố, đã dấy lên làn sóng phản đối chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Cái nhìn nhân văn
Là người trải nghiệm thực tế chiến trận, nhà báo có thể ghi lại vô số các chi tiết chân thực, nóng hổi về cuộc chiến. Tuy nhiên, khi tạo dựng tác phẩm, tâm hồn nhân ái và tinh thần nhân đạo chính là “kim chỉ nam” định hướng cho những gì mà nhà báo thể hiện thông qua tác phẩm. Tác phẩm báo chí về đề tài chiến tranh phải thể hiện được lòng yêu cái thiện, cái đẹp, thể hiện được sự mong muốn hòa bình trên toàn thế giới nói chung cũng như ở mỗi quốc gia nói riêng.
Nhà báo phải đứng về chính nghĩa, bảo vệ những nước bé, yếu thế và phê phán những nước đi xâm lược. Thông qua tác phẩm báo chí về chiến tranh, nhà báo mang tinh thần nhân đạo truyền tới công chúng, để từ đó tình yêu hòa bình, lòng nhân ái, nhân đạo được lan tỏa tới đông đảo con người trên hành tinh này.
Ví dụ, những bài báo chân thực phản ánh những sự mất mát, nỗi đau của nhân dân Việt Nam, sự tàn ác, vô nhân đạo của những kẻ xâm lược, sự tàn phá của bom đạn trong cuộc chiến tại Việt Nam từ các nhà báo chiến trường trên khắp thế giới đã giúp nhân dân thế giới nhận ra sự vô nghĩa của cuộc chiến mà Mỹ đã gây ra ở Việt Nam, tạo ra một phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam mạnh mẽ trên khắp thế giới trong giai đoạn 1965 - 1970, góp phần vào thành công của cuộc đàm phán Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
Nhà báo đang sống ở thời bình viết về đề tài chiến tranh có thể chọn chủ đề về sự đói khổ, đau thương của những người nông dân chân lấm tay bùn trở về từ chiến tranh, những nạn nhân mang trong mình căn bệnh quái ác do bị nhiễm chất độc hóa học dioxin... Đề tài đó thể hiện vẻ đẹp của lòng từ tâm và thái độ ứng xử của nhà báo, đó là biết trân trọng và có trách nhiệm đối với con người./.
TS. Đinh Thị Thu Hằng
Phó Trưởng Khoa Phát thanh - Truyền hình
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
--
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Thư, “Số phận nghiệt ngã của những phóng viên chiến trường thời nay” đăng trên congluan.vn
2. “Peter Arnett:Đừng sợ khi nói sự thật!" đăng trên website vietnamjournalism.com
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Phát huy vai trò Cựu chiến binh tham gia xây dựng chỉnh đốn Đảng trong hoạt động báo chí (07:22 30/12/2022)
- Xuất bản sách dịch góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước tình hình mới (09:46 01/11/2022)
- Giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức về bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân Việt Nam (09:31 28/07/2022)
- Quản trị toà soạn báo mạng điện tử trong bối cảnh đại dịch Covid-19 (03:05 08/07/2022)
- Quản lý quy trình tổ chức sản xuất các tuyến bài điều tra trên Báo Đại Đoàn Kết (05:07 07/07/2022)