Người tiếp lửa làng nghề

18:20 17/04/2017 - Danh mục
Người làng Đại Bái (Gia Bình, Bắc Ninh) nhiều năm nay vẫn truyền nhau câu nói “Nhất Lục khảm, nhì Hùng chạm” với niềm tự hào, trân trọng khi làng nghề có những nghệ nhân mà tay nghề được xếp vào hàng điêu luyện, được tôn vinh “Bàn tay vàng”.

Nghệ nhân Hoàng Văn Hùng (SN 1972) được xem như là người tiên phong đầu tiên của làng Đại Bái với nghề chạm khắc tranh đồng.

“Chính mình tạo nên thương hiệu thì mới bền vững”

PV: Thưa anh Hùng, được biết làng Đại Bái xưa vốn nổi tiếng với nghề gò đúc đồng khá phát triển. Vậy tại sao anh không tiếp tục nối nghiệp của cha ông từ xưa mà quyết định theo một hướng đi mới làm nghề chạm khắc tranh đồng?

- Nghệ nhân Hoàng Văn Hùng: Nghề gò đúc đồng là nghề truyền thống của làng Đại Bái được lưu giữ theo hình thức cha truyền con nối. Thời điểm ấy, việc sản xuất còn thủ công nhỏ lẻ, vất vả, độc hại lại không có tương lai nên tôi cũng muốn học một nghề nào đó vẫn giữ được nét đẹp làng nghề truyền thống quê hương, vừa mang lại thu nhập cao hơn cho gia đình nên tôi quyết định lên Hà Nội theo học nghề làm bạc của nghệ nhân Nguyễn Đức Trì trong 3 tháng và cải tiến nên nghề chạm khắc tranh đồng như hiện nay.

Nghệ nhân Hoàng Văn Hùng là người tiên phong nghề chạm khắc tranh đồng Đại Bái

PV: Bước đầu vào nghề chạm khắc tranh đồng, anh đã phải đối mặt với những khó khăn gì?

- Nghệ nhân Hoàng Văn Hùng: Khó khăn ban đầu có lẽ là áp lực về vốn lập nghiệp. Vốn ban đầu mà tôi có được rất ít, chủ yếu là vốn tự có, ngoài ra có vay mượn thêm bà con hàng xóm nhưng cũng không được là bao. Tuy nhiên, nhận được sự động viên của gia đình, tôi quyết định lập nên xưởng sản xuất tranh đầu tiên vào năm 2003.

Thời điểm ấy, sản phẩm tranh đồng làm ra chưa được nhiều người biết tới nên sức tiêu thụ kém. Để giới thiệu, quảng bá sản phẩm tôi phải mang tranh đi bán dạo, bán rong dọc các tỉnh Hòa Bình, Hải Dương, Hà Nội,... nhưng việc tiêu thụ cũng chẳng được là bao.

PV: Trong thời điểm khó khăn ấy, anh đã có những biện pháp gì để quảng bá sản phẩm tranh đồng Đại Bái được nhiều người biết tới?

- Nghệ nhân Hoàng Văn Hùng: Trong cái khó lại ló cái khôn. Năm 2005, tôi quyết định đăng kí một gian hàng tại Hội Lim - Bắc Ninh để giới thiệu bản thân cũng như các sản phẩm của mình. Các sản phẩm lúc ấy chủ yếu là các bức tranh đồng do chính tay tôi chạm khắc với chủ đề nông thôn được mọi người đón nhận khá nhiệt tình.

Những năm sau đó, tôi lần lượt đăng kí tham gia nhiều chương trình hội chợ, triển lãm: Hội thi tay nghề Việt Nam, Hội hoa chợ Tết 2012, Festival hoa Đà Lạt,... và cũng giành được giải thưởng. Khi ấy, sản phẩm được biết tới nhiều hơn, khách hàng cũng chủ động đến tận nhà đặt mua mà không cần phải quảng bá nhiều nữa, số lượng tranh vì thế cũng tăng lên dần. Hiện nay, tôi đã có được hai cơ sở sản xuất với thu nhập 2-2.5 tỷ đồng/ năm.

PV: Để tạo nên được một sản phẩm tranh đồng đẹp, theo anh khó nhất ở điều gì?

- Nghệ nhân Hoàng Văn Hùng: Chủ yếu là cái tâm của người thợ. Mỗi sản phẩm đòi hỏi sự cầu kỳ, nhập tâm của người thợ, không được làm bất cứ việc khác khi chạm khắc. Không được nóng vội, tâm trạng phải thật thoải mái để có thể làm nên những sản phẩm đẹp nhất. Khi nghiên cứu, tìm tòi, sáng tác một tác phẩm nào đó, tôi say mê làm ngày làm đêm, đến nỗi quên cả ăn ngủ. Sản phẩm làm ra không ưng ý bỏ đi làm lại, làm đến khi nào thấy mãn nguyện thì thôi.

PV: Hiện nay trên thị trường, các sản phẩm tranh chạm khắc đồng được sản xuất chủ yếu theo hình thức công nghiệp, vừa tạo ra nhiều sản phẩm lại mang lại lợi nhuận cao, nếu không tinh ý rất khó phân biệt với sản phẩm làm thủ công. Vậy anh đã có những “chiêu” gì để giữ nét riêng trong các sản phẩm tranh của mình?

- Nghệ nhân Hoàng Văn Hùng: Tranh đồng hiện nay đúng là được sản xuất công nghiệp nhiều, giá lại rẻ. Tuy nhiên với những người tinh ý thì dễ dàng nhận ra. Đường nét trong các sản phẩm công nghiệp khá cứng, chỉ là sự lặp đi lặp lại theo tính chất rập khuôn.

Nhiều cơ sở sản xuất hiện nay chỉ chú trọng số lượng và doanh thu mà mất đi ý nghĩa quý giá của các bức tranh chạm khắc đồng. Với tranh thủ công đường nét sẽ mềm mại, uyển chuyển hơn rất nhiều. Hiện nay trên thị trường có khoảng 80% tranh chạm đồng lấy mẫu từ sản phẩm của tôi và cậu em trai.

Cho đi là nhận lại

PV: Học viên của anh đến từ rất nhiều nơi, người thành đạt cũng rất nhiều. Việc truyền dạy như vậy anh có sợ làng nghề chạm khắc tranh đồng này bị phổ cập hóa, sẽ có thêm nhiều làng Đại Bái ở những địa phương khác không?

- Nghệ nhân Hoàng Văn Hùng: Nghề chạm khắc tranh Đại Bái vừa được cấp Nhãn hiệu tập thể đồng Đại Bái vào năm 2016. Việc truyền dạy cho học viên ở địa phương hay những nơi khác cốt yếu dạy cho họ có cái nghề để họ sinh sống, họ giỏi hơn mình thì mình lại càng vui. Còn việc họ tiếp tục nghề ở những địa phương khác cũng không sao, như vậy tranh chạm khắc đồng lại được nhiều người biết tới hơn nữa.

PV: Được biết, anh truyền dạy nghề cho học viên mà không thu bất cứ khoản học phí nào, mọi chi phí học tập anh đều tài trợ cả, lại dạy cho đến khi học viên thuần thục nghề. Xin anh chia sẻ thêm về vấn đề này?

- Nghệ nhân Hoàng Văn Hùng: Học viên của tôi hiện nay có tới hàng trăm người, trong đó có 20 người tay nghề giỏi, thậm chí giỏi hơn cả tôi. Bản thân tôi yêu nghề, muốn truyền lại cho thế hệ sau, những người yêu nghề thực sự để làm sao nhân rộng nghề này càng rộng càng tốt.

Mọi chi phí ăn ở, dụng cụ học tập cho học viên tôi đều lo hết để mọi người yên tâm học tập... Chi phí thì tôi lấy từ thu nhập bán tranh của gia đình, mong sao học xong mọi người có cái nghề ổn định mà sinh sống.

PV: Anh không sợ mình nghèo đi sao?

- Nghệ nhân Hoàng Văn Hùng: Tôi vẫn thường nói vui với mọi người rằng nếu trước kia theo nghề đúc đồng của cha ông giờ tôi giàu lắm, từ khi chuyển sang nghề chạm khắc tranh này tôi mới nghèo đi thôi. Kinh tế tuy đôi phần hao hụt tài trợ cho các cháu nhưng tâm mình thấy vui, vui vì các bạn trẻ giờ khéo tay hơn, giỏi hơn mình ngày trước, vui vì thấy nghề chạm khắc tranh này sẽ được tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thế là giàu ấy chứ. Cho đi là nhận lại mà, mà nhận lại từ các bạn trẻ còn nhiều hơn ấy chứ.

PV: Có trong tay 17 tấm bằng khen các loại và đang được được xem xét đề nghị công nhận Hội viên nông dân xuất sắc của Trung ương, anh có cảm thấy hài lòng với kết quả mình đạt được. Mục tiêu phấn đấu trong tương lai của anh là gì?

- Nghệ nhân Hoàng Văn Hùng: Tôi cũng chưa cống hiến nhiều cho quê hương nên cũng nhiều trăn trở lắm, chưa thể hài lòng được. Giờ cũng lớn tuổi rồi, tôi chỉ mong sao thể truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ để làm sao mở rộng và phát triển làng nghề, kinh tế trong làng dần một phát triển, làm sao để làng nghề mãi mãi giữ gìn được nét đẹp truyền thống vốn có của nó.

PV: Xin cảm ơn anh về buổi trò chuyện này!

Phạm Dịu

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top