Người làm báo cần trong sáng với nghề
15:11 07/08/2018
- Bình luận
Nếu trước đây, phương tiện tác nghiệp không thể thiếu của người làm báo là
cuốn sổ, cây bút, máy ảnh, lăn lộn thực tế cơ sở, bắt buộc có mặt tại hiện trường.
Ngày nay, phóng viên chỉ cần một chiếc smart phone (điện thoại thông minh)
gọn nhẹ là đã đầy đủ các chức năng, ghi hình, ghi âm. Phóng viên càng không
nhất thiết phải có mặt tại hiện trường mới làm được tin, bài.
Công nghệ hiện đại đã giúp nhà báo dễ dàng tạo ra được những tác phẩm báo chí. Ảnh: TL
Tính hai mặt của công nghệ
Công nghệ 4.0 cũng giúp cho toàn xã hội nói chung và người làm báo nói riêng, khai thác thông tin, tài liệu một cách vô cùng dễ dàng, tiện lợi. Điều này hỗ trợ rất tốt cho công việc của phóng viên, nhà báo. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, cũng chính những tiện ích này đã “tiếp tay”, khiến không ít người làm báo vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp.
Không hiếm trường hợp “đạo” tin bài, đạo nguyên nội dung, hoặc lấy một phần để chế biến thành tác phẩm khác. Sự tác nghiệp tưởng như hết sức vô lý này không chỉ ở các thể loại tin, bài phản ánh, phóng sự... mà còn ở cả các bài phỏng vấn. Không ít “người được phỏng vấn” từng phải kêu trời và đăng đàn đính chính những thông tin họ không hề phát ngôn.
Cũng nhờ tiện ích của 4.0, một số nhà báo tác nghiệp theo hướng “sản xuất đại trà”, viết một bài rồi gia giảm đôi chút để cộng tác với nhiều tờ báo, tạp chí... Thời gian gần đây, tác nghiệp của người làm báo còn chịu ảnh hưởng rất nhiều của mạng xã hội. Một số nhà báo phóng viên, thay vì đi tìm hiểu thực tế, đã khai thác nội dung từ các trang cá nhân mà hoàn toàn thiếu kiểm chứng, dẫn đến việc thông tin thiếu chính xác.
Chính việc sao chép quá dễ dàng, cùng với sự buông lỏng của tòa soạn, là nguyên nhân khiến phóng viên chỉ cần ngồi lướt phím là đã sản xuất được tác phẩm báo chí, thậm chí còn “năng suất” hơn cả những người làm nghề nghiêm túc. Những tác phẩm báo chí như vậy, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của tòa soạn, cơ quan báo chí mà còn gây tiếng xấu cho cả đội ngũ những người làm nghề.
Cũng cần phải nói thêm một tình trạng đáng suy nghĩ hiện nay là “nhân bản” và “chia sẻ” tác phẩm báo chí. Đó chính là việc, một phóng viên bằng nguồn tin của mình có được một bài viết về một vấn đề, sự việc tại một địa phương, đơn vị. Phóng viên đó viết bài và email cho đồng nghiệp của mình tại các báo nguyên văn bài viết đó kèm ảnh.
Và một cách làm báo dễ dãi là nhiều báo mạng đã không kiểm chứng thông tin đã đăng tải bài viết này sau khi chỉnh sửa, đảo tít (nếu có). Cách làm báo này vừa vi phạm quy định một tác phẩm chỉ đăng ở một báo mà điều đáng nói là đã dùng nhiều báo “đánh hội đồng”, “vùi dập” đơn vị và địa phương đó... mục đích cuối cùng là câu view, là để bạn đọc chú ý đến báo mình, để mặc cả, vòi vĩnh, trả giá... để rồi “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” như Ban Tuyên giáo Trung ương đã đánh giá.
Việc viết bài mang tính quy chụp, giật tít việc nhỏ biến thành to, sử dụng danh từ địa phương cấp tỉnh vào một sự việc, vấn đề cụ thể ở một đơn vị... để tạo tính giật gân, quy kết xảy ra thường xuyên. Kiểu làm báo này đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức người làm báo, khi mà phóng viên chỉ chăm chăm đi bới móc, tìm điểm sai sót của các địa phương, đơn vị mà không thông tin, đăng tải những cố gắng, nỗ lực của địa phương, đơn vị và lĩnh vực đó lên trang báo của mình đang công tác.
Người làm báo cần trong sáng với nghề. Ảnh: TL
Câu chuyện đạo đức nghề
Kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, tôi nhận được tin nhắn của một đồng nghiệp làm báo của một tờ báo tại Hà Nội tâm sự về việc có liên quan đến địa phương; xin được thông tin nội dung lên đây để chúng ta cùng suy nghĩ: “Dạo này làm báo cực nhọc quá anh ạ. Thật giả lẫn lộn cả. Một sự việc bé con con, ở trên địa bàn anh mà các đồng chí ấy chia sẻ khắp các báo Trung ương. Mục đích, động cơ hành động chia sẻ ấy là gì?
Hôm vừa rồi em đi họp, ngồi nói chuyện mới cảm nhận thấy rõ sự phiền hà, khi mà một lãnh đạo Sở trong vòng một tháng thôi mà tiếp đến hơn 50 báo mà danh sách vẫn còn thêm nữa. Danh sách kê ra dài đến mức mình ngột thở. Một tiếng điếng lòng cho nghề.
Thực tế sự việc này, tất cả mọi người đều biết nguồn cơ hồ sơ, “tài liệu” ở chỗ nào mà ra. Trong quá trình tìm hiểu hiện tại, anh em làm báo thường trú trên địa bàn tỉnh cơ bản nhiệt tình với nghề, nhưng hiện nay, vì một vài lý do mà một số anh em “lành” đang phải chịu sự ảnh hưởng không đáng có về cái sự làm báo vừa vi phạm đạo đức nghề nghiệp vừa có dấu hiệu vi phạm pháp luật...”. Thật buồn...
Bên cạnh tác nghiệp, việc phóng viên, nhà báo sử dụng mạng xã hội để chia sẻ và đăng tải thông tin, bày tỏ quan điểm về các vấn đề xã hội là khá phổ biến. Trang cá nhân của mỗi nhà báo đều có một lượng độc giả và sức lan tỏa nhất định, thậm chí, có người có đến cả ngàn người theo dõi, có sức ảnh hưởng xã hội đáng kể.
Có thể thấy, trong thời buổi người người làm báo và mạng xã hội đang phát triển rầm rộ như hiện nay, rõ ràng các nhà báo đang gặp phải rất nhiều thách thức. Đó là có khả năng mất trận địa thông tin. Thực tế cho thấy, có những sự kiện, các báo chính thống còn chưa kịp tác nghiệp, trên các trang mạng xã hội đã ngập tràn.
Để giải quyết được vấn đề này, mỗi nhà báo phải tạo cho mình một bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, để lựa chọn vấn đề, chắt lọc thông tin; đồng thời, về phía tòa soạn cũng phải mạnh dạn trao quyền cho các nhà báo, với những sự kiện nào, với những thông tin nào, phóng viên có thể tự kiểm duyệt, đăng tải ngay trên các trang báo điện tử, đảm bảo tính nhanh nhạy.
Nhưng, để làm được điều này, đòi hỏi mỗi nhà báo phải như là một Tổng Biên tập trong từng tác phẩm, sản phẩm thông tin, báo chí của mình, tức là phải khắt khe, tự kiểm duyệt, phải đảm bảo hoạt động báo chí của mình là đúng và kịp thời. Muốn vậy, bản thân mỗi nhà báo phải tự nâng mình lên về trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và bản lĩnh của một nhà báo chân chính.
Bác Hồ tặng hoa cho các nhà báo. Ảnh tư liệu
Có thể nói, đây là thời điểm mà vấn đề đạo đức của người làm báo đã và đang được đặt ra là vấn đề bức thiết với đời sống báo chí cả nước. Chúng ta làm báo theo Luật Báo chí; đạo đức người làm báo giúp chúng ta có sự lựa chọn đúng khi “nên” và “không nên” viết về các sự kiện, sự việc diễn ra trong cuộc sống.
Với sự phát triển đa dạng và nhanh chóng, đã có rất nhiều tờ báo và các trang điện tử, báo điện tử ra đời, cạnh tranh với đó là hệ thống mạng xã hội có sự tham gia của đông đảo công chúng. Trong đó có rất nhiều nhà báo và người làm báo, nếu như không có đạo đức nghề nghiệp sẽ phai nhạt “niềm tin” đối với báo chí.
Thực tế cho thấy, trong biển thông tin đã có rất nhiều thông tin bị nhào nặn, bóp méo, thiếu kiểm chứng được đưa đến công chúng... tạo nên sự sai lệch trong tiếp cận thông tin. Ở đấy, vấn đề đạo đức người làm báo chưa thật sự được quan tâm, chú trọng.
Vì lợi nhuận, vì đồng tiền mà vô hình trung đã tạo tiền lệ cho sự ra đời của “thông tin bẩn” như một số nhà quản lý báo chí đã đề cập... Do đó, trong kỷ nguyên số, mỗi nhà báo phải luôn tự rèn luyện bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp thì mới xứng đáng là những “người thư ký” của thời đại./.
Nguyễn Bảo Lâm - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên
Bình luận: 0