Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Một số vấn đề về đạo đức báo chí

19:10 22/02/2017 - Pháp luật
Dưới sự tác động của cơ chế thị trường, vấn đề đạo đức báo chí đã trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. Một số nhà báo vì những lợi ích cá nhân hay xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau đã đưa tin sai sự thật, đưa tin không kiểm chứng... gây ảnh hưởng đến việc tiếp nhận, nắm bắt tin tức của công chúng.

Ảnh minh họa

Một số nguyên nhân về sự sa sút đạo đức nghề báo

Sự thúc đẩy của lợi ích kinh tế

Cùng với việc không ngừng đi sâu hội nhập kinh tế thế giới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân cũng ngày càng được nâng cao nhưng vẫn tồn tại một bộ phận nhà báo vì chưa hài lòng với những gì đang có, nên đã bất chấp mọi thủ đoạn đưa tin sai sự thật nhằm mưu cầu lợi ích cá nhân, đáp ứng nhu cầu, tham vọng riêng của mình. Đưa tin sai sự thật là một trong số những thủ đoạn đó.

Thêm vào đó, dưới sự cạnh tranh mạnh mẽ và khốc liệt của báo chí truyền thông, thời gian đưa tin được tính đến từng giây, “thời gian là vàng”, do vậy vì thỏa mãn sự hiếu kỳ của công chúng mà một số nhà báo đã giả tạo tin tức, đưa tin không qua kiểm chứng hoặc thổi phồng tin tức nhằm “giật gân”, “câu khách”, mang lại lợi ích kinh tế lớn nhất có thể.

Còn nhớ vào ngày 13/10/2003, tin Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) khi đó là ông Phạm Văn Thiệt bỏ trốn lan truyền trên một số phương tiện truyền thông. Một ngày sau, ACB cũng như cả hệ thống ngân hàng bị chao đảo. Mặc dù sự cố này đã được giải quyết kịp thời và nhanh chóng nhưng cũng đã để lại những thiệt hại không nhỏ đến ngân hàng ACB, khách hàng và hệ thống ngân hàng trên cả nước.

Thiếu trung thực, không tôn trọng sự thật

Trong cuộc sống hằng ngày của xã hội, mỗi ngày đều phát sinh những việc lớn nhỏ khác nhau, và đó là đề tài khai thác tin bài của các nhà báo. Nhưng do sự chênh lệch về trình độ, khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin cũng như nhu cầu, sự nhận thức về tính trung thực của mỗi nhà báo khác nhau, mà một số người làm báo đã đăng tin bài vô căn cứ, hoặc dựa trên những thông tin ít ỏi mà mình có được đã tự suy diễn theo chủ quan của mình, hoặc công bố những tin tức chưa qua kiểm chứng, đã gây ra những tác hại to lớn, gây bức xúc trong xã hội.

Hẳn chúng ta chưa quên sự kiện hàng nghìn người dân ở Hà Nội chen lấn, xếp hàng từ đêm đến sáng với hy vọng tiêm được vắcxin dịch vụ 5 trong 1 (Pentaxim) cho con. Có gia đình mà ông bà, bố mẹ còn phải thay phiên nhau xếp hàng, có nhà thuê người giữ chỗ trước với giá 100 đến 200 nghìn đồng... Cuối cùng, do quá đông người chen lấn nên phải hoãn tiêm.

Sau sự cố này, để tránh tình trạng chen lấn tại các điểm tiêm chủng, Bộ Y tế đưa ra giải pháp đăng ký trực tuyến, ai đăng ký thành công (có phiếu đăng ký riêng ghi rõ số thứ tự, thông tin của trẻ, người đưa trẻ đi tiêm, thời gian hạn tiêm chủng) thì mới đưa trẻ đến tiêm. Và không ngoài dự đoán, nhiều bố mẹ đã “trực chiến” bên máy tính mà vẫn không thể đăng ký nổi một suất tiêm cho con vì bị... nghẽn mạng, không đăng nhập được!

Sự thiếu hoàn thiện của cơ chế

Nếu như cơ chế có những quy định cụ thể và chặt chẽ về việc quy trách nhiệm của người lãnh đạo, quản lý các đơn vị báo chí; việc tự từ chức, cách chức khi để xảy ra sai sót; hay kịp thời tiến hành công tác bồi dưỡng và tập huấn về đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ những người làm công tác báo chí, thì tin chắc rằng việc vi phạm đạo đức nghề báo sẽ được hạn chế một cách triệt để.

Việc Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý vi phạm đối với 50 cơ quan báo chí ngày 14/11/2016 khi đăng thông tin sai sự thật về việc nước mắm có hàm lượng thạch tín (asen) vượt ngưỡng quy định cho thấy quyết tâm loại bỏ những cá nhân lạm dụng quyền tự do báo chí, bẻ cong ngòi bút để tiếp tay cho các thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh của một bộ phận doanh nghiệp hoặc phục vụ các “nhóm lợi ích” một cách phi pháp.

Để nâng cao trình độ đạo đức nghề nghiệp

Kiên trì giữ vững “tính trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật”

Đối với đại bộ phận công chúng, việc đọc báo chính là tìm hiểu thông tin và nội dung chân thực của tin tức, chứ không phải là tìm hiểu nội dung giả tạo hoặc phóng đại của tin tức. Vì vậy, trong quá trình phát triển của ngành báo chí truyền thông, tính trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật là cái gốc cho sự phát triển, là điều kiện cơ bản nhất để ngành báo chí tồn tại, vậy nên người làm báo phải đặt tính trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật lên hàng đầu, tích cực trau dồi lý luận, đem “tính chân thực” vận dụng vào trong hoạt động thực tiễn, nhằm đưa đến công chúng những tin tức trung thực và chính xác; không đưa tin sai sự thật, phóng đại, không nhìn nhận và giải thích sai tin tức; dẫn dắt công chúng với việc bình luận phân tích sự kiện tin tức theo hướng đúng.

Nâng cao năng lực dẫn dắt dư luận

Dư luận xã hội có tác động rất mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, do đó một số thành phần có mục đích xấu đã lợi dụng sự hiếu kỳ và mức độ quan tâm của công chúng đã dẫn dắt dư luận phát triển theo hướng sai lầm, lệch lạc, điều này đã tạo nên những ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng. Trong sự cạnh tranh mạnh mẽ của ngành báo chí, một số trang báo mạng đã phóng đại sự thật, thậm chí giả tạo tin tức nhằm thu hút lượt người xem, tạo nên những hình ảnh xấu, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực và nghiêm trọng, từ đó ảnh hưởng đến uy tín của toàn ngành báo chí truyền thông.

Vì vậy, những người làm công tác báo chí cần phải kiên định và lấy “chính nghĩa”, “lý trí”, “lương tri” làm nguyên tắc trong công tác dẫn dắt dư luận. Bên cạnh việc truyền tải sự kiện tin tức, báo chí còn có trách nhiệm tác động, góp phần định hướng các giá trị văn hoá, tinh thần cho người dân, góp phần xây dựng nền văn hóa tinh thần cho đất nước, thông qua đó tăng cường công tác xây dựng đạo đức nghề nghiệp báo chí.

Tăng cường công tác bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp

Những người làm báo phải luôn bảo đảm tính trung thực, khách quan trong quá trình tác nghiệp. Song cùng với sự phát triển của xã hội, sự cạnh tranh trong ngành báo chí truyền thông ngày càng gay gắt, một số nhà báo chỉ vì lợi nhuận mà bóp méo sự thật hoặc đăng tin sai sự thật, hiện tượng này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phẩm chất chung của đội ngũ hành nghề báo chí. 

Lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam làm tư tưởng chỉ đạo trong công tác xây dựng đạo đức tư tưởng. Tăng cường khả năng xét đoán, nhận định giá trị đạo đức tốt và xấu của mỗi nhà báo, để sau khi trang bị kỹ về kiến thức nghiệp vụ cơ bản, người làm báo có thể căn cứ vào tình hình thực tế mà đưa ra những phán đoán đúng đắn, đồng thời kiên quyết loại bỏ những tin bài báo chí không có tính trung thực, từ đó nâng cao phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của những người làm công tác báo chí nói chung.

Ở nước ta, việc nâng cao tính trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật của ngành báo chí là một công tác quan trọng mang tính xã hội. Công tác này không chỉ dựa vào sự quản lý có hiệu quả của các cơ quan chức năng cùng sự giám sát của nhà nước và công chúng, mà quan trọng hơn là phụ thuộc vào nhận thức và tuân thủ đạo đức nghề nghiệp của những người làm công tác báo chí. Phải tăng cường công tác quản lý, ràng buộc về đạo đức nghề báo từ mọi phương diện như thế mới nâng cao đạo đức, từ đó công chúng có thể được sống trong môi trường báo chí trung thực, trong sạch và lành mạnh./.

Nguyễn Hoàng Mai

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.