Một nhà báo - một bậc Thầy!
20:16 06/09/2021
- Chân dung nhà báo
Trong cuộc đời “binh nghiệp”, làm báo, viết văn của mình, tôi đã được chứng kiến nhiều
bậc đàn anh, đàn chị và một số bạn đồng nghiệp số phận chẳng mấy may mắn, gặp nhiều
trắc trở, nhưng họ đã vươn lên thành đạt trong nghề nghiệp, được người đời nể trọng và
yêu thương!
Nhà báo-Thầy giáo Trần Bá Lạn và các cựu sinh viên Đại học Báo chí - Xuất bản khóa I (1969 – 1973)
Thiêng liêng hai chữ “nhà báo”
Nhà báo Trần Bá Lạn. Đúng ra, anh là người Thầy dạy tôi làm báo. Anh hơn tôi “một giáp”. Mỗi lần đến thăm, tôi thường gọi “Thầy”, anh thường gạt đi và nhã nhặn: “Thôi cứ gọi là anh, em cho nó thân mật!”. Năm nay, anh đã 92 năm tuổi đời và 73 năm tuổi Đảng. Anh đã hiến dâng cả cuộc đời mình cho sự nghiệp Báo chí Cách mạng Việt Nam. Đến tuổi hưu, anh chẳng được phong chức tước, danh hiệu nào. Một người nguyên là Vụ trưởng Vụ Báo chí, Ban Tuyên giáo Trung ương nói: “Vì chưa có Hội đồng xét phong Giáo sư Báo chí, cho nên chưa có cơ quan có thẩm quyền xét tặng phong hàm Giáo sư cho ông. Thôi ông chấp nhận là Nhà báo vậy!”.
Vốn tính nho nhã, Anh bảo: “Không sao đâu mà, danh hiệu “Nhà báo cũng chẳng cao quý lắm sao! Đối với một người như mình, được mang danh hiệu “Nhà báo” cũng là hạnh phúc lắm rồi!”. Anh được biết, sinh thời anh Hoàng Tùng - nhà tư tưởng lớn của Đảng, nhiều năm được giao làm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Trưởng ban Tuyên huấn, Bí thư Trung ương Đảng phụ trách công tác tư tưởng của Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khóa 3, khóa 4, đại biểu Quốc hội từ khóa 3 đến khóa 7, trước khi lâm chung, ông chối trăng với người con trai cả của mình: Tang lễ của bố chỉ đề hai chữ Nhà Báo thôi nhé. Vâng lời cha, trên bàn thờ trước linh cữu của ông chỉ có tấm băng đen “Vô cùng thương tiếc nhà báo Hoàng Tùng"!
Nhà báo Trần Bá Lạn sinh ngày 3/2/1930, quê ở làng Văn Hội, huyện Thường Tín, Hà Đông (nay là Hà Nội), sinh ra trong một dòng họ “Danh gia vọng tộc”, cụ tổ anh đậu Tiến sĩ năm 1733, được vinh danh trên bia di sản Quốc gia. Thân phụ anh thuộc lớp trí thức cận đại, sành chữ Hán, biết chữ Tây, biệt tài giỏi vẽ về nhiều thể loại, cho nên đã được Chính phủ đương thời trọng dụng cho làm họa sĩ Sở Địa dư Đông Dương. Ngay từ năm 1935-1937, ông được trả mức lương hậu hĩnh. Ông được Triều Nguyễn phong hàm cửu phẩm (được gọi là Giám cửu).
Anh Trần Bá Lạn không những là một nhà báo mà còn là người Thầy của nhiều thế hệ học trò. Học trò của anh sau khi ra trường, nhiều người đã thành danh và là cán bộ chủ chốt của các cơ quan báo chí, truyền thông của Đảng và Nhà nước.
Nhà báo-Thầy giáo Trần Bá Lạn (trái) và nhà báo Minh Sơn_Ảnh: TGCC
Sự nghiệp của nhà báo Trần Bá Lạn
Mười bảy tuổi, anh và gia đình đi theo cách mạng, tản cư lên Thái Nguyên, rồi làm cho nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ. Mười chín tuổi anh được kết nạp Đảng và được cử đi học trường Kỹ nghệ liên khu 4. Sau đó, anh được điều về công tác ở Báo Tiền Phong. Một lần, anh Nguyễn Thanh Dương, Tổng Biên tập báo lúc bấy giờ nói với anh: Nếu chịu khó làm việc và phấn đấu, cậu có thể trở thành một Nhà báo Cách mạng đấy! Câu nói ấy đi theo anh suốt cả cuộc đời.
Sau một thời gian tham gia công tác báo chí phục vụ “Chiến dịch Điện Biên Phủ”, anh được cử tuyển du học Khoa Tân Văn - Báo chí, Trường Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc). Ngay trong quá trình tu nghiệp anh Lạn đã bộc lộ năng khiếu, khả năng văn chương báo chí của mình. Anh thường xuyên viết tin, bài gửi về một số tờ báo ở trong nước. Trong một đợt thực tế anh đã viết một phóng sự nói về tình Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc gửi đăng trên tờ “Trung Quốc Thanh niên Báo”. Lời bình của Tòa soạn cuối bài viết “Văn cảnh sâu đậm tinh thần chủ nghĩa quốc tế, đáng để chúng ta học tập”.
Trong khi đang du học ở nước bạn, các cơ quan quản lý ở trong nước báo tin đã quyết định điều chuyển anh từ Báo Tiền Phong sang Báo Lao Động. Tuy nhiên, sau đó lại có quyết định mới từ trong nước báo sang: Khi tốt nghiệp xong, về thẳng Ban Tuyên huấn Trung ương, giúp Vụ Báo chí theo dõi mảng tuyên truyền công nhân. Công tác ở Vụ Báo chí một thời gian, anh được điều về Trường Đại học Nhân dân mở lớp Báo chí do các nhà báo biệt phái, chỉ nhất thời không chuyên trách nên gặp không ít khó khăn. Đầu năm 1962, Trường Tuyên giáo Trung ương thành lập, Khoa Báo chí ra đời, anh lại được quyết định về đây làm cán bộ giảng dạy của Trường Tuyên giáo Trung ương.
Tuy chưa có quyết định chính thức, nhưng qua nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện anh đã ý thức được Nhà trường muốn anh vận dụng kiến thức đã có từ hoạt động thực tiễn để tổ chức cho được Khoa Báo chí và có bộ giáo trình giảng dạy nghề làm báo Việt Nam.
Từ giữa năm 1973, dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc và Đảng ủy Nhà trường, bộ Giáo trình dạy nghề làm báo Việt Nam do Trần Bá Lạn làm chủ biên bắt đầu khởi thảo. Cũng thời điểm này, Khoa Báo chí được định hình do thầy giáo Trần Bá Lạn được chỉ định làm Phó Chủ nhiệm Khoa.
Có thể nói, Nhà báo Trần Bá Lạn không chỉ là một chiến sĩ cộng sản kiên trung mà còn là một nhà báo cao cả, dấn thân mình vào sự nghiệp Báo chí Cách mạng Việt Nam. Sự đóng góp của anh được thể hiện trên một số dấu ấn đậm nét: tổ chức, đào tạo Đại học báo chí đầu tiên trên nền Báo chí Cách mạng Việt Nam khóa 1 (1969- 1973). Chủ biên và đồng tác giả bộ giáo trình đào tạo nguồn nhân lực cho nền Báo chí Cách mạng Việt Nam (Tập 1 xuất bản năm 1977, Tập 2 xuất bản năm 1978). Là người tham gia tổ chức khóa đào tạo báo chí đầu tiên cho nước bạn Lào (năm 1961) là lãnh đạo cơ sở đào tạo báo chí tổ chức, thực hiện liên kết quốc tế đầu tiên, trong đó có khóa đào tạo tại nước ngoài (năm 1990 tại Phnôm-pênh, Căm-pu-chia).
Bộ Giáo trình Đào tạo nguồn nhân lực nền Báo chí Cách mạng Việt Nam do anh chủ biên, sau khi được các cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước nghiệm thu đã được đưa vào giảng dạy từ Khóa II Khoa báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ở một bài viết trong hai cuốn tự truyện “Tâm tình con số 7”, “Tiếng súng và bước ngoặt cuộc đời”, PGS,TS Đỗ Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền bày tỏ: “Tôi học Đại học Báo chí khóa IX, khi thầy Trần Bá Lạn đã thôi công tác, về nghỉ hưu theo chế độ. Vào trang facebook của Thầy, tôi bắt gặp những lời chào của các bậc “tiền bối” Đại học Báo chí các Khóa I, II, III, IV, V… dành cho Thầy. Hóa ra là một thế hệ vàng của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, những lãnh đạo báo chí uy tín nhất, những nhà báo tài năng và can trường nhất là do được đào tạo bởi Khoa Báo chí chúng tôi, học những bài giảng về quan điểm báo chí Cách mạng, thể loại báo chí, phóng sự, điều tra… mà Thầy tham gia soạn bài, tổ chức giảng dạy. Có một thời, những bộ giáo trình nghiệp vụ do Thầy đứng chủ biên đã phát hành mấy nghìn bản, là chỉ dẫn chính quy nhất về chuẩn mực nghiệp vụ báo chí, về năng lực, phẩm chất của Nhà báo Cách mạng. Chính các thế hệ đi trước, các nhà báo như: Vũ Đình Hương, Phạm Quốc Toàn, Nguyễn Quang Thống, Đậu Ngọc Đản, Đỗ Khánh Toàn, Tạ Ngọc Tấn, Nguyễn Văn Dững, Nguyễn Minh Hoài, Kim Minh, Trần Bá Dung, Nguyễn Thị Thoa, Huỳnh Dũng Nhân, Nguyễn Trí Nhiệm, Hải Đường, Hữu Mão, Huy Thanh… là những minh chứng cho những kết quả đào tạo của Khoa Báo chí trong giai đoạn 1962-1991, trong đó có vai trò của người thầy - Trưởng khoa Trần Bá Lạn được khẳng định. Những người làm báo “có tiếng” vậy mà nhất nhất kính trọng và biết ơn thầy Trần Bá Lạn, luôn dành cho Thầy sự tôn kính nhất. Tôi tự ngẫm: Nếu Thầy không giỏi, không tận tâm, sao có thể lớp lớp các thế hệ học trò yêu Thầy, kính Thầy, phục Thầy và trân quý Thầy đến như vậy”!
Trong cuốn tự truyện “Tâm tình từ con số 7”, anh Trần Bá Lạn kể rằng, mùa hè năm ấy cũng là mùa khởi đầu hạnh phúc trăm năm với người bạn đời chung thủy Hà Thị Yến, trong tâm khảm anh luôn luôn ghi nhớ công lao trời biển của cha mẹ Yến đã tạo dựng nên cho các con. Cha Yến - cụ Đinh Văn Minh rất đỗi yêu thương con, cụ là người có công từ thời tiền khởi nghĩa. Khi về lo lễ thành hôn cho các con, cụ đang là Ủy viên Thường trực Khu Tự trị Tây Bắc, cụ bảo: “Các con còn đi học, dù học ở đâu cũng còn khó khăn!”.
Anh Trần Bá Lạn chia sẻ, do nghề làm báo, dạy làm báo mang tính đặc thù, cho nên chẳng có mấy khi ở nhà. Mọi việc lo toan trong gia đình đều do Yến - người bạn đời có một không hai của anh lo toan, gánh vác hết mình! Đối với tôi, anh là người “Thầy” mà tôi luôn cảm phục và kính trọng./.
Nhà báo, nhà văn Minh Sơn
Bình luận: 0