Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Kỷ niệm khó quên khi tác nghiệp trên biển, đảo

21:59 28/03/2017 - Tác nghiệp
So với các đồng nghiệp, tôi may mắn được công tác ở Báo - Truyền hình Hải quân Việt Nam- cơ quan báo chí luôn có phóng viên trực tiếp ra tác nghiệp ở các vùng biển, đảo như Trường Sa, DK1, các đơn vị Hải quân từ đất liền đến đảo xa; hay như sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD-981 vào trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam... Những kỷ niệm luôn là bài học quý báu đối với tôi trong suốt gần 20 năm tác nghiệp ở biển, đảo và các đơn vị Hải quân.

Nhà báo Trọng Thiết và đồng nghiệp đang tác nghiệp. Ảnh: PV

Đánh vật với sóng biển

Đi nhiều rồi thành quen, để rồi đến nay tôi chai sạn vì sóng không biết từ khi nào. Gần 20 năm tác nghiệp ở biển đảo, tôi đã có hơn 30 chuyến đến với Trường Sa và DK1; chưa kể các chuyến đi đối ngoại quân sự như duyệt binh tàu quốc tế mới đây tại Ấn Độ, quãng đường đi và về lên đến 10.000 km trên biển.

Tôi nhớ mãi chuyến thăm Trường Sa Tết năm 2008. Chuyến đó tôi ra Trường Sa tác nghiệp cùng phóng viên Minh Hà báo Sài Gòn giải phóng, Đăng Khoa báo Tiền Phong và kíp phóng viên đài PT-TH Lâm Đồng. Tàu ra khỏi Cam Ranh gặp thời tiết xấu, hầu hết các phóng viên đều say. Khi đó tôi đóng vai là “chị cả” để động viên anh em dù bản thân cũng rất mệt. Tới gần đảo Đá Lớn thì tàu gặp bão, sóng cấp 8, cấp 9 đánh tràn lên cả đài chỉ huy.

Nhiều giờ tàu chỉ cầm cự, không đi được hải lý nào, thậm chí đi lùi, dù vậy thuyền trưởng Sửu và ban chỉ huy tàu vẫn vững vàng đưa tàu vượt qua tâm bão. Dù dạn dày đi biển nhưng có thủy thủ vẫn dự phòng một chiếc xô bên cạnh để chống chọi với những cơn sóng lừng tưởng chừng như nhấn chìm cả con tàu trên 1.000 tấn. Nhiều bữa tàu không nấu cơm được, chỉ ăn mì tôm, bánh quy qua ngày.

Thương nhất là phóng viên Minh Hà. Khi Hà ra Trường Sa, con trai đầu lòng mới hơn 1 tháng tuổi nên lo lắng nếu có mệnh hệ gì thì con không hình dung được gương mặt của ba, vợ thì còn quá trẻ. Khi những cơn sóng vặn nghiêng thân tàu, nghe tiếng kêu rắc rắc, Hà cứ lẩm bẩm, con ơi, bố sẽ về với con mà.

Dù say sóng nhưng khi lên được đảo các phóng viên đều say mê tác nghiệp, nhiều phóng viên kiệt sức, gầy rộc đi rất nhiều nhưng vẫn lăn lộn để thu thập được nhiều tư liệu quý. Bù lại, nhờ ở lại đảo nhiều ngày trú bão, các phóng viên có được những câu chuyện hay về lính đảo đón tết, chuyện hậu phương gia đình.

Riêng tôi, nhờ trú bão đến ngày thứ 5 ở đảo Phan Vinh nên có được bức ảnh “Hoa bàng vuông Trường Sa” được mọi người yêu mến; phóng viên Đăng Khoa sưu tập được cả ba lô các loại vỏ ốc biển, quả bàng vuông; phóng viên Minh Hà viết được các ghi chép, phóng sự dài kỳ qua chuyến đi này... Hôm đó, khi rời đảo để lên tàu, xuồng chuyển tải chở chúng tôi phải chui dưới những cơn sóng lừng ở mép xanh (khu vực giữa nền san hô và khu vực biển sâu) của đảo, chỉ một sơ suất nhỏ của người điều khiển xuồng là thuyền sẽ bị lật úp, hơn chục người trên xuồng bị sóng cuốn đi.

Có những lần tàu tôi bị 3-4 tàu nước ngoài bao vây, chặn đầu, chặn đuôi đâm va, phun vòi rồng uy hiếp, dọa dẫm nhiều ngày trên biển song với tinh thần “chủ quyền Tổ quốc là bất khả xâm phạm, sẵn sàng chiến đấu hy sinh”, chúng tôi kiên trì bám thực địa, kiên quyết không cho tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền. Nhờ sự kiên quyết và khôn khéo, không mắc mưu địch, không để chúng tạo cớ gây xung đột, các lần đâm va trực diện trên biển dù căng thẳng, quyết liệt, diễn ra nhiều ngày nhưng hầu hết chúng ta đều có đối sách phù hợp để buộc tàu nước ngoài phải rút khỏi chủ quyền Tổ quốc.

Những thước phim quý mà tôi và các đồng nghiệp quay được những lần ngăn cản tàu nước ngoài vi phạm chủ quyền đều là bằng chứng quý giá, khách quan, sinh động để Nhà nước có thêm những quyết sách lớn, đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Nhiều tư liệu của phóng viên Hải quân được các bạn đồng nghiệp sử dụng phục vụ tuyên truyền kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Những bài học quý giá

Kinh nghiệm rút ra của bản thân tôi qua gần 20 năm tác nghiệp trên biển đó là muốn có những tác phẩm hay về biển, đảo trước hết phải thật sự tâm huyết, say mê với nghề mình đã chọn, sẵn sàng chấp nhận khó khăn, gian khổ hy sinh khi tác nghiệp ở biển, đảo. Bởi biển, đảo là địa bàn, môi trường thuận lợi để mình có nhiều cảm hứng sáng tạo. Tuy nhiên, biển cũng được ví như một “cô gái” đẹp, lúc thì rất dịu dàng, lúc thì hay giận dỗi, do đó khi biển nổi sóng cồn thì không lường trước được.

Như lần tôi đi máy bay DHC-6 tìm kiếm máy bay MH-370 mất tích (tháng 3/2014) và diễn tập KOMODO (tháng 4/2014) tại Indonesia chẳng hạn, nhờ sử dụng máy ảnh, máy quay và điện thoại iphone công nghệ mới, cấu hình cao và phát được wifi, có quan hệ tốt với nhiều cơ quan báo chí nên khi máy bay, tàu tham gia diễn tập chưa về đến sân bay hay tàu chưa cập cảng, tôi đã gửi được tin, bài, ảnh, video clip đến các cơ quan báo chí để tuyên truyền kịp thời, sớm hơn các đồng nghiệp từ 30-60 phút.

Cuối cùng là phải luôn nghiên cứu, học hỏi nâng cao trình độ, nhất là những kiến thức liên quan đến biển, đảo và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân đội về biển, đảo, bởi đây đều là những vấn đề nóng, nhạy cảm, liên quan đến chủ quyền quốc gia. Nếu các phóng viên tác nghiệp ở biển, đảo, Hải quân mà nóng vội, không nhạy cảm, thậm chí thiếu hiểu biết các vấn đề liên quan đến biển, đảo, rất dễ xảy ra sai sót, thậm chí là sai sót lớn, để các thế lực thù địch lợi dụng kích động chống phá Đảng và Nhà nước, để công luận hiểu sai về chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với chủ quyền biển, đảo, ảnh hưởng lớn đến công cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền hiện nay./.

Trọng Thiết

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top