Ký giả Phạm Quốc Toàn - đời nghiệt ngã, nghề vinh quang
16:57 20/06/2022
- Chân dung nhà báo
Đã hẹn trước sẽ ra sân bay đón anh về dự sự kiện trưng bày hiện vật, triển lãm ảnh “Quảng Trị - Bản hùng ca vang mãi” của Hội Nhà báo Việt Nam nhân 50 năm giải phóng Quảng Trị nhưng quá bận không đi được, tôi đành nhờ xe dịch vụ đón giúp. Đã nói dành thời gian tâm sự về đời và nghề, nhưng lu bu chuyện gì đâu cũng không có trọn vẹn một buổi để hàn huyên cùng anh. Vậy mà anh không giận, trách cứ gì nên mới rời Quảng Trị mấy hôm về thành phố biển Vũng Tàu, anh có ngay ghi chép “Quảng Trị yêu thương, máu và hoa!” đăng trên báo Nhà báo và Công luận, lại còn dành cho đứa em đồng nghiệp những dòng thương mến. Ký giả Phạm Quốc Toàn là vậy, sống bản lĩnh, tự tin, nhiệt tình, thương anh em đồng nghiệp như thương cái thời gian khó mà anh từng trải.
Nhà báo Phạm Quốc Toàn trong chuyến công tác về Quảng Trị - Ảnh: Sơn Hải
Tôi với anh Phạm Quốc Toàn gắn bó tình anh em từ những ngày anh còn làm Báo Đảng. Ngày trước khi còn làm Tổng Biên tập báo Vũng Tàu - Côn Đảo (sau này là báo Bà Rịa - Vũng Tàu), mỗi lần về thăm phố biển, anh đều dành cho tôi tình cảm thân thiết. Dĩ nhiên do ở thành phố biển xinh đẹp, quyến rũ ở phương Nam nên cơ quan anh có nhiều khách ghé thăm; với ai anh cũng đều đối xử chu đáo, nhưng mỗi lần gặp anh hay nói “người anh em Quảng Trị quê miềng” là tôi biết anh dành tình cảm thương mến cho đứa em.
Tình anh em của chúng tôi mấy chục năm nay vẫn gắn bó, đong đầy cho dù anh chuyển đổi vị trí công tác, đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phụ trách phía Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo hơn mười năm, cho đến ngày anh nghỉ hưu. Nhiều người ngạc nhiên vì nhà báo Phạm Quốc Toàn viết nhanh mà hay, có người còn gọi anh là “nhà báo tên lửa”, nhưng tôi biết để có một bài báo chỉ viết trong một đêm, trước đó anh có nhiều chuyến đi, gặp gỡ, ghi chép về đất và người nơi anh đến, như những lần anh về Quảng Trị đi thực tế với nhà báo Phan Quang, nguyên mẫu nhân vật trong tiểu thuyết “Từ bến sông Nhùng” của anh.
Cũng có lần anh về Quảng Trị một mình để lấy thêm chất liệu cho tiểu thuyết, hoặc vài lần ghé thăm Quảng Trị khi anh đi xe theo tuyến đường bộ qua Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Vương quốc Thái Lan thăm các đồng nghiệp nước bạn, rồi trở về qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo… Những nhà lý luận gọi đó là lao động quá khứ của nhà báo mà có dịp tôi sẽ trở lại trong một bài viết khác; còn nói đến nhà báo Phạm Quốc Toàn là nói tới ký ức tuổi thơ cơ cực, là nghị lực vượt khó thời trai trẻ để trở thành một nhà báo bản lĩnh, tự tin, có nhiều tác phẩm báo chí, văn chương để lại cho đời.
Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam tại sự kiện trưng bày chuyên đề và triển lãm ảnh “Quảng Trị - Bản hùng ca vàng mãi” tháng 4/2022- Ảnh: Sơn Hải
Có lần nhà báo Phạm Quốc Toàn tâm sự với các đồng nghiệp về cái tuổi trâu (Kỷ Sửu) của anh là phải siêng năng cày sâu cuốc bẩm mới có cái ăn. Lần ấy tôi thử bấm tử vi, soi chiếu đời anh thấy đúng chi lạ.
Cái lá tử vi nói thế này: “Những người tuổi Sửu đa số sống tự lập, trưởng thành sớm, có tính cách mạnh mẽ và kiên định. Người tuổi này có nhiều ước mơ, hoài bão, ý chí lớn, không ngại khó khăn, nguy hiểm. Người tuổi Sửu rất thật thà, chân thành và tốt bụng, họ sẵn sàng giúp đỡ người khác mà quên đi lợi ích của bản thân. Trong cuộc sống, họ có tính tự lập cao, tuyệt đối không ỷ lại, dựa dẫm vào người khác. Thành công họ đạt được đều dựa trên sự chăm chỉ, kiên nhẫn và cố gắng nỗ lực của bản thân. Đôi khi phải đối mặt với khó khăn, áp lực, họ có sức chịu đựng kỳ diệu mà không phải ai cũng làm được. Dù trải qua bao nhiêu khó khăn, thử thách, ý chí kiên cường của họ sẽ không bị mai một mà càng ngày càng trở nên mạnh mẽ, kiên quyết hơn. Người tuổi Sửu rất coi trọng chữ tín, một khi đã làm thì sẽ làm hết mình, có trách nhiệm với công việc được giao”.
Thân tình với anh, tôi được anh tặng cho nhiều sách. Đến nay anh đã xuất bản 18 đầu sách với nhiều thể loại, từ bút ký, tiểu luận, tiểu phẩm đến truyện ngắn, tiểu thuyết. Đó là những cuốn sách có giá trị đúc kết kinh nghiệm sống một đời cầm bút của anh, như: Tản mạn về Đời, Đời và Nghề (NXB Văn học, 2012-2013), Đi một ngày đàng, Tôi nói bằng mồm của tôi (NXB Hội Nhà văn, 2014), Xứ sở Chùa Vàng (NXB Văn hóa-Văn nghệ, 2015), Ký giả (NXB Thanh niên, 2015), Phi thường (NXB Hội Nhà văn, 2016), Búp sen hồng (NXB Văn hóa-Văn nghệ, 2016), Lốc xoáy thời cuộc (NXB Hội Nhà văn, 2016), Con voi chui lọt lỗ kim (NXB Văn hóa-Văn nghệ, 2018), Từ bến sông Nhùng (NXB Văn hóa-Văn nghệ, 2019), Cá chép hóa rồng (NXB Văn hóa-Văn nghệ, 2019), Khơi nguồn vàng trắng (NXB Văn học, 2021), Khúc hát sông Ngàn (NXB Văn học 2021), COVID-19, lời cảnh báo (NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2021)…, cho thấy bút lực của anh thật dồi dào.
Trong các tập sách của anh, tôi nhiều lần đọc lại cuốn Ký giả, là tập hợp 50 chân dung nhà báo, dưới nhiều góc nhìn khác nhau của tác giả, từ những nhà báo bậc thầy đến những nhà báo lớp trẻ. Ở họ có điểm chung là tình yêu Tổ quốc, yêu Nhân dân, lòng yêu nghề, đức hy sinh, sự dấn thân với nghề, cho nghề. Đó là những nhà báo được nhiều bạn đọc biết đến như các nhà báo lão thành: Trần Công Mân, Nguyễn Đình Ước, Hữu Thọ, Phan Quang, Tạ Ngọc Tấn, Lê Quốc Trung, Phạm Khắc Lãm… đến những nhà báo trẻ: Hồ Quang Lợi, Võ Như Lanh, Mai Sông Bé, Nguyễn Đức Thiện, Phan Đức Hiền…
Trong nhiều trang sách, tác giả nhắc đến những bài học có tính tổng kết về đời, về nghề sâu sắc, thiết thực, sự gợi mở về những điều nên làm và nên tránh trong đời sống báo chí và tác nghiệp báo chí, là tập sách quý dành cho các nhà báo và cho tất cả những ai yêu nghề báo, sắp bước chân vào nghề báo. Nói chung đời và nghề báo, nghiệp văn của nhà báo Phạm Quốc Toàn có nhiều điều đáng nói và cũng đã có rất nhiều người nói và viết về anh.
Thế hệ những người làm báo như Phạm Quốc Toàn sau này nhiều người thành danh theo tôi có nhiều nguyên nhân, xuất phát từ cái tâm, cái tài, sự đào tạo của Đảng, Nhà nước…, trong đó có sự trui rèn từ thực tiễn cuộc kháng chiến gian khổ của dân tộc cũng như trải qua những thử thách nghiệt ngã trong đời. Câu chuyện Phạm Quốc Toàn từng thực hiện cuộc “Bắc tiến” bất thành đành phải chuyển hướng “Nam tiến” vào thời điểm “đêm trước đổi mới” có lẽ là một trong những câu chuyện xúc động về một thời cơ cực khi đất nước còn lắm gian lao.
Anh kể: “Nửa đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, bằng sự tự tin của tuổi trẻ, sự khích lệ của bạn bè, đồng nghiệp và cơ quan báo Quân đội Nhân dân, tôi đã có một quyết định táo bạo: Chuyển gia đình gồm vợ và ba con nhỏ từ Hương Khê, Hà Tĩnh ra Thủ đô Hà Nội với mong muốn an cư lạc nghiệp”. Sau này anh rút ra bài học cay đắng là do không lượng định hết khó khăn giai đoạn chuyển tiếp của thời cuộc, tài chính hậu phương ‘mỏng” nên sau gần một năm cầm cự và vật lộn tại Hà thành, cuộc “Bắc tiến” thất bại, anh đành phải đưa vợ con trở lại quê nhà. Vận hạn tiếp tục ập tới khi đứa con trai thứ ba của anh sinh năm Canh Thân - 1980 thông minh, kháu khỉnh qua đời tại quê nhà sau cuộc hồi hương từ Hà Nội. Từ nỗi đau giằng xé tâm can, ý nghĩ xin xuất ngũ chuyển ngành rời bỏ tờ báo mà anh yêu thích càng lớn dần trong anh. Thời điểm đó anh chuẩn bị nhận cấp hàm trung tá, là Phó Trưởng phòng Biên tập Thời sự báo Quân đội Nhân dân, đã được Quân đội đào tạo cán bộ nguồn lãnh đạo tờ báo tại Học viện Chính trị - Quân sự.
Mãi cho đến năm 1984, sau nhiều lần trình bày hoàn cảnh gia đình quá khó khăn và nguyện vọng “Nam tiến”, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam mới ký quyết định cho phép Phạm Quốc Toàn chuyển ngành, nhận nhiệm vụ Tổng Biên tập báo Vũng Tàu - Côn Đảo, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Mới vào Vũng Tàu một thời gian, anh nhận tin buồn, người em trai Phạm Hồ Khiêm bị nhồi máu cơ tim, đột ngột qua đời tại thành phố Xepcom, Cộng hòa Ukraina đúng đêm mùng ba tết Mậu Thìn-1988.
Về gia đình, phải hơn hai năm sau, vợ cùng các con của anh mới thực sự an cư lạc nghiệp tại Vũng Tàu. Nhưng vừa chân ướt chân ráo đầu quân cho xứ biển, anh bị người ta bày đặt cho chuyện “dính” với điệp viên CIA. “Nhưng rồi thử thách chết người ấy tôi đã ngạo nghễ vượt qua bởi lòng mình ngay thẳng, tâm mình sáng trong; trong cuộc đời này còn những người bạn tốt. Hơn ba mươi lăm năm lập nghiệp trên mảnh đất phương Nam đầy nắng gió và sự mặn mòi của biển cả, tôi nhận được sự giúp đỡ, có cả sự cưu mang của nhiều người anh, người chị và những bạn bè quý thân”, nhà báo Phạm Quốc Toàn lắng đọng trong dòng hồi ức.
Cứ nghĩ về cuối đời mọi việc đối với nhà báo Phạm Quốc Toàn đã êm xuôi, nhưng rồi mới đây tôi biết thêm một thử thách nghiệt ngã nữa đến với gia đình anh. Con gái Phạm Thị Phương Thảo yêu quý của anh bị bạo bệnh và qua đời khi tuổi còn quá trẻ trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra. Phương Thảo là con gái thứ hai của anh, học giỏi, tốt nghiệp khoa Kinh tế Ngoại thương, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Ra trường, Phương Thảo được tuyển chọn về làm việc ở Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). Năm 2017, Phương Thảo sau khi xin ý kiến của gia đình đã rời nhiệm sở để khởi nghiệp, tự tin lập công ty riêng và thành công với mô hình kinh doanh mới, bắt đầu có thương hiệu, uy tín trên thương trường. Công việc thuận lợi, đang quản lý chuỗi cơ sở hoạt động có hơn 100 cán bộ, nhân viên ở Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh với bao hoài bão, khát vọng thực hiện dang dở thì Phương Thảo đã ra đi để lại bao nghẹn ngào, tiếc thương vô hạn của người thân.
Đời thử thách Phạm Quốc Toàn với những nghiệt ngã như thế nhưng anh vẫn đứng vững, làm trụ đỡ cho gia đình. Có lẽ ngòi bút và những mối tình thâm với bạn hữu là nơi để anh chia sẻ bao nỗi buồn - vui. Anh lại lao vào công việc, tìm thấy niềm vui trong buổi xế chiều. Sau hơn 21 năm làm Tổng Biên tập tờ Báo Đảng, 10 năm Tổng Biên tập tạp chí nghề, 10 năm Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, chạm ngưỡng tuổi bảy lăm, anh vẫn được bạn bè đồng nghiệp yêu mến, tin cậy, vẫn đều đặn tham gia các buổi hội thảo, tọa đàm, giảng dạy báo chí, viết báo và viết sách. Anh rút ra một điều gan ruột: “Nghĩa tình bè bạn, một tài sản vô giá luôn đong đầy. Luật nhân quả, mình sống tốt với bạn, với đời thì bạn và đời sẽ tốt với mình, sẽ yêu thương mình”.
Đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân Dân chụp ảnh lưu niệm nhân chuyến thăm, làm việc với các cơ quan báo chí tỉnh Quảng Trị - Ảnh: Sơn Hải
Nhiều lúc tôi cứ nghĩ, cuộc sống của mỗi con người phải trải qua những thử thách nghiệt ngã mới có thể rút ra những điều gì đó. Trải qua đại dịch COVID-19, nhà báo Phạm Quốc Toàn đã gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh, rằng loài người cần nghiêm khắc về các mối quan hệ giữa thiên nhiên với con người, bảo vệ môi trường sống, công cuộc tái tạo, xây dựng thế giới xanh, kinh tế xanh: “Đại dịch cho loài người bài học không mới nhưng thật sống động. Sống nhanh, sống gấp thời công nghiệp - hiện đại, làm cho không ít người quên lãng những điều đã hiển nhiên như chân lý: Cuộc sống con người vốn ngắn ngủi, vô thường và rất mong manh, hãy biết bảo vệ nó, hãy sống với nhau tốt hơn trong sự chan hòa nồng ấm, tỏa nắng. Chạy theo cuộc sống gấp để làm gì? Chạy theo kiếm tiền, tất cả chỉ vì kiếm tiền để làm gì? khi người ta quên hẳn công việc mỗi ngày là chăm sóc, bảo vệ môi trường sinh thái; ý thức về tình thương yêu dành cho nhau trong một mái nhà; về việc tự chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng…” (COVID-19, lời cảnh báo).
Có lần nhà báo Phạm Quốc Toàn tâm sự với tôi rằng anh cảm thấy nhẹ nhõm khi viết xong tiểu thuyết “Từ bến sông Nhùng” để thực hiện lời hứa với bản thân sẽ viết một tác phẩm có chiều sâu về người anh cả trong làng báo mà anh khâm phục, gắn bó. Để hoàn thành tiểu thuyết này, anh có nhiều cuộc gặp gỡ, làm việc với nhân vật nguyên mẫu, những cộng sự của ông, rồi những chuyến đi về quê hương bản quán của nhân vật quan sát, tìm hiểu.
Một đồng nghiệp lâu năm với Phạm Quốc Toàn cho rằng “Từ bến sông Nhùng” là cuốn tiểu thuyết sinh động về nghề báo và những ai là nhà báo không thể không quan tâm cuốn sách đề cập một nghề cao quý đi liền gian nan, vinh dự đi liền trách nhiệm công dân và trách nhiệm xã hội..., còn Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã bày tỏ sự cảm phục về nhân vật chính trong tiểu thuyết của anh: “Dưới ngòi bút của Phạm Quốc Toàn, nhân vật Phan Hoàng đã khẳng định được phẩm chất cao đẹp, thể hiện được tính công dân trọn vẹn; lòng vị tha đầy nhân ái; tâm thế biết dấn thân hết mình vì sự nghiệp chung; lòng yêu ước nồng nàn và bộc trực; yêu chân lý và lẽ phải; dám dấn thân vì quyền sống, quyền làm người có lương tri, từ đó biết yêu cái đẹp, cái thiện trong tinh thần dân chủ và công bằng, biết tiếp thu đầy đủ lý tưởng nhân văn…, như ông đã tâm sự: Mới tuổi thiếu niên tôi đã rời làng quê, rồi đi khắp cả nước, đã ngoài năm mươi năm sống ở Thủ đô Hà Nội mà sao vẫn thấy mình là một người Quảng Trị 100%. Tôi nhận từ quê hương nguyên vẹn con người tôi…”
Còn nhớ lần đăng bài của một nhà văn giới thiệu tiểu thuyết “Từ bến sông Nhùng” của Phạm Quốc Toàn trên báo, trong bài điểm sách, nhà văn này sau khi đánh giá cao nội dung cuốn tiểu thuyết có đặt ra mấy băn khoăn về nghệ thuật kết cấu tiểu thuyết… Phạm Quốc Toàn biết được đã tâm sự với tôi anh viết cuốn sách này một cách tự nhiên về đời và nghề của một nhà báo kỳ cựu mà anh yêu mến, cảm phục chứ có làm văn, làm tiểu thuyết gì lớn lao như các nhà văn chuyên nghiệp đâu.
Phạm Quốc Toàn là vậy, anh viết như sống, như cuộc đời bao gian nan, như thế sự có lúc nhiễu nhương, đáng lên án, nhưng anh vẫn tin vào con người, những con người tử tế. Đọc tác phẩm của anh có thể hình dung ra một một con người lạc quan, nhân ái, đầy trách nhiệm xã hội, như lời thơ của nhà báo Nguyễn Hồng Vinh tặng anh nhân Nhà xuất bản Văn học ấn hành tập “Khúc hát sông Ngàn”:“…Cả một đời chiến chinh/Cả một đời cầm bút/Cánh chim bằng Hương Khê/Cứ tung bay mải miết/…Nay mái đầu điểm bạc/Trang văn vẫn xanh màu/Chữ yêu anh gửi trọn/Cho em và mai sau”.
Khép lại trang viết về ký giả Phạm Quốc Toàn, tôi không có tâm lý bị ‘khớp”, rằng đã có rất nhiều cây bút nổi tiếng viết rất hay, rất sâu về anh, bởi tôi chỉ phác thảo mấy dòng, cũng chỉ là lát cắt nhỏ, vì viết về “Đời và Nghề” của anh biết bao giờ mới hết. Và như đã kể ở phần đầu, dù có khi nào đó trong cuộc sống tôi vô tình thất thố với anh, thì bao giờ cũng nhận được từ anh sự chia sẻ, bao dung và tôi rất biết ơn về điều đó. Phải chăng đây là chất keo gắn bó tình anh em đồng nghiệp của tôi với nhà báo Phạm Quốc Toàn những năm tháng đã qua cho đến hôm nay; và sẽ đến chừng nào có thể khi anh em chúng tôi còn sống và viết ở trên đời.
Đông Hà, giữa tháng 6/2022
Bút ký: Minh Tứ
Bình luận: 0