Kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực công tác Hội ở cơ sở

Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, với những dấu hiệu tích cực từ đời sống chính trị - xã hội, việc thay đổi, kiện toàn tổ chức bộ máy cùng việc nâng cao hoạt động công tác Hội ở một số Hội Nhà báo địa phương là việc làm cần thiết, cấp bách...

Tích cực huy động nguồn lực hỗ trợ từ xã hội để có thêm điều kiện tổ chức các hoạt động hấp dẫn, nhưng vẫn gắn với chuyên môn nghiệp vụ báo chí. Ảnh minh họa

Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, với những dấu hiệu tích cực từ đời sống chính trị - xã hội, việc thay đổi, kiện toàn tổ chức bộ máy cùng việc nâng cao hoạt động công tác Hội ở một số Hội Nhà báo địa phương là việc làm cần thiết, cấp bách, để chất lượng công tác Hội được nâng cao, hoạt động xứng tầm của một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam.

Hệ thống tổ chức chưa hoàn thiện

Rất nhiều cán bộ làm công tác Hội chia sẻ rằng, tổ chức bộ máy ở một số Hội Nhà báo địa phương hiện nay chưa được hoàn thiện, chưa thống nhất, vẫn còn tình trạng “mạnh ai nấy làm”. Trong khi một số Hội Nhà báo địa phương được cấp uỷ, chính quyền địa phương nhìn nhận, đánh giá đúng vai trò và vị trí, được tạo điều kiện hoạt động thì vẫn còn nhiều Hội Nhà báo các tỉnh hiện vẫn đang hoạt động trong điều kiện tương đối khó khăn, thiếu và yếu về nhiều mặt, từ cơ sở vật chất, nhân sự, kinh phí hoạt động. Một số địa phương không có trụ sở, không có biên chế, kinh phí nếu được cấp thì còn eo hẹp.

Ví dụ, Hội Nhà báo Hà Tĩnh có 234 hội viên (trong đó có 189 hội viên đương chức, 45 hội viên đã nghỉ hưu). Ban chấp hành Hội hiện có 13 đồng chí (có 1 Chủ tịch chuyên trách) nhưng chủ yếu là kiêm nhiệm, biên chế chuyên trách Hội gồm 5 người (Chủ tịch, Chánh văn phòng, chuyên viên nghiệp vụ, kế toán, lái xe kiêm thủ quỹ), cơ sở vật chất hiện chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, một phần kinh phí hoạt động nghiệp vụ còn thiếu hoặc chưa có.

Ngược lại, Hội Nhà báo Hà Nam hiện có 120 hội viên, không có biên chế chuyên trách (chỉ có 1 đồng chí đảm nhận công tác Hội nhưng do Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nam chi trả lương), kinh phí hoạt động hằng năm chỉ hơn 200 triệu đồng...

Đây là một thực tế đang diễn ra và dẫn tới sự không đồng đều trong toàn hệ thống từ tổ chức bộ máy, nhân sự, cơ sở vật chất đến kinh phí hoạt động giữa các địa phương; khiến hoạt động công tác Hội ở các Hội Nhà báo cơ sở vẫn còn tồn tại tình trạng “chênh lệch”.

Có thể nhận thấy rõ, hầu hết Thường trực Hội Nhà báo địa phương chỉ có một số bộ phận chủ yếu như văn thư, thủ quỹ, văn phòng..., còn lãnh đạo chủ chốt trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ hầu hết là kiêm nhiệm. Bởi kiêm nhiệm quá nhiều việc khác nhau nên việc dành thời gian và tâm huyết cho công tác Hội cũng gặp phải những hạn chế nhất định.

Tại nhiều hội nghị toàn quốc do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức đã đưa vấn đề này ra bàn thảo nhiều lần, song tình trạng “mỗi nơi một kiểu” vẫn chưa được cải thiện cũng như chưa có những văn bản chính thức để quy định rõ những vấn đề này. Chính vì thế, thống nhất bộ máy, biên chế theo quy chuẩn chung vẫn còn là trăn trở đối với Hội Nhà báo Việt Nam nói chung và với những người làm công tác Hội địa phương nói riêng.

Trong tương lai, cần có những giải pháp khắc phục tình trạng này để nâng cao chất lượng hoạt động công tác Hội địa phương nói riêng, và góp phần nâng cao vị thế của Hội Nhà báo Việt Nam, của những người làm báo nói chung.

Những giải pháp đồng bộ

Kiện toàn bộ máy tổ chức

Hiện nay, vấn đề kiện toàn bộ máy tổ chức hoàn thiện, thống nhất đối với tất cả các địa phương là vấn đề không phải một sớm một chiều có thể giải quyết ngay được. Song đây là một vấn đề cần phải được các cấp uỷ, chính quyền, các ban ngành quan tâm, chỉ đạo và triển khai một cách đồng bộ để bảo đảm hiệu quả thiết thực trong các hoạt động công tác Hội.

Hơn nữa, cần tiếp tục nâng cao năng lực công tác Hội của các Ban Thư ký Liên chi Hội, Chi hội nhà báo cơ sở, phát huy tối đa tính sáng tạo, tinh thần tự chủ trong hoạt động Hội của từng đơn vị; Gia tăng hiệu quả hoạt động của Ban Chủ nhiệm các Câu lạc bộ phóng viên chuyên ngành để tập hợp quản lý, giáo dục hội viên, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp gắn với nhiệm vụ được giao là việc làm cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Song song với đó, bản thân từng Hội Nhà báo cơ sở phải từng bước kiện toàn bộ máy nhân sự theo hướng nâng cao tinh thần, trách nhiệm và sự tham gia chủ động, tích cực của các ủy viên Ban Chấp hành vào các hoạt động chung của Hội.

Cần phối hợp nhuần nhuyễn với các cơ quan chỉ đạo, quản lý Nhà nước về báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí tăng cường công tác quản lý hội viên - nhà báo nhằm bảo đảm việc kiểm tra, giám sát thực hiện tốt các Quy định đạo đức người làm báo.

Tích cực huy động nguồn lực hỗ trợ từ xã hội

Đây là một biện pháp hết sức cần và thiết thực được nhiều Hội nhà báo thực hiện, trong đó tiêu biểu là Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh đã tích cực triển khai nhằm giúp cho các hoạt động của Hội được tổ chức một cách có hiệu quả; đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, các hình thức sinh hoạt cộng đồng, các hoạt động thiện nguyện nhằm thu hút đông đảo hội viên và các cơ quan báo chí tham gia.

Lâu nay, hầu hết các Câu lạc bộ phóng viên chuyên ngành (Câu lạc bộ phóng viên Thể thao, Văn hóa - Văn nghệ, Nội chính, Kinh tế nông nghiệp...) đều vận động được sự hỗ trợ, đồng hành của một số đơn vị ngoài báo chí để có thêm điều kiện tổ chức các hoạt động hấp dẫn hội viên, nhưng vẫn gắn với chuyên môn nghiệp vụ báo chí. Chính điều này đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của hội viên và nâng cao vai trò chính trị - xã hội của các cấp Hội Nhà báo.

Nếu tất cả những giải pháp trên được thực hiện một cách đồng bộ, bài bản, trong tương lai có thể tin tưởng rằng, các hoạt động của các cấp Hội cơ sở sẽ tiếp tục chuyển mình, thay đổi để nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng yêu cầu mới của thời đại.

Phạm Dung

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top