Khí chất bình luận Hồ Quang Lợi
17:47 20/02/2018
- Bình luận
Cuốn sách mới nhất của nhà báo Hồ Quang Lợi - “Nước Nga
- Hành trình tới tương lai” - một lần nữa lại được người đọc
nồng ấm đón nhận. bởi độc giả Việt Nam luôn có nhu cầu
tìm hiểu về một đất nước vừa có số phận tương đồng vừa
có chiều sâu lịch sử và tình cảm gắn bó đặc biệt.
Nhà báo Hồ Quang Lợi hiện là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhưng ông vẫn dành thời gian để viết những cuốn sách có giá trị đi cùng năm tháng. Ảnh: TL
Là một đồng đội, bạn viết và độc giả của Hồ Quang Lợi, điều thích thú đầu tiên của tôi khi vừa cầm trên tay cuốn sách mới của anh là hầu như các bài viết đều không bị lạc hậu với thời gian, thời cuộc.
Từ bài đầu tiên viết tháng 5/1990 đến bài viết mới nhất, tháng 10/2017 là một cái nhìn nhất quán xuyên suốt bao sự kiện, biến cố của nước Nga mà đến thời điểm này khi đọc lại ta không thấy những phân tích, nhận định của anh là cũ kỹ, vênh lệch. Người viết báo không phải là người viết sử tổng kết những gì đã diễn ra trong quá khứ mà là người phải tỏ thái độ, phải có chính kiến tức thời với những điều vừa và đang diễn ra. Khó khăn này là lý do có thể chiếu cố, thể tất cho những bài viết đáp ứng thời sự.
Nhưng với Hồ Quang Lợi, anh tự đặt khó khăn đó ở mức độ cao hơn-một thách thức để những tác phẩm báo chí không chỉ là những bản viết nhật trình đơn giản mà phải gửi đến bạn đọc một gợi mở về cái nhìn sâu xa, bản chất hơn trước những sự kiện.
Trước hết, khí chất bình luận Hồ Quang Lợi nằm ở đây. Nhà bình luận không thể né tránh hay đúng hơn phải chủ động vào cuộc trước những diễn biến cam go, phức tạp nhất để giúp người đọc tiệm cận gần nhất với sự thật. Trong tư cách một người viết báo, một người biên tập hay một Phó Tổng Biên tập, Tổng Biên tập Hồ Quang Lợi luôn tự đòi hỏi mình cũng như đặt ra những yêu cầu cao đối với mỗi tác phẩm báo chí. Từ yêu cầu này, tôi hình dung người viết bình luận như một cỗ radar trên bệ đỡ vững chãi nơi điểm cao luôn dò tìm phát sóng vạch qua muôn lớp nhiễu động thông tin để ra những tín hiệu chân xác của thời cuộc.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi trong chuyến thăm Sư đoàn 312 cuối năm 2017. Ảnh: Sơn Hải
Anh giúp chúng ta nhìn rõ hơn về những gì là tất yếu, căn cất, những gì là hiện tượng sóng sánh trong cơn bể dâu khó lường của nước Nga. Anh giúp chúng ta cảm nhận được những điều mới mẻ, tích cực đáng để hi vọng ngay khi nó vừa xuất hiện. Anh khẳng quyết một niềm tin mới về nước Nga vừa nỗ lực giữ những giá trị căn bản vừa hướng tới tương lai với vị thế mới. Đó là một nước Nga của những con người hồn hậu, hào hiệp nhưng tỉnh táo để lựa chọn và bảo vệ sự lựa chọn của mình. Một nước Nga đang củng cố, tăng cường nội lực nhiều mặt đồng thời biết “hợp tác có lựa chọn” và “đối kháng có lựa chọn”.
Những trang viết của Hồ Quang Lợi đầy sức nặng suy tư khái quát, và dự báo. Chẳng hạn: “Dân chủ dù có quyến rũ thế nào không thể ban bố bằng mệnh lệnh và thị trường dù có đơm hoa kết trái ra sao cũng không đủ để sắp xếp trật tự thế giới”. Câu chuyện dân chủ và thị trường như thế đâu chỉ là riêng của nước Nga và từ nước Nga mà chính là vấn đề của thời đại toàn cầu.
Chẳng hạn: “Kỷ nguyên Putin bắt đầu vào buổi bình minh của thế kỷ XXI đang tiếp tục”. Câu này anh viết tháng 8 năm 2012 và dường như vẫn cứ chính xác cả về “kỷ nguyên Putin” lẫn vị thế của cá nhân ông trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga sẽ diễn ra vào tháng 3 năm 2018 tới đây.
Đương nhiên, Hồ Quang Lợi phải đọc nhiều, tham khảo nhiều các quan điểm của các nhà nghiên cứu, bình luận thế giới để kiến tạo góc nhìn riêng cho mình, song ta thấy rõ chỗ đứng của anh gần gũi, đồng điệu với suy nghĩ, tâm hồn, tình cảm người Việt Nam ta đối với nước Nga. Cũng chính vì vậy, ngòi bút của anh trở nên linh hoạt, cô đọng và đậm đầy những hình ảnh, ngôn từ vừa thân quen vừa sáng tạo đắc địa, đắc ý. Bạn có thể nào dửng dưng trước cánh đồng hình ảnh và ngôn từ phong phú và luôn tươi mới. Chính là cánh đồng ấy đã làm cho tư duy bình luận của Hồ Quang Lợi càng thêm sáng láng, lôi cuốn chúng ta và giúp cho những bài báo của anh cứ vẫn thanh xuân qua bao lớp bụi thời gian.
Các bạn đọc chúc mừng nhà báo Hồ Quang Lợi ra mắt cuốn sách “Nước Nga
- Hành trình tới tương lai” đầu tháng 11/2017. Ảnh: Sơn Hải
Nói đến đây tôi lại nhớ đến Thiếu tướng Trần Công Mân, nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân, người trực tiếp dìu dắt và thường xuyên trao đổi với Hồ Quang Lợi từ khi anh mới về tòa báo. Ông hay nhắc mọi anh em cần chọn vị trí và tâm thế cân bằng giữa độ nóng trong trái tim và độ lạnh trong đầu trước mỗi vấn đề cần viết, đặc biệt là bình luận để những bài báo có ích nhất trong đó có câu chuyện không bị “việt vị” trước biến đổi thời cuộc.
Và nữa với Trung tướng Nguyễn Đình Ước, nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước thì “Bình luận là xương sống của tờ báo”. Theo thời gian, lúc nào đội ngũ cây bút bình luận của Báo Quân đội nhân dân cũng ít mà tinh, Hồ Quang Lợi ở trong số đó trong gần 30 năm công tác. Bình luận là thể tài xương sống của tờ báo chính trị song tư duy bình luận thì cần phải có tất thảy mọi người viết báo. Có tư duy đó họ có thể nhìn nhận mọi vấn đề sáng rõ hơn và thể hiện thuyết phục hơn dù viết theo thể tài nào. Trong trường hợp Hồ Quang Lợi, ngoài bình luận quốc tế với tư duy đó, anh đã viết nhiều bài xã luận và phóng sự vừa chắc, sâu vừa hoạt bát, sinh động.
Có lẽ giống với nhiều người, tôi rất tiếc khi vì những nhiệm vụ quản lý mà tác giả Hồ Quang Lợi không thể thường xuyên xuất hiện trong các bài bình luận. Về nước Nga, cây bút trong tay anh đã phải gián đoạn khá nhiều. Nhưng với nhiệt huyết làm báo và khí chất bình luận, anh đã trực tiếp viết và chỉ đạo viết rất nhiều về những vấn đề hệ trọng của đất nước ta và thành phố Hà Nội. Anh say đắm hào sảng với “Thành phố Rồng bay”, ứng phó nhanh nhạy với những vấn đề phức tạp và nhạy cảm của Hà Nội. Anh biểu thị thái độ rõ ràng “mất niềm tin là mất tất cả” trước những hoài nghi, xao động trong xã hội giữa những năm tháng đất nước gặp khó khăn...
Tôi biết nhiều đồng nghiệp ở nhiều tờ báo đã sát cánh cùng anh và học hỏi lối tư duy của anh, nhiều lớp sinh viên báo chí thích và mê ngòi bút và kinh nghiệm của anh. Và khi đọc thêm mỗi cuốn sách của tác giả thân thuộc này, mỗi chúng ta lại được giàu có thêm tri thức nghề nghiệp.
Nhân đây tôi muốn đề đạt ý kiến là Hội Nhà báo Việt Nam nên nghiên cứu trao giải thưởng hằng năm cho các cuốn sách về báo chí như chẳng hạn “giải Pulitzer” tại Hoa Kỳ. Nền báo chí cách mạng Việt Nam đang phát triển rất mạnh mẽ, sách về báo chí ngày một nhiều mà nhu cầu về loại sách này đối với những người làm báo và xã hội cũng ngày càng cao./.
Đại tá, nhà báo Mạnh Hùng
Bình luận: 0