Hoạt động kinh tế báo chí của Thông tấn xã Việt Nam trong kỷ nguyên số

Trong sự nghiệp cách mạng, báo chí luôn được coi là vũ khí sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng cuộc sống mới cho nhân dân.

Đảng và Nhà nước ta luôn tạo điều kiện về mặt chính sách kinh tế để báo chí có cơ sở hoạt động và phát triển

Đảng và Nhà nước ta luôn tạo điều kiện về mặt chính sách kinh tế để báo chí có cơ sở hoạt động và phát triển, đồng thời khuyến khích các cơ quan báo chí tự chủ tài chính nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, đây là một công việc hoàn toàn không dễ dàng đối với các cơ quan báo chí bởi tính chất đặc thù so với các hoạt động kinh tế khác. Thông tấn xã Việt Nam cũng đã đang chuyển mình thích ứng với dòng chảy kinh tế báo chí trong bối cảnh kỷ nguyên số.

Giới thiệu khái quát Thông tấn xã Việt Nam

Bản chất hoạt động kinh tế của các cơ quan báo chí bao gồm nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố hoạt động kinh tế - dịch vụ xã hội. Vì vậy, đặc điểm hoạt động kinh tế báo chí có tính chất đặc thù so với các hoạt động kinh tế khác.

Hoạt động kinh tế báo chí truyền thông của cơ quan báo chí cho đến nay không còn là một vấn đề mới tại Việt Nam. Mặc dù, sự chuyển dịch trong nền kinh tế báo chí diễn ra chậm hơn so với các lĩnh vực khác, nhưng có thể nhìn thấy một nền kinh tế báo chí đang phát triển mạnh mẽ.

Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) là cơ quan thông tấn chính thức và duy nhất của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, có vị trí và trách nhiệm đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực thông tin. Với chức năng là cơ quan thông tin chiến lược, thông qua hệ thống các Cơ quan thường trú trong và ngoài nước, TTXVN đã và đang cung cấp tuyến tin tham khảo với các bản tin tham khảo, sách tham khảo, tài liệu chuyên đề, các bản tin báo cáo nội bộ phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý và điều hành tới các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan nghiên cứu chiến lược…

TTXVN cũng đã và đang thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính là cung cấp thông tin nguồn về tất cả các lĩnh vực đời sống, từ chính trị, ngoại giao, quốc phòng an ninh, kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ, văn hóa thể thao trong nước và quốc tế; qua các kênh thông tin đối nội và đối ngoại tới hệ thống báo chí truyền thông trong và ngoài nước.

TTXVN trực tiếp thông tin tới công chúng thông qua hệ thống các sản phẩm thông tin của mình bằng các loại hình: báo ngày, tuần và tạp chí in (Tin Tức, Thể thao & Văn hóa, Báo ảnh Dân tộc & Miền Núi, Báo ảnh Việt Nam, Việt Nam News, Le Courrier du Vietnam, Vietnam Law and Legal Forum, Kinh tế Việt Nam & Thế giới), báo điện tử (Vietnam Plus), truyền hình và phát thanh (Kênh Truyền hình thông tấn-VNews), thông tin đa phương tiện (tin nhắn LiveInfo) và trên mạng xã hội Facebook.

Bên cạnh đó, TTXVN còn thực hiện nhiệm vụ lưu trữ phim ảnh quốc gia, xây dựng phim tư liệu chuyên đề, lưu trữ thông tin kể từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được thành lập đến nay.

Kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Thông tấn xã Việt Nam (15/9/1945 - 15/9/2020)

Nằm trong xu hướng hội nhập và phát triển, các tòa soạn báo chí nằm trong TTXVN luôn đi đầu trong tổ chức hoạt động kinh tế báo chí, truyền thông ở Việt Nam với nhiều thành tựu nổi bật trong việc đổi mới tư duy của những người làm báo chí truyền thông. Từ chỗ tòa soạn báo chí hoạt động bao cấp, lạc hậu và bị động đã chuyển sang làm báo trong nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, nhanh nhạy, chủ động và sáng tạo, bảo đảm phục vụ yêu cầu chính trị tư tưởng, vừa hoạt động kinh tế - kinh doanh trong điều kiện mới.

Các hình thức hoạt động kinh tế của các tòa soạn báo chí trong TTXVN khá phong phú, đa dạng, bao gồm: Phát hành, quảng cáo, tổ chức sự kiện (PR), kinh doanh các sản phẩm truyền thông, liên doanh – liên kết, dịch vụ tư vấn, thông tin, chỉ dẫn...

Các hình thức kinh tế này đã góp phần làm phong phú, sinh động thêm các hoạt động báo chí truyền thông, hướng tới mô hình tập đoàn, tổ hợp báo chí truyền thông và ngành công nghiệp truyền thông trong xu thế đổi mới hội nhập, hội nhập quốc tế. Đồng thời thêm thu nhập ổn định cho cán bộ, phóng viên tại các cơ quan báo chí của TTXVN.

Ngoài ra, hoạt động kinh tế báo chí truyền thông còn giúp đội ngũ cán bộ, phóng viên chủ động, năng động, sáng tạo trong quá trình làm việc. Các hoạt động kinh tế và nguồn lợi kinh tế báo chí truyền thông tại các cơ quan báo chí của TTXVN đã góp phần nâng cao uy tín, vị thế, sức lan tỏa của các cơ quan báo chí truyền thông nói chung. Vị thế này cũng được nâng lên trong hợp tác, liên kết, liên doanh với các đối tác nước ngoài trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, đôi bên cùng có lợi.

Có thể nói, những thành tựu trên được coi là tiền đề, cú hích để các cơ quan báo chí trong TTXVN thực hiện hài hòa nhiệm vụ chính trị và lợi ích kinh tế, bổ sung, tác động cho nhau để cống hiến tốt hơn cho đất nước, cho nhân dân trong bối cảnh, yêu cầu và điều kiện mới như hiện nay.

Phóng viên Thông tấn xã đưa tin trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tháng 4/1975. (Ảnh: TTXVN)  

Một số vấn đề đặt ra

Nhìn nhận một cách khách quan, các yếu tố trong quá trình đầu vào tại các cơ quan báo chí trong TTXVN chưa được khai thác triệt để. Đó là nguồn nhân lực chịu sức ép cạnh tranh, số lượng nhân sự có năng lực và hoạt động thực sự chỉ chiếm hơn 70%, trong khi kế hoạch bổ sung – đào tạo chưa theo kịp. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ việc sản xuất đòi hỏi thường xuyên được đầu tư mới đáp ứng kịp sự thay đổi hiện nay. Trong khi đó, vấn đề công nghệ phải đầu tư bài bản và nâng cấp thường xuyên. Ban biên tập chỉ đạo các phòng ban và hoạt động của báo chưa thực sự quan tâm đến việc đa dạng hóa các loại hình kinh tế báo chí, các kế hoạch nhằm đa dạng hóa các loại hình cũng chưa được xây dựng.

Ông Lê Quốc Minh – Phó Tổng Giám đốc TTXVN chia sẻ những khó khăn trong hoạt động kinh tế báo chí truyền thông ở TTXVN trong thời kì kỷ nguyên số: “Bất cập lớn nhất trong hoạt động kinh tế báo chí tại TTXVN là thiếu một chiến lược kinh doanh tổng thể cho toàn ngành. Trong bối cảnh khó khăn chung của báo in, cần thừa nhận rằng một số tờ báo thuộc TTXVN chưa chủ động trong hoạt động kinh doanh quảng cáo, vẫn tiếp cận khách hàng theo cách thức truyền thống. Khi tờ báo ở thời kỳ đỉnh cao, báo chí chỉ việc ngồi chờ doanh nghiệp tìm đến đăng quảng cáo, khi gặp khó khăn, nhiều báo vẫn không có những giải pháp linh hoạt để thu hút khách hàng ngoài việc mời chào các trang quảng cáo theo cách thức cổ điển (trong khi quảng cáo print-ads trên thế giới đã phát triển vô cùng đa dạng và sáng tạo). Đó là chưa kể đến việc quá phụ thuộc vào một số khách hàng bao tiêu số lượng lớn nên khi các doanh nghiệp này cắt giảm số lượng báo mua định kỳ thì các báo sẽ lập tức gặp khó khăn.

Các báo điện tử nói chung và của TTXVN nói riêng cũng gặp khá nhiều khó khăn trong việc thu hút quảng cáo, nhất là khi quảng cáo banner nhường chỗ cho quảng cáo tự động (programmatic), dựa vào thuật toán và đòi hỏi lượng truy cập rất lớn vì giá CPM ở thị trường Việt Nam rất nhỏ. Thông tin trên các báo điện tử của TTXVN đều là chính thống nên rất khó thu hút người xem. Đó là chưa kể các báo chính thống của TTXVN phải hy sinh nguồn thu quảng cáo vì không thể đặt quá nhiều vị trí quảng cáo trên trang chủ cũng như trong nội dung bài viết. Xu hướng làm nội dung có tài trợ (branded content) đang phát triển mạnh mẽ trên báo điện tử nước ngoài nhưng rất ít được áp dụng tại TTXVN.

Hiện nay, có rất nhiều cách thức tạo nguồn thu cho báo chí đang được áp dụng trên thế giới, từ việc thu phí báo điện tử (paywall), thu phí thành viên (membership), tổ chức sự kiện, làm thương mại điện tử, liên kết bán hàng, thậm chí kinh doanh dữ liệu và công nghệ... Tuy nhiên, cần thừa nhận báo chí Việt Nam nói chung và TTXVN vẫn đi theo lối mòn thay vì tìm kiếm những nguồn thu mới.

Nhìn chung, các hoạt động kinh tế báo chí truyền thông tại các cơ quan báo chí trong TTXVN vẫn song song tồn tại đan xen cả thành tựu và hạn chế. Do đó, phải có những giải pháp để khắc phục đảm bảo hoạt động kinh tế báo chí truyền thông tại các cơ quan báo chí trong TTXVN phát triển đúng hướng, đảm bảo chất lượng.

Ra mắt Kênh truyền hình Thông tấn

Giải pháp có tính đột phá

Trong bối cảnh hiện nay khi các loại hình báo chí ngày càng phát triển thì sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, đòi hỏi các cơ quan báo chí trong TTXVN phải tiếp tục nâng cao chất lượng nội dung, hình thức tờ báo, chú trọng công tác đào tạo và xây dựng thêm các nguồn thu. Cụ thể, về năng cao chất lượng, chú trọng xây dựng các chuyên trang, chuyên mục hấp dẫn, mang bản sắc riêng, tránh chồng chéo với một số báo.

Trong quá trình thực hiện các chuyên trang, chuyên mục thường xuyên rút kinh nghiệm nghiêm túc những hạn chế từ kết cấu nội dung, hình thức, chất lượng tin, bài. Từng bước đổi mới nội dung và cập nhập thông tin mới kịp thời, có sự sáng tạo trong cách thể hiện tạo sự hấp dẫn, bám sát định hướng chính trị, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc.

Đối với công tác đào tạo, các cơ quan báo chí trong TTXVN cần chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng tác nghiệp báo chí và sự hiểu biết về lĩnh vực tuyên truyền, kinh tế báo chí cho đội ngũ phóng viên, khơi dậy tính sáng tạo trong mỗi tác phẩm báo chí, làm kinh tế báo chí.

Hiện nay, đội ngũ nhân sự làm công tác kinh doanh ở các cơ quan báo chí hầu hết đều học nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Song, rất ít tòa soạn có đội ngũ nhân viên kinh doanh chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản và am hiểu về thị trường báo chí.

Vì vậy, ngoài việc nâng cao các lợi thế cạnh tranh khác để hút người tài, cần có các chương trình đào tạo nguồn nhân lực làm các hoạt động kinh doanh cho tòa soạn. Những người làm kinh tế báo chí cần có những hiểu biết về kĩ năng kinh doanh, nắm bắt được các quy luật, các đặc tính của kinh tế thị trường, biết tính toán để đầu tư, thậm chí biết chấp nhận rủi ro...

Đội ngũ PV, nhà báo TTXVN đã giành được nhiều giải thưởng báo chí

Người lãnh đạo hoạt động kinh doanh của tòa soạn cần nắm được các kĩ năng về tuyển dụng, đào tạo nhân sự; quản trị, khen thưởng để kích thích khả năng làm việc của nhân viên... Đối với những nhân sự tốt nghiệp các ngành kinh tế, cần được bồi dưỡng và tạo điều kiện cọ xát để hiểu và nắm được những đặc thù của hoạt động báo chí, cũng như thị trường kinh doanh báo chí. Về xây dựng tăng thêm nguồn thu từ các hoạt động kinh tế báo chí, đặc biệt đối với báo mạng điện tử các cơ quan Thông tấn xã Việt Nam nên tập trung tăng nguồn thu từ các loại hình khác nhau, ví dụ như bán sản phẩm bằng thu phí truy cập: thu phí đọc báo theo đơn đặt hàng dài hạn (năm), trung hạn (quý, tháng), ngắn hạn (tuần, hàng ngày, giờ, phút), qua paywall (bức tường phí) và thu từ quảng cáo trực tuyến gồm: thu từ quảng cáo trực tuyến (trực tiếp từ nhà sản xuất hàng hóa; qua các công ty môi giới nguồn quảng cáo; qua các công ty quảng cáo...).

Ngoài ra, có thể thu từ tổ chức các sự kiện văn hóa – giải trí hoặc các hội thảo kinh tế, đi kèm là tài trợ trực tiếp hoặc bằng quảng cáo. Đăng tải bài PR cho doanh nghiệp với chi phí phù hợp hiện cũng đang được các chủ đầu tư, các doanh nghiệp hướng tới nhằm mong muốn mang sản phẩm hay thương hiệu của công ty đến gần hơn với người tiêu dùng.

Việc thông qua tổ chức các giải thưởng, cũng là nguồn thu cho các cơ quan báo chí. Hoạt động từ thiện cũng được coi là hoạt động xã hội mà cơ quan báo chí có thể tham gia với tư cách là đơn vị chủ trì hoặc phối hợp, nhằm thu hút các nhà hảo tâm, các nhà tài trợ.

Nguyễn Hà My

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top