“Hạnh phúc từ trải nghiệm”

00:17 22/08/2021 - Văn hóa xã hội
Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đang diễn ra quyết liệt ở nhiều địa phương, nhất là ở Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai… Nhiều nhà báo đã và đang song hành, phản ánh kịp thời khí thế chống dịch, cổ vũ, ngợi ca những tấm gương gạt nỗi đau riêng, tận tụy, hi sinh cứu người bệnh. Trang thơ Người làm báo đăng bài của nhà báo Viết Dư đề cập vấn đề này qua phân tích bài thơ "Hạnh phúc từ trải nghiệm" của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

Nữ bác sĩ ở phòng cấp cứu

Báo Thời Nay số 19/8/2021 đăng bài thơ “Hạnh phúc từ trải nghiệm” của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh. Đây là một trong những bài thơ mang phong cách đặc trưng của tác giả, vừa mang tính hiện thực, vừa mang chất lãng mạn, toát lên lý tưởng cao đẹp của những con người đang thầm lặng hi sinh cho cuộc chiến đẩy lùi đại dịch COVID-19.

“Hạnh phúc” dưới góc nhìn của mỗi người có những cảm nhận riêng. Có người coi hạnh phúc là cơm no, áo ấm; có người lại cho rằng hạnh phúc là được yêu thương…, nhưng có người lại coi hạnh phúc của mình là giúp người khác được sống trọn với khát vọng cao đẹp… Với nhãn quan của một nhà báo, tác giả đặt hạnh phúc trong một bối cảnh rất cụ thể của người nữ bác sĩ đang làm nhiệm vụ ở tâm dịch Sài Gòn:

Đêm trong phòng cấp cứu

Nhận tin Cha qua đời

Chỉ biết gạt nước mắt

Vì đường quá xa xôi

Nguyện mong Cha thứ lỗi!”

Những y bác sĩ chia tay con cái trước khi lên đường vào Nam

Ngay khổ thơ đầu tiên, người đọc dường như nín thở, không gian bị bóp nghẹt, tất cả đang tập trung cứu sự sống cho người bệnh. Chua xót thay, trong bối cảnh căng thẳng ấy, người bác sĩ lại nhận tin Cha của chồng đã qua đời!… Tin dữ ấy làm cho nàng dâu chỉ còn cách nén nỗi đau, gạt nước mắt, thầm nguyện cầu cha chia sẻ, cảm thông: “Vì đường quá xa xôi/ Nguyện mong cha thứ lỗi!”.

Trong không gian bức bối đó, nhìn những người bệnh đang đối mặt với tử thần, nữ bác sĩ lại nhớ về hình ảnh và lời dặn của cha khi vào bệnh viện tạm biệt Cha trong ngày lên đường:

“Cha đã ngoài bát thập

Sinh - tử lẽ thường tình

Một lá vàng có rụng

Đừng âu lo, con đi cứu vạn lá xanh!”.

Có thể coi đó là lời di nguyện cuối cùng của cha là mong con dâu bớt âu lo, khắc khoải để dồn hết trí lực “cứu vạn lá xanh”. Chỉ mấy nét chấm phá ấy, người đọc kính trọng suy nghĩ và hành động cao cả, sẵn sàng chấp nhận sự thiệt thòi riêng để vì cái chung lớn lao của đất nước.

Y bác sĩ TP Đà Nẵng xuất quân vào TPHCM

Khổ thơ tiếp theo, tác giả đưa người đọc trở lại không gian của gia đình, nơi người chồng ở nhà, vừa chịu nỗi đau mất cha mùa giãn cách, vừa nhớ vợ phương xa… “Thủ đô kéo dài giãn cách/Một mình trong nhà vắng lạnh…”. Người chồng thay nỗi nhớ vợ cồn cào, bằng một việc làm rất đời và rất thơ:

“…Anh giở tập thư đã ố vàng

Tái hiện bao hoài niệm thiêng liêng

Ngày đầu yêu nhau thề nguyện…”

Tác giả dùng hình tượng này muốn nói rằng, ở trong phòng cấp cứu, bộn bề công việc, em không có giây phút nào nghĩ về anh; nhưng ngược lại, với anh là cả hoài niệm đẹp về mối tình đầu anh đã thề nguyện; và hôm nay, đang nhắc anh sống thuỷ chung để xứng đáng với sự hi sinh vô bờ bến của em!... Khổ thơ sau, như một lá thư gói gọn trong suy nghĩ của người vợ hiền:

“Sống xa cách, càng sáng thêm trải nghiệm

Trong hiểm nguy, gian khó bội phần

Từng phút, từng giây nén chặt niềm thương

Đất nước sớm bình yên

Em coi đó là cội nguồn Hạnh phúc!”

Với người vợ, hạnh phúc là sự trải nghiệm, là đức hy sinh, là thực hiện di nguyện của cha chồng, là đức tin cứu những sinh linh để đất nước sớm bình yên tất thảy… Đến đây, người đọc đã hiểu vì sao tác giả lại đặt nhan đề bài thơ là “Hạnh phúc từ trải nghiệm”. Từ trong hành động cứu người bệnh; từ lời động viên của chồng, người bác sĩ ấy càng thầm hiểu rằng, gia đình là tế bào nhỏ của đất nước. Tổ quốc có bình yên thì gia đình mới hạnh phúc; và hạnh phúc lứa đôi chỉ lung linh, bền vững khi hoà vào nhịp sống đất nước sôi động và đầy gian nan khi đại dịch hoành hành!...

Người bệnh ra viện cảm động biết ơn y bác sĩ... 

Khổ cuối bài thơ, người chồng như nghe được nhịp đập trái tim yêu thương của vợ để thêm vững vàng, khẳng định niềm tin chiến thắng dịch bệnh:

“Ngày gặp nhau sẽ tới

Cùng ra mộ Cha thắp nhang tạ lỗi!...”.

“Cùng ra mộ Cha thắp nhang tạ lỗi!”, đó là một “điểm hẹn” mang ý nghĩa tâm linh, nhất định cha sẽ phù hộ để con dâu trở về, để cuộc sống vợ chồng ngày càng hạnh phúc. Và chắc ở nơi chín suối, người cha thầm tự hào vì các con đã nối tiếp lý tưởng sống cao đẹp của dân tộc, chấp nhận hi sinh cá nhân, vì lợi ích của cả cộng đồng và đất nước. Lý tưởng ấy, việc làm ấy thực sự là cội nguồn của hạnh phúc, của lứa đôi cũng như của toàn xã hội.

Bài thơ thật sự góp thêm nội hàm định nghĩa về Hạnh phúc. Tôi nhớ câu thơ của nữ liệt sĩ nhà văn Dương Hương Ly trong Bài thơ về hạnh phúc, có câu:

Hạnh phúc là gì?

Đã bao lần ta lúng túng

Hỏi nhau hoài, mà mãi vẫn không ra!...

Ở nhà trong giãn cách, người chống ghi nhật ký, động viên vợ yên tâm làm nhiệm vụ

Viết Dư

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top