Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Hành lang pháp lý quan trọng để báo chí phát triển

21:01 18/07/2016 - Pháp luật
Sau thời gian nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý của các cơ quan báo chí, các cơ quan chức năng, tổ chức và chuyên gia, Luật Báo chí (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội thông qua sáng 5/4/2016 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 với nhiều nội dung mới. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để báo chí phát triển và nâng cao hiệu lực công tác quản lý nhà nước về báo chí trong thời gian tới. Người Làm Báo tổng hợp các ý kiến của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, mộtsố đại biểu Quốc hội về bộ Luật quan trọng này.

Quang cảnh kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII. Nguồn: quochoi.vn

Ông Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông:
​Có thể nói, Luật Báo chí (sửa đổi) lần này có nhiều điểm mới: Thứ nhất, Luật Báo chí (sửa đổi) đã triển khai nội dung quan trọng được quy định tại Điều 14, Điều 25 của Hiến pháp năm 2013 quy định về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí. Đây là một nội dung được thảo luận nhiều nhất vì tự do báo chí, tự do ngôn luận thực tế là một phương diện thể hiện dân chủ ở nước ta, nhưng lại là một quyền có giới hạn đối với luật pháp tất cả các quốc gia trên thế giới. Việc giới hạn đó theo “nguyên tắc gây hại”, “nguyên tắc xúc phạm” hoặc xung đột với các quyền khác.

Thứ hai, Luật Báo chí dành một phần rất thỏa đáng để bao quát một cách hệ thống những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí. Quy định này nhằm hạn chế một cách kiên quyết những hành vi lạm quyền của báo chí cả thế giới là “xâm phạm bí mật đời tư” trong thực tiễn phát triển báo chí ở nước ta.

Thứ ba, tạo khung pháp lý rộng rãi và nghiêm khắc, đồng thời bảo hộ mạnh mẽ bằng các định chế cần và đủ cho cơ quan báo chí, nhà báo tác nghiệp một cách tự do theo khuôn khổ các quy định từ việc cung cấp thông tin cho báo chí, tới quyền và nghĩa vụ bảo mật nguồn tin của cơ quan báo chí và nhà báo.

Thứ tư, bảo đảm và mở rộng sự liên kết nhiều chiều và sâu sắc trong hoạt động báo chí. Điểm nổi bật là sự liên kết này bảo đảm đối tượng người đọc được quyền hưởng lợi về nội dung và các cơ quan báo chí được quyền hưởng lợi về kinh tế trên thực tế...

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai):
Nếu nhìn vào Luật Báo chí (sửa đổi) lần này, sẽ thấy rất nhiều điều mở. Mặc dù đến bây giờ, về nguyên tắc, chúng ta vẫn không công nhận có báo chí tư nhân, nhưng rõ ràng, nhiều tổ chức mang tính tư nhân vẫn được phép xuất bản báo chí, nếu nằm trong những đối tượng được ra báo. Thí dụ, các trường đại học, các viện, cơ quan, cơ sở nghiên cứu... Tôi nghĩ rằng, đây là một bước chuyển rất quan trọng. Hơn nữa, lần này, Luật không đề cập trực diện những điều cấm rõ ràng. Vì những điều cấm nằm trong khung của các bộ luật khác. Cho nên, chỉ những gì liên quan đến quyền tự do dân chủ, ngôn luận và làm báo thì vẫn phải đề cập.

Tôi nghĩ rằng, việc vận dụng Luật là quan trọng, vì thực ra những điều cấm ấy, các luật khác như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Doanh nghiệp... đều đề cập rồi. Ở đây có làm nhẹ đi. Nhưng điều quan trọng là, cơ quan quản lý biết vận dụng như thế nào, để tạo điều kiện cho những mặt tích cực trong đời sống báo chí được phát huy và hạn chế những mặt tiêu cực.

Đương nhiên, từ luật đến đời sống còn có một khoảng cách. Đến thời điểm này, Luật Báo chí (sửa đổi) phù hợp với thực tiễn của báo chí hiện nay.

Tôi tin rằng, rồi đây, chúng ta sẽ có một khung luật pháp để giám sát và quản lý thông tin trên mạng. Điều đó có nghĩa là tạo hành lang để thúc đẩy quyền của người dân trên cơ sở tôn trọng tự do và quyền của người khác. Lĩnh vực này chắc cũng không phải của riêng Việt Nam. Trên thế giới, đây cũng là một lĩnh vực đang cần phải có thời gian để có cơ sở làm luật nhằm quản lý lĩnh vực này. Tuy nhiên, tôi cho rằng, vào thời điểm này, chúng ta chấp nhận hiện trạng này là một sự thận trọng cần thiết.

Đại biểu Bùi Thị An (Đoàn TP. Hà Nội):
Luật Báo chí (sửa đổi) được thông qua thể hiện đúng tinh thần của Hiến pháp. Các quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận đã được Hiến pháp bảo đảm và quy định rõ, thể hiện trong Luật lần này.

Tôi nghĩ rằng, trang thông tin điện tử đưa vào Luật mà quản lý được thì rất tốt, nhưng đưa vào mà không quản lý được thì không nên đưa vào. Có lẽ, phải điều chỉnh bằng nghị định hay một luật khác, chứ bây giờ đưa vào Luật ngay, và hy vọng quản lý được các trang mạng thì không được. Chỉ có một cách, chúng ta công khai những thông tin có thể công khai được. Điều này sẽ át những thông tin xấu đi. Đó cũng thể hiện quyền tự do của người dân.

Bây giờ, ảnh hưởng của môi trường mạng rất lớn. Công nghệ thông tin có hai mặt. Một mặt, mang lại lợi ích cho người dân, với thông tin rất nhanh. Nhưng mặt khác, cũng mang lại thông tin xấu. Thế thì, trách nhiệm của Nhà nước là cung cấp thông tin thật, thông tin công khai cho người dân biết. Thứ hai, nếu như quá xấu, cần có trách nhiệm hạn chế bớt bằng nhiều hình thức thông tin khác, tức là lấy cái đúng phủ định cái sai. Người dân sẽ tự lựa chọn.

Thứ nữa, dần dần hướng đến những người cung cấp thông tin sẽ phải có trách nhiệm với việc cung cấp thông tin của mình, để bảo đảm sự đúng đắn, bởi đó là thương hiệu của mình./.

PV thực hiện
Tạp chí Người Làm Báo số 386 - Tháng 4/2016

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.