Hài hòa bảo tồn và phát triển
14:46 31/07/2021
- Danh mục
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa đề xuất với UBND thành phố các phương án bảo tồn Khu di chỉ Vườn Chuối (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức), mà không làm ảnh hưởng đến việc xây dựng tuyến đường Vành đai 3.5 của thành phố. Các phương án dựa trên kết quả khai quật khu di chỉ thời gian qua, với mục đích bảo đảm sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, vừa phục vụ bảo tồn, nghiên cứu, phát huy giá trị di sản, vừa đáp ứng nhu cầu hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông.
Khu vực khai quật khảo cổ học tại Khu di chỉ Vườn Chuối (huyện Hoài Đức), tháng 12/2020. Ảnh: Nguyễn Thủy
Khẳng định giá trị di chỉ khảo cổ
Được phát hiện từ năm 1969, Khu di chỉ Vườn Chuối bao gồm các khu vực gò Vườn Chuối, gò Mỏ Phượng, gò Dền Rắn, gò Chùa Gio, gò Đình Lỗ, gò Cây Muỗng và gò Chiều Vậy, với tổng diện tích gần 19.000m2. Trải qua nhiều cuộc khảo sát, thăm dò và khai quật, khu di chỉ đã phát lộ những thông tin đặc biệt quý giá, là nguồn tư liệu đồ sộ và hiếm hoi về đời sống người Việt cổ cách đây 3 nghìn năm, với các lớp văn hóa liền mạch từ Đồng Đậu, Gò Mun đến Đông Sơn.
Trưởng ban Quản lý di tích - danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn thông tin, trong đợt khai quật mới nhất (2020-2021) trên tổng diện tích 150m2 do đơn vị phối hợp với Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), Khu di chỉ Vườn Chuối tiếp tục cung cấp nhiều di vật có giá trị, gồm hơn 613 hiện vật có chất liệu đá, đồng, gốm, gỗ, xương, sắt; hơn 106 nghìn mảnh gốm cổ và 19 mộ táng Ðông Sơn. “Các di vật ẩn chứa những thông tin quý báu về đời sống cư dân cách đây hàng nghìn năm, với sự phát triển của các nghề chăn nuôi trên nền tảng nông nghiệp lúa nước, chế tác đồ đá, nặn gốm, đúc đồng, se sợi, dệt vải, đánh bắt cá…”, ông Nguyễn Doãn Văn cho biết thêm.
Dù sở hữu giá trị văn hóa, lịch sử to lớn, song đến nay Khu di chỉ Vườn Chuối vẫn nằm ngoài danh sách di tích được kiểm kê của thành phố, dẫn đến nhiều khó khăn trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Ông Nguyễn Văn Thắng (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức) cho hay: “Nhiều diện tích của di chỉ nằm trong khu vực canh tác của người dân, nên có tình trạng rễ cây xâm lấn phá vỡ nhiều tầng văn hóa của di tích. Hơn nữa, nơi đây cũng thường xuyên bị đào trộm đồ cổ, khiến di chỉ bị thất thoát nhiều di vật quý”.
Còn theo Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Bùi Văn Liêm, một phần khu di chỉ hiện nằm trong dự án đường nối từ quốc lộ 32 đến Đại lộ Thăng Long (đường Vành đai 3.5) nên cần sớm có phương án bảo vệ, phát huy giá trị một cách phù hợp.
Đề xuất hai phương án bảo tồn di sản
Trước thực tế này, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa đề xuất với UBND thành phố hai phương án bảo tồn, phát huy giá trị Khu di chỉ Vườn Chuối trên cơ sở thống nhất ý kiến của nhiều chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo báo cáo kết quả khai quật khảo cổ khu di chỉ Vườn Chuối (ngày 4-6-2021).
Với phương án 1, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đề nghị bảo tồn phần diện tích phía Đông khu di chỉ (khoảng 6.000m2); tổ chức khai quật, di dời toàn bộ di tích, di vật khu vực phía Tây, giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng hạ tầng giao thông theo quy hoạch. Còn phương án 2, Sở đề xuất bảo tồn toàn bộ Khu di chỉ Vườn Chuối. Tuyến đường Vành đai 3.5, đoạn qua khu vực di chỉ, nghiên cứu làm cầu vượt.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, phần diện tích phía Đông khu di chỉ mang những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học tiêu biểu cho toàn bộ Khu di chỉ khảo cổ Vườn Chuối, trong khi việc khai quật, di dời đối với nửa phía Tây vẫn bảo đảm tối đa cho việc thu thập di tích, di vật trên khu vực, mà không làm ảnh hưởng đến việc xây dựng tuyến đường Vành đai 3.5 của thành phố. Đối với phương án 2, có thể bảo đảm việc bảo tồn toàn bộ diện tích của khu di chỉ, nhưng lại hạn chế mục tiêu hoàn thiện hạ tầng giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) của huyện, địa phương đã xác định đầu tư cho phát triển du lịch, trong đó trọng điểm là du lịch tâm linh. Khu di chỉ Vườn Chuối chính là một trong những di tích có giá trị lịch sử, văn hóa quan trọng để huyện triển khai đầu tư xây dựng, nhằm hiện thực hóa mục tiêu này. Trong thời gian tới, huyện sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị chuyên môn để triển khai đồng bộ các bước tiếp theo, giúp di tích sớm được kiểm kê, xếp hạng.
Về vấn đề này, Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Bùi Văn Liêm cho rằng, nhiệm vụ trước mắt là chuẩn bị hồ sơ lý lịch di tích, khoanh vùng bảo vệ, đưa khu di chỉ vào danh mục kiểm kê di tích của thành phố, tiến tới xem xét, đề nghị các cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích. Về lâu dài, có thể xây dựng khu di chỉ thành một công viên lịch sử, văn hóa, một bảo tàng kể câu chuyện văn hóa, lịch sử đặc sắc bằng chính những hiện vật được khai quật nơi đây.
Nguyễn Thanh.hanoimoi
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Vinamilk nhận loạt giải thưởng về quản trị và phát triển bền vững (03:19 20/11/2024)
- BIDV và VRG hợp tác toàn diện giai đoạn 2024 - 2029 (12:25 20/11/2024)
- Trao Giải báo chí viết về giáo dục TP. HCM lần thứ 2 (06:31 20/11/2024)
- Khám phá Vietjet Green Friday, ưu đãi lớn nhất năm, bay xanh khắp thế giới! (02:34 19/11/2024)
- VPBank trở thành nhà tài trợ chính thức đêm hoà nhạc “The Vienna Concert” (01:48 19/11/2024)