Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

HN: Ra quân xử lý phương tiện đeo phù hiệu công an, báo chí

17:19 28/07/2016 - Pháp luật
Trước tình trạng nhiều xe ô tô biển xanh, đặc biệt là xe mang BKS tư nhân nhưng vẫn dán lô gô, sử dụng phù hiệu của Bộ Công an, báo chí đi lại trên đường gây phản cảm khi vi phạm Luật Giao thông, CSGT Hà Nội đã tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Lô gô, phù hiệu dán kín kính xe

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an, Cục CSGT (Bộ Công an), lãnh đạo CATP Hà Nội, hôm nay 27-7, Phòng CSGT CATP Hà Nội đã triển khai tăng cường lực lượng kiểm tra, xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm. Tại nút giao thông Trần Duy Hưng-Phạm Hùng, chỉ trong khoảng hơn 1 giờ đồng hồ, tổ công tác của Đội CSGT số 6 đã phát hiện hơn 10 trường hợp vi phạm.

Đầu tiên là chiếc xe ô tô mang BKS 30A-652.53 trên xe có để lô gô phù hiệu ra vào cổng Bộ Công an. Khi được hỏi về nguồn gốc tấm phù hiệu trên, lái xe tường trình được người thân cho. CSGT đã nhắc nhở và yêu cầu lái xe không được để phù hiệu trên kính lái, đồng thời dùng bút gạch chéo phù hiệu trên để tránh trường hợp sử dụng không đúng mục đích, gây ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng Công an.

Cùng thời gian trên, CSGT cũng phát hiện chiếc xe mang BKS 29A-450.81 với đăng ký kinh doanh mang tên của một công ty. Chiếc xe dán lô gô của Học viện An ninh nhân dân ghi rõ tên tuổi, ảnh và BKS của chiếc xe với nội dung được phép ra vào Học viện.

Chưa bàn đến việc kiểm tra xem tính xác thực của phù hiệu trên là thật hay giả, song nếu cứ căn cứ vào nội dung ghi trên phù hiệu thì chỉ có chức năng nhận biết chiếc xe được phép ra vào học viện. Việc chủ nhân của chiếc xe dán phù hiệu lên trên kính lái phía trước để lưu thông trên đường, tham gia giao thông khiến người dân không khỏi đặt câu hỏi rằng đằng sau đó liệu có “ẩn ý” nào khác không.

Lái xe  này thừa nhận không phải là người trong lực lượng CAND

Cùng với chiếc xe trên, xe ô tô nhãn hiệu Honda Civic BKS 29A-193.50 cũng dán phù hiệu Bộ Công an trên kính lái kèm theo đầy đủ thông tin về BKS.

Tổ công tác đã nhắc nhở nếu đây là giấy được các cơ quan chức năng cấp thì cũng chỉ có giá trị khi đi qua khu vực cổng trụ sở chứ không được phép dán ở kính xe để lưu thông trên đường, tránh gây hiểu lầm cho người dân.

Nhiều thẻ giả, lô gô hết hạn

Không chỉ có xe ô tô biển xanh, biển trắng dán các phù hiệu ra vào của Bộ Công an, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài hay các cơ quan khác, nhiều xe ô tô cũng dán phù hiệu, lô gô của các cơ quan báo chí.

Đơn cử như chiếc xe mang BKS 30A-119.27. Sau khi CSGT ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra, lái xe là anh Trần Minh Đức thừa nhận phù hiệu báo chí trên xe đã hết hạn. Đáng chú ý, quá trình CSGT làm nhiệm vụ kiểm tra, lái xe đã chìa ra một chiếc thẻ ghi “Thẻ phóng viên” của Tạp chí Tinh hoa Đất Việt và mong CSGT bỏ qua. Nếu thoạt nhìn tấm “thẻ phóng viên” này không khác gì “Thẻ Nhà báo” với khuôn khổ, kích cỡ gần như tương đương. Chiếc “Thẻ phóng viên” này còn in hình Quốc huy.

Có lái xe để phù hiệu cơ quan báo chí hết hạn trên xe ô tô và chìa ngay ra "Thẻ phóng viên" để mong CSGT bỏ qua

Qua ghi nhận, bên mặt ngoài Quốc huy của tấm thẻ ghi “Thẻ này thay giấy giới thiệu của tòa soạn”; được ký vào ngày 1/1/2016 có giá trị đến thời hạn ngày 31/12/2016 có chữ ký ghi của Tổng biên tập tạp chí là ông Bùi Công Phiếu.

Đáng chú ý, trong khi phóng viên của các cơ quan báo chí đang tác nghiệp theo đúng quy định thì một cô gái ngồi trên xe ô tô này mở cửa xuống buông những lời lẽ không đúng mực, thiếu tôn trọng các nhà báo. Tuy nhiên, hành vi của cô gái này đã gặp phải sự phản ứng gay gắt của các nhà báo tác nghiệp cùng tổ công tác CSGT. Thậm chí, sau khi cả hai lên xe, lái xe Trần Minh Đức và cô gái đi cùng còn rút điện thoại ra ghi hình CSGT và nhóm phóng viên làm nhiệm vụ trước khi nổ máy rời khỏi vị trí kiểm tra.

"Giấy giới thiệu phải ghi rõ nơi làm việc, nội dung làm việc, tiếp xúc với những cơ quan, đơn vị nào. Các địa phương nếu gặp những đối tượng không có thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu của các cơ quan báo chí do chính tổng biên tập hoặc phó tổng biên tập ký thì sẽ không tham gia hợp tác "- lãnh đạo Bộ Thông tin truyền thông nhấn mạnh. Trong trường hợp này, "Thẻ phóng viên" như trên là hoàn toàn không đúng quy định

Theo báo cáo của Phòng cảnh sát giao thông Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, Phòng đã xử lý 5 trường hợp người nước ngoài vi phạm giao thông, 34 ô tô biển xanh, 26 ô tô biển đỏ; kiểm tra xử lý 4.436 trường hợp vi phạm qua hệ thống camera; giữ 5 xe ô tô BKS giả bàn giao cho Phòng CSHS giải quyết, trích xuất 120 lượt hình ảnh phục vụ công tác điều tra giải quyết tai nạn giao thông bỏ chạy và phát hiện tội phạm.

Thông tin với PV, chỉ huy Phòng CSGT cho biết: Thực tế trong quá trình làm nhiệm vụ, những chiếc lô gô, phù hiệu trên đặc biệt là thái độ không chuẩn mực của lái xe, người vi phạm đã gây không ít khó khăn cho CSGT khi kiểm tra, xử lý vi phạm. Có trường hợp còn khoe khoang các mối quan hệ, dọa dẫm CSGT để CBCS bỏ qua cho những lỗi vi phạm Luật Giao thông. Hành vi này của những chiếc xe trên đã gây ra sự phản cảm, tâm lý bức xúc của những người dân tham gia giao thông trên đường.

“Chấm dứt việc dán giấy ra vào cơ quan có chữ “Công an” hoặc tên đơn vị, để mũ, trang phục, cấp hiệu, phù hiệu Công an phía kính trước xe ô tô nhằm mục dích hạn chế hoặc đối phó với sự kiểm tra. Đối với các trường hợp người ngoài ngành CAND điều khiển phương tiện vi phạm quy định về TTATGT, kiểm tra, phát hiện trên xe có trang phục, phù hiệu CAND, các loại giấy “miễn phía cầu đường” sai quy định, CSGT xử lý nghiêm theo đúng quy định, lập biên bản bàn giao cho Công an sở tại để xác minh, giải quyết”-chỉ huy Phòng CSGT nhấn mạnh.

Nguồn: An Ninh Thủ Đô

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top