Giữ “lòng trong” khi cầm bút

15:33 01/09/2016 - Đời & Nghề
Đạo đức nhà báo là gì? Nếu đặt ra câu hỏi đó thì tôi nghĩ có cả trăm định nghĩa được đưa ra, bởi mỗi tình huống tác nghiệp, mỗi vấn đề của cuộc sống, xã hội sẽ đem đến cho chúng ta một cách nhìn, một quan điểm về đạo đức nhà báo.

Một phóng sự truyền hình của Đài truyền hình Tây Ninh. Ảnh:TL

Giữ mãi tình yêu trong sáng với nghề

Mới đây tôi được tham gia một lớp học nghiệp vụ của Hội Nhà báo Việt Nam, là chương trình “Đào tạo cây bút trẻ”. Khóa học mời chị Thu Trang - Phóng viên Báo Phụ nữ TP. Hồ Chí Minh - một cây bút điều tra có tiếng hiện nay với hàng loạt các bài báo điều tra gây tiếng vang, tạo hiệu ứng xã hội và có thể nói đã góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn như loạt bài về “Buôn bán trẻ em ở chùa Bồ Đề”, “Thâm nhập lò gạch “thổ phỉ” Hà Nội”... Tất nhiên, những bài báo điều tra ấy cũng gây ra cho chị nhiều phiền phức, thậm chí đã có cả sự đe dọa tính mạng.

Chị tâm sự, đó là những đêm trăn trở, rối bời suy nghĩ mình có nên thực hiện những bài điều tra đó hay không vì chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến những người có liên quan, ở nhiều mức độ khác nhau, có thể khiển trách nhưng có thể tù tội. Chị không muốn làm ảnh hưởng đến ai, thậm chí còn cảm thấy day dứt với những phận người vướng vào vòng lao lý sau bài viết của mình.

Nhưng chị lại nghĩ, nếu mình không nói ra thì cái xấu sẽ còn tiếp tục diễn tiến. Và sau cùng, sự thôi thúc phải điều tra, phải công bố, phải đấu tranh với cái xấu, cái ác, phải làm một điều gì đó có ý nghĩa đã khiến chị đủ sức mạnh tìm tòi tư liệu, lăn lộn khắp nơi để tìm hiểu đến cùng sự việc.

Trong quá trình tác nghiệp ấy, chị nói có quá nhiều cám dỗ, đe dọa có thể làm mình lung lạc ý chí viết bài theo đúng sự thật. Khi đó, chỉ có lương tâm và trách nhiệm của bản thân và với nghề báo mới giúp mình chắc tay mà viết ra sự thật. Và sau rất nhiều những áp lực như thế, chị thật lòng rằng, chị yêu nghề báo một cách hơi cực đoan khi đã có lúc muốn rời bỏ nghề để giữ mãi được một tình yêu trong sáng với nghề, không vụ lợi, không ngã nhào trước cám dỗ. Tôi nghĩ, những suy nghĩ của chị chính là đạo đức của người làm báo. Và nhờ đạo đức của người làm báo, chị đã có được những bài điều tra có tác động tích cực đến những vấn đề còn tồn tại của xã hội như vậy.

Một câu chuyện nữa, có lẽ nhỏ hơn rất nhiều so với chuyện của chị Thu Trang, đó là chia sẻ của một bạn đồng nghiệp về cảm xúc của bản thân khi đi tác nghiệp. Bạn tôi kể, đó là những lần đi viết bài về những mảnh đời cơ nhỡ, về những số phận không may, phải lăn lóc, vật lộn mưu sinh trong cuộc đời, về những con người sống cuộc sống cùng cực đến mức khó tin giữa một xã hội đang không ngừng phát triển.

Khi ấy, mỗi lần cầm máy ảnh lên để chụp hình, bạn lại rưng rưng. Không chụp thì không có hình minh họa cho bài, mà chụp thì cứ có cảm giác như mình đang lưu giữ, đang “mưu sinh” trên nỗi khổ đau của họ. Cái cảm giác ấy có thể nhiều người cho rằng đó là sự đa cảm của một người phụ nữ làm báo thôi, nhưng thực sự nó vẫn nhấn vào lòng tôi một cảm giác quý trọng. Và tôi cũng nghĩ nó chính là một biểu hiện của đạo đức nghề nghiệp. Những nhà báo biết rung cảm trước nỗi đau như thế, dẫu nhỏ thôi, thì chắc chắn sẽ là nhà báo có tư cách đạo đức trong những chuyện lớn hơn.

Vun đắp sự tử tế và lòng bao dung

Những thông tin câu khách, giật gân cũng xuất hiện ngày càng nhiều, bất chấp thông tin đó có đúng là sự thật hay không. Chính vì thế đã dẫn đến nhiều “oan gia” cho đối tượng được đưa tin, và dù sau đó, tác giả và tòa soạn có đính chính thì nhân vật cũng chỉ là “được vạ thì má đã sưng”. Có thể thấy, khi những thông tin đó được viết ra, được đăng tải cũng đồng nghĩa với việc lương tâm và trách nhiệm của nhà báo đã bị đặt sang một bên, và nếu đem lên cân thì nó đã nhẹ hơn lợi ích trước mắt mà nhà báo sẽ có được.

“Không ai có thể nắm tay từ sáng đến tối”, cũng như không nhà báo nào có thể chắc chắn cả đời cầm bút của mình không phạm phải bất cứ sai lầm nào về chuyên môn, sai phạm nào về đạo đức. Nhưng điều đó có thể có được khi chúng ta bỏ công sức rèn luyện hàng ngày, đấu tranh hàng ngày mà trước khi đấu tranh với cái xấu thì phải là sự đấu tranh với chính bản thân mình để vững vàng trước những cám dỗ, “mua chuộc” dù nhỏ nhất. Đồng thời với đó, cũng cần nỗ lực tu dưỡng, vun đắp sự tử tế và lòng bao dung nhìn ra những nét đẹp cuộc sống, những việc tốt dù nhỏ bé, những người tốt dù kín tiếng... để viết về những sự việc, những con người ấy như một cách “thắp lửa” cho chính bản thân nhà báo và cho nghề nghiệp của mình./.

Ánh Tuyết

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top