Giấy giới thiệu hay “giấy phép con”?
16:48 07/07/2016
- Bình luận
Mong muốn được tiếp cận thông tin rõ ràng, minh bạch là nhu cầu chính đáng
của người dân. Báo chí là một trong những phương tiện hữu hiệu nhất để chuyển
tải kịp thời, chính xác những thông tin ấy. Một số cán bộ địa phương và cơ quan
chức năng biết vậy, hiểu vậy, nhưng đôi khi lại có những thái độ, hành vi ứng xử
chưa đúng với báo chí cả về lý và tình.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Xã làng nghề K. vốn là “điểm nóng” về chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp sang đất thổ cư, nên xảy ra tình trạng khiếu kiện ồn ào mấy tháng trời. Biết sự việc đó, một cơ quan báo Trung ương cử phóng viên về xã tìm hiểu thông tin để viết bài, nhưng lãnh đạo xã kiên quyết “hai không”: Không gặp, không cung cấp thông tin cho báo chí. Phóng viên hỏi lý do, đại diện “người phát ngôn” xã bảo: Do cấp trên quy định, muốn được cung cấp thông tin từ lãnh đạo xã, ngoài giấy giới thiệu của cơ quan báo chí, nhất thiết phải có giấy giới thiệu chính thức của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh hoặc giấy giới thiệu của Phòng Văn hóa-Thông tin huyện. Phóng viên hỏi lý do phải xin thêm giấy giới thiệu thì “người phát ngôn” của xã lạnh lùng: “Đấy là quy định của cấp trên”!
Phóng viên muốn gặp dân, xã vội điều động hai anh nhân viên công an kè kè đi bên cạnh. Gặp tình cảnh này, phóng viên đành bất lực và... lên huyện. Đến Phòng Văn hóa- Thông tin huyện xin giấy giới thiệu, họ bảo “vấn đề này phức tạp lắm” và đề nghị phóng viên sang xin giấy giới thiệu ở Ban Tuyên giáo Huyện ủy. Đến Ban Tuyên giáo Huyện ủy, đại diện cơ quan này lại nói rằng, xã K. có vụ việc rất nhạy cảm, để có tính pháp lý cao hơn, đề nghị phóng viên lên Sở Thông tin và Truyền thông xin giấy giới thiệu! Lên tỉnh, người của Sở Thông tin và Truyền thông hứa sẽ cấp giấy giới thiệu cho phóng viên, nhưng đề nghị phải chờ đợi một, hai ngày nữa để xin ý kiến chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy!
Không chịu nổi cái lối đưa đẩy vòng vo khó chịu ấy, phóng viên “giả vờ” ra về, nhưng hôm sau bí mật cải trang về với dân và âm thầm làm một cuộc điều tra. Tuần sau, phóng viên đó đã cho đăng tải bài viết nêu rõ những khuất tất về việc chuyển đổi sử dụng mục đích đất đai của xã này. Bài báo nói đúng sự thật nên nhanh chóng lan truyền rộng khắp, làm xôn xao dư luận cả huyện, cả tỉnh. Lãnh đạo tỉnh đã ra công văn yêu cầu phải làm rõ và xử lý trách nhiệm của những người có liên quan.
Vốn là người cầu thị, tôn trọng báo chí, sau khi biết chuyện phóng viên phải qua mấy “cửa ải” mà không xin được tờ giấy giới thiệu, người đứng đầu tỉnh này tỏ ra rất không hài lòng về lối làm việc cửa quyền, quan liêu của một vài cơ quan chức năng địa phương. Ông nói, đại ý: Xã hội bùng nổ thông tin, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh thì người dân cũng có thể nắm được tình hình thời sự thế giới trong giây lát. Việc yêu cầu phóng viên phải đến nhiều cơ quan xin giấy giới thiệu thực chất là việc đẻ ra “giấy phép con” để gây khó dễ cho hoạt động báo chí. Việc làm này vô hình trung đã hạn chế, ngăn cản quyền tiếp cận thông tin của người dân-một quyền cơ bản và cũng là nhu cầu chính đáng, thiết thân của người dân.
Mong sao, trường hợp đẻ ra “giấy phép con” gây cản trở hoạt động báo chí ở cơ quan chức năng địa phương nọ chỉ là cá biệt và sẽ không còn tái diễn. Và cũng mong sao, trong xã hội ta luôn có những người “đứng mũi chịu sào” như vị lãnh đạo tỉnh đã biết ứng xử công tâm, đúng mực và có trách nhiệm đối với báo chí./.
Thiện Văn
Tạp chí Người Làm Báo số 382 - Tháng 12/2015
Bình luận: 0