Độc giả bất bình vì... ghép từ

Đáng ra người làm báo phải tinh lọc, tiếp thu những từ ngữ sáng tạo mà giàu chất văn hóa, thì việc sử dụng tràn lan các từ ngữ thiếu chừng mực, nhố nhăng trên mạng xã hội để đưa vào tác phẩm báo chí của mình, là hành vi làm ô nhiễm, vẩn đục sự trong sáng, tinh tế của tiếng Việt.

Người làm báo nên tinh lọc, tiếp thu những từ ngữ sáng tạo, giàu chất văn hóa, giáo dục trên mạng xã hội để góp phần làm trong sạch môi trường thông tin trên báo chí. Ảnh minh họa

Làm tổn thương, xúc phạm đến niềm tin tôn giáo

Bên lề hội nghị gặp mặt các chức sắc, chức việc tiêu biểu của một địa phương, trong lúc ngồi uống nước chuyện trò thân mật với một vị chức sắc tôn giáo mà tôi quen biết từ lâu, tôi được ông chia sẻ về vai trò, công lao của báo chí trong việc tuyên truyền, động viên đồng bào các dân tộc tôn giáo sống tốt đời đẹp đạo, gắn bó với dân tộc và Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ công dân và bổn phận giáo dân.

Tuy vậy, từ chỗ thân tình với tôi, ông cũng không hề giấu giếm tâm trạng bức xúc của mình khi nhận thấy thời gian gần đây, một số cơ quan báo chí đã sử dụng từ ngữ thiếu chuẩn mực liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.

Khi tôi đề nghị ông cho biết đó là những từ ngữ nào, thì ông lại hỏi tôi: “Anh nghĩ như thế nào khi trên báo xuất hiện những từ như “thánh soi”, “thánh phán”, “thánh chửi”?

Đang ngẫm nghĩ để tìm trả lời cho đầu đuôi, ngọn ngành để mong muốn phần nào “trúng” với ý ông, thì ông nói như giảng giải: “Thánh” là một từ để chỉ bậc siêu nhân với một hàm ý rất trang trọng, tôn kính trong một số tín ngưỡng, tôn giáo. Nói đến “thánh” là nhiều người liên tưởng ngay đến những bậc hiền triết anh minh, những nhân vật có phép mầu nhiệm siêu đẳng, những đấng tối cao toàn năng mà mình phải có bổn phận tôn thờ, ngưỡng vọng, chiêm bái với một ý thức thiêng liêng, tâm thế thành kính nhất.

Còn “soi” có nghĩa là soi mói, tò mò, tóc mách; “phán” nghĩa là phán đoán, phán xét, phê phán; “chửi” nghĩa là lời nói thông tục, nhố nhăng, bậy bạ... Người ta vẫn thường nhắc nhở nhau rằng, phải tránh xa những kẻ chỉ thích soi mói, chọc gậy bánh xe, đâm bị thóc, chọc bị gạo; mà cũng không nên gần gũi với những kẻ hay phán nhăng phán cuội, phán lung tung, cái gì cũng phán, bạ đâu phán đấy; và tất nhiên cũng không hay ho gì khi giao du, tiếp xúc với những kẻ cứ mở mồm ra là kèm theo những câu từ “sặc mùi” đầu đường xó chợ...

Tóm lại, các từ “soi, phán, chửi” trong những trường hợp này chẳng có tí chút văn hóa, văn minh nào, nhưng nó lại được gắn liền với từ “thánh” vốn rất trang nghiêm, trọng thị. Gắn một từ mang hàm ý “trác tuyệt” như thế với những từ có nghĩa thông tục, thiếu đứng đắn, chuẩn mực, báo chí vô hình trung đã làm tổn thương, nếu không muốn nói là xúc phạm đến niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của một bộ phận người dân.

Tác động tiêu cực đến niềm tin của một bộ phận độc giả

Nói đến đây, ông dừng lại ngẫm ngợi giây lát, rồi giọng nhã nhặn, nhưng đầy nỗi trăn trở: Thật không hiểu tại sao mà một số người cầm bút hiện nay do thiếu kiến thức về văn hóa ngôn ngữ, thiếu hiểu biết về văn phong tiếng Việt, hay do lười suy nghĩ, làm việc cẩu thả, vô trách nhiệm mà cứ cái gì xuất hiện trên mạng xã hội cũng có thể đưa lên mặt báo, nhất là báo điện tử.

Như đã biết, mạng xã hội chẳng khác nào cái “chợ trời khổng lồ” với đủ thứ “thượng vàng hạ cám”, hay có, dở có, thật có, giả có, thậm chí có ít xuýt ra nhiều, ăn không nói có, đổi trắng thay đen, dệt thêu đủ chuyện, tung tin bát nháo... khiến thực hư lẫn lộn không biết đâu mà lần.

Như để giải tỏa nỗi niềm của mình và cũng là một lần khuyến nghị, khuyến cáo với báo chí, vị chức sắc tôn giáo thẳng thắn bày tỏ: Đáng ra người làm báo phải biết “dị ứng”, tẩy chay những từ ngữ không hay, thông tin thiếu chuẩn mực trên Facebook và chỉ nên tinh lọc, tiếp thu những từ ngữ sáng tạo mà giàu chất văn hóa, giáo dục trên mạng xã hội để góp phần làm trong sạch môi trường thông tin trên báo chí.

Dù vô tình hay cố ý, việc người làm báo sử dụng tràn lan các từ ngữ thiếu chừng mực, những câu từ “đầu Ngô mình Sở”, thiếu quy phạm trên mạng xã hội để đưa vào tác phẩm báo chí của mình, là hành vi làm ô nhiễm, vẩn đục sự trong sáng, tinh tế của tiếng Việt. Không những thế, việc dùng từ thiếu trách nhiệm như vậy đã vô hình trung tác động tiêu cực đến tình cảm, niềm tin của một bộ phận độc giả đối với báo chí, ví như một bộ phận bà con có niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo cảm thấy không hài lòng khi nhà báo, cơ quan báo chí nào đó vẫn “hồn nhiên, vô tư” dùng những cái từ gọi là “thánh soi, thánh phán, thánh chửi” trên các phương tiện thông tin đại chúng./.

Thiện Văn

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top