Để báo đoàn không bị “già hóa”
15:42 01/07/2016
- Bình luận
Làm báo trong thời kinh tế thị trường nhưng vẫn bảo đảm đi đúng tôn chỉ mục đích của mỗi tờ báo vốn đã khó, trong thời buổi công nghệ thông tin ngày một hiện đại hơn xưa, lại càng vô cùng khó bởi, tính cạnh tranh thông tin vô cùng quyết liệt và không cân sức. Với người làm báo của hệ thống Đoàn Thanh niên, nó lại có cái khó riêng, không hề dễ và cũng không hẳn như nhiều người nghĩ...
Ảnh minh họa
Không được in nhiều vì giấy khan hiếm
Trong cuộc đời với gần bốn chục năm làm báo, trong đó có 29 năm làm báo Đoàn, tôi càng thấm thía với cái thứ công việc được xem như cả đời gắn bó máu thịt với nó. Song, có lẽ nhiều lúc tôi vẫn phải đặt câu hỏi, liệu những thứ mình viết có ai đọc không? Có tác động xã hội gì gọi là tích cực cho lớp trẻ không?
Vào năm 1987, sau 9 năm trong quân ngũ và cơ bản cũng vẫn làm báo, tôi xin chuyển ngành về cơ quan cũ là Trung ương Đoàn Thanh niên. Theo nguyên tắc, tôi sẽ chuyển về tờ báo cũ trước khi vào quân đội là Tạp chí Thanh niên. Song, khi đó, báo Tiền phong đang như một “ ma lực” vô cùng hấp dẫn với bất cứ ai làm báo. Anh Nguyễn Viết Mã, nguyên Vụ trưởng Tổ chức Cán bộ Trung ương Đoàn, lúc đó còn là chuyên viên của Vụ, tuy không quen biết tôi nhưng rất nhiệt tình mách nhỏ:
- Tôi bật mí cho cậu hay, nếu muốn thì bây giờ anh em ta sẽ cùng sang báo Tiền phong để tôi giới thiệu. Ta hỏi thử xem họ có nhu cầu nhận phóng viên không? Nếu cậu về được báo đó, cứ mỗi số báo phát hành, cậu sẽ được chia vài trăm tờ rồi tự đi phát hành và được hưởng phát hành phí. Kiếm được lắm đó!
Tiếc là khi đó, báo Tiền phong cũng vừa tiếp nhận một sĩ quan chuyển ngành giống tôi về cách đó 1 tuần nên không đến lượt mình. Theo tôi biết, số lượng phát hành của tuần báo Tiền phong khi đó đã tới 15 vạn bản / kỳ. Đó là con số đáng mơ ước của nhiều tờ báo cả nước.
Thật thú vị bởi khi đó, báo Tiền phong đang “ đắt như tôm tươi”, chỉ chậm ra quầy báo một chút là không có để mua. Báo có muốn in thêm cũng không được vì giấy in cũng là thứ phân phối theo chỉ tiêu hàng quý. Cũng cần nói thêm, vào thời điểm đó, tính giáo dục và định hướng chính trị của các tờ báo Đoàn luôn được đặt lên hàng đầu, vậy mà vẫn hấp dẫn và dễ bán.
Báo Thanh niên ra đời (1986) với tên gọi Tuần tin Thanh niên cũng được đông đảo bạn đọc hăng hái đón nhận, bởi một sinh lực mới: trẻ trung, hấp dẫn, mới mẻ và mang tính chiến đấu cao. Mỗi số báo ra sau có thể tăng thêm đều đặn cả ngàn tờ cũng là bình thường...
Vào khoảng vài năm đầu thế kỷ XXI, cái con số 15 vạn bản in như Tiền phong năm nào cũng không phải là con số lớn nữa. Nhờ có chính sách đổi mới tích cực, việc in ấn không còn vất vả như xưa. Các báo Đoàn khác như Thanh niên, Tuổi trẻ đều có lượng phát hành ba, bốn chục vạn bản/ngày cũng không có gì lạ và nhiều lúc còn có cảm giác sẽ chỉ có tăng trưởng ngày một tốt lên, khó có gì cản lại được.
Thách thức từ báo điện tử
Kể từ khi báo điện tử ra đời, số lượng báo in nói chung đều sụt giảm dần và đó cũng là một xu thế chung khó cưỡng. Đây là một thời kỳ khó khăn đối với ngành báo chí, không phải của riêng ai khi báo điện tử “đổ bộ” vào mặt trận thông tin, văn hoá...
Bây giờ, có lẽ ít ai bàn chuyện tăng trưởng số lượng báo in sau mỗi năm mà chỉ bàn bạc để đối phó làm sao hạn chế sự giảm sút lại theo lối “càng sụt chậm càng tốt !”
Và báo Đoàn càng có những khó khăn riêng khi cơ chế không ai bắt cơ sở Đoàn TNCS HCM, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Sinh viên... phải đặt mua báo.
Đó là chưa kể, tuổi trẻ bây giờ đọc báo cũng rất khác xưa. Nếu ta thử đứng ở các sạp báo mỗi sáng sẽ thấy rất rõ, người mua báo Thanh niên, Tiền phong, Tuổi trẻ hôm nay không phải là lớp trẻ. Đối tượng mua báo in (dù là của Đoàn Thanh niên) thì cũng đều là người đứng tuổi.
Riêng đối với báo Thanh niên ở địa bàn Hà Nội được bạn đọc đặt mua theo kênh dài hạn trực tiếp từ báo không qua đường bưu điện thì gần như 100% lượng người đặt đều từ 40 cho đến trên 80 tuổi. Các bạn trẻ bây giờ họ đọc báo mạng là chính. Họ ngồi xe buýt đọc trên điện thoại, trên ipad và trên máy tính tại công sở và trường học... Họ đọc vậy vừa nhanh, vừa khỏi tốn tiền mua. Và đương nhiên, nó góp phần làm cho sụt giảm đáng kể lượng người trẻ đọc báo Đoàn.
Nếu tìm hiểu kỹ hơn xem thử tuổi trẻ bây giờ họ đọc gì trên mặt báo nói chung và báo của Đoàn Thanh niên nói riêng, chúng ta còn thấy được những điều rất đáng lưu tâm. Từ đó, người làm báo Đoàn sẽ tự rút ra được nhiều điều, giúp mỗi người viết biết chính xác hơn tuổi trẻ họ đang muốn gì, biết gì? Từ đó điều chỉnh ngòi bút của chính mình dù họ không còn đọc báo in nhiều thì cũng là báo mạng, một xu hướng tất yếu của thời nay.
Việt Nam chính thức tham gia vào mạng Internet toàn cầu từ ngày 19/11/1997. Chỉ ngay sau đó 1-2 năm, chúng ta đã thấy được cả cái hay, cái tích cực cũng như những mối hoạ tiềm ẩn của nó trong đời sống xã hội, trong đó có lớp trẻ. Sau 19 năm hội nhập cùng thế giới về công nghệ thông tin, Việt Nam đã có bước phát triển nhanh chóng với khoảng 45,5 triệu người sử dụng Internet, chiếm tới trên 48% dân số và đương nhiên, tỷ lệ lớp trẻ cũng rất cao trong đó.
Vấn đề là đối tượng trẻ vào mạng đọc mỗi ngày thường họ đọc về lĩnh vực nào?
Theo điều tra, bạn đọc của Thanh niên online bây giờ có gần 50 % là thanh niên, trong đó, có 26% ở độ tuổi từ 18-24 và 23% ở độ tuổi 25- 34. Đặc biệt, ở độ tuổi từ 55 trở lên, có đến 26-27%.
“Trẻ hóa” từ nhu cầu độc giả
Từ thực tế trên, nếu người làm báo Đoàn không tự điều chỉnh phong cách viết, không tìm ra đối tượng bạn đọc của mình bây giờ là thanh niên họ cần gì thì sẽ rất khó mang đến cho bạn đọc trẻ cái họ cần trên mặt báo. Một khi họ không đọc thì cũng đồng nghĩa việc phổ biến, sức lan toả của bài viết không có!
Như vậy, với một tờ báo phải “làm dâu trăm họ” như hệ thống báo Đoàn Thanh niên và nhiều tổ chức, đoàn thể khác cũng sẽ có những cái khó riêng, tờ báo không thể coi nhẹ bất cứ ai cho mọi loại hình, báo giấy cũng như báo điện tử. Và có một điều rất thú vị, những bài viết nào có chủ đề về đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, xa hoa, lãng phí... thì luôn được đông đảo bạn đọc đón nhận và bày tỏ quan điểm rõ ràng dù độ tuổi của họ rất khác nhau.
Tôi thật cảm động khi được biết có những bác cao tuổi, nay đã ngoài 80, thậm chí ngoài 85 vẫn đặt báo dài hạn do chúng tôi tự mang đến tận nhà hàng chục năm qua. Hôm nào người mang báo đến sau 7 giờ sáng là y như sẽ có phản hồi lại toà soạn thắc mắc ngay.
Thực ra, chúng tôi đưa báo cho các gia đình được bắt đầu từ rất sớm. Điểm bắt đầu của chúng tôi có chỗ đã nhận được tờ Thanh niên từ 4g15 sáng, đâu phải là muộn ? Sự thuỷ chung với tờ Thanh niên của các bác cao tuổi đương nhiên là nguồn động viên khích lệ những người làm báo chúng tôi và cái con số gần 100% người đặt báo Thanh niên dài hạn đương nhiên là đối tượng đọc mà báo phải quan tâm đặc biệt.
Từ 15-20 năm trước, có nhiều người nói với chúng tôi rằng, đọc báo Thanh niên và Tuổi trẻ mà sao thấy “già” vậy? Đó chính là lời nhắc nhở quý báu để những tờ báo của tuổi trẻ tự điều chỉnh sao cho hài hoà hơn, làm sao để tờ báo có nhiều bạn đọc, là tờ báo của mọi gia đình, song vẫn không xa rời tôn chỉ mục đích của mình: Là diễn đàn của tuổi trẻ - nơi tuổi trẻ bày tỏ nguyện vọng, tâm tư của mình, nơi thể hiện hoài bão và khát khao cống hiến đối với đất nước../.
Quốc Phong
Bình luận: 0