Đánh thức tiềm năng, lợi thế du lịch Lai Châu
05:36 04/01/2022
- Báo chí & Doanh nghiệp
Lai Châu là tỉnh biên giới Tây Bắc của Tổ quốc, có quốc lộ nối Lai Châu với Hà Nội - Điện Biên - Sơn La - Lào Cai - Yên Bái; nơi sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên và di tích danh thắng nổi tiếng như: động Pusamcap, Tiên Sơn, thác Tác Tình, cảnh quan dọc Sông Đà, cao nguyên Sìn Hồ, Dào San, đỉnh Putaleng (3.049m), đỉnh Bạch Mộc Nương Tử (3.045m) 6 trong 10 ngọn núi cao nhất cả nước… cùng với sự đa dang, phong phú trong văn hóa bản địa của 20 dân tộc an em, từ lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, trang phục, ẩm thực, kiến trúc nhà ở đến văn hoá nghệ thuật dân ca dân vũ.. Mặc dù là một tỉnh giàu tiềm năng, nhưng vẫn còn thiếu thông tin và nghèo sản phẩm, những gì mà Lai Châu đã và đang làm vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Để “đánh thức” được tiềm năng này, cần sự có sự đầu tư bài bản, đúng hướng từ các cấp chính quyền địa phương đến các đơn vị và hộ kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh.
Diễn đàn: Kích cầu Du lịch Lai Châu
Cảnh đẹp Lai Châu
Từng bước định hướng phát triển du lịch Lai Châu
Trong những năm qua, nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc trong tỉnh về vị trí, vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được nâng lên. Cơ sở vật chất phục vụ du lịch được đầu tư xây dựng, tăng nhanh về cả chất lượng và số lượng, Tuy nhiên, du lịch Lai Châu phát triển còn chậm, phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của tỉnh; đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch chưa đồng bộ; hệ thống giao thông kết nối tới các điểm du lịch chưa thuận lợi; thiếu các khách sạn, nhà hàng, điểm vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm quy mô và chất lượng cao để tạo sức hấp dẫn. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch còn thấp; thiếu sản phẩm, thiếu dịch vụ du lịch; Công tác truyền thông, quảng bá, xúc tiến chưa chuyên nghiệp, chưa bài bản, chưa có bộ nhận diện hình ảnh du lịch tỉnh đến được với thị trường khách trong nước và quốc tế...
Những hạn chế trên, chủ yếu là do nhận thức về phát triển du lịch của các cấp, các ngành chưa toàn diện, nhiều địa phương chưa có định hướng phát triển, thiếu cơ chế và giải pháp đột phá để khuyến khích đầu tư du lịch; chưa phát huy sức mạnh tổng hợp các thành phần kinh tế phát triển du lịch; việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch chưa được quan tâm đúng mức, nhất là hạ tầng giao thông; nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch chưa được chú trọng, thiếu tính chuyên nghiệp; công tác quản lý nhà nước về du lịch còn nhiều bất cập. Xác định rõ những hạn chế của du lịch, thời gian tới Lai Châu sẽ tiếp tục cải thiện và xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thông thoáng; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp với phương châm “Doanh nghiệp phát tài, Lai Châu phát triển”.
Để đánh thức tiềm năng, lợi thế, phát triển du lịch Lai Châu theo mục tiêu đã đề ra, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là phải đưa ra được các giải pháp đủ mạnh để triển khai ngay nhiệm vụ phát triển thị trường du lịch, dịch vụ và sản phẩm du lịch, tuyến du lịch. Trong đó chú trọng các giải pháp từ cơ chế, chính sách để phát triển thị trường du lịch nội địa và quốc tế bằng các hoạt động xúc tiến, quảng bá và liên kết phát triển du lịch; thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch, hệ thống tuyến du lịch trên cơ sở khai thác các tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương.
Ông Vàng A Chú, Người dân xã Sin Suối Hồ, Phong Thổ, Lai Châu
Ông Vàng A Chú, Người dân xã Sin Suối Hồ, Phong Thổ, Lai Châu
“4 năm qua, bản Sin Suối Hồ đã thay da đổi thịt khi đồng bào biết làm du lịch. Có thể thấy được tinh thần đoàn kết nhập cuộc của người dân Sin Suối Hồ qua việc bà con chủ động mở đường từ bản đến các điểm danh thắng, hiến đất xây chợ và mở chợ phiên ngay tại bản và mở các homestay. Anh Vàng A Chú cho biết thêm, mỗi người dân ở Sin Suối Hồ đều cảm thấy rất vui và tự hào khi có khách miền xuôi, khách nước ngoài đến tìm hiểu và trải nghiệm cuộc sống, văn hóa của người Mông. Du lịch cũng đem lại thu nhập đáng kể giúp cải thiện đời sống. Vì vậy, bà con đều đồng lòng phát triển du lịch. Như nhà tôi, bình quân, mỗi năm đem lại doanh thu từ 150 – đến 200tr đồng”
Ông Vàng A Chỉnh, Trưởng bản, xã Sin Suối Hồ, Phong Thổ, Lai Châu
Ông Vàng A Chỉnh, Trưởng bản, xã Sin Suối Hồ, Phong Thổ, Lai Châu
“Trưởng bản Vàng A Chỉnh cho biết, bản đang triển khai cho bà con hướng đến việc không sử dụng túi nylon, thay vào đó là làm ra các giỏ, ống bằng tre hay đơn giản mua bán hàng hóa tại bản được gói bằng lá chuối. Đặc biệt, ý thức của người dân ngày càng được nâng cao khi tự giác không uống rượu, hút thuốc để đời sống văn minh hơn. Điều đáng quý hơn nữa là người Sin Suối Hồ đều ý thức được rằng, một trong những điểm thu hút du khách đến đây, chính là bảo tồn được bản sắc vốn có của dân tộc Mông. Chúng tôi muốn giới thiệu cho khách du lịch hiểu thêm về bản sắc người Mông. Mỗi hỗ kinh doanh homestay đều mặc trang phục truyền thống, đều làm những món đặc sản của người Mông và sinh hoạt với tập tục riêng của mình cùng với du khách tới đây. Đây vừa là trách nhiệm bảo tồn văn hoá dân tộc, vừa là điểm độc đáo giúp chúng tôi tận dụng để làm du lịch.”
Với mục tiêu phát triển du lịch là dựa trên tiềm năng, thế mạnh với các loại hình: Du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị văn hóa di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp; nâng cao chất lượng dịch vụ; kết nối sản phẩm nội vùng, liên vùng; đưa du lịch Lai Châu trở thành điểm đến hấp dẫn của khu vực Tây Bắc. Phấn đấu trong thời gian tới du lịch Lai Châu trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu khối dịch vụ.
Tọa đàm “Đánh giá sản phẩm, dịch vụ du lịch tuyến Tam Đường - thành phố Lai Châu - Phong Thổ
Diễn đàn đánh giá tiềm năng, lợi thế Du lịch Lai Châu theo hướng bền vững
Nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III, năm 2021, sáng 26/12, Tổng Cục Du lịch Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Tọa đàm “Đánh giá sản phẩm, dịch vụ du lịch tuyến Tam Đường - thành phố Lai Châu - Phong Thổ (Lai Châu). Đây là diễn đàn để các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương lắng nghe các ý kiến góp ý, chia sẻ từ các chuyên gia trong ngành Du lịch, nhằm góp phần nâng cao toàn diện chất lượng và hiệu quả của du lịch Lai Châu. Với mục tiêu tạo ra sản phẩm mới hội tụ đầy đủ các yếu tố “đặc thù, hấp dẫn, đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường” và đến năm 2030 đón trên 5 triệu lượt khách du lịch đến với Lai Châu.
Bà Giàng Páo Mỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Lai Châu, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu.
"Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông - Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển”, ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III là hoạt động có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Lai Châu và các địa phương tham gia, góp phần kích cầu du lịch, quảng bá hình ảnh sau thời gian dài nhiều hoạt động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Hiện nay, Lai Châu tập trung đẩy mạnh giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, gắn với phát triển kinh tế du lịch bền vững; tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức đồng lòng đẩy lùi dịch COVID-19, khôi phục phát triển kinh tế-xã hội, cùng cả nước thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025". Trong khuôn khổ Ngày hội, tỉnh Lai Châu còn tổ chức nhiều hoạt động như khảo sát du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại tỉnh Lai Châu; tọa đàm “Đánh giá các sản phẩm du lịch của Lai Châu và trao đổi kinh nghiệm, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường du lịch, thu hút các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến Lai Châu, góp phần tăng doanh thu đưa du lịch Lai Châu phát triển theo hướng bền vững”.
Ông Tống Thanh Hải, Phó chủ tịch UBND Tỉnh Lai Châu phát biểu tại hội nghị
Ông Tống Thanh Hải, Phó chủ tịch UBND Tỉnh Lai Châu
“Lai Châu vùng đất được biết đến với khí hậu điển hình của vùng nhiệt đới núi cao quanh năm mát mẻ. Nơi sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ và nền văn hóa đặc sắc của 20 dân tộc; Không chỉ sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhân văn phong phú Lai Châu còn là tỉnh có vị trí địa lý quan trọng là cầu nối giữa SaPa và Điện Biên Phủ, Đông và Tây Bắc; đã khởi công tuyến đường nối cao tốc Nội Bài – Lào Cai với thành phố Lai Châu; chuẩn bị mở hầm đường bộ qua đèo Hoàng Liên; có 01 cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng chuẩn bị nâng cấp thành cửa khẩu Quốc tế nên khả năng đón khách du lịch nội địa và quốc tế trong tương lai là rất lớn. Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, giai đoạn (2016-2020) du lịch tỉnh đưa vào khai thác 16 điểm du lịch; 300 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch (trong đó: 128 cơ sở với 2099 buồng/phòng); lượng khách năm sau cao hơn năm trước, doanh thu từ hoạt động du lịch tăng bình quân 18%/năm. Có thể khẳng định du lịch Lai Châu đã từng bước đáp ứng được nhu cầu của du khách. Tuy nhiên, kết quả đạt được của du lịch tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch còn thấp so với cả nước; thiếu sản phẩm, dịch vụ du lịch cao cấp; Công tác quảng bá, xúc tiến thiếu chuyên nghiệp, chưa thu hút được thị trường khách du lịch có mức chi trả cao, hình ảnh du lịch tỉnh chưa đến được với thị trường khách quốc tế.”
Ông Lương Chiến Công, Giám đốc Sở VHTTDL Tỉnh Lai Châu trả lời phỏng vấn
Ông Lương Chiến Công – Giám đốc Sở VHTTDL Tỉnh Lai Châu
"Lai Châu được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho không khí trong lành, cảnh sắc tuyệt đẹp, núi rừng hùng vĩ, người dân thân thiện và với 20 dân tộc đa dạng đang sinh sống tạo nên một bản sắc văn hóa, dân tộc phong phú đã thu hút du khách trong và ngoài nước du lịch Lai Châu.. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Văn Hóa và TT DL về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch, Sở Văn Hóa TT DL Tỉnh Lai Châu đã tham mưu cho UBND tỉnh Lai Châu ban hành hướng dẫn về công tác phòng chống dịch trong lĩnh vực du lịch, các du khách đến với Lai Châu phải đảm bảo đủ tiêm phòng 2 mũi vaccine, việc test Covid 19 được xét nghiệm lại ở Lai Châu. Sắp tới, Lai Châu sẽ hướng tới phát triển du lịch khám phá bản sắc văn hóa của các dân tộc. khai thác du lịch mạo hiểm và khám phá".
Ông. Nguyễn Đạo Dũng – Phó Vụ trưởng vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch Việt Nam).
Chương trình Tọa đàm “Đánh giá sản phẩm, dịch vụ du lịch tuyến Tam Đường - thành phố Lai Châu - Phong Thổ là diễn đàn hết sức có ý nghĩa để các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương lắng nghe các ý kiến góp ý, chia sẻ từ các chuyên gia trong ngành Du lịch, nhằm góp phần nâng cao toàn diện chất lượng và hiệu quả của du lịch Lai Châu. Thông qua chương trình này, đã đánh giá đúng tiềm năng, thực trạng khai thác du lịch tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; đánh giá khả năng liên kết phát triển sản phẩm du lịch giữa tỉnh Lai Châu với các địa bàn khác trong trong khu vực và trên toàn quốc; đánh giá khả năng hợp tác giữa các doanh nghiệp lữ hành với các cơ quan quản lý; đưa ra những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đối mặt khi khai thác, phát triển sản phẩm du lịch và đề xuất các giải pháp đột phá nhằm nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Lai Châu để tạo sức hút đối với du khách trong và ngoài nước.
Ông Hoàng Quốc Việt – Công ty Du lịch Lai Châu - Lai Châu Travel
“Buổi hội thảo hôm nay đã vẽ lên một bức tranh tổng quan về thực trạng du lịch Lai Châu. Thế mạnh của Lai Châu với du lịch là cheking, camping,… Đặc biệt về du lịch checking – camping là loại hình du lịch nhóm nhỏ, đi xe tự lái hoàn toàn phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện nay. Thế mạnh của Lai Châu khác biệt so với các vùng khác là còn giữ được vẻ hoang sơ của tự nhiên, hoang sơ của bản sắc dân tộc. Không chỉ phát triển truyền thông ở Lai Châu cần áp dụng chuyển đổi số trong du lịch. Việc phát triển truyền thông, quảng bá du lịch ở Lai Châu có thể đi vào cụ thể về bản của các dân tộc, câu truyện truyền thông là gì?cần có một lộ trình cụ thể cho truyền thông".
Ông Huỳnh Việt Hoàng, Phó Chủ tịch Hội du lịch cộng đồng Việt Nam phát biểu tại hội nghị
Ông Huỳnh Việt Hoàng – Phó Chủ tịch Hội du lịch cộng đồng Việt Nam
“Lai Châu có 2 người bạn, đó là Điện Biên Phủ và Sapa, đây vừa là cơ hội vừa là sự cạnh tranh, nên cần phải kết bạn cùng chia sẻ tài nguyên. Tận dụng từ khóa Sapa, gắn kết từ khóa với từ khóa Sapa để tạo điểm nhấn. Đặc biệt Sin Suối Hồ là một bản văn hóa rất đặc trưng cần gìn giữ và bảo tồn phát huy. Tương lai có kết nối cao tốc Hà Nội với Lai Châu, đây là cơ hội phát triển du lịch cho Lai Châu. Điều đặc biệt, cần phát triển sản phẩm du lịch chuyên sâu với 6 trên 10 ngọn núi. Tổ chức các hoạt động du lịch trải nghiệm, du lịch mạo hiểm, du lịch nông nghiệp như tổ chức các festival dù lượn… khi du khách đến với Lai Châu thì tất yếu những chất lượng dịch vụ phải nâng lên để đáp ứng nhu cầu của khách..”
Ông Đỗ Hoàng Hữu – phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành thành phố Thanh Hóa:
“Lai Châu là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, giao thông đi đến các điểm du lịch cộng đồng còn khó khăn, vì vậy tỉnh cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, trên mỗi tuyến đường tạo các điểm dừng chân để du khách có thể check in những điểm views đẹp nhất. Mặt khác, Lai Châu cần giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính của những ngôi nhà mang đậm bản sắc dân tộc và nhân rộng cách làm du lịch của người dân bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ” Khi có tài nguyên quý như vậy, cần định hướng khách hang mục tiêu để xây dựng sản phẩm cho phù hợp với khách hang”.
Ông Lê Thế Tùng – Phó chủ tịch Hội Du lịch tỉnh Ninh Thuận
“Tôi đánh giá Lai Châu có tầm nhìn, Tôi rất thích một thành phố có tầm nhìn 150 năm sau, với hệ thống du lịch sinh thái, một điểm du lịch không thể thiếu trong tương lại. Chúng tôi là nhà lữ hành, muốn tìm điểm đến để giới thiệu cho du khách khu vực miền trong. Tôi thiết nghĩ Lai Châu cần xây dựng từ khóa cho thương hiệu du lịch cửa tỉnh trên bản đồ du lịch của tỉnh. Cần duy trì và bản tồn nét đẹp văn hóa của địa phương, đặc biệt như Sin Suối Hồ - điểm du lịch cộng đồng khó có nơi nào được như vây”
Ông Lê Hoài Hiệp – Hi Travel – Tp Hồ Chí Minh
"Lai Châu là một điểm du lịch tiềm năng. Để phát triển du lịch Lai Châu hơn nữa truyền thông, thông tin báo chí cần được quan tâm hơn. Không chỉ phát triển, du lịch cộng đồng cần phát triển thêm nhiều loại hình du lịch khác như du lịch mice. Các vùng như Lào Cai, SaPa không thể tổ chức du lịch mice, cùng với đường bay ở Điện Biên, Lai Châu hoàn toàn có thể trở thành trung tâm của du lịch mice ở vùng Tây Bắc Bộ".
Ông Lê Lương Doanh – Giám đốc Five Star Travel
"Công tác truyền thông trong du lịch rất quan trọng đóng vai trò truyền tải thông điệp, truyền tải hình ảnh, cảnh đẹp, điểm đến. Truyền thông ở Lai Châu cần đẩy mạnh hơn, xúc tiến du lịch có thể học tập ngay tại các tỉnh lân cận như Hà Giang. Công tác đào tạo nhân sự cần được đầu tư, tìm được sản phẩm du lịch của mình. Hiện nay, Five Star Travel đang đầu tư du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch caravan vchekking,… rất mong sẽ cùng tỉnh Lai Châu đầu tư và phát triển 2 loại hình du lịch này".
Có thể nói, trong bối cảnh ngành du lịch thế giới và trong nước gặp rất nhiều khó khăn do những diễn biến phức tạp, nguy hiểm của đại dịch covid-19. Trước những khó khăn, thách thức lớn, nhưng du lịch Lai Châu vẫn đang có những bước tăng trưởng bền vững và đáng khích lệ. Lai Châu đã dần khẳng định trở thành một điểm đến hấp dẫn, an toàn và độc đáo của du lịch Việt Nam. Điều quan trọng nhất là du lịch cộng đồng ở Lai Châu đã biết phát huy giá trị cốt lõi chính là lấy người dân làm gốc, làm trung tâm để phát triển. Chính những yếu tố như sự độc đáo của bản sắc văn hóa, sức hấp dẫn từ ẩm thực, văn hóa, văn nghệ dân gian, bản tính nhiệt tình, thân thiện, hiếu khách của mỗi cộng đồng sẽ giúp du lịch Lai Châu phát triển.
Mục tiêu lâu dài của Lai Châu là hướng đến sự phát triển bền vững, du lịch trở thành một hướng đi phát triển kinh tế quan trọng của mỗi địa phương. Với xu hướng đẩy mạnh kích cầu du lịch nội địa, phong trào "người Việt du lịch Việt", hy vọng trong năm mới 2022 du lịch Lai Châu với những ưu thế về sự an toàn, hấp dẫn, độc đáo sẽ trở thành một lựa chọn hấp dẫn cho du khách trên mọi miền tổ quốc. Thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra về phát triển du lịch như trên chính là các bước để hiện thực hóa nhiệm vụ Đại hội XIII Đảng bộ tỉnh xác định: "Phát triển du lịch tương ứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch, thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, khai thác hiệu quả các điểm du lịch. Đẩy mạnh xây dựng các tour, tuyến, điểm du lịch; tận dụng lợi thế về tiềm năng di sản, thiên nhiên, phát triển các loại hình du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng; liên kết tua du lịch với các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc"./.
Một số hình ảnh diễn đàn:
Thế Anh, Tuấn Anh, Tuấn Phí
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Vinamilk nhận loạt giải thưởng về quản trị và phát triển bền vững (03:19 20/11/2024)
- Khám phá Vietjet Green Friday, ưu đãi lớn nhất năm, bay xanh khắp thế giới! (02:34 19/11/2024)
- Phú Quốc sẽ có dự án Bệnh viện quốc tế Mặt trời do Sun Group đầu tư xây dựng (10:45 18/11/2024)
- Mô hình semi-compound nâng tầm “sống sang, tiện nghi, đẳng cấp” tại The Symphony (10:24 18/11/2024)
- Tương ớt Chin-su, lan tỏa niềm tự hào thương hiệu hàng Việt Nam (09:18 18/11/2024)