Cơ chế bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử

17:33 13/12/2021 - Pháp luật
Quyền tác giả được hiểu là cách thức xử sự mà pháp luật cho phép hoặc bắt buộc tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, người sử dụng tác phẩm tiến hành bảo đảm quyền của mình hoặc đáp ứng việc thực hiện quyền của chủ thể khác đối với tác phẩm.

Bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử

Vi phạm đáng báo động

Quyền tác giả là một chế định pháp luật tổng hợp các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành xác định các quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm; quy trình xác lập và bảo vệ các quyền đó khi được thực hiện và khi có hành vi vi phạm. Pháp luật trao cho các tác giả, chủ sở hữu tác phẩm các quyền nhân thân và tài sản mà bất cứ cá nhân, cơ quan, tổ chức nào cũng không được xâm phạm.

Báo chí tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống, trở thành một trong những động lực quan trọng cho sự phát triển của xã hội. So với các loại hình báo chí khác, báo điện tử ra đời muộn hơn truyền hình, báo in, phát thanh nhưng lại có rất nhiều ưu thế như về tốc độ lan truyền ngay tức thì, phạm vi tác động không giới hạn, sự hấp dẫn do tính tương tác cao, tính cá nhân triệt để... nên đã mạnh mẽ thu hút công chúng hiện đại - nhất là giới trẻ. Báo điện tử là đối tượng được bảo hộ của quyền tác giả. Vì những ưu điểm nổi bật của mình nên loại hình này hiện nay đang bị xâm phạm quyền tác giả vô cùng nhiều nếu không muốn nói là đáng báo động.

Pháp luật hiện hành đã có rất nhiều quy định bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử thông qua Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Báo chí, Luật Quảng cáo... cùng các Nghị định hướng dẫn thi hành và có liên quan. Ngoài ra, Việt Nam đã gia nhập công ước Bern, Hiệp ước về quyền tác giả của WIPO, Hiệp định song phương Việt - Mỹ về quyền tác giả, bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền kề cận giữa Cục Bản quyền tác giả nước CHXHCN Việt Nam và Cục Bản quyền quốc gia một số nước như Trung Quốc, Thái Lan... Việc tham gia các tổ chức đa phương, song phương đã góp phần thúc đẩy hệ thống bảo vệ quyền tác giả ở phạm vi toàn cầu.

Hiện nay, có ba cơ chế bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử. Đó là biện pháp dân sự; biện pháp hình sự; biện pháp hành chính. Tác giả, chủ sở hữu tác phẩm có thể tự mình làm việc với chủ thể có hành vi vi phạm, thương lượng, hòa giải, yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm, nhận bồi thường vật chất hoặc thông qua cơ quan có thẩm quyền để xử lý chủ thể có hành vi vi phạm quyền tác giả.

Đối với biện pháp dân sự

Việc áp dụng biện pháp dân sự là quyền mà pháp luật quy định cho phép tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả bảo vệ tác phẩm của mình trước các hành vi xâm phạm quyền tác giả có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng, cũng như xâm phạm danh dự, uy tín, giá trị tri thức sáng tạo của bản thân tác giả.

Đây là biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo thủ tục tố tụng dân sự trên cơ sở yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự. Bản chất vấn đề sở hữu trí tuệ là dân sự.

Ở các nước, giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ thường sử dụng cơ chế này. Nhưng ở Việt Nam, cơ chế này ít được quan tâm, lựa chọn do có nhiều bất cập: mất nhiều thời gian, hiệu quả không cao, nhiều thủ tục. Trên thực tế chỉ có một số ít vụ việc giải quyết bằng cơ chế này.

Đối với biện pháp hình sự

Đây là biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được quy định là tội phạm theo thủ tục tố tụng hình sự. Các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được coi là tội phạm khi có đủ các yếu tố cấu thành. Giống biện pháp dân sự, biện pháp hình sự hầu như không được áp dụng, một trong những nguyên nhân của vấn đề này là quy định chưa rõ ràng, khó áp dụng.

Theo Luật sư Quang Thuận – Đoàn luật sư TP. Hà Nội: “Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan” có thể bị xử lý theo thủ tục tố tụng hình sự. Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính như chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình; Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình thì sẽ bị xử lý hình sự phạt tiền hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan sẽ bị phạt tiền tùy theo mức độ vi phạm, đình chỉ hoạt động, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn trong thời hạn nhất định.

Đối với biện pháp hành chính

Đây là việc cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, cá nhân, tổ chức khác bị thiệt hại do hành vi xâm phạm hoặc phát hiện hành vi xâm phạm có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm. Khi xử lý hành chính, tùy vào hành vi xâm phạm mà cơ quan có thẩm quyền xử phạt cảnh cáo hay phạt tiền và áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, khắc phục. Cơ chế này được sử dụng nhiều nhất, các tổ chức, cá nhân bị xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan thường chọn cơ chế này do thủ tục đơn giản, nhanh gọn, hiệu quả.

Chế tài hành chính hiện nay quy định tại Nghị định số 131/2013/NĐ- CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Các hành vi có thể bị xử phạt hành chính như: Hành vi xâm phạm quyền đứng tên, đặt tên tác phẩm; hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm; hành vi xâm phạm quyền công bố tác phẩm; Hành vi xâm phạm quyền phân phối tác phẩm; hành vi xâm phạm quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng; hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm...

Như vậy, việc lựa chọn cơ chế áp dụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình là quyền mà pháp luật trao cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm. Tác giả, chủ sở hữu tác phẩm trước tiên cần nhận biết được hành vi nào là vi phạm quyền tác giả, đồng thời cần có ý thức bảo vệ tác phẩm thuộc sở hữu của mình. Khi tác phẩm báo điện tử bị xâm phạm quyền tác giả thì tác giả, chủ sở hữu cần cân nhắc việc lựa chọn cơ chế bảo vệ phù hợp với hoàn cảnh, thời gian, công sức cũng như danh dự, uy tín... của mình để có sự lựa chọn phù hợp nhất.

TRẦN THỊ KHÁNH HƯƠNG

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top