Chuyên gia FBI gợi ý 'lật tẩy' chiêu nói dối của ông Trump, bà Clinton

22:22 07/10/2016 - Bình luận
Một cựu nhân viên FBI chuyên thẩm vấn nghi phạm hiến kế lật tẩy chiêu nói dối của ứng viên Tổng thống Donald Trump và Hillary Clinton trước thềm tranh luận vòng 2 ngày 9/10. Theo dõi mọi cử động bặm môi của họ là một kế.
Đằng sau cái bắt tay vui vẻ đầu cuộc tranh luận là những cú "đập nhau chan chát"
 
Chính trường lúc nào cũng đầy chiêu trò. Một khi đó là những chiêu trò tinh vi nhất của những con người thông minh nhất, tìm cách lật tẩy nó là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Nhiệm vụ đó sẽ được trao cho 2 nhà báo Martha Raddatz của ABC và Anderson Cooper của CNN.
 
Họ sẽ cùng nhau lèo lái cuộc tranh luận trực tiếp thứ 2 giữa ông Trump và bà Clinton vào chủ nhật 9/10 này (theo giờ địa phương) tại Đại học Washington (thành phố St. Louis, bang Missouri). Não của họ cũng sẽ phải căng ra chẳng khác gì 2 ông bà sẽ đấu với nhau dựa trên các câu hỏi của họ. Và từng câu từng chữ, từng cái huơ tay, từng cái chớp mắt trong cuộc đấu tay đôi - có khi tay 4 - đó sẽ lọt hết vào mắt hàng chục triệu người xem truyền hình trực tiếp, sẽ là đề tài cho những tay bình luận sắc sảo nhất hành tinh này mổ xẻ "đến mức độ phân tử".
 
Hàng loạt "nửa sự thật" đã từng thốt ra từ miệng cả 2 chính trị gia - trong đó một người sẽ làm tổng thống Mỹ - tại cuộc tranh luận tay đôi đầu tiên hồi cuối tháng 9 vừa qua. Mà sự thật thì đâu giống như ổ bánh mì để nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì! Nhiệm vụ của 2 người dẫn chương trình lần này là trong tích tắc phải nghi ngờ đâu là "nửa sự thật" để dồn ép 2 chính trị gia thông minh kiệt xuất phải lộ ra cho hàng triệu người thấy một nửa còn lại có cấu tạo từ cùng loại nguyên liệu hay không.
 
Càng "đánh hơi" được nhiều sự khác biệt trong "nguyên liệu", 2 tay nhà báo càng tạo nhiều cơ hội cho 2 ứng viên "vật nhau", cuộc tranh luận càng hấp dẫn và cử tri Mỹ càng có thêm cơ hội lựa chọn đúng. Một nhiệm vụ chưa bao giờ dễ nuốt!
Ông Joe Navarro, chuyên gia từng thực hiện 13.000 ca thẩm vấn cho FBI
 
Joe Navarro - người từng thực hiện 13.000 ca thẩm vấn trong thời gian còn làm việc cho Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) có vài lời khuyên dành cho 2 nhà báo. Nhưng trước khi xem ông khuyên gì, hãng truyền thông BBC nhấn mạnh rằng với ngần ấy cuộc thẩm vấn, ông Navarro là chuyên gia đối mặt, phát hiện và xử lý vô vàn tình huống hóc búa, khi người khác tìm mọi cách để che giấu sự thật. Trước khi nghỉ hưu vào năm 2003, ông Navarro cũng giảng dạy các lớp học về kỹ năng thẩm vấn nghi can khủng bố cho nhân viên FBI. Hãy xem ông khuyên gì:
Một cuộc tranh luận tay đôi hóc búa đang chờ ông Trump sau khi được cho là bị bà Clinton "dẫn điểm" ở vòng 1 

 

1. Ngôn ngữ hình thể là dấu chỉ đường
 
Chuyên gia Navarro biết rất rõ phát hiện nói dối khó đến đâu: "Điều rất khó để phát hiện nói dối là tất cả chúng ta đều làm điều đó và chúng ta đều làm nó từ rất sớm. Là một sinh vật sống, chúng ta rất hay lừa dối: một đứa trẻ muốn mẹ chú ý đã biết cách giả vờ đang bị đau".
 
Nhưng không phải là không có cách "bắt bài" nó. Ông Navarro khẳng định rằng cách mọi người cấu trúc từng câu nói, cách thể hiện nó ra ngoài có thể ẩn đằng sau nhiều thứ để gợi ý rằng đó có thể là một câu nói dối. Hãy đi tìm những gợi ý cho thấy đối phương đang bối rối về mặt tâm lý là lời khuyên của cựu nhân viên FBI.
 
"Cơ thể phát trực tiếp tình trạng bối rối tâm lý. Họ có bặm môi hay không? Họ có sờ tay lên cổ hay không? Họ có hút thuốc nhiều hơn không?".
 
Những lời khuyên của một chuyên gia phát hiện nói dối như ông Navarro hẳn sẽ hữu ích cho người dẫn chương trình của ABC và CNN, nhưng trong trường hợp này, hút thuốc là thứ không cần phải quan tâm tới. Không chỉ ông Trump và bà Clinton không được hút thuốc khi tranh luận mà tất cả những ai có mặt trong khán phòng hôm 9.10 tới tại Đại học Washington cũng đều phải nhìn vào biển báo: "Khu vực cấm hút thuốc" mà hành xử cho phải phép.
Nhà báo Lester Holt (trái) từng phải một mình đấu 2 trong vòng tranh luận tổng thống đầu tiên 
 
2. Cắt thật sắc!
 
"Điều chúng tôi luôn cố làm là bắt đầu với một câu hỏi mở: Anh có kinh nghiệm gì về chuyện này? Anh nghĩ ra sao về chuyện kia? Và rồi chặn họ lại ở điểm mà anh biết rõ", đó là kinh nghiệm của Navarro.
 
Nhân vật hiện là một diễn giả này nói tiếp: "Nếu là tôi, tôi sẽ để cho họ nói bất kỳ điều gì họ muốn và khi họ còn đang thao thao bất tuyệt, hãy cắt một nhát thật sắc và nói: Không, điều đó không chính xác, nó không trùng khớp với sự thật và đây là lý do". Nhưng tại sao phải làm điều đó? Lý do của Navarro như sau: "Bằng cách cắt ngang họ đột ngột, mục tiêu chính của anh là làm cho họ bất lợi về mặt tâm lý mà họ không chuẩn bị trước để ứng phó".
 
3. Đừng quá bận tâm tới cái đồng hồ
 
Trong cuộc tranh luận sắp tới, mỗi ứng viên sẽ có 2 phút để trả lời mỗi câu hỏi giống như ở vòng một. Người dẫn chương trình sẽ có thêm một phút để "vặn" những điều ứng viên vừa nói. Một điều thú vị ở vòng 2, khác với vòng 1 là khán giả sẽ có cơ hội để tham gia đến 1/2 số câu hỏi, theo trang web Central Election của Mỹ. Nhưng cũng chính người dẫn chương trình có nhiệm vụ giữ cho mọi đề tài đi theo đúng thời lượng, kế hoạch.
 
Nhưng đôi khi sự tuân thủ quá nghiêm ngặt thời lượng khiến người dẫn chương trình đánh mất cơ hội tìm ra sự thật. Lời khuyên của chuyên gia Navarro với 2 nhà báo dẫn chương trình là khi đã đối mặt với một lời nói dối, hãy cứ sấn tới, dồn thúc cho ra ngô ra khoai, để cho ông, cho bà tổng thống tiềm năng thấy rõ là họ sẽ không được đổi qua đề tài khác cho tới khi mọi chuyện đã rõ ràng.
Củng cố niềm tin của cử tri vẫn cứ là một trong những nhiệm vụ hàng đầu đối với bà Hillary Clinton trên đường đua nước rút vào Nhà Trắng 
 
4. Đừng lọt bẫy
 
Liệu những chính trị gia đẳng cấp cao như bà Clinton hay ông Trump có dễ nổi giận? Có đấy và trong rất nhiều trường hợp, họ có thể giả vờ nổi giận. Để làm gì? Chính trị gia, càng ở cấp cao thì càng có nhiều "chiêu". Đôi khi họ làm thế để tránh trả lời một câu hỏi mà họ "đánh hơi" được rằng có thể dồn họ vào góc tường.
 
Đừng nổi giận theo họ! Kết luận của ông Navarro là ai bình tĩnh nhất sẽ chiến thắng. Nhưng bình tĩnh thôi chưa đủ. Hãy đối phó với tất cả những chiêu trò, kể cả những cơn thịnh nộ, bằng các dữ liệu. Phải chuẩn bị thật kỹ càng và chuẩn bị bằng dữ liệu là lời khuyên của cựu chuyên gia thẩm vấn FBI./.
 
Nguồn: TNO
Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top