“Chùm khế cuối mùa” – Những không gian khép mở!
21:47 28/03/2022
- Văn hóa xã hội
Trang thơ Người Làm Báo vừa nhận được lời bình của nhà phê bình văn học PGS.TS Nguyễn Thanh Tú về bài thơ “Chùm khế cuối mùa” của nhà báo, nhà thơ, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:
Cây khế sum suê trái ngọt
Một bài thơ cảm động của Nguyễn Hồng Vinh mới in trên báo Hà Nội Mới, số ra ngày 27/3/2022 có tiêu đề “Chùm khế cuối mùa” đã chiếm được cảm tình của rất nhiều người đọc. Bài thơ viết đúng vào mùa khế rụng để tưởng nhớ người anh trai cùng đồng đội hành quân vào mặt trận cũng vào mùa này tháng 3/1968; và từ mốc lịch sử ấy, người anh ra đi mãi mãi không về, cho đến tận hôm nay, vẫn chưa tìm được mộ chí! Bài thơ ngắn, nhưng cấu trúc chặt chẽ, gửi đi mấy thông điệp đáng suy ngẫm đối với chúng ta: chiến tranh là mất mát, hy sinh lớn lao, nhưng sự hy sinh ấy để cây độc lập, tự do nở hoa, kết trái trên khắp đất nước ta. Mỗi miền quê hôm nay đang đổi thịt thay da nhờ sự hy sinh của hàng triệu anh hùng, liệt sĩ; và sự dấn thân cho lý tưởng ấy cũng vì quê hương nhanh thoát khỏi cảnh nô lệ, lầm than. Chính vì vậy, mỗi người con ở từng vùng quê, lòng tự nhủ lòng: hãy làm hết sức mình xây dựng xóm thôn – “chùm khế ngọt” của đời mình ngày càng sum suê cùng nhiều loài hoa trái khác!
Khổ 1 của bài thơ mở ra không gian của hiện tại:
Chùm khế cuối mùa rơi trước sân
Lả tả lá vàng vương phòng thờ tĩnh lặng
Như thì thầm với anh tôi trong di ảnh:
Cũng tháng 3 năm xưa, anh rời làng hành quân!
Nghĩa trang Đường 9
Hình như không một âm thanh, không một tiếng động, chỉ có một tiếng rơi của chùm khế theo lối “lấy động tả tĩnh”, càng làm cho không gian tĩnh lặng hơn. Nhưng hình ảnh thì rất gợi, gợi nhất là câu: “Lả tả lá vàng vương phòng thờ tĩnh lặng”. Những hình ảnh tương hợp gợi lên cái xao xuyến, bâng khuâng, nhất là hướng tâm tưởng về sự rơi rụng, mất mát. Câu cuối của đoạn càng làm ta day dứt về nỗi nhớ thương: “Cũng tháng 3 năm xưa, anh rời làng hành quân!”. Một không gian tĩnh lặng buồn như đẩy hồn người về miền xa xăm của dĩ vãng!
Khổ 2 xuất hiện như là một tất yếu nghệ thuật, mà cầu nối hai không gian hiện tại và không gian quá khứ ở khổ này là “mùa khế rụng”:
Có thể nào quên mùa khế rụng
Đống đội anh vượt Khe Sanh, Đường 9
Bất thình lình, bom B52 rải thảm
Cả đơn vị hy sinh!
Không gian này vừa là không gian tâm tưởng, vừa là không gian vật lý; nói đúng hơn, là không gian tâm tưởng của người em – tác giả tái hiện không gian vật lý – nơi và hoàn cảnh người anh hy sinh. Chịu sự quy chiếu của không gian tâm tưởng, mà không gian vật lý cũng nhuốm đầy tâm trạng tiếc thương nhói lòng…
Khổ 3 là không gian giàu sức sống có thể thấy ở bất cứ đâu trên đất nước mình. Đây là thành công của tác giả, vì sự tiếc thương không làm ta bi luỵ, u ám, mà là cái nhìn lạc quan, tươi tắn về quê hương đã được độc lập, tự do, đang chuyển mình mạnh mẽ trong đổi mới, hội nhập, được tác giả diễn tả bằng hình tượng thơ sinh động:
Những cành khế non đua vươn trong nắng lung linh
Rải trắng sân nhà những cánh hoa bé nhỏ
Rồi mùa quả ngọt lành sau chùm hoa nở
Cùng hoa trái mọi miền thi nhau sinh sôi...
Một không gian gợi về những gì tràn trề hy vọng, hạnh phúc!
Quê hương thanh bình
Khổ kết có 5 dòng thơ với nhiều không gian, nhưng chủ đạo vẫn là không gian tâm tưởng. Trong đêm thanh vắng, lời ca khúc đưa ta về không gian quê hương: “Quê hương là chùm khế ngọt/ Quê hương mỗi người chỉ một”.
Tôi đã từng qua xứ người nhiều nơi
Mỗi đêm buông cứ diết da lời ca khúc:
“Quê hương là chùm khế ngọt
Quê hương mỗi người chỉ một”
Nuôi ta mãi lớn thành người!
Đến đây, kết cấu bài thơ mới hé mở: chùm khế ngọt chính là cái bản lề khép mở các không gian. Đi theo chiều dọc tâm tưởng bài thơ, hình tượng trung tâm này đưa ta về với không gian một thời đánh giặc để bật ra triết lý: nếu quê hương “Nuôi ta mãi lớn thành người!”, thì trong lòng quê hương, xứ sở còn rất nhiều những người lính đang nằm trong đất. Họ không chỉ lấy xương máu mình góp phần giữ đẹp quê hương; hơn thế, bằng hành động anh hùng, họ đã góp làm nên phần lịch sử! Cái ngọt ngào của chùm khế kia, chính là một thứ “dinh dưỡng văn hóa” giúp con người ta lớn lên, trưởng thành bền vững. Một thông điệp mang chiều sâu triết lý, có tác dụng lay thức trái tim người đọc! ./.
PGS.TS. Nguyễn Thanh Tú
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Giải pháp ứng cứu và phục hồi hệ thống sau thảm họa tấn công mạng (01:29 13/11/2024)
- Fashion Show "Cội nguồn tinh hoa hội tụ": Sự giao thoa đầy sáng tạo kể câu chuyện thời trang Việt (10:09 12/11/2024)
- Culture in you, hướng đến bảo tồn văn hóa truyền thống trong bối cảnh hội nhập toàn cầu (06:14 03/11/2024)
- Lời nhắn mong manh (01:40 03/11/2024)
- Hoa tình yêu (11:20 21/10/2024)