Chi tiết đắt quyết định “sinh mệnh” của phóng sự
16:28 23/03/2017
- Lý luận thực tiễn

Những “chi tiết đắt” đều qua quá trình lao động cần mẫn và sáng tạo của nhà báo. Ảnh minh họa
Người “thợ săn” thực thụ
Năm 1989, tôi về xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, Hà Tây (nay là Hà Nội) viết bài cho Tạp chí truyền thanh (chương trình mới ra đời của Đài TNVN) nhân ngày Thương binh Liệt sỹ. Đi suốt cả ngày, chân rã rời mà chưa tìm ra được “ý hay”. Đang thất vọng, “bỏ cuộc”, định hôm sau đi sang xã khác, gặp mấy chị thợ cấy đang vui chuyện.
Một chị đậm người, cứng tuổi, da sạm nắng, nói to: “Xóm Giếng Ngọc Phúc này a, tuyền là chân giả, chả có mấy chân thật!”. Nghe hay hay, lạ tai, tôi liền “bám” theo chị về nhà, hỏi đi hỏi lại. Thì ra, chồng chị cùng nhiều thương binh khác ở đây phải đi chân giả. Vậy là, một chi tiết trời cho, “lộ thiên” đã níu kéo tác giả ở lại với Ngọc Liệp. Chị tên là Thận, có chồng là anh Tạ Quang Trượng. Năm 1966, anh trẻ trung, khỏe mạnh hăng hái vào chiến trường đánh giặc. Mười năm sau, anh trở về nhà với hai chiếc nạng gỗ.
Chị Thận kể lại: “Lạ quá anh ơi. Thấy chồng về, tiều tụy, tàn tật, lẽ ra tôi khóc sưng mắt như bao người khác, nhưng đằng này tôi lại cười, cười mà nước mắt giàn giụa”. Bởi chị còn hơn nhiều chị em khác là được đón chồng sống sót trở về.
Vậy là ở đây, nơi tận cùng của sự hy sinh cao cả có thêm khái niệm mới, “liệt sỹ sống” và “liệt sỹ chết”. Chi tiết đáng nhớ ấy được nói ra từ câu chuyện rỉ rả, thân tình của những con người đang sống rất thật với lòng mình. Tác giả đã trải qua những ngày dài “săn đuổi” để có được thiên phóng sự “Chuyện tình bên sông Tích” rất độc đáo.
“Chi tiết đắt” càng phải “đắt”
Chỉ còn 4 năm nữa kết thúc thế kỷ XX, tôi mới có dịp may đặt chân lên mảnh đất tận cùng của Tổ quốc. Hôm ấy , trời xanh trong, nắng vàng như mật ong. Tôi lặng người ngắm nhìn Đất Mũi từ hai phía Tây - Đông, cảm xúc tuôn trào, ghi vội vào sổ công tác: “10 giờ 15 phút, ngày 4 tháng 2 năm 1996, đi qua ngón chân cái lấm bùn của Tổ quốc.
Đất nước như một lão ngư vạm vỡ, cần cù, lững thững theo thời gian tiến ra biển, mà chót mũi Cà Mau là ngón chân cái khổng lồ. Ngón chân lấm bùn đặt đến đâu đánh dấu bằng thảm xanh cây đước, cây mắm đến đó...”. Tôi mang những dòng ghi chép ban đầu nóng hổi ấy về Hà Nội mà chưa biết viết như thế nào. Đang lao tâm khổ tứ thì anh Mai Thúc Long, Phó Tổng giám đốc đài Tiếng nói Việt Nam gọi điện đến, giọng bỗ bã:
- Này, cái lúc mà ghe mắc cạn ở chót Mũi, cậu nhảy xuống nước phụ đẩy thì nước mát hay lạnh thế? Biết anh vẫn tiếc vì chưa được lội xuống biển Đất Mũi, mặc dù anh rất muốn. Giá như anh không phải là Phó Tổng, cứ dân dã như chúng tôi thì đã được cái cảm xúc hiếm hoi ấy rồi. Tôi nhấm nha:
- Dạ thưa Phó Tổng, cái cảm xúc ấy em không thể tả được, nó lạ lùng lắm, đại thể là rất ấn tượng. Đầu dây nói, anh Mai Thúc Long lên giọng gắt:
- Ấy là tớ muốn biết mát hay lạnh để tán phét cho vui thôi. Tớ không lấy chi tiết của cậu đâu mà sợ.
Hiểu ra, tôi nhẹ nhàng:
- Dạ, nói cho đúng là nước biển ở đấy sền sệt, mát lạnh, như nhúng chân xuống chậu bột ấy. Lúc ấy anh lái tắc chỉ cho em xem, xa xa có đàn cò biển đang nhún nhẩy kiếm mồi. Anh ấy bảo, chỗ đấy xa bờ, nhưng lại là bãi nổi. Chính loài cò biển đánh dấu đất Mũi nhoài ra biển đấy.
Đất Mũi Cà Mau là nơi nhiều nhà báo tìm đến và sáng tác các thiên phóng sự
Trả lời anh Mai Thúc Long, nhưng trong tôi nảy ra ý tưởng, “chộp ngay” chi tiết “con cò biển”. Nó ở sâu trong cảm nhận, ấy vậy mà tôi không nhận ra. Tôi thầm cảm ơn anh Mai Thúc Long và cắm cúi viết cho đến sáng thiên phóng sự “Nơi tận cùng có con cò biển”. Con cò biển nơi Đất Mũi như lão nông, như ngư phủ lầm lũi mưu sinh, dạn dày với nắng gió, ngày ngày ngâm chân xuống bùn nước, cần mẫn làm phên dậu cho Tổ quốc.
Kết thúc thiên phóng sự, tôi thả lòng theo cây bút: “... Lan man bao ý nghĩ, con thuyền mắc cạn kéo tôi về thực tại. Lạ chưa? Ra xa bờ lại mắc cạn. Chúng tôi lội xuống nước, sền sệt bùn, đẩy thuyền. Nước mát lạnh. Người lái thuyền chỉ cho tôi xem đàn cò biển đậu xa xa. Ở đấy là bùn non đang dính kết, dần tạo nên bãi bồi. Mấy năm nữa, chắc chỗ mấy con cò biển đang đậu là thảm đước xanh, cùng cây mắm cố kết với nhau, bám chặt đất, chặt nước, giữ phù sa tạo nên hình hài mới của Đất - Nước”.
Về đến Hà Nội, ngồi ghi lại những dòng này tôi không sao quên được nơi tận cùng Đất Mũi có con cò biển lầm lũi kiếm ăn.
Nhiều khi, chi tiết đắt là hình ảnh từ một câu nói của nhân vật trong phóng sự.
Nhà viết kịch nổi tiếng Xuân Trình, từng là một trong những phóng viên đầu tiên của chương trình phát thanh Công Nghiệp của Đài Tiếng nói Việt Nam kể lại: thuở gian khó, anh có chiếc xe đạp hỏng mang đến cho ông thợ đầu phố chữa. Sau một hồi ngó nghiêng, lắc thử, ông thợ phán như đinh đóng cột: “xe của anh, tất cả đều kêu, trừ cái chuông là không kêu”. Chủ nhân của chiếc xe khốn khổ không buồn mà vỗ đùi đánh đét, kêu to: “Hay, thật là hay. Không có câu nói nào hay đến như thế!”
Liền sau đó, Xuân Trình đưa ngay chi tiết quá hay này vào thiên phóng sự đời thường... Và sau này trở thành câu nói hay của nhân vật trong một kịch bản văn học của anh. Mãi sau này, khi nhiều khán, thính giả tán thưởng chi tiết đắc địa này, Xuân Trình tủm tỉm thuật lại câu chuyện, mà rằng: “Không phải của tôi. Tôi nói cả đời cũng không có được câu hay như thế. Chỉ có ông thợ sửa xe đạp lâu năm đầu ngõ phố mới nói được câu để đời như vậy.”
Những “chi tiết đắt” qua lao động cần mẫn và sáng tạo của tác giả, đã thổi hồn vào phóng sự, làm cho “phóng sự có thể quyến rũ hơn”. Nói như GS, TS Karel Storkal thì “phóng sự là một trong những thể loại báo chí được người đọc yêu thích nhất và cũng là một trong những thể loại khó nhất đối với người viết”./.
Vĩnh Trà
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Phát huy vai trò Cựu chiến binh tham gia xây dựng chỉnh đốn Đảng trong hoạt động báo chí (07:22 30/12/2022)
- Xuất bản sách dịch góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước tình hình mới (09:46 01/11/2022)
- Giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức về bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân Việt Nam (09:31 28/07/2022)
- Quản trị toà soạn báo mạng điện tử trong bối cảnh đại dịch Covid-19 (03:05 08/07/2022)
- Quản lý quy trình tổ chức sản xuất các tuyến bài điều tra trên Báo Đại Đoàn Kết (05:07 07/07/2022)