Châu Âu và nỗi ám ảnh mang tên khủng bố
22:11 26/07/2016
- Bình luận
Từ năm 2015, châu Âu liên tục hứng chịu những cuộc tấn công ác liệt nhằm vào người dân vô tội. “Bóng ma” khủng bố núp dưới các phương thức hoạt động kiểu mới ập đến những quốc gia mà ít ai ngờ nhất, đó là Pháp, Bỉ và Đức.
Mới đây, tối 22/7, tại TP Munich (Đức), một số đối tượng bắt đầu nổ súng tại nhà hàng McDonald's, sau đó chúng lao ra đường và xông vào trung tâm thương mại Olympia gần sân vận động Olympic. Theo thông tin ban đầu, vụ việc làm ít nhất 9 người thiệt mạng và 13 người bị thương, trong đó có một tay súng. Cảnh sát Đức bắt đầu điều tra vụ tấn công, tuy nhiên hiện chưa có dấu hiệu cho thấy đây là hành động khủng bố liên quan Hồi giáo.
Vụ tấn công tại Đức xảy ra khi thế giới vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ khủng bố tại thành phố du lịch Nice (Pháp), làm 84 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Trong bối cảnh nước Pháp vừa thở phào nhẹ nhõm sau khi tổ chức giải bóng đá EURO 2016 an toàn, Mohamed Lahouaiej-Bouhlel (công dân Pháp gốc Tunisia) lạnh lùng lao chiếc xe tải 19 tấn vào đám đông xem bắn pháo hoa chào mừng ngày Quốc khánh (14-7). Công tố viên Pháp cho biết, không có bằng chứng cho thấy Lahouaiej-Bouhlel có liên hệ trực tiếp với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tuy nhiên, theo kết quả khám xét máy tính của Lahouaiej-Bouhlel, người này có sự quan tâm đặc biệt với các phong trào Hồi giáo cực đoan.
Trước đó, ngày 22/3, ít nhất 34 người đã thiệt mạng và gần 200 người bị thương trong hai vụ nổ liên tiếp tại sân bay và ga tàu điện ngầm ở Thủ đô Brussels của Bỉ. Vụ khủng bố thật sự khiến châu Âu chấn động vì Bỉ luôn được coi là trái tim của “lục địa già”, là nơi đặt trụ sở của Liên hiệp châu Âu (EU) và nhiều tổ chức quốc tế khác.
Dựa vào các diễn biến thực tế và nguồn tin tình báo, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã lường trước được nguy cơ xảy ra tấn công khủng bố. Chính vì vậy, ngày 31/5, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cảnh báo công dân nước này về “nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công khủng bố trên khắp châu Âu, với mục tiêu là các sự kiện lớn, các địa điểm du lịch, nhà hàng, trung tâm thương mại và hệ thống giao thông. Số lượng lớn khách du lịch đến châu Âu trong những tháng hè sẽ là mục tiêu lý tưởng cho khủng bố lên kế hoạch tấn công tại các địa điểm công cộng, đặc biệt là các sự kiện lớn”.
Tuần trước, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã có những phát biểu cho thấy tư duy mới của giới chức Pháp về nguy cơ khủng bố. Ông Valls xác nhận, khủng bố sẽ là một phần trong cuộc sống thường ngày của người dân Pháp trong thời gian dài. Thông qua vụ tấn công tại TP Nice, Thủ tướng Pháp đã chứng minh sự tồn tại của các phương thức khủng bố kiểu mới. Đó là kẻ khủng bố đã hành động theo lời chỉ dẫn của IS đúng đến từng chi tiết, cụ thể: nhằm vào thời điểm mang tính biểu tượng (ngày Quốc khánh), làm nhiều người bị ảnh hưởng và sử dụng bất cứ phương tiện sẵn có (súng, xe tải) để giết hại người vô tội.
Nhận thức rõ nguy cơ khủng bố và liên tục triển khai các biện pháp siết chặt an ninh, vậy nhưng châu Âu vẫn rơi vào tình trạng bị động sau mỗi vụ tấn công. Các cuộc thảm sát vẫn xảy ra vào thời điểm và địa điểm bất ngờ khiến người ta bắt đầu hoài nghi nhiều hơn về tính hiệu quả của những hoạt động an ninh tại “lục địa già”. Trước các cuộc tấn công được tiến hành theo phương thức mới, nếu châu Âu chỉ tập trung thực hiện những biện pháp chống khủng bố truyền thống như tiêu diệt các lực lượng khủng bố, điều tra nhằm ngăn chặn âm mưu khủng bố, mà không lập tức khắc phục những yếu kém trong chính sách an ninh và đập tan tư tưởng cực đoan đang có dấu hiệu xâm nhập vào một bộ phận người dân châu Âu thì trong tương lai gần, các đối tượng tấn công chắc chắn sẽ tiếp tục tận dụng triệt để những lỗ hổng này để cướp đi sinh mạng của người dân vô tội, đưa “lục địa già” vào giai đoạn đen tối và hỗn loạn.
Nguồn: NDĐT
Bình luận: 0