Các tác phẩm đoạt giải có nhiều tính phát hiện, tạo sức lan tỏa, truyền cảm hứng mạnh mẽ trong xã hội

Đó là đánh giá của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong bài phát biểu tại lễ trao Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII - năm 2022 diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023).

Giải báo chí Quốc gia là giải thưởng cao quý nhất dành tặng các tác phẩm báo chí xuất sắc, có đóng góp tích cực cho sự nghiệp báo chí nước nhà, tôn vinh các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm xuất sắc nhất trong năm.

Các đại biểu tham dự lễ trao giải.

Đến dự có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; cùng các đồng chí là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương và TP. Hà Nội. 

Về phía Hội Nhà báo Việt Nam có đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia. Các nhà báo, lão thành, đồng chí Uỷ viên Đảng Đoàn, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam.

Báo chí luôn giữ vững vai trò là lực lượng xung kích

Phát biểu tại lễ trao giải, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia Lê Quốc Minh nhấn mạnh, trong các giai đoạn lịch sử của đất nước từ khi có Đảng, báo chí cách mạng luôn là lực lượng đi đầu, là vũ khí tinh thần sắc bén của Đảng và Nhà nước trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, là diễn đàn của nhân dân, có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng.

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cũng cho biết, báo chí năm 2022 đã thông tin nhanh, đúng, trúng và toàn diện mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội ở trong nước và cả quốc tế. Báo chí đã cho thấy sự đổi mới sáng tạo trong phương thức thể hiện, đề xuất nhiều giải pháp kiến tạo, cách làm hay, có sức lan tỏa, ảnh hưởng trong xã hội. Đồng thời nhấn mạnh, trong bối cảnh công nghệ số phát triển như vũ bão cùng sự thay đổi về cách thức tiếp nhận thông tin của người dùng, báo chí nước nhà luôn giữ vững vai trò là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hoá; duy trì vai trò là dòng thông tin chính thống, chính thức không ngừng nghỉ; tuyên truyền hiệu quả đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước; là tiếng nói của người dân, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và người dân.  

Ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc.

Nói về Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVII - năm 2022, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, năm nay số lượng tác phẩm gửi về dự giải tiếp tục đạt ở mức cao là 1.894 tác phẩm, cho thấy sức hút mạnh mẽ của Giải và sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các hội viên và các cấp Hội nhà báo trong cả nước. Công tác thu nhận tác phẩm, tổ chức chấm sơ khảo, chung khảo được tiến hành nghiêm túc theo hướng dẫn, điều lệ giải, khách quan, công tâm, hiện đại và chuyên nghiệp...

Hội đồng Chung khảo đã chấm 157 tác phẩm tiêu biểu được chọn từ vòng Sơ khảo, và quyết định trao 8 Giải A, 24 Giải B, 46 Giải C, 45 Giải Khuyến khích, theo 11 loại giải cho những tác phẩm xuất sắc nhất, có tính phát hiện đề tài, nội dung tư tưởng tốt, mang tính chiến đấu cao, có sáng tạo trong cách thức thể hiện, đặc biệt có nhiều tác phẩm không chỉ ở các cơ quan báo chí Trung ương mà các cơ quan báo chí địa phương cũng đã sử dụng công nghệ làm báo hiện đại, thu hút sự quan tâm của độc giả. 

Người làm báo cần tiếp tục đi đầu, dấn thân 

Phát biểu chỉ đạo tại lễ trao giải, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá cao và biểu dương những kết quả to lớn và quan trọng đã đạt được trong năm qua của đội ngũ những người làm báo trên cả nước. Đồng thời nêu rõ, năm 2022, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức sau đại dịch Covid-19, tình hình quốc tế ngày càng phức tạp, biến động, khó lường, báo chí đã đồng hành cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các nhà báo bằng trí tuệ, tâm huyết với đất nước và sự lao động nghiêm túc đã cùng phân tích, luận giải, tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề kinh tế - xã hội quan trọng, các vấn đề được dư luận quan tâm; phản ánh sinh động đất nước, con người Việt Nam hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình, muốn làm bạn, làm đối tác tin cậy với bạn bè quốc tế.

Nói về Giải báo chí Quốc gia, Chủ tịch nước cho biết, "Tôi đánh giá cao các tác phẩm đoạt Giải năm nay đã tiếp tục khẳng định tính cách mạng, tính khoa học, sự nhạy bén, sức sáng tạo, lý tưởng nghề nghiệp cao đẹp và sự dấn thân không mệt mỏi của các nhà báo. Các tác phẩm báo chí đã có sự đầu tư nghiêm túc, công phu, nhiều cách thức thể hiện sáng tạo, sinh động, hấp dẫn công chúng, thể hiện rõ năng lực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo báo chí. Nhiều tác phẩm báo chí mang tính phát hiện, tính chiến đấu cao, sắc bén, phản biện khoa học, đề xuất giải pháp thiết thực, thông tin tích cực, có sức lan tỏa, lay động, truyền cảm hứng mạnh mẽ trong xã hội".

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại lễ trao giải.

Tại buổi lễ, Chủ tịch nước cũng đề nghị cơ quan báo chí và những người làm báo phải ý thức trách nhiệm cao trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, với bạn đọc, về sứ mệnh mà mình đang gánh vác… để báo chí Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.

Theo Chủ tịch nước, đội ngũ những người làm báo phải đi đầu, dấn thân phản ánh những vấn đề lớn, vấn đề mới, vấn đề khó của đất nước, bám sát thực tiễn sinh động của đời sống xã hội, sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo chí phải phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, đưa ra những giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn.

“Báo chí phải là ngọn cờ đầu kết nối và huy động mọi nguồn lực bao gồm: Trí tuệ, tinh thần, trách nhiệm và cảm hứng năng động, sáng tạo, cống hiến của toàn dân; nuôi dưỡng, khơi gợi khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí vượt qua khó khăn, thử thách và niềm lạc quan tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển đất nước”, đồng chí Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải A cho tác giả, đại diện nhóm tác giả.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, “Chúng ta đang đến rất gần dấu mốc lịch sử quan trọng 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam. Đồng thời cũng đang ở năm bản lề nhiệm kỳ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIIIcủa Đảng với rất nhiều nhiệm vụ to lớn, đòi hỏi quyết tâm chính trị và nỗ lực cao hơn để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước trong giai đoạn mới, đặt ra cho báo chí Việt Nam vinh dự và trọng trách ngày càng lớn lao, đòi hỏi những người làm báo, các cơ quan báo chí phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa để xứng đáng với niềm tin của nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền báo chí truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang trao giải B cho các tác giả đoạt giải.

Đồng thời bày tỏ sự tin tưởng, với những nỗ lực không ngừng đổi mới, đội ngũ những người làm báo ngày càng lớn mạnh, là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng của Đảng, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước.

Các tác phẩm xuất sắc đoạt giải A Giải báo chí Quốc gia, lần thứ XVII - năm 2022. 

1. Tác phẩm: Loạt 4 bài: Yêu cầu mới về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ của nhóm tác giả: Nguyễn Thị Thu Hà, Hà Thanh Giang, Minh Đức, Bùi Thị Lan (Tô Hà), Phạm Việt Hải - Liên chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân.

2. Tác phẩm: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát người đứng đầu cấp ủy, làm căn cứ để đánh giá và rà soát, sàng lọc cán bộ của tác giả Vũ Trọng Lâm - Chi hội Nhà báo Tạp chí Cộng sản.

3. Tác phẩm: Vượt qua cơn binh lửa của nhóm tác giả: Nguyễn Vũ Duy, Nguyễn Thị Thu Hòa, Bùi Nguyễn Quang Dũng, Vũ Hải Đăng - Ban Thời sự, Liên chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trao giải C cho các tác giả đoạt giải.

4. Tác phẩm: Kiểm soát quyền lực của cán bộ: Thực tiễn từ địa phương của nhóm tác giả Bùi Thị Thu Hương (Lan Hương), Bùi Thị Thùy Linh (Thùy Linh), Nguyễn Thị Thanh Trang (Thanh Trang), Tạ Thị Ngoãn (Tạ Ngoãn), Nguyễn Thị Thanh Tú (Thanh Tú) - Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh.

5. Tác phẩm: Ngày gặp lại của nhóm tác giả: Tấn Tài, Bích Phương, Ngọc Quí, Trần Thịnh - Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh.

6. Tác phẩm: “Bẫy” của nhóm tác giả Nguyễn Hồ Trí, Vũ Hồng Anh, Phạm Quốc Bằng, Chu Sỹ Thanh, Nguyễn Tài Vũ - Liên chi hội Nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam.

Trao giải Khuyến khích cho các tác giả

7. Tác phẩm: Loạt 5 bài: Phát triển trước, chạy chữa sau: Hiểm họa phá môi trường lấy kinh tế của nhóm tác giả: Võ Mạnh Hùng (Hùng Võ), Phạm Thanh Trà (Thanh Trà), Nguyễn Hoài Nam (Hoài Nam), Hoàng Tiến Đạt (Hoàng Đạt) - Báo điện tử VietnamPlus, Liên chi hội Nhà báo Thông tấn xã Việt Nam.

8. Tác phẩm: Dòng tên trên đá núi, đã thành tên phố phường của nhóm tác giả: Lê Đức Dục, Nguyễn Đức Bình (Đức Bình), Nguyễn Ngọc Quang (Ngọc Quang) - Báo Tuổi trẻ, Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh.

Bảo Châu

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 13/1/2025, tại Thủ đô Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Hội nghị nhằm đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học, công nghệ; quán triệt, triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tạo sự chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức và tổ chức thực hiện, góp phần đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và phát biểu tại hội nghị. Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu:
Trong kỷ nguyên số, chuyển đổi nội dung số các tạp chí của Việt Nam có vai trò quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước; đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phổ biến tri thức, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hóa và con người Việt Nam trên không gian mạng. Đồng thời, góp phần “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”(1) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top