Bình luận trên báo chí: Phải khách quan, có lý, có tình
14:38 12/04/2017
- Bình luận
Ý nghĩa của một bài bình luận trên báo chí không dừng lại ở những con chữ sống động,
văn phong uyển chuyển, mà còn là ở sự phân tích thấu đáo, có lý, có tình, có tính đến hiệu
ứng xã hội sau khi bài báo đăng tải, thậm chí những hệ lụy mà bài báo có thể gây ra.
Bình luận trên báo chí cần tỉnh táo, sáng suốt, khách quan, trung thực, công tâm, đúng mực. Ảnh minh họa
Ưu thế nổi trội của thể loại bình luận
Dù với tên gọi khác nhau, nhưng chuyên mục này cơ bản mang tính chất nhận định, đánh giá phân tích và bình luận chuyên sâu một vấn đề, sự kiện mới xảy ra trong đời sống xã hội.
Thông qua sự phân tích khách quan, kịp thời, sắc sảo của tác giả, phần lớn các bài ở thể loại này đều thu hút sự quan tâm của độc giả. Vì thế, có thể nói rằng, bạn đọc rất quan tâm thể loại bình luận. Và cũng có thể nói rằng, thông qua thể loại bình luận đã gắn liền tên tuổi của nhiều nhà báo, tác giả có uy tín và chính họ là người góp phần nâng vị thế của tờ báo trong lòng bạn đọc.
Có rất nhiều sự kiện, vấn đề nóng về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội kể cả những vụ việc phức tạp, nhạy cảm, đã được nhiều cơ quan báo chí “vào cuộc” bình luận sôi nổi, có lý, có tình và có sự định hướng dư luận xã hội theo chiều hướng tích cực. Chính những bài bình luận kịp thời, nhạy bén như vậy không chỉ đáp ứng, giải quyết nhu cầu tìm hiểu thông tin theo chiều sâu của công chúng, mà còn góp phần khơi thông tinh thần dân chủ, tạo hiệu ứng xã hội lành mạnh.
Mặt khác, việc duy trì và cho đăng tải thường xuyên các bài bình luận là một biểu hiện rõ nét tính chiến đấu và năng lực, hiệu quả phản biện của báo chí nhằm giúp các cơ quan Đảng, nhà nước và bộ máy công quyền các cấp có thêm thông tin hữu ích trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và quản lý mọi mặt của đời sống xã hội.
Tỉnh táo, khách quan khi viết bình luận
Tuy nhiên, bên cạnh xu hướng bình luận một cách khách quan, khoa học, thời gian qua đã xuất hiện một số bài bình luận vội vàng, phân tích sự kiện, vấn đề chưa thấu đáo, thậm chí có bài còn nặng về cảm tính của người viết.
Có những “thông tin nóng” được báo này đưa ra, thì hôm sau báo khác “chớp thời cơ” bằng một bài bình luận xem ra rất kịp thời, nhưng sau khi thông tin đó được kiểm chứng là không đúng sự thật thì bài bình luận cũng trở nên... “tẽn tò”. Có những vụ việc đáng ra không nên bình luận, nhưng cũng được người viết “hâm nóng” bằng những suy nghĩ chủ quan, không hợp về lý mà cũng chưa thấu về tình. có những vụ việc bé như “con kiến”, nhưng dưới “lăng kính” suy diễn của tác giả nó đã bị thổi phồng thành “con voi”.
Có những vấn đề thuộc về lĩnh vực văn hóa, đạo đức truyền thống vốn rất tinh tế, nhạy cảm, nhưng cũng được tung ra trước “bàn dân thiên hạ” bằng một thái độ chì chiết, lối viết lạnh lùng, vô cảm. Có những bài bình luận cứ tưởng sâu sắc về nội dung đề cập, nhưng thực ra lại rất hời hợt, nông nổi về mặt chính trị nên lợi bất cập hại.
Có thể nói một cách hình ảnh rằng, sử dụng thể loại bình luận như “con dao hai lưỡi”. Nếu bài viết trúng, đúng, hay, thấu tình, đạt lý thì sẽ mang lại hiệu quả thông tin rất lớn và quan trọng hơn là chuyển tải đến bạn đọc một thông điệp lành mạnh, một cái nhìn lạc quan, một niềm tin tươi sáng. Ngược lại, bình không có cơ sở, luận không có chứng cứ sẽ làm phức tạp vấn đề, nghiêm trọng hóa sự kiện, rối ren thêm tình hình và hậu quả gây ra là làm nhũng nhiễu thông tin cho xã hội, gây tâm lý dao động, bất an, hoang mang cho độc giả.
Bình luận là một thể loại chủ công của báo chí và luôn được bạn đọc đón nhận một cách nhiệt tình. Tuy vậy, để có một bài bình luận hay theo đúng nghĩa của nó, đòi hỏi người viết không chỉ có một phông văn hóa rộng, trình độ chuyên môn sâu, kinh nghiệm sống dày dạn, mà còn phải am hiểu pháp luật, tìm hiểu kỹ lưỡng vấn đề muốn phân tích, lập luận, phản biện và đặc biệt là phải có cái tâm trong sáng, động cơ trung thực, lành mạnh.
Bởi thực tế đã xuất hiện một số bài bình luận trên báo chí, về văn phong, lập luận khá sắc sảo, nhưng không biết vô tình hay hữu ý mà “cái tôi” chưa thật thiện chí, thiện tâm của tác giả chưa thể hiện rõ trong bài viết. Đáng sợ hơn, có bài bình luận còn bộc lộ ý đồ hướng công chúng vào một cách nhìn khác, cách suy nghĩ khác dễ gây hiểu lầm dư luận, thậm chí làm phương hại đến sự đồng thuận trong xã hội.
Bình luận đúng, trúng, hay, vì lợi ích chung
Trong xã hội ta hiện nay, khi tinh thần dân chủ được đề cao, ý thức pháp quyền được tôn trọng, tính sáng tạo của cá nhân được khuyến khích thì không ai yêu cầu báo chí phải tiếp cận, đề cập, chuyển tải thông tin một cách đơn điệu, cũng như không đòi hỏi nhà báo phải nhận định, phân tích, bình luận một sự kiện, vụ việc nào đó theo một giọng điệu hay một lối nghĩ áp đặt; nhưng lại rất cần báo chí tỉnh táo, sáng suốt, khách quan, trung thực, công tâm, đúng mực trong việc xem xét, đánh giá mọi vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia dân tộc, đến việc giữ vững ổn định chính trị và môi trường đồng thuận cho đất nước phát triển.
Bình luận dưới các góc nhìn, phương diện, khía cạnh đa chiều là cần thiết, nhưng phải trên cơ sở bản chất nội tại của sự kiện, vấn đề liên quan, chứ không nên và cũng không được phép có ít suýt ra nhiều, bé xé ra to, đánh đồng lẫn lộn giữa hiện tượng và bản chất dễ làm lạc hướng dư luận.
Thực tế cho thấy, ý nghĩa của một bài bình luận trên báo chí không dừng lại ở những con chữ sống động, văn phong uyển chuyển, mà cao cả hơn là ở sự phân tích thấu đáo, có lý, có tình, có suy nghĩ trước sau, có tính đến hiệu ứng xã hội sau khi bài báo đăng tải và tiên liệu được những sự cố, hệ lụy mà bài báo có thể gây ra để phòng ngừa hậu họa. Tất nhiên, để làm được việc này, ngoài sự nỗ lực của mỗi nhà báo, còn phải có sự định hướng, thẩm định sáng suốt, công tâm của ban biên tập mỗi cơ quan báo chí, đặc biệt là của Tổng biên tập./.
Nguyễn Văn Hải
Bình luận: 0