Báo Gia Lai đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất
21:30 16/03/2022
- Hoạt động công tác Hội
Chiều 15/3, Ban Biên tập Báo Gia Lai tổ chức tọa đàm kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Báo Gia Lai (16/3/1947-16/3/2022) đồng thời đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất của Chủ tịch nước.
Kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống:
Toàn cảnh buổi gặp mặt kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Báo Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy
Ông Huỳnh Thế Mạnh, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đến dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo. Đến dự buổi tọa đàm còn có đại diện HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành, huyện, thị xã, thành phố, lực lượng vũ trang Trung ương và tỉnh, các doanh nghiệp, Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai và các báo bạn: Lâm Đồng, Đak Nông, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum.
Cán bộ, phóng viên, người lao động Báo Gia Lai- Kon Tum trong thời kỳ bao cấp
Cuối năm 1946, thực dân Pháp trở lại xâm lược Tây Nguyên. Ngày 14/3/1947 ta đánh đồn Tú Thủy - An Khê, sau đó giặc điên cuồng khủng bố trả thù. Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhanh chóng giác ngộ nhân dân, ngày 16/3/1947, tại làng Thuận Nghĩa, Bình Khê (Nay là Khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong, Tây Sơn, Bình Định), Tỉnh ủy Gia Lai quyết định cho ra đời tờ báo Sáng, cơ quan ngôn luận của Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác tỉnh Gia Lai. Cùng với tờ Thông tin Gia Lai của Mặt trận Việt Minh ra đời giữa năm 1946, báo Sáng đã phổ biến học thuyết Mác-Lênin, đường lối, chính sách của Đảng ta; nhanh chóng đưa các chủ trương, chính sách của Đảng bộ tỉnh thâm nhập vào quần chúng và tuyên truyền vận động xây dựng cơ sở cách mạng.
Qua rất nhiều lần đổi tên cho phù hợp với nhiệm vụ từng giai đoạn cách mạng, sau khi hoàn tất việc tái lập tỉnh Gia Lai, từ ngày 02/11/1991 đến nay, tờ báo Đảng bộ tỉnh mang tên Báo Gia Lai.
Cán bộ, phóng viên, người lao động Báo Gia Lai trong thời kỳ đất nước đổi mới. Ảnh: Đức Thụy
75 năm truyền thống, Báo Gia Lai đã có những bước phát triển vượt bậc với những cột mốc phát triển đáng ghi nhớ. Từ một tờ báo in trên bản đá, phát hành vài chục bản với khuôn khổ rất hạn chế, đến nay Báo Gia Lai đã in trên công nghệ hiện đại, công nghệ điện tử bao gồm nhiều ấn phẩm.
Gia Lai Điện tử, hàng ngày có hàng chục ngàn lượt bạn đọc trong và ngoài nước truy cập. Gia Lai hàng ngày, 12 trang, khổ 29 x 41 cm, phát hành liên tục từ thứ 2 đến thứ 5 trong tuần với số lượng gần 11.000 tờ / kỳ. Gia Lai cuối tuần, khổ 29 x 41cm, 12 trang, in 4 màu, phát hành vào thứ 6 với số lượng 9.700 tờ/ kỳ. Báo Ảnh Gia Lai bằng 3 ngôn ngữ: Phổ thông, Jrai, Bahnar, khổ 28 x 41 cm, in màu, 4 kỳ/ tháng, cấp không thu tiền đến tất cả các thôn, làng, trường học, điểm bưu điện văn hóa xã để phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, hàng tháng Báo Gia Lai còn phối hợp với TTXVN biên dịch, in ấn Bản tin Dân tộc và miền núi của TTXVN bằng 2 ngôn ngữ Bahnar và Jrai, mỗi ngôn ngữ 1 kỳ/tháng. Đây là thời kỳ Báo Gia Lai có nhiều ấn phẩm nhất, nội dung và hình thức tờ báo đã đổi mới đáng kể, đáp ứng một phần yêu cầu bạn đọc.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, ông Hồ Văn Điềm, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh trao Huân chương Lao động Hạng Nhất của Chủ tịch nước cho Báo Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy
Trong hơn 20 năm đánh Mỹ, Gia Lai là chiến trường ác liệt, cam go, vừa đấu tranh chính trị, vừa đấu tranh vũ trang và cả trên mặt trận ngoại giao, tuy tờ báo không chuyên nghiệp, không có phóng viên được đào tạo bài bản, thiếu thốn phương tiện in ấn, phát hành trong điều kiện bí mật hoặc bán công khai, phải di chuyển liên tục để tránh sự truy lùng của địch, nhưng Tỉnh ủy Gia Lai vẫn quyết tâm duy trì bộ phận làm báo để tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng các chủ trương, đường lối của Đảng, Mặt trận dân tộc giải phóng; động viên, cổ vũ các phong trào cách mạng, các điển hình tiên tiến. Chính tờ báo của Đảng bộ tỉnh là phương tiện để mọi người tự học tự nâng cao trình độ và nhận thức chính trị của mình.
Những người viết cho tờ báo Đảng, ngoài các đồng chí lãnh đạo tỉnh, hầu hết đều “tay ngang” nhưng nhiệt tình, có lòng yêu nghề, dũng cảm bám trận địa, chịu đựng gian khổ để đưa về những tin, bài đầy chất liệu cuộc sống. Họ thật sự là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng-văn hóa.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, ông Huỳnh Thế Mạnh, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Phòng Thư ký Tòa soạn và ông Huỳnh Kiên, Tổng biên tập Báo Gia Lai. Ảnh : Đức Thụy
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất năm 1975 cho đến nay, Báo Gia Lai đã bám sát chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy, sự quản lý điều hành của UBND tỉnh, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của báo Đảng địa phương. Kịp thời tuyên truyền, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và các chủ trương của tỉnh đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Báo Gia Lai vừa là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội, vừa là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Phản ánh toàn diện những thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh, phổ biến nhân rộng phong trào thi đua ở cơ sở. Phát hiện và nêu gương các điển hình tiên tiến; quảng bá hình ảnh, những lợi thế, tiềm năng và nâng cao uy tín, vị thế của tỉnh trong cả nước; đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Ông Huỳnh Thế Mạnh, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trao Bức trướng của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh cho Báo Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy
Song song với hoạt động chuyên môn, Báo Gia Lai luôn quan tâm đến công tác từ thiện-xã hội. Báo Gia Lai luôn là cầu nối để các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp phối hợp thực hiện công tác xã hội và tự thiện. Báo mở các chuyên mục (Chuyên mục “Kết nối sẻ chia”) nhằm chia sẻ với các hoàn cảnh khó khăn, kêu gọi, phát động, đơn vị, tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm hưởng ứng. Tiếp tục duy trì kết nghĩa với xã A Dơk, huyện Đắk Đoa và Đồn Biên phòng 727, góp phần giữ vững an ninh-chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh theo chủ trương của Tỉnh ủy trên địa bàn xã; thăm hỏi, động viên, giúp đỡ nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị tỉnh giao.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 7 cán bộ Báo Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy
Ghi nhận thành tích của Báo Gia Lai trong 75 năm qua, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Độc lập hạng Ba, 2 Huân chương Lao động Hạng nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Giải phóng...
Nhân dịp này, Chủ tịch nước đã tặng Báo Gia Lai Huân chương Lao động Hạng Nhất, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho Phòng Thư ký Tòa soạn và ông Huỳnh Kiên, Tổng Biên tập Báo Gia Lai. Tỉnh ủy Gia Lai tặng Báo Gia Lai bức trướng, UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 7 cán bộ Báo Gia Lai.
Nhìn lại chặng đường 75 năm xây dựng và trưởng thành, từ báo Sáng năm 1947 đến Báo Gia Lai hôm nay, có thể khẳng định rằng: Bất kỳ giai đoạn nào, tờ báo của Đảng bộ tỉnh cũng đã hòa mình vào dòng chảy cách mạng, có những đóng góp tích cực, xứng đáng là công cụ tư tưởng văn hóa quan trọng của Đảng và là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai.
Văn Thư
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Giải Vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam sẽ diễn ra trong tháng 12/2024 (04:01 18/11/2024)
- Hội Nhà báo Việt Nam tiếp xã giao đoàn Đại sứ Cuba (05:29 21/10/2024)
- Vinh danh 22 tác phẩm đoạt Giải báo chí Tây Nguyên lần thứ I (12:41 05/08/2024)
- Đoàn công tác Hội Nhà báo Việt Nam thăm, chúc mừng Sư đoàn 312 (05:21 26/12/2023)
- Nâng cao đạo đức nghề nghiêp, trách nhiệm của người làm báo (01:02 18/11/2023)