Báo Đảng địa phương: Bắt mạch mạnh, yếu để thay đổi

17:31 07/07/2016 - Bình luận
Báo Đảng địa phương đang nỗ lực để nâng cao chất lượng thông tin, phục vụ bạn đọc. Nhìn lại mình và dự tính cho những đổi thay sắp tới là nội dung cuộc trao đổi bàn tròn dưới góc nhìn của 4 Tổng Biên tập (TBT): ông Trần Duy Hưng - TBT Báo Khánh Hòa, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh - TBT Báo Thừa Thiên Huế, ông Đoàn Minh Phụng - TBT Báo Gia Lai và ông Huỳnh Quốc Hoàng - Chủ tịch Hội Nhà báo Cần Thơ, nguyên TBT Báo Cần Thơ. Người Làm Báo xin giới thiệu cùng bạn đọc như gợi mở cho một vấn đề lâu nay vẫn được quan tâm nhưng dường như chưa có lời giải thấu đáo.

Báo Đảng địa phương nỗ lực đổi mới về nội dung, hình thức để phục vụ bạn đọc tốt hơn. Ảnh minh họa

Báo Đảng địa phương nỗ lực đổi mới về nội dung, hình thức để phục vụ bạn đọc tốt hơn. Ảnh minh họa

Phóng viên (PV): Nhiều bạn đọc cho rằng, chất lượng thông tin trên báo Đảng địa phương nói chung còn thấp, nhiều tác phẩm báo chí phản ánh chung chung, chưa có chiều sâu. Một câu trả lời khách quan nhất từ phía ông/bà?

Ông Trần Duy Hưng - TBT Báo Khánh Hòa

Ông Trần Duy Hưng - TBT Báo Khánh Hòa​

Ông Trần Duy Hưng: Đánh giá này là có cơ sở nhưng không hoàn toàn xác đáng. Báo Đảng địa phương có nhiệm vụ phản ánh toàn diện hoạt động của địa phương mình, không thể chỉ chọn những sự kiện nóng, những vụ việc giật gân để thông tin. Việc phải đảm bảo thông tin trải rộng đối với tất cả các ngành, nhiều tin hội họp... khó có thể có chiều sâu. Tuy nhiên theo tôi biết, nhiều báo đã nỗ lực cải tiến cách đưa tin để khắc phục tình trạng này, tạo cho mình bản sắc riêng. Báo nào cũng có những phóng viên giỏi, nếu ban biên tập không tự bằng lòng với những gì đã có, xây dựng được cơ chế khuyến khích phóng viên, chất lượng thông tin tờ báo ấy sẽ khác.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh - TBT Báo Thừa Thiên Huế

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh - TBT Báo Thừa Thiên Huế

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh: Nói thật là tôi vẫn cảm thấy chạnh lòng trước câu hỏi của bạn. Tuy nhiên, đây là vấn đề cần được nhìn nhận một cách thẳng thắn. Từ khi bắt đầu công việc đến khi kết thúc một phiên trực xuất bản, điều mà chúng tôi luôn nghĩ đến là ngày mai, độc giả sẽ đọc gì trên báo mình? Cũng chẳng thể nào nhẹ nhõm trong mỗi phiên hội ý, thảo luận đầu ngày nếu báo hôm ấy không có thông tin mà bạn đọc muốn biết, muốn tìm. Chúng tôi gọi cái chung chung, thiếu chiều sâu mà bạn vừa đề cập trên kia là một kiểu “ăn gian”...

Tuy nhiên, cũng phải xác định lại cái chung chung, cái thiếu chiều sâu mà “nhiều người cho rằng” theo cách nói của bạn là những cái chung chung, thiếu chiều sâu về vấn đề gì! Tôi nghĩ, mỗi tòa soạn báo đều cố gắng đem đến cho bạn đọc những gì tốt nhất mà mình có, dựa trên quan điểm, tiêu chí và đối tượng độc giả mà mình hướng đến. Trong phạm vi này, những đánh giá của bạn đọc đòi hỏi mỗi tòa soạn báo một cái nhìn phải thật sự nghiêm túc và thấu đáo hơn mỗi ngày.

Ông Đoàn Minh Phụng - TBT Báo Gia Lai

Ông Đoàn Minh Phụng - TBT Báo Gia Lai

Ông Đoàn Minh Phụng: Tôi nghĩ, không hẳn thế, “chất lượng thông tin” trên một tờ báo phụ thuộc vào bạn đọc đánh giá. Ngoài ra, cần hiểu khái niệm thế nào là thông tin chất lượng, có chiều sâu, là cao/thấp. Mỗi tờ báo có tôn chỉ, mục đích riêng, có đối tượng phục vụ riêng. Tôi cho rằng, tờ báo đưa thông tin đến đúng đối tượng mà mình hướng đến, được bạn đọc của mình chấp nhận là đã tốt lắm rồi; “chất lượng cao” theo một nghĩa nào đó (nếu có) mà bạn đọc tẩy chay thì chất lượng để làm gì...

Nói thêm, có những tác phẩm (tin, bài) chỉ có một số ít bạn đọc chú ý, song thông qua “loại bạn đọc” này làm cho thông tin ấy tác động, lan tỏa đến xã hội vô cùng to lớn, nhưng cũng có loại thông tin có đến ngàn vạn bạn đọc chú ý, nhưng chẳng có ích gì cho xã hội, thậm chí tác dụng ngược. Với chủ đề này, chúng ta cần có một cuộc trao đổi đến nơi đến chốn, nếu có dịp.

Ông Huỳnh Quốc Hoàng - Chủ tịch Hội Nhà báo Cần Thơ, nguyên TBT Báo Cần Thơ

Ông Huỳnh Quốc Hoàng: Bản thân tôi từng nhận được nhiều phản hồi từ bạn đọc cho rằng hiện nay, thông tin đôi khi bị nhiễu đến nỗi họ không thể phân biệt được đâu là thực-hư, phải-trái; những lúc ấy, họ sẽ tìm đến báo Đảng để kiểm chứng. Nói như thế để thấy rằng việc đánh giá chất lượng thông tin trên báo Đảng địa phương thấp là phiến diện. Rõ ràng, báo Đảng sẽ không là sự ưu tiên lựa chọn với những người thích đọc tin giật gân, sự vụ... nhưng rõ ràng tính xác thực, mức độ tin cậy của bạn đọc đối với thông tin trên báo Đảng thì hơn hẳn.

Nếu căn cứ theo đúng chức năng của báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, đồng thời là cầu nối thông tin giữa Đảng, chính quyền với nhân dân địa phương, để đánh giá thì tôi cho rằng thông tin báo Đảng chất lượng hơn, bởi sự chính xác, đúng mực, sát cơ sở; cách đưa tin gần gũi, thông tin có tác dụng định hướng dư luận, động viên, cổ vũ, chia sẻ kinh nghiệm, phản ánh những vấn đề phát sinh và khắc phục những hạn chế vướng mắc... để các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước triển khai trong thực tiễn đạt hiệu quả cao hơn, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, xét về một số khía cạnh nào đó thì thông tin trên báo Đảng địa phương còn hạn chế. Ví dụ như: nặng về khen; chưa có nhiều bài đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; đưa tin còn chậm, cách viết còn dài dòng, hình thức chưa thực sự hấp dẫn... Điều đó đòi hỏi hệ thống báo Đảng phải tiếp tục đổi mới.

PV: Tờ báo mà ông/bà phụ trách xử lý như thế nào trong việc lựa chọn đề tài, góc nhìn, cách tiếp cận cho đội ngũ phóng viên để vừa bám sát tôn chỉ, mục đích vừa bảo đảm thời sự cũng như tính hấp dẫn của thông tin...?

Ông Trần Duy Hưng: Bạn đọc của tờ báo có nhiều thành phần, mỗi thành phần có một nhu cầu thông tin riêng. Xác định vậy, nhưng chúng tôi luôn ưu tiên cho những vấn đề liên quan trực tiếp đến người lao động, đặt mình là người trong cuộc để tiếp cận. Chúng tôi quan niệm sự hấp dẫn của tác phẩm báo chí chính là phát hiện đúng vấn đề, đánh động được sự quan tâm của xã hội, góp phần tạo nên kênh thông tin phản hồi hữu ích giúp cho các cấp chính quyền trong quá trình điều hành, lãnh đạo. Hiện chúng tôi tiến hành chấm điểm tác phẩm hàng tháng để tính định mức cho phóng viên. Một bài chuẩn là đề tài mang tính phát hiện, thông tin đa chiều, phải có ý kiến của cơ quan chức năng và mở ra hướng giải quyết vấn đề.

Ông Huỳnh Quốc Hoàng: Chúng tôi không đánh giá cao những phóng viên thụ động, làm việc theo kiểu “cầm tay chỉ việc”, cũng không đồng ý nếu đội ngũ quản lý trong quá trình biên tập áp đặt cái nhìn chủ quan cá nhân của mình làm méo mó thực tiễn. Thay vào đó, chúng tôi khuyến khích phóng viên đi cơ sở và mạnh dạn trình bày quan điểm, góc nhìn của mình về vấn đề, sự kiện mà phóng viên tâm đắc; khen thưởng các tác phẩm có đề tài phát hiện, được bạn đọc quan tâm hoặc có cách thể hiện độc đáo, ấn tượng... trong các đợt xét khen thưởng tác phẩm hay định kỳ hằng quý của cơ quan.

Ông Đoàn Minh Phụng: Trước hết đã là lãnh đạo một tờ báo thì phải làm cho phóng viên (cả CTV) biết tiếp cận, xử lý thông tin mà họ có được, họ biết họ đang làm việc/viết cho tờ báo mà họ đang phục vụ, tờ báo ấy cần ở họ điều gì trước thông tin mà họ có, đối tượng phục vụ của tờ báo là ai chứ không phải hoàn toàn phụ thuộc vào sự “chỉ dẫn” cụ thể của lãnh đạo tờ báo trước mỗi sự kiện. Việc cụ thể về mặt kỹ thuật đã có một bộ máy dưới quyền làm rồi.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh: Kỹ năng và trải nghiệm thôi có khi vẫn chưa đủ. Chúng tôi luôn yêu cầu phóng viên phải tác nghiệp kỹ và có những góc nhìn sâu hơn về một vấn đề, sự kiện nào đó...

PV: Báo Đảng địa phương có thế mạnh gì và ông/bà đã xác lập vị trí cũng như phát huy thế mạnh của tờ báo mình bằng cách nào?

Ông Đoàn Minh Phụng: Tôi khẳng định, tờ báo Đảng địa phương có thế mạnh riêng của mình mà không thể ai có được, đó là: Không ai hiểu ta bằng ta! Người đứng đầu tờ báo địa phương cần biết và phát huy thế mạnh đó.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh: Bên cạnh dòng chảy thời sự chủ lưu và ngay trong dòng thời sự chính, mỗi tờ báo Đảng địa phương đều có chỗ đứng khác với các tờ báo khác. Đó là những vấn đề của địa phương và góc nhìn về địa phương mà bạn đọc trong và ngoài địa phương quan tâm. Tôi nghĩ, cách tổ chức thông tin, chất lượng thông tin và hình thức mà nó chuyển tải chính là yếu tố để tờ báo ấy xác lập vị trí của mình trong việc có được đón nhận hay không ở bạn đọc.

Tổ chức các bài viết hay những chuyên đề sâu về văn hóa, nghệ thuật, du lịch, lễ hội, kinh tế xã hội ...với sự tham gia của các cây bút gạo cội, nhiều cộng tác viên có tên tuổi cả trong và ngoài nước là điều mà Báo Thừa Thiên Huế đã thực hiện trên Thừa Thiên Huế cuối tuần. Ngay cả trên các số báo hàng ngày, đây vẫn là điều mà chúng tôi đặt ra và hướng tới, nhưng tùy thuộc vào sự ưu tiên hơn về tính thời sự. Chúng tôi cũng rất chú ý đến việc đầu tư cho các chuyên mục, tất nhiên là với những yêu cầu khác nhau trong góc nhìn, đề tài, cách thức thể hiện như là một cách tạo những dấu ấn và xác lập chỗ đứng của Báo Thừa Thiên Huế trong lòng bạn đọc.

Ông Huỳnh Quốc Hoàng: Theo tôi là sự chuẩn xác, gần gũi, sát cơ sở và bảo đảm tính phản biện xã hội tốt. Báo Đảng địa phương không đưa tin nhanh theo kiểu nghe ngóng dư luận mà không kiểm chứng và cũng không thông tin về đời sống riêng tư của những người nổi tiếng... nhưng thông tin về những điển hình tiên tiến, về những vấn đề phát sinh ở cơ sở, bức xúc trong nhân dân ở địa phương mình và hướng giải quyết của ngành chức năng đối với những vấn đề đó... thì phải thông tin nhanh nhất. Thế mạnh của Báo Cần Thơ hiện nay cũng chính là mục tiêu mà chúng tôi hướng đến trong tương lai, đó là: “Báo Cần Thơ thông tin kịp thời tình hình thời sự mọi mặt của TP Cần Thơ, đồng bằng Sông Cửu Long, toàn quốc và thế giới”.

Ông Trần Duy Hưng: Thế mạnh lớn nhất, theo tôi chính là có được những thông tin chính thống của địa phương. Một sự việc xảy ra trên địa bàn, nhiều báo cùng đưa tin, có những báo đưa theo cách suy đoán dựa vào những hiện tượng, thậm chí rủ nhau “đánh hội đồng” tạo áp lực. Riêng báo địa phương là người trong cuộc, được cung cấp thông tin đầy đủ nên thông tin đưa ra khách quan, chính xác, giúp bạn đọc nhận thức được bản chất của vấn đề. Khánh Hoà là địa bàn có nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội sôi động, do vậy có rất nhiều vấn đề phát sinh. Báo đã tạo vị thế riêng chính từ những thông tin thuyết phục, khách quan. Khi vụ việc xảy ra, trước cả “rừng” thông tin, nhiều bạn đọc đã tìm Báo Khánh Hoà để đối chiếu.
Tuy nhiên, thế mạnh này cũng chính là “gót chân a-sin” của các báo địa phương. Không phải thông tin nào cũng công khai trên mặt báo được.

PV: Trong xu thế hội nhập, cạnh tranh thông tin, báo Đảng địa phương không thể không thay đổi. Vấn đề gì sẽ được Ban Biên tập tờ báo ông/bà ưu tiên hàng đầu để khởi đầu sự đổi thay này?

Ông Trần Duy Hưng: Sự đổi thay nào cũng bắt đầu từ nhân tố con người. Chúng tôi đang tập trung xây dựng một đội ngũ tâm huyết, biết làm nghề, biết rút ra những kinh nghiệm từ thực tiễn. Những cải tiến của báo thời gian qua tuy nhỏ nhưng thể hiện tư duy chuyển đổi, thích ứng với sự thay đổi tất yếu đó. Về cụ thể, chúng tôi hiểu tương lai của báo điện tử nên đang tập trung mọi nguồn lực để phát triển tờ Khánh Hoà online.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh: Tôi nghĩ trước hết phải là phương thức tiếp cận bạn đọc. Phương thức này bao gồm nhiều thứ và cũng khó có thể phân định rạch ròi việc ưu tiên hàng đầu là gì. Thông tin tốt phải đi cùng với một hình thức thể hiện tốt. Và hiển nhiên, để chuyển tải được những nội dung này, điều cơ bản nhất phải là yếu tố con người, được đặt trong sự cộng hưởng và tương tác đa chiều ở một tòa soạn báo. Đổi báo từ khổ lớn sang khổ nhỏ, điều chỉnh lại maket cho sáng, rõ và bắt mắt hơn; ổn định maket từng trang; dung lượng thông tin ngắn, gọn; duy trì hội ý đầu ngày để hoạch định và có sự điều chỉnh hợp lý bên cạnh các đề cương dài hơi khác như đề cương tuần, đề cương tháng là điều mà Báo Thừa Thiên Huế đã thực hiện trong thời gian gần đây. Chúng tôi sẽ tiếp tục lắng nghe và phân tích các ý kiến từ bạn đọc để tiếp cận với bạn đọc hợp lý và tốt hơn.

Ông Huỳnh Quốc Hoàng: Tôi nghĩ rằng việc “thay đổi” do con người là yếu tố quan trọng nhất. Con người không thay đổi, tư duy làm báo không thay đổi thì công nghệ hiện đại như thế nào đi nữa cũng khó có thể đáp ứng yêu cầu hội nhập và trước sự cạnh tranh thông tin như hiện nay và ngày càng gay gắt trong tương lai.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, cho dù có đổi mới như thế nào thì báo chí cách mạng Việt Nam vẫn phải kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, thực hiện tốt chức năng báo chí là cơ quan ngôn luận của đảng bộ, chính quyền và nhân dân, đồng thời là cầu nối thông tin giữa Đảng, chính quyền với nhân dân địa phương. Vì thế, việc nâng cao kỹ năng tác nghiệp, đổi mới phương thức làm báo phải đồng thời với việc rèn luyện nâng cao bản lĩnh, nhận thức và cả kỹ năng tư duy chính trị của đội ngũ cán bộ, phóng viên; khơi dậy nhiệt huyết, sự đam mê và tinh thần dấn thân của đội ngũ những người làm báo.

Ông Đoàn Minh Phụng: Việc này không mới, đã là báo chí cái ưu tiên hàng đầu là thông tin, biết lựa chọn và xử lý thông tin. Xin nói mọi thông tin đều bình đẳng trước bạn đọc, vấn đề là biết lựa chọn nó để cung cấp cho bạn đọc thông tin nào có ích, nếu không muốn nói là... định hướng. Gia Lai, có thể nói là một thị trường báo chí rất sôi động, nếu không biết cách “cạnh tranh” thì tờ báo của chúng tôi đã thất bại từ lâu.

Lưu ý một chút, trong cạnh tranh có sự hợp tác, biết nắm lấy quy luật này chắc chắn thành công. Báo Gia Lai đã thành công trong việc này. Khái niệm “cạnh tranh” mà tôi đề cập, nên hiểu theo nghĩa rộng, thông tin mà có ích cho bạn đọc, xin đừng nghĩ nó chỉ khung trong địa giới hành chính; mặc dù là báo địa phương, nhưng thông tin báo chí không có ranh giới hành chính. Ý tưởng cần sự đổi thay ở báo Đảng địa phương rất đáng chú ý, giá mà tới đây trên các tờ báo của Hội có một Diễn đàn để thường xuyên trao đổi việc này thì thật có ích! n
 

Tuệ Ninh (thực hiện)

Tạp chí Người Làm Báo số 382 - Tháng 12/2015

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top