Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

 Bài 1: Nỗ lực không ngừng để xử lý, tiêu thụ bã thải gyps

Bã thải gyps không phải là chất thải nguy hại; tiềm năng sử dụng bã thải này để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng; vật liệu san nền rất lớn… Đây là những nghiên cứu, những nhận định được các cơ quan quản lý, các nhà nghiên khoa học đưa ra tại tại hội thảo “Giải pháp xử lý, tiêu thụ bã thải gyps” do Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng và Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) tổ chức mới đây tại Hải Phòng. Hành lang pháp lý đã có, hướng đi đã mở, quyết tâm rất cao, nếu sớm có các chỉ dẫn kỹ thuật thì việc xử lý, tiêu thụ bã thải gyps tại khu vực Đình Vũ, Hải Phòng sẽ rất khả thi, vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Đồng chí Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng kiểm tra công tác xử lý, tiêu thụ bã thải gyps_Ảnh:PV.

Ngay sau khi Nhà máy sản xuất DAP Đình Vũ đi vào hoạt động, việc xử lý, tiêu thụ bã thải gyps không chỉ được Công ty CP DAP-Vinachem mà các Bộ, ngành Trung ương và thành phố Hải Phòng đặc biệt quan tâm. Rất nhiều cuộc họp, hội thảo, nhiều nghiên cứu được thực hiện. Doanh nghiệp đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất thạch cao từ bã thải gyps. Tuy nhiên, còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, biến bã thải gyps thành nguồn nguyên liệu, nguồn tài nguyên.

Huy động nhiều nguồn lực, thực hiện nhiều giải pháp 

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty CP DAP-Vinachem Nguyễn Ngọc Sơn, từ khi công bố tấn sản phẩm đầu tiên (năm 2009) đến nay, Nhà máy DAP Vinachem Đình Vũ đã sản xuất và cung ứng gần 3 triệu tấn phân bón DAP chất lượng cao ra thị trường trong nước và quốc tế. DAP Đình Vũ ngày càng khẳng định vai trò là một trong những trụ cột ngành sản xuất DAP trong nước, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp ngay cả trong nhiều thời kỳ  khan hàng, sốt giá, góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm giải quyết việc làm, đóng góp khá lớn cho ngân sách.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh, ý thức rất rõ ràng trách nhiệm của mình trong sản xuất phân bón DAP, ngoài việc không ngừng nghiên cứu, hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm, Công ty CP DAP- Vinachem dành không ít thời gian, công sức, tâm huyết, trí tuệ, cả nhân lực, nguồn lực để tìm đầu ra cho lượng bã thải gyps phát sinh trong quá trình sản xuất phân bón DAP. Cụ thể, từ năm 2010, Công ty CP DAP- Vinachem đã hợp tác với Công ty CP Sông Đà Cao Cường, thành lập Công ty CP thạch cao Đình Vũ để triển khai dự án đầu tư dây chuyền chế biến thạch cao PG làm phụ gia xi măng từ bã thải gyps. Quý 4-2017, Nhà máy thạch cao Đình Vũ chính thức đi vào hoạt động, công suất xử lý bã thải gyps 750.000 tấn/năm. Công nghệ chế biến thạch cao làm phụ gia xi măng này đã được Bộ KHCN thẩm định, phê duyệt cấp kinh phí thực hiện đề tài khoa học cấp Nhà nước năm 2016, đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp Bằng sáng chế độc quyền năm 2017; chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn TCVN 11833:2017. 

Nhằm đẩy nhanh hơn nữa quá trình giảm lượng tồn trữ gyps tại bãi chứa, từ năm 2016, Công ty CP DAP- Vinachem tiếp tục phối hợp với Công ty TNHH Ngọc Linh, sau là Công ty CP Trường An cũng để chế biến bã thải thạch cao PG làm phụ gia xi măng. Do có một số khó khăn, vướng mắc nên từ năm 2022, dự án mới bắt đầu triển khai và năm 2023 lắp đặt máy móc thiết bị để đi vào sản xuất. Thành phố Hải Phòng cũng tạo điều kiện về mặt bằng để Công ty Trường An thực hiện.

Dây chuyền sản xuất thạch cao nhân tạo từ bã thải gyps tại Nhà máy thạch cao Đình Vũ_Ảnh:PV

Để tăng cường thêm giải pháp tiêu thụ thạch cao, giảm lượng tồn trữ tại bãi chứa, năm 2017, Công ty CP DAP- Vinachem ký hợp đồng với Viện Vật liệu xây dựng thực hiện đề tài nghiên cứu chế biến gyps làm vật liệu san nền. Công ty đã phối hợp với các đơn vị có lượng tồn dư gyps trong nước thực nghiệm tại hiện trường.Việc thi công thực hiện xong từ quý 1-2022 và theo quy trình cần 12-18 tháng để đánh giá và nghiệm thu kết quả. Phương án này nếu thành công và được cơ quan quản lý Nhà nước cho phép, sẽ triển khai ứng dụng cho các công trình xây dựng, san lấp mặt bằng tại Hải Phòng và cả nước. Với các giải pháp tích cực đó, hiện khối lượng gyps của DAP Đĩnh Vũ tồn trữ tại bãi còn khoảng 3,497 triệu tấn, giảm gần 1,3 triệu tấn so với khối lượng phát sinh.

Ông Kiều Văn Mát, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thạch cao Đình Vũ cho biết, hiện sản phẩm thạch cao chế biến từ bã thải gyps để làm phụ gia xi măng đã được 28 doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước tiêu thụ, từng bước thay thế thạch cao nhập khẩu từ nước ngoài. Tiêu biểu như các công ty xi măng Cẩm Phả, Thăng Long, Hải Phòng, Hoàng Thạch, Bút Sơn, Long Sơn, Xuân Thành, Nghi Sơn, Hoàng Long, Hạ Long, Trung Sơn, Bỉm Sơn, Tam Điệp… Từ đầu năm 2022 đến nay sản lượng chế biến và tiêu thụ thạch cao PG đến các nhà máy xi măng đã liên tục tăng mạnh, trung bình mỗi tháng tiêu thụ được trên 30.000 tấn. Hiện nay, lượng thạch cao chế biến và tiêu thụ cơ bản là cân bằng với lượng bã thải thạch cao PG phát sinh trong quá trình sản xuất của Công ty DAP. Với đà đó, Công ty CP Thạch cao Đình Vũ đang tiếp tục nghiên cứu, cải tiến công nghệ, thiết bị để nâng cao chất lượng sản phẩm và công suất xử lý của nhà máy từ 750.000 tấn/năm lên 1,5 triệu tấn/năm. Theo ông Kiều Văn Mát, với công suất 1,5 triệu tấn/năm thì Nhà máy thạch cao Đình Vũ hoàn toàn đáp ứng xử lý hết khối lượng bã gyps hiện thải ra hàng năm của nhà máy DAP Đình Vũ và 1 phần bã thải gyps đã tồn trữ lâu năm, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn lượng bã thải tồn trữ này.

Còn nhiều khó khăn, vướng mắc

Tuy luôn trăn trở, nỗ lực tìm mọi giải pháp như vậy nhưng tiến độ xử lý, sử dụng bã thải gyps chưa được như mong muốn. Phó Tổng Giám đốc Công ty CP DAP- Vinachem Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, khó khăn lớn nhất vẫn là khâu tiêu thụ sản phẩm thạch cao sau chế biến. Mặc dù đã được nhiều nhà máy xi măng trong nước sử dụng nhưng sản phẩm thạch cao Đình Vũ vẫn đang phải chịu sự cạnh tranh áp đảo của thạch cao nhập khẩu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sử dụng vẫn còn tâm lý e ngại sử dụng  sản phẩm tái chế. Đây là lý do khiến Nhà máy thạch cao Đình Vũ vẫn chưa huy động hết công suất thiết kế 750.000 tấn/năm.

Phương án chế biến gyps làm vật liệu cốt nền đường giao thông, vật liệu san nền hiện vẫn đang chờ cơ quan quản lý Nhà nước ban hành tiêu chuẩn hoặc văn bản hướng dẫn sử dụng. Theo bà Trịnh Thị Châm, Viện Vật liệu xây dựng, hiện nay, các văn bản pháp lý về xử lý, tái sử dụng gyps tại Việt Nam mới có 2 tài liệu là TCVN 11833:207 và Chỉ dẫn kỹ thuật quyết định số 393 ngày 21-5-2019 của Bộ Xây dựng. Cả 2 tài liệu này đều được Viện Vật liệu xây dựng nghiên cứu và xây dựng. Các nghiên cứu sử dụng gyps trong các lĩnh vực khác cũng có nhiều nhưng vẫn chưa ban hành được các căn cứ pháp lý để các đơn vị sản xuất, tái chế có thể áp dụng./.

(Còn tiếp)

Hồng Thanh
 

 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 31/5, tại Hà Nội, Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia đã khai mạc vòng chấm chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII năm 2023.
Đạo đức cách mạng là "gốc" của người cách mạng, những người bằng uy tín của mình được nhân dân tín nhiệm giao trọng trách nắm và giương cao ngọn cờ lãnh đạo cách mạng của dân tộc. Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại (19/5/1890 - 19/5/2024) là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên thêm quyết tâm học tập, tu dưỡng, rèn luyện và thực hành đúng, thực chất đạo đức cách mạng, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, mãi là ngọn cờ lãnh đạo dân tộc trong thời kỳ mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới.
Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.