Bác Hồ trong tâm hồn của nhà báo Lưu Quý Kỳ
15:18 16/03/2017
- Chân dung nhà báo
Trong làng báo Việt Nam thời hiện đại, nhất là những người hành nghề “viết lách” từng đi
qua cuộc trường chinh đầy gian khó chống ngoại xâm, cứu nước, cứu dân dài 3 thập kỷ
(1946 - 1975) gần như có chung nhận xét, Lưu Quý Kỳ là một trong số ít nhà báo ngồi
“chiếu giữa” của làng báo nước nhà về nhiều phương diện.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong phòng làm việc tại căn cứ Việt Bắc. Ảnh: TL
hớ, nghĩ, hoài niệm... về nhà báo tài năng họ Lưu có nhiều điều, nhưng ở bài báo nhỏ này, tôi mạn phép điểm qua hai ấn tượng. Một là, trong cuộc đời 63 năm, ông đã góp cho đời sống báo chí nước nhà qua thời kỳ cách mạng đầy gian khó với mấy nghìn bài báo, vài chục cuốn sách hàm chứa nhiều thể loại. Và thể loại nào tác giả cũng để lại dấu ấn khó quên mỗi khi ta đọc. Đó là những bài hấp dẫn, cuốn hút người đọc, cảm như khi ta “mở cửa thấy núi” thủ pháp của Đường thi - mới đọc câu đầu khiến người đọc muốn đọc hết cả bài.
Hai là, tấm gương đạo đức, phong cách của Bác Hồ kính yêu, lãnh tụ lỗi lạc của Đảng, Nhà nước, dân tộc ta; Danh nhân Văn hóa thế giới; Người Thầy của làng báo Việt Nam hình như ăn sâu trong trí tuệ, tâm hồn và mọi nghĩ suy thường ngày của nhà báo Lưu Quý Kỳ, để rồi trong mỗi trang viết, mỗi cuộc diễn thuyết hay cuộc trò chuyện tâm tình của mình với công chúng luôn thấm đượm tình người, sự nhân nghĩa.
Nhà báo Lưu Quý Kỳ có nhiều bài viết sâu sắc về Bác, trong đó có hai bài: “Nước về biển cả sông núi còn đây” và “Giấc mộng hóa bướm và thời cuộc miền Nam” (Lưu Quý Kỳ tuyển tập tác phẩm ký; GS, TS Tạ Ngọc Tấn chủ biên; HNBVN xuất bản 2/2014) được viết sau ngày Bác Hồ đi về thế giới người hiền với ước vọng gặp cụ Các-Mác và cụ Lê-Nin. Xin phép cho tôi được nhấn mạnh về hai báo có tiêu đề nói trên trong thời điểm cả nước học tập tấm gương đạo đức, phong cách của Bác Hồ.
Đoạn mở đầu bài “Nước về biển cả sông núi còn đây”, viết về cuộc gặp của một số cán bộ miền Nam ra thăm Bác: “Chúng cháu ở miền Nam, vâng theo lời Bác, không nề hy sinh gian khổ, đánh Mỹ đến một trăm năm cũng không sợ. Chỉ sợ một điều là Bác... trăm tuổi”. Tôi thương tấm lòng thành của chị tôi, thương sự thật thà chất phác của chị. Nhưng tôi băn khoăn sao chị lại nói ra điều mà không ai dám nhắc đến!
Ngay lúc đó, Bác quay lại hỏi đồng chí Phạm Văn Đồng: “Năm nay, Bác bảy mươi mấy rồi chú...? Thưa bác, năm nay Bác bảy mươi chín! Thế thì còn đến 21 năm nữa, Bác mới được trăm tuổi. Bác kêu gọi các cô, các chú đánh Mỹ 5,10, 20 năm nữa mà ta thắng Mỹ thì Bác cũng còn một năm để vào miền Nam thăm các cụ, các cô, các chú, các cháu...
Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam Lưu Quý Kỳ thăm và làm việc với Hội Nhà báo Liên Xô. Ảnh:TL Nhà báo Lưu Quý Kỳ, nguyên Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam. Năm 1981 được bầu là Phó Chủ tịch Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ) và giữ cương vị Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền miền Nam; Vụ Báo chí của Ban Tuyên huấn Trung ương sau ngày ông tập kết ra Bắc vào năm 1954 của thế kỷ trước. |
Mùa Thu năm 1969, tháng 8 mưa trắng trời Hà Nội, “Trên giường bệnh, Bác hỏi một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Trong Nam, mấy hôm nay đánh thế nào?. Thưa Bác, anh em trong ấy đánh tốt lắm. Bác hỏi tiếp: Quốc khánh năm nay có đốt pháo hoa cho đồng bào vui không?”
Chao ôi! Sắp thở hơi cuối cùng, Bác còn nghĩ đến miền Nam, đến hạnh phúc và niềm vui của đồng bào miền Bắc. Ai nghe mà không cảm thấy đến lòng, quặn ruột. Thế rồi Bác Hồ ra đi vào lúc 9 giờ 47 phút, ngày mùng 2 tháng 9 lịch sử. Đó là năm 1969.
Bài báo vừa dẫn, viết tiếp: Khi chúng ta kéo nhau hàng chục vạn người đến Quảng trường Ba Đình vào ngày 9/9/1969 để tiễn đưa Người Anh hùng đã làm rạng rỡ non sông ta, không một ai muốn rời khỏi Quảng trường, mặc dù buổi lễ đã kết thúc. Mọi người chờ đợi một bài hát “Kết đoàn” và dư âm như còn vang mãi câu nói giản dị của Người vào 24 năm trước trên Quảng trường Ba Đình ngày tuyên bố Độc lập “Tôi nói, đồng bào có nghe rõ không?”
Lời kết của bài viết “Nước về biển cả sông núi còn đây” là thế này: “Bác Hồ ơi! Bác nghìn đời sống mãi!”.
Nhà báo Lưu Quý Kỳ kể: Trong khi sưu tầm những bài báo viết về Hồ Chủ tịch, tôi được đọc bài “Nói chuyện với người đã khuất”, đăng trên Tạp chí Đất nước xuất bản ở Sài Gòn. Bài này do một vị giáo sư, tiến sĩ đại học viết lúc được tin Hồ Chủ tịch đi vào cõi bất tử. “Cụ Hồ hiện ra như một bức tượng đúc sẵn, đúng với kích thước mà chúng tôi mơ ước. Chúng tôi cần lãnh tụ và ngay từ lúc ấy, cụ đã vượt xa những người có thể làm lãnh tụ... Lần đầu tiên mà tôi nghe nói tới hai chữ dân tộc, có ý thức được cải thực tại dân tộc, đó là dưới hình ảnh Cụ Hồ, chứ không phải của ai khác. Lịch sử đã định như vậy.
Lần đầu tôi gặp và sau trở thành quen biết khi gặp nhà báo - Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam Lưu Quý Kỳ, ấy là trước mấy ngày của Hội nghị Chính trị đặc biệt tại Hà Nội khi ông đến nói chuyện với các nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam về ý nghĩa trọng đại của Hội nghị này. Vào cái ngày định mệnh, chủ nhật mùng 1/8/1982, nhà báo - Tổng Thư ký của làng báo Việt Nam Lưu Quý Kỳ đột ngột qua đời trên “đất chùa vàng” xứ Thái trong chuyến đi mang sứ mệnh là Đặc phái viên của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Nhớ về người anh làm báo, tuổi Kỷ Mùi đầy kính trọng của mình, tháng 4/1992, đúng 10 năm khi nhà báo tài ba này trút hơi thở của cuộc đời mình ở Đại sứ quán Việt Nam tại Băngkok, tôi có dịp lưu lại ở đây hai lần trong chuyến đi đến Hàn Quốc. Tưởng nhớ nhà báo đã quá cố nơi đây, ngay căn phòng nhà báo lưu trú, tôi lặng thinh trong nguyện cầu điều tốt đẹp dành cho một nhà báo ắp đầy tâm huyết với non sông xứ sở khi anh đã về xứ vĩnh hằng, xứ sở “bất lão tùng”!
Thời khắc hiếm hoi này, làm tôi liên tưởng đến câu nói của nhà văn, nhà báo, chiến sĩ cộng sản nước Tiệp Khắc (cũ) Julius Fucik, trong sách “Viết dưới giá treo cổ” tựa như một nén nhang hoài niệm về một nhà báo đa tài, yêu nước, trọng dân đã đi xa: “Các anh hãy chịu khó đi tìm tài liệu về những người đã chết vì họ và vì các anh. Những ngày tươi sáng sắp tới rồi, tới lúc đó, hôm nay sẽ là sắp quá khứ, nhân dân sẽ nhắc tới thời đại và những anh hùng vô danh đã sáng tạo ra giai đoạn lịch sử”./.
Nguyễn Xuân Lương
HỘI THẢO VỀ NHÀ BÁO LƯU QUÝ KỲ VỚI BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM Hội thảo “Nhà báo Lưu Quý Kỳ với Báo chí Cách mạng Việt Nam” tổ chức vào ngày 17/3 trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2017. Đây là Hội thảo thứ 5 về các nhà báo nguyên là lãnh đạo cấp cao của Hội, nhằm tri ân những đóng góp và học tập đạo đức, kinh nghiệm, phong cách làm báo của các bậc tiền bối. Nhà báo Lưu Quý Kỳ (1919 - 1982) tham gia cách mạng từ năm 18 tuổi, làm tuyên huấn, Bí thư Liên đoàn Thanh niên dân chủ Nam Kỳ, Thư ký tòa soạn báo Dân tiến, Dân muốn, Tiến tới (xứ ủy Trung kỳ), chủ bút báo Mới (Liên đoàn Thanh niên dân chủ Nam Kỳ); tham gia biên tập nhiều tờ báo của Đảng như Lao động, Phổ thông, Dân chúng, Tin tức; viết bài cho các báo Công luận, Điện tín, Thế kỷ,... Sau 1945, chủ bút nhiều báo như: Quyết thắng, Ánh sáng, Cứu nước; phụ trách Tạp chí Kháng chiến, Sáng tạo. Trong kháng chiến chống Pháp, là Ủy viên Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ, Giám đốc Sở Văn nghệ - Tuyên truyền Nam Bộ, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Nam Bộ, Chủ bút Tạp chí Lá lúa, Tạp chí Thống nhất, kiêm chủ bút báo Nhân dân miền Nam, Giám đốc Đài Tiếng nói Nam Bộ. Sau này, ông giữ nhiều trọng trách: Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Miền Nam, Vụ trưởng Vụ Báo chí Ban Tuyên huấn Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương); chủ bút báo Thống nhất. Từ 1962, là Phó Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, rồi Tổng Thư ký cho đến khi mất. Năm 1981, được bầu làm Phó Chủ tịch Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ). Ông có đóng góp to lớn trong hoạt động đối ngoại, trực tiếp giảng dạy và đào tạo, bồi dưỡng các nhà báo trẻ. Là nhà báo, nhà văn, ông đi nhiều, viết nhiều, để lại dấu ấn đặc biệt qua những tập bút ký nổi tiếng: Miền Nam yêu quý, Một phút về Nam, Phút im lặng, Nước về biển cả, Tâm sự với anh,... với bút pháp lãng mạn cách mạng và tri thức phong phú. Ông đã tổ chức 15 cơ quan báo chí, viết gần 3.000 bài báo, 27 cuốn sách, nhiều tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài; là nhà báo tài năng, được đồng nghiệp trong và ngoài nước cảm phục, trân trọng. TS Trần Bá Dung |
Bình luận: 0