Xuất siêu nông, lâm, thủy sản tăng gấp 2 lần
22:36 04/10/2022
- Kinh tế
Đến nay, toàn ngành nông nghiệp có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD là cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 74,7 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xuất khẩu ước khoảng 40,8 tỷ USD, tăng 15,2%; nhập khẩu ước khoảng 33,9 tỷ USD, tăng 5,7%. Giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 6,9 tỷ USD, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 9 tháng, xuất khẩu nhóm nông sản chính trên 16,8 tỷ USD, tăng 7,5%; lâm sản chính khoảng 13,3 tỷ USD, tăng 10,8%; thủy sản trên 8,5 tỷ USD, tăng 38%; đầu vào sản xuất gần 1,9 tỷ USD, tăng 49,6%; riêng chăn nuôi 265,5 triệu USD, giảm 18,4%.
Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt giá trị cao_Ảnh minh họa
Riêng trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước trên 4,2 tỷ USD, tăng 28,7% so với tháng 9/2021, nhưng giảm 8,8% so với tháng 8/2022; trong đó, nhóm nông sản chính trên 1,8 tỷ USD, lâm sản chính trên 1,3 tỷ USD, thủy sản 900 triệu USD và chăn nuôi 26,5 triệu USD… Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm trước, như: cà phê gần 3,1 tỷ USD (tăng 37,6%); cao su trên 2,3 tỷ USD (tăng 7,8%); gạo trên 2,6 tỷ USD (tăng 9,3%); hồ tiêu khoảng 774 triệu USD (tăng 7,7%); sắn và sản phẩm sắn trên 1 tỷ USD (tăng 21%), cá tra trên 1,9 tỷ USD (tăng 83,3%), tôm gần 3,5 tỷ USD (tăng 24,8%), gỗ và sản phẩm gỗ trên 12,4 tỷ USD (tăng 11,4%)... Trong số các mặt hàng trên, một số sản phẩm có sự tăng trưởng trong xuất khẩu nhờ giá tăng cao như cà phê tăng gần 22%, hạt tiêu tăng trên 30%... Tuy nhiên, cũng có những mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm như: rau quả gần 2,5 tỷ USD (giảm 11,1%), hạt điều gần 2,3 tỷ USD (giảm 14%), sản phẩm chăn nuôi 265,5 triệu USD (giảm 18,4%)...
Về thị trường xuất khẩu, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt trên 10,5 tỷ USD (chiếm 25,8% thị phần); đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc khoảng 7,4 tỷ USD (chiếm 18,2% thị phần); thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị đạt trên 3,1 tỷ USD (chiếm 7,6%); thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với trên 1,9 tỷ USD (chiếm 4,7%).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đàm phán mở cửa thị trường đối với các sản phẩm gồm: nhãn xuất khẩu đi Nhật Bản; chanh leo, dừa xuất khẩu đi Mỹ , bưởi xuất khẩu sang Hàn Quốc, chanh leo sang Australia, cây có múi xuất khẩu đi New Zealand; chuẩn hóa lại các quy định liên quan đến các loại quả tươi truyền thống (chuối, thanh long, xoài, dưa hấu) xuất khẩu sang Trung Quốc.
Để triển khai có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, ngành nông nghiệp hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc đáp ứng các quy định về tem nhãn, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, quy cách đóng gói, chất lượng, chủng loại nông sản; đăng ký mã cơ sở đóng gói, mã số doanh nghiệp.
Tuấn Vũ
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- VIB đưa nghệ thuật vào trải nghiệm khách hàng (11:32 20/12/2024)
- MB dẫn đầu về chỉ số hài lòng của khách hàng Việt Nam 2024 ngành ngân hàng (10:05 20/12/2024)
- BIDV triển khai dịch vụ xác thực khách hàng điện tử qua VNeID trên SmartBanking (03:26 18/12/2024)
- SHB miễn phí đổi thẻ từ sang thẻ chíp đạt chuẩn VCCS (07:17 17/12/2024)
- BAC A BANK ra mắt ứng dụng ngân hàng điện tử phiên bản mới (11:26 16/12/2024)