Kết nối tạp chí:
  • facebook
  • Tiwer
  • Youtube
  • Google

Xét xử sơ thẩm vụ nhà báo bị truy sát tại Thái Nguyên

Sáng 30/6, TAND TP.Thái Nguyên mở phiên xét xử sơ thẩm đối với Phạm Anh Huy (24 tuổi), Dương Nghĩa Hậu (22 tuổi, cùng trú tại Thái Nguyên) và Chu Văn Thế (24 tuổi, quê Tuyên Quang) về tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm a khoản 1 Điều 104 Bộ Luật Hình sự.

Bị cáo Phạm Anh Huy (giữa) cùng đồng bọn tại tòa.

Ba bị cáo trên chính là các nghi phạm trong vụ truy sát nhà báo Nguyễn Ngọc Quang (45 tuổi, Phó Trưởng ban Thời sự, Đài PT-TH Thái Nguyên) gây chấn động dư luận vào hồi tháng 9.2015 vừa qua.

Theo hồ sơ vụ án, do bức xúc nhà báo Nguyễn Ngọc Quang có bài phóng sự về khai thác khoáng sản trái phép liên quan đến người thân của mình, Phạm Anh Huy đã có ý định đánh dằn mặt anh Quang cho bõ tức.

Tại phiên toà, Phạm Anh Huy thừa nhận, nguyên nhân dẫn đến việc anh ta tổ chức chém nhà báo Nguyễn Ngọc Quang do trước đó, bố của Huy lên truyền hình địa phương trong phóng sự điều tra về vấn đề khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.

Huy cho rằng, sau phóng sự điều tra, bố của Huy bị hàng xóm, họ hàng dị nghị nên anh ta rất bức xúc. Huy cũng một mực khai chỉ có mục đích hăm doạ chứ không có ý định giết nhà báo Ngọc Quang.

Tối 3-9-2015, sau khi ăn đêm cùng Dương Nghĩa Hậu và Chu Văn Thế, Huy đã gọi điện rủ hai bị cáo này sáng hôm sau đón Huy đi có việc. Khoảng 7h30 ngày 4/9/2015, nhà báo Nguyễn Ngọc Quang (Phó Trưởng phòng Thời sự - Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh Thái Nguyên) cùng vợ đang ngồi trong ô tô đi đến nơi làm việc. Khi qua khu vực Cầu Gia Bảy (TP Thái Nguyên) thì bị Hậu và Huy đi bằng xe máy phóng lên chặn đầu xe. Huy nhảy ra khỏi xe lấy búa đinh đập nhiều nhát vào cửa kính lái chỗ anh Quang ngồi. Khi kính vỡ, Huy tiếp tục lấy dao phay chém nhiều nhát vào bên trong. Hậu cũng dùng 1 dao quắm cán gỗ dài lao vào chém tiếp. Khi anh Quang cùng vợ chạy ra bên ghế phụ, Hậu và Huy tiếp tục cầm dao đuổi theo khoảng 15-20 mét nữa. Theo kết quả giám định, Nhà báo Nguyễn Ngọc Quang bị các đối tượng chém 8 nhát trên vùng vai, tay, thắt lưng, trong đó có 2 vết thương sâu phải thực hiện tiểu phẫu. Anh Quang bị thương với tỉ lệ thương tật là 9%.

Cáo trạng nêu rõ, trong vụ án này, Huy thực hiện tội phạm với vai trò là người chủ mưu và thực hiện tội phạm một cách tích cực, Hậu là đồng phạm với vai trò là người thực hiện tội phạm tích cực, Chu Văn Thế là đồng phạm với vai trò giúp sức.

Theo HĐXX, vấn đề khai thác vàng trái phép ở xã Thần Sa đang là vấn đề nóng, khiến nhiều người dân bức xúc. Việc nhà báo làm phóng sự phản ánh về vấn đề này, nếu có sai sót thì cơ quan chức năng xử lý. Đằng này, Huy lại cùng một nhóm đối tượng truy sát nhà báo. Hành vi của các bị cáo xảy ra giữa ban ngày, thể hiện sự côn đồ.

Tại phần tranh luận, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt Huy và Hậu 9-12 tháng tù giam; Thế 9-10 tháng tù giam. Tại lời nói sau cùng, các bị cáo nói lời ân hận xin lỗi bị hại và mong được HĐXX xem xét.

Căn cứ nội dung, tính chất vụ án và mức độ phạm tội của các bị cáo, căn cứ bộ luật hình sự nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hội đồng xét xử đã tuyên án: bị cáo Phạm Anh Huy 12 tháng tù giam; Dương Nghĩa Hậu 9 tháng 15 ngày tù giam; Chu Văn Thế 9 tháng 16 ngày tù giam với tội danh Cố ý gây thương tích. Tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo đã bồi thường cho anh Nguyễn Ngọc Quang 30 triệu đồng chi phí chăm sóc sức khỏe và tổn hại về tinh thần.

Nguồn: HNBVN

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
Báo chí nói chung là một trong những kênh chính tạo dư luận xã hội. Báo chí cách mạng Việt Nam càng cần trách nhiệm xã hội cao, vì báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội, tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí, phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc, cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, vai trò của người làm báo trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội của báo chí là cực kỳ quan trọng, bởi họ có trách nhiệm phản ánh một cách chính xác, đa chiều cạnh và đa dạng về thực tế xã hội,... mang lại thông tin có giá trị, kịp thời cho độc giả.
Tháng 8/1945, chớp thời cơ chiến lược “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, tạo nên một bước ngoặt lớn trong lịch sử dân tộc. Từ đây, nhân dân Việt Nam thoát khỏi thân phận nô lệ trở thành người chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vĩ đại nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, là bản hùng ca bất diệt trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top