Xem xét kiến nghị về quản lý vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu xem xét, chỉ đạo đối với các kiến nghị của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về quản lý vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Cần nghiên cứu nâng cao chất lượng hệ thống xe buýt.

Ngày 25/7/2022, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức Tọa đàm "Để xe buýt thực sự là một lựa chọn văn minh" để thảo luận về những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực vận tải xe buýt và đề xuất giải pháp cho các nhà quản lý, cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là phục vụ tốt hơn cho người dân ở các thành phố lớn.

Tọa đàm nhấn mạnh ý kiến là phải tổ chức đấu thầu để chọn những doanh nghiệp có chất lượng, chứ không thể nào do quan hệ quen biết, thân thiết mà chọn theo cách chỉ định thầu. Mặt khác, cần tính toán cách thức trợ giá để bảo đảm khuyến khích dịch vụ phục vụ người dân tốt hơn để được trợ giá nhiều hơn, đó mới là hướng trợ giá hiệu quả. Đây là giải pháp hết sức hệ trọng để phát triển giao thông công cộng, đồng thời cũng là phát triển kinh tế xã hội của địa phương…

Trên cơ sở tổng hợp tình hình thông tin báo chí dư luận liên quan đến Tọa đàm, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo:

- Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu xây dựng quy hoạch, kế hoạch khoa học, nâng cao chất lượng hệ thống xe buýt, phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng, hạn chế xe cá nhân, phát triển giao thông đô thị bền vững, xây dựng lối sống văn minh; đẩy mạnh sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường; phát triển xã hội hóa xe buýt vận hành theo chuẩn mực thị trường để giảm gánh nặng cho ngân sách. Không bao cấp xin-cho nữa mà để doanh nghiệp tự quyết định chất lượng dịch vụ, những gì xã hội làm được thì phải ủng hộ xã hội làm.

- Bộ Thông tin Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xã hội về việc hạn chế phương tiện cá nhân để phát triển phương tiện công cộng bền vững, văn minh.

- Thanh tra Chính phủ cần thanh tra việc trợ giá xe buýt ở các thành phố lớn để làm rõ: Ai được hưởng lợi từ trợ giá, có thất thoát hay không ngân sách nhà nước khi chỉ định thầu các đơn vị vận tải được trợ giá? Trong khi mỗi năm nhà nước trợ giá hàng nghìn tỷ đồng trợ giá xe buýt nhưng chất lượng không tăng hơn.

- Các địa phương nghiên cứu lập quy hoạch phát triển xe công cộng trên địa bàn; đẩy mạnh việc giám sát đảm bảo chất lượng phục vụ hành khách, bảo đảm chính sách phục vụ người dân, trong đó có đối tượng người khuyết tật, người yếu thế.

- Việc tổ chức đấu thầu các tuyến xe buýt cần được thực hiện công khai, minh bạch để thu hút các doanh nghiệp uy tín tham gia "Nhà nước phải thay nhân dân tìm được nhà thầu tốt nhất. Đấu thầu phải đàng hoàng, không được quân xanh, quân đỏ, phát nổ phát xịt". 

- Giá cả dịch vụ xe buýt phải được tính đúng, tính đủ, phù hợp với nhu cầu của từng tầng lớp khách hàng; việc kê khai giá, quản lý giá phải được thực hiện minh bạch, đúng pháp luật.

- Bộ Giao thông cần xây dựng bộ tiêu chí, quy chuẩn, quy định về chất lượng xe buýt, tổ chức đánh giá thường xuyên, có chế tài để xử phạt nếu có vi phạm. Cần xây dựng các cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp, các đơn vị vận tải nhiều thành phần tham gia vào ngành dịch vụ này.

- Cần có cách tính trợ giá phù hợp, theo sát với thực tế, hiệu quả, "phải rất thông minh trong việc cung cấp trợ giá. Cung cấp trợ giá phải khuyến khích phục vụ người dân tốt hơn".

Tại văn bản 5105/VPCP-CN ngày 11/8/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu xem xét, chỉ đạo đối với các kiến nghị của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ nêu trên.

Theo baochinhphu.vn

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top