Xây dựng Luật Thủ đô để Hà Nội trở thành động lực phát triển cho cả vùng, cả nước

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đây là dự án Luật có tầm quan trọng đặc biệt. Hà Nội vừa là một đô thị đặc biệt, vừa là Thủ đô của cả nước. Do vậy, xây dựng Luật Thủ đô không phải chỉ riêng của Hà Nội mà thực chất là cho cả nước.

Chiều 10/11, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, thảo luận tại Tổ về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Hà Nội là đầu não, bộ mặt, trái tim, tất cả những tinh túy nhất; thành phố vì hòa bình và được tổ chức UNESSCO trao tặng là thành phố sáng tạo. Do đó dự án Luật phải thể chế hóa được Nghị quyết của Đảng về vị trí, vai trò, định hướng và nhiệm vụ phát triển của Hà Nội đến giữa thế kỉ.

Nhấn mạnh rằng, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ nhưng cũng đồng thời là giao nhiệm vụ cho chính quyền thành phố Hà Nội trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô, các cơ chế, chính sách được thiết kế trong dự thảo Luật phải rõ ràng, rành mạch về phạm vi, nội dung phân quyền; lĩnh vực phân quyền phải toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi và có cơ chế kiểm soát quyền lực. Đồng thời, cần bảo đảm cụ thể, rõ nội dung, phạm vi, đối tượng phân quyền và cơ chế phân cấp, ủy quyền tiếp gắn với chế độ trách nhiệm.

Thảo luận tại Tổ về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đây là dự án Luật có tầm quan trọng đặc biệt. Hà Nội vừa là một đô thị đặc biệt, vừa là Thủ đô của cả nước. Đô thị đặc biệt thì có thể có nhiều nhưng Thủ đô chỉ có một. 

Thủ đô được định nghĩa trong Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định Thủ đô là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, hội nhập quốc tế.

Khác với Nghị quyết 11-NQ/TW trước đây đã xác định Thủ đô là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn văn hóa, giáo dục và đào tạo, kinh tế…Nghị quyết số 15-NQ/TW đặt kinh tế lên trước, bởi quy mô kinh tế của Thủ đô ngày càng lớn, đến nay về quy mô chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh. Thu ngân sách của Hà Nội cũng đã gần với tổng thu của Thành phố Hồ Chí Minh, trong khi Thành phố Hồ Chí Minh có cảng biển. Tính riêng về thu nội địa thì Hà Nội đứng đầu cả nước. Với quy mô như vậy nên trong Nghị quyết lần này đã có định vị lại.

Cùng với đó, Hà Nội cũng được xác định là đầu não chính trị, hành chính quốc gia, vừa là bộ mặt và là trái tim của cả nước, là tất cả những gì tinh túy nhất. Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến và anh hùng, thành phố vì hòa bình là những danh hiệu được thế giới trao tặng. Gần đây UNESCO trao tặng cho Hà Nội danh hiệu thành phố thiết kế sáng tạo trong mạng lưới thành phố sáng tạo trên thế giới.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, với nhiều nội dung như vậy, Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này phải thể chế hóa được Nghị quyết của Trung ương về vị trí, vai trò, định hướng và nhiệm vụ phát triển của Hà Nội cho đến tận giữa thế kỉ để thúc đẩy, tạo động lực dẫn dắt cho cả vùng và cả nước. 

Như nhiều đại biểu đã nói: Xây dựng Luật Thủ đô không phải chỉ riêng của Hà Nội mà thực chất là cho cả nước theo tinh thần “Hà Nội vì cả nước và cùng cả nước”. Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội thì nêu tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả Nhà nước”. Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị nhấn mạnh “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao đổi về một số vấn đề chung của dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô là đầu tư rất lớn công sức cho dự án luật này, khởi động từ sớm ngay từ khi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội ngay từ đầu nhiệm kỳ.

Cơ quan trình dự án Luật là Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tư pháp và cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đã làm việc với nhau từ sớm về dự án Luật Thủ đô và đầu tư nhiều công sức. Đảng đoàn Quốc hội và cá nhân Chủ tịch Quốc hội đã trực tiếp hai lần làm việc chính thức với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. 

Chủ tịch Quốc hội chia sẻ cá nhân mình không chỉ thực hiện trách nhiệm của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà cũng là trách nhiệm của công dân trên địa bàn Thủ đô và từng đảm nhận nhiệm vụ là Bí thư Thành ủy Hà Nội. Do đó dành nhiều sự quan tâm, đầu tư nhiều thời gian, công sức đến dự án Luật này. Đến nay dự án Luật trình Quốc hội lần đầu tại Kỳ họp thứ 6 được các đại biểu ghi nhận dù mới trình lần đầu nhưng đã có chất lượng khá tốt.

Nhằm khắc phục tính chất luật khung, luật ống, dự thảo Luật đã bổ sung nhiều quy định cụ thể, tăng thêm 3 chương và 27 Điều so với Luật hiện hành. Các điều khoản mang tính chất quy phạm rất rõ để có thể áp dụng khả thi. Định hướng chung xây dựng Luật vừa quy định những vấn đề có tính phổ quát của một đô thị đặc biệt vừa có tính đặc thù của Thủ đô, riêng có của Thủ đô. Thực chất đây là đạo luật về cơ chế đặc thù và thực chất đây là đạo luật về  giao quyền, phân quyền, phân cấp;  trong đó có gắn với trách nhiệm giám sát và kiểm tra. 

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) có thuận lợi hơn khi đã xây dựng Nghị quyết quy định về cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố Hồ Chí Minh với quy mô gần như một đạo luật với 44 chính sách, trong đó có 27 chính sách hoàn toàn mới so với những chính sách đã áp dụng cho các địa phương khác trong toàn quốc. Đây là nền tảng để tiếp tục nghiên cứu để cụ thể hóa những nội dung phù hợp với Thủ đô.

Lan Chi

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top