Nữ Tổng Biên tập thời 4.0

“Trong môi trường cuộc sống áp lực đôi khi cũng chính là động lực để mình có những bứt phá, có những việc phải vượt lên chính mình để đi tới thành công...”. 

Nhân dịp Kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, Tạp chí Người Làm Báo đã có cuộc trò chuyện ý nghĩa cùng Nhà báo Lê Quỳnh Trang, Tổng Biên tập báo Phụ nữ Thủ đô. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Nhà báo Lê Quỳnh Trang, Tổng Biên tập báo Phụ nữ Thủ đô.

PV: Trước hết xin được chúc mừng chị - Ngày mà một nửa thế giới tôn vinh. Phụ nữ làm báo lại ngồi “ghế nóng” như chị quả khiến mọi người nể phục?

Nhà báo Lê Quỳnh Trang, Tổng Biên tập báo Phụ nữ Thủ đô: Thật tự hào khi phụ nữ có tới hai ngày trong năm để các đấng mày râu thể hiện sự quan tâm, ngưỡng mộ sẻ chia với “một nửa thế giới”. Càng tự hào hơn khi chúng tôi, những người làm báo Phụ nữ Thủ đô lại có thêm nhiều đất diễn để tôn vinh phái đẹp, bởi đúng như danh xưng, phụ nữ không chỉ đẹp về thể chất mà đẹp trong tâm hồn, đẹp bởi họ chính là người thắp lửa, là linh hồn của mỗi mái ấm gia đình. Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm, với người phụ nữ ngày nay, họ không chỉ giỏi tề gia nội trợ mà làm gì cũng giỏi, hầu như trong mọi lĩnh vực đều không thua kém nam giới. Nói thế để thấy sứ mạng của người cầm bút chúng tôi là mang đến cho người đọc những góc nhìn chân thực và khách quan về người phụ nữ. Ở đây, tôi muốn nói về người phụ nữ trong tổng hòa các mối quan hệ gia đình, xã hội, sự thành công và nghị lực vươn lên của chính họ khiến họ còn là người dẫn dắt chứ không phải vai trò phụ thuộc như mọi người vẫn nghĩ. 

PV: Nghề báo nhiều vinh quang nhưng đôi khi phải đối mặt với những nguy hiểm, cạm bẫy. Vốn được coi là phái yếu, phụ nữ luôn được nhìn nhận sẽ có nhiều khó khăn để theo đuổi công việc vất vả, áp lực lớn này thưa chị?

Nhà báo Lê Quỳnh Trang, Tổng Biên tập báo Phụ nữ Thủ đô: Nghề báo là nghề đặc thù, để nói lên sự thật, tìm ra sự thật đôi khi phải chấp nhận hy sinh, đối mặt với rủi ro, cạm bẫy. Nghề báo cũng là nghề đòi hỏi sự kiên trì nhẫn nại, đeo bám, có tài thuyết phục. Phụ nữ làm báo thì vất vả hơn nam giới bởi ngoài công việc, chúng tôi còn thiên chức làm vợ, làm mẹ, nuôi dạy con, làm kinh tế gia đình. Với đặc thù của báo Phụ nữ Thủ đô, phóng viên nữ chiếm gần như áp đảo, tuổi nghề trung bình trên dưới 10 năm, tuổi đời từ 20 đến trên 40, đây là độ tuổi đang sung sức nhưng chị em đang trong độ tuổi sinh đẻ, nhiều phóng viên trẻ khi đã lập gia đình sẽ nghỉ sinh 6 tháng theo chế độ, nghỉ trước hoặc sau khi sinh hoặc trong quá trình nuôi con nhỏ, con ốm đau, bệnh tật cũng không thể dành toàn tâm toàn ý cho công việc. Thêm nữa, nghề báo đòi hỏi có sự đam mê, yêu nghề, chịu đi, chịu viết, chịu trau dồi kiến thức thì mới lên tay nghề, nếu chỉ để viết báo đơn thuần thì đơn giản lắm. Thời buổi công nghệ thông tin phát triển, cứ lên mạng tìm kiếm thông tin, tổng hợp là cũng có thể ra bài, hay phóng viên đi dự hội nghị, hội thảo, có tài liệu, thông cáo báo chí viết sẵn, gửi bản mềm, chỉ một loáng là có tin ngay. Nhưng để có những bài viết có sức nặng, có tính phát hiện, phản biện, đi đến tận cùng sự việc, thì không phải phóng viên nào cũng làm được. Đó là chưa kể, khía cạnh đạo đức nghề nghiệp, như bạn nói “cạm bẫy” là rất chính xác, chỉ sơ xảy một chút, ham bát bỏ mâm, phóng viên chống tiêu cực nhưng lại nhận tiền của doanh nghiệp để bẻ cong ngòi bút. Những việc này thường là sự thỏa thuận “đi đêm” giữa phóng viên với đương sự, tòa soạn không hay biết. Vì vậy, nếu nói áp lực với nghề báo thì với phụ nữ làm báo, áp lực tăng lên gấp bội. Nhưng báo Phụ nữ Thủ đô vẫn luôn tự hào là một tờ báo sạch, 36 năm qua, chúng tôi là tờ báo đi tiên phong tự chủ và giữ vững tôn chỉ mục đích của tờ báo, sống được bằng nghề.

Nhà báo Lê Quỳnh Trang, Tổng Biên tập báo Phụ nữ Thủ đô phát biểu tại cuộc họp giao  ban Ban Tuyên giáo Thành uỷ.

PV: Báo chí đang chịu sự vận hành mạnh mẽ của công nghệ và kinh tế báo chí, là người đứng đầu, để vận hành tòa soạn hoạt động trơn tru, có lẽ áp lực càng không hề nhỏ?

Nhà báo Lê Quỳnh Trang, Tổng Biên tập báo Phụ nữ Thủ đô: Như tôi đã chia sẻ, đây có lẽ là thời điểm báo chí có bước chuyển mình mạnh mẽ bởi chịu tác động bởi công nghệ số, truyền thông xã hội và áp lực về kinh tế báo chí. Nếu như trước đây, thời hoàng kim của báo giấy, có những thời điểm, báo Phụ nữ Thủ đô cháy sạp, là khi có những loạt bài điều tra, chống tiêu cực, tia-ra của báo có thời điểm những năm đầu 90 lên đến hàng chục, hàng trăm nghìn bản/kỳ. Ngày đó, quảng cáo cũng tự tìm đến, tòa soạn phải xếp lịch đăng. Với sự phát triển của công nghệ, báo giấy giờ nhường chỗ cho báo điện tử và các phương tiện truyền thông số lên ngôi. Bạn đọc giờ cũng không còn đón đọc báo giấy như trước, mà tìm kiếm thông tin qua smartphone, mạng xã hội, báo chí giờ phải chạy đua với mạng xã hội về nguồn tin, tất nhiên phải có kiểm chứng. Không ít thông tin trên mạng là tin fake (tin giả, sai sự thật), nhưng nó khiến các tòa soạn báo “đau đầu” để đáp ứng đòi hỏi, thị hiếu của độc giả. Sự phát triển công nghệ kéo theo nó là sự thay đổi hoàn toàn nhu cầu đọc tin tức. Các nền tảng trực tuyến ra đời, đòi hỏi các tòa soạn báo phải thay đổi như một sự tất yếu nếu không muốn bị đào thải. Cùng với đó là các nguồn thu từ kinh tế báo chí cũng thay đổi theo, giờ đây, thay vì thu từ phát hành, quảng cáo truyền thống (từ báo in), các tòa soạn đang tính đến việc thu từ các hình thức khác như thu phí từ đọc báo qua mạng, thu từ hoạt động truyền thông, tổ chức sự kiện, giao lưu, tọa đàm trực tuyến… Báo Phụ nữ Thủ đô cũng không nằm ngoài quy luật này, để vận hành hoạt động của tòa soạn trong bối cảnh khó khăn của báo chí, chịu sự tác động không nhỏ của các nền tảng khác, bị chia sẻ thị phần và nguồn thu là áp lực không nhỏ đối với người đứng đầu cơ quan báo chí. Hiện nay, Báo Phụ nữ Thủ đô vẫn có bạn đọc trung thành là hệ thống Hội Phụ nữ cơ sở, các quận, huyện, thị xã. Họ vừa là nguồn tin, vừa là khách hàng của chúng tôi. Bên cạnh đó, ngày 29/10/2021, Báo Phụ nữ Thủ đô được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động hai loại hình báo chí là báo in và báo điện tử và hiện đã được cấp phép 2 chuyên trang điện tử: Đời sống Gia đình và Phụ nữ số. Chúng tôi đã chính thức ra mắt báo điện tử Phụ nữ Thủ đô từ ngày 1/11/2021 và đang triển khai các ứng dụng trên nền tảng số để đáp ứng các yêu cầu của bạn đọc và phát triển doanh thu từ báo điện tử.

Nhà báo Lê Quỳnh Trang, Tổng Biên tập báo Phụ nữ Thủ đô trao giải cho tác giả Chu Thu Hằng (Sơn Tây) giải Nhất cuộc thi “Viết về cuốn sách yêu thích của bạn do Báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức.

PV: Không chỉ chịu áp lực trong công việc, nhà báo nữ còn mang trên vai vô vàn trách nhiệm cũng như phải làm tròn những thiên chức của người phụ nữ. Để trở thành người đứng đầu cơ quan báo chí, nữ Tổng Biên tập như chị lại càng phải nỗ lực nhiều hơn, để cân bằng dung hòa giữa công việc và gia đình?

Nhà báo Lê Quỳnh Trang, Tổng Biên tập báo Phụ nữ Thủ đô: Tôi cho rằng, trong môi trường cuộc sống áp lực đôi khi cũng chính là động lực để mình có những bứt phá, có những việc phải vượt lên chính mình để đi tới thành công. Tôi cũng không cho rằng áp lực đặt lên vai nữ Tổng Biên tập thì nặng hơn các Tổng Biên tập là nam giới bởi mỗi người có một phong cách lãnh đạo, yêu cầu của đội ngũ và mục tiêu cho tờ báo không giống nhau, nhưng trong bối cảnh khó khăn chung đều phải chèo lái con tàu vượt qua sóng gió. Với tôi, tôi luôn biết cân bằng cuộc sống của bản thân, gia đình và công việc để vẫn có thời gian chăm sóc bản thân, con cái, nhưng vẫn điều hành để tờ báo đi đúng hướng. Tôi giao quyền hạn đi kèm với trách nhiệm cho các Trưởng, phó ban tổ chức sản xuất, duyệt tin, bài báo in, điện tử, Thư ký tòa soạn có quyền quyết định đi hay không đi bài của phóng viên và chỉ rõ sai sót hay cần bổ sung thông tin ra sao. Đối với gia đình tôi cũng cho các con tự lập từ bé, các con gái tôi rất tự giác và chủ động trong công việc, và trên hết tôi may mắn có ông xã rất hiểu và thông cảm với công việc của vợ, chia sẻ việc nhà, chăm sóc con khi tôi phải thường xuyên đi công tác xa. Vì vậy, tôi có điều kiện dồn tâm sức cho nghề nghiệp.

         Xin cảm ơn chị!

Anh Tuấn - Hà Giao (thực hiện)

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top