Voxpop - Hình thức thông tin trên sóng phát thanh hiện đại
17:15 23/12/2016
- Báo chí & Khoa học công nghệ
Voxpop là từ viết tắt của cụm từ “voice of people”có nghĩa là “tiếng nói của người dân”
hoặc “phỏng vấn đường phố”.
Một cuộc phỏng vấn Voxpop trên đường phố. Ảnh: theknowledgeonline.com
Sự tồn tại và phát triển của Voxpop trong các chương trình phát thanh đã góp phần nâng cao chất lượng, tạo sự sinh động, hấp dẫn, thu hút thính giả nghe đài và tạo điều kiện đáp ứng được nhu cầu của công chúng trong việc trực tiếp tham gia vào các chương trình phát thanh.
Voxpop trên sóng phát thanh hiện nay
Ý kiến trong Voxpop khác nhau, thậm chí là trái ngược nhau cùng đánh giá về một vấn đề, một sự kiện, một hiện tượng nào đó. Do vậy, khi Voxpop được phát sóng, nó có vai trò hết sức quan trọng đối với quá trình tạo nên dư luận xã hội. Nhà báo phải hiểu biết và khách quan trong việc lựa chọn và sử dụng ý kiến nào đó trong số luồng ý kiến đa dạng và trái ngược nhau đã được thu thập, phân loại để sử dụng, sao cho đạt hiệu quả tuyên truyền cao nhất. Khi tiến hành thu thập xong các ý kiến, việc lựa chọn để sử dụng phát sóng không phải là sự chấp nhận đa số ý kiến tán thành, ủng hộ hay phản đối một vấn đề nào đó mà điều quan trọng là dựa trên cơ sở nào để tìm hiểu, đánh giá đúng đắn nguyên nhân phát sinh các ý kiến đó trong các nhóm xã hội khác nhau.
Chương trình bàn về chủ đề “Sống thử trước hôn nhân - Nên hay không nên?”. Sống thử nên hay không? Đây là câu hỏi rất khó để có câu trả lời chính xác, nó phụ thuộc vào cách suy nghĩ cách sống của mỗi người.Nhưng có một thực tế mà ai cũng phải công nhận là hậu quả của việc sống thử để lại (có thai ngoài ý muốn, tổn thương danh dự...) là không thể lường trước được. Và nếu xem qua các diễn đàn thì các ý kiến không đồng tình là chiếm đa số. Từ đó, phóng viên lựa chọn, phát sóng các ý kiến trái chiều theo tỷ lệ nhất định, nhằm phát huy vai trò tạo lập và định hướng dư luận về vấn đề “sống thử trước hôn nhân”.
Voxpop là dạng thức mới, mang lại hiệu quả thông tin cao, giữ vai trò quan trọng đối với chương trình phát thanh. Về cơ bản, chúng ta có thể nhận thấy vai trò rõ nét nhất của Voxpop tạo nên sự sinh động, gần gũi, hấp dẫn, tạo sự tin tưởng cao đối với thính giả. Có thể nói, tuy mộc mạc, nhưng Voxpop lại tạo ra một bức tranh dư luận đa chiều. Bên cạnh đó, Voxpop còn làm gia tăng sự tham gia của thính giả vào các chương trình phát thanh, từ đó giúp chương trình tăng thêm lượng công chúng nhất định.
Hạn chế trong việc sử dụng Voxpop ở các đài phát thanh
Để thực hiện được một Voxpop hay phải mất nhiều công đoạn: tìm đề tài, lên kịch bản, địa điểm thu phỏng vấn (có Voxpop phải đến nhiều địa điểm khác nhau), tiếp cận nhân vật, thu âm, chỉnh sửa - biên tập... Tuy nhiên, việc chi trả nhuận bút cho một Voxpop thường tính trong tổng thể chung của chương trình, nhuận bút thấp, không có cơ chế để khuyến khích phóng viên tập trung vào thực hiện dạng thông tin này.
Với những vấn đề tác động trực tiếp đến đời sống của nhân dân như tăng, giảm giá điện, giá xăng, các chính sách an sinh xã hội... người dân chú ý quan tâm nên phóng viên dễ dàng thu được ý kiến. Tuy nhiên, ở những vấn đề mang tính chuyên ngành thì khi thu thập các ý kiến lại gặp những khó khăn nhất định. Bên cạnh đó, Voxpop khó thay đổi về mặt kết cấu, luôn theo một lối mòn là bao gồm lời dẫn của MC giới thiệu vấn đề và các ý kiến của người dân.
Ở một khía cạnh khác, hầu hết các phóng viên chưa được học về Voxpop một cách bài bản, chính quy qua trường lớp, họ chỉ mới thực hiện qua kinh nghiệm bản thân và sự truyền nghề từ phóng viên đi trước. Chưa có nhiều công trình nghiên cứu, hội thảo, lớp học bàn về dạng thông tin này. Do vậy, một số phóng viên chưa hiểu rõ những đặc trưng thể loại, kết cấu, những yêu cầu khi tác nghiệp, chọn đối tượng như thế nào để thực hiện Voxpop, khi nào thì sử dụng Voxpop hay những kỹ năng để phỏng vấn...
Những ý kiến được đưa ra trong Voxpop là quan điểm của công chúng bày tỏ về vấn đề, sự kiện, nhà báo không được định hướng trước, vì vậy nó bảo đảm tính chân thực của thông tin. Voxpop còn tạo sự hấp dẫn cho chương trình, giúp cho nhà báo vào đề dễ dàng hơn. Những câu trả lời trong Voxpop cũng gợi mở vấn đề để cuộc trò chuyện giữa nhà báo với các khách mời trong các chương trình diễn đàn sâu hơn, trọng tâm hơn. Tuy nhiên, phóng viên chưa có kỹ năng lựa chọn đề tài, thường lựa chọn những đề tài chung chung, vì những đề tài như vậy thường dễ thực hiện khi thu thập các ý kiến nhưng lại không gắn với thực tế địa phương. Bên cạnh đó, các phóng viên còn e ngại, chưa thật sự dám đương đầu với vấn đề cần phản biện, nhất là vấn đề về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, hoạch định, trách nhiệm cá nhân của người lãnh đạo...
Một số giải pháp
Voxpop tập hợp những ý kiến của người dân về một sự kiện, hiện tượng, vấn đề nào đó trong xã hội, nên dù thế nào cũng phải đạt được yếu tố mang hơi thở của cuộc sống, là tiếng nói của người dân. Voxpop cũng mang đậm tính khách quan của một tác phẩm báo chí, bởi nó là một tác phẩm phát thanh được tạo nên từ những ý kiến của người dân, không có sự xuất hiện của nhà báo. Do vậy, tuân thủ quy trình tác nghiệp và kỹ năng thực hiện Voxpop chính là những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng của Voxpop trên sóng phát thanh hiện nay.
Chọn được vấn đề hay để thực hiện Voxpop: Đó phải là những vấn đề được dư luận quan tâm, đang có nhiều ý kiến trái chiều.
Chọn đối tượng phù hợp để thực hiện Voxpop: Đối tượng được chọn phải phù hợp với nội dung, chủ đề. Ví dụ, vấn đề “Có nên xét nghiệm các bệnh lý trước hôn nhân” thì phải chọn đối tượng là những bạn trẻ, độ tuổi lập gia đình, ở cả thành thị và nông thôn... Đối tượng phải là những người quan tâm tới vấn đề mà mình định hỏi, họ cần chất giọng tốt (không nói lắp, giọng địa phương, khó nghe).
Tạo không khí thoải mái khi thực hiện Voxpop: để đối tượng tự nhiên bày tỏ quan điểm của mình, để họ thấy mình được chào đón nồng nhiệt. Phóng viên cần lắng nghe chăm chú để thể hiện sự quan tâm tới câu trả lời của người được hỏi; nói chuyện một cách nhẹ nhàng, lịch sự, không nên biểu lộ sự hài lòng hay khó chịu ra mặt.
Thu càng nhiều ý kiến đa diện càng tốt: các ý kiến có thể trái chiều, phóng viên chọn lọc những ý kiến phù hợp (ở đây không có sự can thiệp, chỉ là sự sắp xếp lại cho hợp lý, lôgic để người nghe dễ hiểu, dễ nắm bắt) để có được một Voxpop với nội dung sâu sắc nhất.
Cân bằng tỷ lệ các ý kiến: tỷ lệ giữa nam và nữ, giữa các đối tượng tham gia Voxpop,sắp xếp xen kẽ các ý kiến khác nhau trong một Voxpop để tạo sự khách quan và hấp dẫn.
Bảo đảm kỹ thuật âm thanh tốt: Điều này cần được đặc biệt chú ý bởi phần lớn các Voxpop là ý kiến của người dân, được thu ngoài hiện trường. Do vậy, cần bảo đảm chất lượng âm thanh tốt để thính giả dễ nghe, dễ tiếp thu.
Tâm lý người nghe chỉ muốn biết xem quan điểm của người dân về một vấn đề nào đó như thế nào, chứ không muốn họ đi sâu phân tích, kể lể.
Trong xu hướng mới của thời đại và công nghệ, đứng trước sức ép cạnh tranh của các loại hình báo chí, điều quan trọng nhất đối với các đài phát thanh là có cách làm mới, phù hợp với thế giới hiện đại. Có nhiều cách thức làm báo phát thanh hiện đại đã được thực hiện trên thực tế như: phát thanh trực tiếp, phát thanh tương tác, trong đó có các dạng tác phẩm mới được thực hiện trên sóng và Voxpop là biểu hiện của sự chuyển biến đó./.
TS. Phạm Thị Thanh Tịnh
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Chuyển đổi số báo chí theo nguyên tắc “động", "kịp thời” (10:18 12/05/2023)
- Doanh thu toàn ngành TT&TT đạt khoảng 1,14 triệu tỷ đồng trong 4 tháng (03:43 10/05/2023)
- WHO và UNICEF khuyến khích các nỗ lực tại Việt Nam để bắt kịp chương trình tiêm chủng định kỳ cho trẻ em (11:29 30/04/2023)
- Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong sáng tạo nội dung truyền hình (05:47 30/04/2023)
- Báo chí giải thích, sáng tạo số lên ngôi (10:54 28/04/2023)