VÔ DANH

13:53 01/08/2023 - Diễn đàn

CẢ NHÁY: Chú Phó Nhòm này, không hiểu sao gần đến ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 tôi cứ thấy áy náy thế nào ấy?

PHÓ NHÒM: Bác Cả Nháy áy náy thế nào áy náy thế nào mới được chứ?

CẢ NHÁY: Là cái chuyện đổi cách ghi trên bia mộ Liệt sĩ vô danh ấy!

PHÓ NHÒM: Tưởng gì chứ chuyện đó thì Điều 152 của Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 về “Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng” đã quy định phải đổi thành “Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin”. Chính phủ đã có quy định, ta cứ thế mà làm, có gì mà phải áy náy cơ chứ!

CẢ NHÁY: Đành rằng thế, nhưng cách gọi Liệt sĩ vô danh đã có từ hơn nửa thế kỷ nay, mang ý nghĩa trân trọng, thành kính đối với những người đã hy sinh vì Tổ quốc, hiến đâng cả cuộc đời, cho non sông, đất nước, vì sự trường tồn của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Tên gọi Liệt sĩ vô danh đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa, vào văn hóa dân tộc, trở thành một giá trị sâu đậm trong cách nghĩ, lối sống của người dân Việt Nam.

Nói đến mộ Liệt sĩ vô danh người ta vẫn hiểu là mộ của liệt sĩ chưa xác định được danh tính do lý do nào đó. Đây là chưa rõ danh tính chứ không đơn thuần là chưa rõ tên. Tôi cứ nghĩ, nếu ai đó cho rằng nói Liệt sĩ vô danh là nói liệt sĩ không có tên, thì đúng là cách nghĩ có phần khang khác với bình thường. Bởi một lẽ đương nhiên, ai sinh ra ở đời cũng có tên do cha mẹ hay ông bà đặt cho rồi.

Hơn nữa, cách diễn đạt “Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin” còn khiến người ta có thể hiểu rằng đó là mộ của người chưa xác định được có phải liệt sĩ không. Tóm lại, gọi như thế không những không hay gì hơn, không đẹp gì hơn, không rõ gì hơn, mà còn tối nghĩa, dài lời, tốn giấy mực, làm cho ngôn từ trang nghiêm bị tầm thường hóa. Như thế thì vị ơn không bằng vong ơn, vị nghĩa không bằng phụ nghĩa với người đã khuất.

Chưa hết...

PHÓ NHÒM: Úi chà, Bác Cả đã lý sự lòng thòng, rồi chơi chữ lòng vòng thế mà vẫn còn chưa hết sao?

CẢ NHÁY: Đúng là chưa hết áy náy về cái khoản chi phí. Tôi đọc báo thấy rằng chỉ riêng một tỉnh Quảng Nam đã phải chi phí hơn 12 tỷ đồng để đổi tên cho 61.000 mộ liệt sĩ vô danh. Vậy 62 tỉnh, thành phố còn lại của cả nước phải chi bao nhiêu tiền để làm việc này cho đủ?

PHÓ NHÒM: Bác Cả lại áy náy hơi bị trái khoáy rồi. Theo em, để tôn vinh đối với các liệt sĩ, những người đã hy sinh xương máu cho dân tộc, cho đất nước, thì đừng bao giờ nên so đo, tính toán tiền nong!

CẢ NHÁY: Chú Phó này, tiền đâu phải là rác mà không cần so đo, tính toán khi chi tiêu. Đó là mồ hôi, nước mắt của người lao động cả đấy. Còn về việc tôn vinh các liệt sĩ, đương nhiên ta phải làm. Nhưng tôn vinh liệt sĩ cũng là để động viên, hỗ trợ cải thiện cuộc sống gia đình liệt sĩ, người có công với đất nước, giáo dục các thế hệ con em ghi nhớ công ơn các liệt sĩ để sống có trách nhiệm với xã hội, v.v... Vấn đề là phải cân nhắc, tính toán xem làm việc gì cần kíp hơn, có ích hơn, có ý nghĩa hơn, nhất là việc phải đúng đắn và hợp lòng dân hơn!

PHÓ NHÒM: Nghe Bác Cả nói, em cũng lại thấy áy náy!

CẢ NHÁY: Chú Phó mà cũng áy náy thì lạ nhỉ! Thế mà tôi cứ tưởng cái tính khí thích gì làm nấy, không cần tính toán trước sau, được mất như Chú thì không bao giờ phải áy náy với cái gì!

PHÓ NHÒM: Bác Cả nói thế không oan cho em lắm sao?

CẢ NHÁY: Oan gì mà oan? Có mà oan Thị Mầu! Để tôi nói cho Chú Phó nghe:

            Tên gọi Liệt sĩ vô danh

            Trải bao năm tháng đã thành thiêng liêng;

            Xin cho được bình yên hai chữ,

            Ngàn đời sau gìn giữ vinh danh:

            Những người Liệt sĩ vô danh,

            Hóa thân vào sông núi, hóa thành hồn thiêng!

Linh Sơn 

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã ký ban hành Quy định số 142-QĐ/TW ngày 23/4/2024 quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ.
Bình luận, cũng như phỏng vấn, có thể vừa là phương pháp vừa là thể loại báo chí. Theo Từ điển bách khoa Việt Nam (Trung tâm Từ điển bách khoa Việt Nam, 1995) thì: “Bình luận (thông tin) là sự phân tích, đánh giá một vấn đề (chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, kỹ thuật...) trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền, phổ biến, thuyết phục người nghe, người đọc... Bình luận chủ yếu vận dụng trí tuệ và tư duy logic để phân tích, đánh giá. Bình luận là vũ khí của báo chí nói riêng và các phương tiện thông tin đại chúng khác khi thực hiện các chức năng thông tin, tuyên truyền”.
Bộ Công thương đánh giá cao sự phối hợp và vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan báo chí, góp phần tuyên truyền chủ trương, chính sách đồng thời phổ biến kịp thời kiến thức, điển hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan, công sở trên khắp cả nước.
Phải “công tâm, khách quan, khoa học, đặt lợi ích của quốc gia - dân tộc, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Thông điệp trong bài phát biểu quan trọng "Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng ta mới đây thu hút sự quan tâm, đồng tình của đông đảo cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top