Vĩnh Phúc: Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm hạn chế tình trạng người lao động rút BHXH một lần

Hiện nay tình trạng người lao động đến cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) nộp hồ sơ nghỉ hưởng chế độ BHXH 1 lần ngày càng gia tăng. Trước thực trạng đó BHXH tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền đến người lao động về những thiệt thòi khi rút BHXH một lần.

BHXH tỉnh Vĩnh Phúc Tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT đến người dân.

Theo số liệu thống kê từ cơ quan BHXH tỉnh Vĩnh Phúc, từ đầu năm 2023 đến hết tháng 10/2023, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 10.660 trường hợp rút BHXH một lần với tổng số tiền 511,25 tỉ đồng tăng 3.709 người bằng 34,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Từ con số trên, nguyên nhân dẫn đến tình trạng người lao động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc rút BHXH một lần tăng cao, một phần là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến NLĐ rút BHXH một lần để có tiền chi tiêu, trang trải cuộc sống. Một phần nữa do tình hình kinh tế của một số nước trên thế giới đang phải đối mặt với số nợ cao ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh đầu tư và thị trường việc làm trong nước.

Bên cạnh đó, một số người vì lợi ích trước mắt, muốn rút BHXH một lần để có luôn một khoản đầu tư vào việc khác...Điều lo ngại lớn đó là số người nộp hồ sơ nghỉ hưởng BHXH 1 lần nhiều nhất vẫn là những lao động có tuổi đời còn trẻ bởi chính ở giai đoạn tuổi trẻ này thì hầu hết lao động quan tâm nhiều đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già, phần nữa cũng do áp lực về tài chính như: bắt đầu tự lập, tiếp tục đầu tư học tập nâng cao trình độ nghề, lập gia đình, nuôi con nhỏ... và sự thay đổi, gián đoạn trong công việc (công việc chưa ổn định, bản thân muốn tìm kiếm cơ hội tốt hơn...).

Để hạn chế tình trạng người lao động trên địa bàn tỉnh rút BHXH một lần, BHXH tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách BHXH. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về BHXH. Thực hiện việc cải cách thủ tục hành chính để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người lao động. Đặc biệt là truyền thông về những thiệt thòi của người lao động khi rút BHXH một lần.

Thời gian qua, thực hiện Công văn số 02/CV-BCD ngày 27/9/2023 của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN thành phố Vĩnh Yên về việc tổ chức tuyên truyền về Luật BHXH, BHYT và phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, trong các buổi tuyên truyền, bên cạnh tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, các báo cáo viên tiếp tục tuyên truyền về những thiệt thòi khi nghỉ việc hưởng chế độ BHXH một lần nhằm giúp cho người lao động, người dân hiểu sâu hơn nếu nghỉ việc nhận BHXH một lần thì người lao động sẽ không còn cơ hội được hưởng lương hưu.

Đặc biệt khi về già, bên cạnh việc hưởng lương hưu, người lao động còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được hưởng các quyền lợi khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe trọn đời do Quỹ BHYT chi trả với mức hưởng 95% (cao hơn mức hưởng trung bình của người tham gia BHYT theo hộ gia đình)...

Một cách tuyên truyền hữu hiệu mà cơ quan BHXH tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục duy trì đó là tổ chức các buổi đối thoại với các doanh nghiệp giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách BHYT, BHXH, BHTN. Qua đó tuyên truyền về trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động đối với người lao động từ đó tạo niềm tin và sự gắn bó giữa người lao động với đơn vị sử dụng lao động và những quyền lợi bị mất đi khi giải quyết chế độ BHXH một lần.

Từ đầu năm 2023 đến nay, BHXH tỉnh, BHXH huyện, thành phố đã tổ chức 20 hội nghị tuyên truyền, đối thoại với đơn vị doanh nghiệp, 10 hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT cho công nhân lao động tại các khu nhà trọ công nhân (Chương trình Dự án “Phụ nữ 3” của tổ chức BATIK và tổ chức GRET) thu hút sự quan tâm tham dự của 746 đơn vị, doanh nghiệp với gần 5 ngàn người lao động.

Để người lao động nhận thức được những thiệt thòi khi nhận BHXH một lần công tác truyền thông hết sức quan trọng. Đối tượng truyền thông tập trung vào những người lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, người có nguy cơ thất nghiệp cao, người lao động đang nghỉ việc chờ giải quyết chế độ.

Ngoài những phương pháp tuyên truyền trên, BHXH tỉnh Vĩnh Phúc còn tổ chức truyền thông bằng các hình thức qua các nhóm Zalo, Fecebook… tư vấn trực tiếp cho người lao động khi đến cơ quan BHXH để làm thủ tục nhận BHXH một lần. Đồng thời, vận động người lao động không vội vàng hưởng BHXH một lần nên bảo lưu hoặc tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để cộng nối thời gian tham gia BHXH để hưởng các chế độ an sinh lúc về già.

Trong hệ thống an sinh xã hội, hệ thống BHXH giữ vai trò trụ cột, bền vững nhất. Phát triển BHXH sẽ là tiền đề và điều kiện để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Khi tham gia BHXH, BHYT, BHTN người dân, người lao động hoàn toàn yên tâm và tin tưởng bởi vì, quỹ BHXH được Nhà nước bảo hộ, Nhà nước có chính sách bảo đảm khả năng chi trả bền vững của quỹ BHXH; trong trường hợp bất khả kháng, nhà nước sẽ điều tiết để bảo đảm quyền an sinh xã hội của người dân.

Gia Linh

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top