Việc dồn điền đổi thửa ở Phú Thọ

16:51 15/07/2016 - Kinh tế
Nếu trước đây, ở Phú Thọ ruộng đất rất manh mún thì hiện nay, nhờ dồn điền đổi thửa (DĐĐT), đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo.

Dồn điền đổi thửa tạo điều kiện cho người dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất tại xã Tình Cương, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ). Ảnh: Khánh Trang

Hiệu quả từ xã điểm

Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lại (huyện Lâm Thao) Đào Ngọc Toản cho biết: Toàn xã đã dồn đổi được 417,5 ha trong số 487,5 ha đất nông nghiệp; từ 20.379 thửa giảm còn 6.450 thửa; trung bình đạt ba thửa/hộ. Cùng với DĐĐT, xã quy hoạch xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp 11,6 km giao thông nội đồng; lắp đặt thêm 224 điểm ống cống phục vụ tưới tiêu… Chị Nguyễn Thị Hoa, xã Vĩnh Lại chia sẻ, ruộng được chia thành các ô thửa lớn, thuận tiện cho việc đưa vào sử dụng máy móc loại lớn, giảm chi phí sản xuất. Trước đây, để thu hoạch ba sào lúa, phải mất thời gian một ngày, với ba đến bốn nhân lực, thì nay, sử dụng máy gặt, chỉ mất 15 đến 20 phút. Vụ chiêm xuân năm nay, ước tính năng suất lúa đạt hơn 6,5 tạ/ha.

Xã Đỗ Xuyên là một trong ba xã làm điểm DĐĐT của huyện Thanh Ba, trước kia, mỗi nhà có 14 đến 15 thửa ruộng, nay mỗi hộ chỉ còn ba đến bốn thửa, thậm chí có hộ chỉ còn một thửa. Nhiều hộ đã đầu tư, cải tạo vừa trồng rau màu, dưa hấu, vừa thả cá, nuôi lợn nái, lợn thịt, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Nguyên ở khu 10, xã Đỗ Xuyên cho biết: “Gia đình tôi có tám sào ruộng, trước đây có tám thửa, sau DĐĐT còn ba thửa. Thửa ruộng lớn hơn và đã quy hoạch liền vùng, những chân ruộng xấu trước kia nay cũng gần đường giao thông, tưới tiêu thuận lợi, nên gia đình đầu tư trồng chuyên canh bốn sào rau. Mỗi năm cho thu nhập 20 triệu đồng/sào”.

Tính đến nay, xã Đỗ Xuyên đã DĐĐT ở 12/12 khu hành chính, với tổng diện tích gần 250 ha, đạt 100% kế hoạch, hình thành những cánh đồng liền vùng, liền thửa, triển khai những mô hình mới cho hiệu quả, như cánh đồng mẫu lớn, vùng trồng rau an toàn tập trung, trồng lúa chất lượng cao... Chủ tịch UBND xã Đỗ Xuyên Trần Quang Hoàn cho biết: DĐĐT là công việc khó khăn, cho nên, chúng tôi chú trọng tuyên truyền, làm cho dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa, nội dung, phương pháp, cách thức hiệu quả của việc DĐĐT, lấy một khu làm điểm, sau đó nhân rộng ra 11 khu. Cùng với đó, xã tập trung giải quyết những khó khăn nảy sinh do lịch sử để lại.

Quá trình thực hiện gắn liền với quy hoạch, chỉnh trang ruộng đồng, bảo đảm khi xây dựng phương án, sự chênh lệch diện tích giữa các thửa ruộng trong cùng một khu vực có cùng hệ số chuyển đổi điều kiện tưới tiêu, cũng như lợi thế về địa lý ở mức độ tương đương, hạn chế thấp nhất chênh lệch giữa các khu, các thửa. Trường hợp xuất hiện các tình huống phức tạp, xã luôn chủ động tổ chức đối thoại, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện.

Bài học cho các địa phương

Từ thành công ở Đỗ Xuyên, tỉnh Phú Thọ đã triển khai đồng loạt ở các huyện; trong đó, huyện Lâm Thao được chọn làm điểm, các huyện, thị xã khác chọn từ hai đến ba xã làm điểm chỉ đạo (toàn tỉnh có 21 xã điểm). Tuy nhiên, kết quả thực hiện dồn đổi không đều và chỉ hiệu quả ở một số xã đồng bằng, hoặc những xã được tỉnh chọn làm điểm trong DĐĐT, trong khi đó, còn nhiều xã ở vùng cao gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Sự, nông dân ở xã Thọ Văn (Tam Nông) cho biết: “Việc DĐĐT đã được vận động thực hiện từ lâu, nhưng khó thực hiện. Chúng tôi cũng hiểu, nếu đồng ruộng manh mún thì sản xuất khó đạt hiệu quả kinh tế cao, nhất là với cây lúa, nhưng khi mình muốn dồn đổi, song người có ruộng liền kề lại không đồng ý, nên đành chịu. Nguyên nhân chính vẫn là do so sánh ruộng tốt, ruộng xấu, ruộng gần, ruộng xa”.

Bà Đinh Thị Hồng, xã Đồng Thịnh (huyện Yên Lập) chia sẻ, đồng rộng, kênh mương thủy lợi ở đây không đồng nhất, có chỗ rất thuận lợi, có chỗ rất khó, khiến người dân không muốn nhận những thửa ruộng khó sản xuất. Lãnh đạo UBND xã Ngọc Lập (huyện Yên Lập) cho biết, người dân rất ủng hộ việc DĐĐT, nhưng khi phá một bờ, thửa thì lại gặp không ít khó khăn, do đặc thù của từng thửa đất là ruộng bậc thang. Nếu có dồn đổi được, thì chỉ dễ sản xuất cho hộ gia đình đó, chứ để tạo cánh đồng mẫu lớn vẫn là vấn đề nan giải, cần có biện pháp tháo gỡ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lập Bùi Tiến Vỹ cũng cho biết, việc DĐĐT nông nghiệp thuận lợi với các huyện đồng bằng, còn ở các huyện miền núi như Yên Lập, việc tích tụ ruộng đất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung khó thực hiện. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ, tỉnh đang tập trung chỉ đạo giải quyết các vướng mắc, khó khăn cho các địa phương, tăng cường kiểm tra giám sát, bảo đảm thực hiện các bước theo đúng hướng dẫn. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, tạo sự đồng thuận của nhân dân, nhằm thực hiện tốt mục tiêu dồn đổi ruộng đất nông nghiệp theo đúng lộ trình đề ra.

                                                                                                  Nguồn: Nhân Dân Điện tử

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
Với tinh thần "Lá lành đùm lá rách", ngày 10/9, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành công văn số 457/CV-HNBVN về việc hưởng ứng lời kêu gọi của đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top