VIB: Lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5.640 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ

15:07 31/07/2023 - Kinh tế
Ngân hàng Quốc Tế (VIB) công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5.640 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.

Báo cáo tài chính cũng cho thấy, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 29%, tiếp tục trong nhóm dẫn đầu thị trường về hiệu quả hoạt động. Bảng tổng kết tài sản vững mạnh với chất lượng tài sản được cải thiện cùng các chỉ số quản trị rủi ro ở mức an toàn cao.

Doanh thu tăng trưởng , chi phí kiểm soát hiệu quả, hiệu suất sinh lời 

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 của VIB có lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5.640 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.

Sau 6 tháng đầu năm, VIB đạt tổng thu nhập hoạt động gần 10.300 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Thu nhập ngoài lãi đạt gần 1.590 tỷ đồng, đóng góp 15% vào doanh thu. Động lực tăng trưởng chính vẫn đến từ thu nhập lãi tăng gần 21% so với cùng kỳ, đạt hơn 8.700 tỷ đồng. Trong bối cảnh lãi suất huy động và lãi suất cho vay đang biến động, VIB vẫn duy trì biên lãi ròng (NIM) hiệu quả cao ở mức 4,7% nhờ tối ưu hóa nguồn vốn và các tài sản sinh lời tốt.

Hoạt động chuyển đổi số và số hóa tiếp tục giúp ngân hàng cải thiện tỷ lệ chi phí hoạt động trên doanh thu (CIR) xuống còn 32% (giảm 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ). Nhờ vậy, lợi nhuận trước chi phí dự phòng đạt hơn 7.170 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh thị trường chung gặp khó khăn với lãi suất cao trong 6 tháng đầu năm khiến cầu tín dụng bán lẻ cũng như nợ xấu tăng mạnh, VIB đã gia tăng bộ đệm phòng ngừa rủi ro với mức trích lập dự phòng lên tới gần 1.530 tỷ đồng, hơn gấp đôi so với cùng kỳ.

Tổng kết 6 tháng đầu năm 2023, VIB ghi nhận lợi nhuận trước thuế hơn 5.640 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng lợi nhuận trước thuế quý 2 đạt mức cao nhất mới với gần 2.950 tỷ đồng.

Tăng trưởng tín dụng thận trọng, nâng cao chất lượng tài sản

Tính đến 30.06.2023, tổng tài sản VIB ghi nhận đạt gần 379 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Trong bối cảnh lãi suất vẫn còn cao, cầu tín dụng yếu và nợ xấu tăng tại nhiều ngân hàng, VIB thực hiện chiến lược tăng trưởng thận trọng, duy trì và cải thiện chất lượng tài sản. Tổng tín dụng tính đến hết quý 2 đạt gần 235.000 tỷ đồng, tăng 1% so với đầu năm. Tuy nhiên, tính riêng trong quý 2, hoạt động kinh doanh đã có dấu hiệu khởi sắc rõ rệt với tăng trưởng tín dụng đạt 2,4%, tạo tiền đề tích cực cho đà tăng trưởng trở lại trong 6 tháng cuối năm.

Với việc được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xếp hạng ở nhóm cao nhất năm 2022, VIB là một trong những ngân hàng nhận được phân bổ hạn mức tín dụng 2023 ở nhóm cao nhất. Đây vừa là thách thức cũng như cơ hội để VIB thể hiện sự hiệu quả và bền vững của mô hình ngân hàng bán lẻ đã được xây dựng trong nhiều năm qua.

Cơ cấu danh mục tín dụng VIB tại ngày 30/06/2023.

Hiện nay, VIB là một trong những ngân hàng có rủi ro tín dụng tập trung thấp nhất thị trường với tỷ trọng dư nợ bán lẻ chiếm tới gần 87% tổng danh mục cho vay, cao nhất ngành. Trong đó, hơn 90% khoản vay có tài sản đảm bảo (TSBĐ) chủ yếu là nhà ở, đất ở với đầy đủ pháp lý và có tính thanh khoản tốt. Bên cạnh đó, VIB có số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ở nhóm thấp nhất ngành, giảm 45% so với đầu năm còn khoảng 1.000 tỷ đồng tương đương chỉ 0,4% tổng dư nợ tín dụng, trong đó phần lớn là trái phiếu thuộc lĩnh vực sản xuất, thương mại và tiêu dùng.

Bên cạnh tăng trưởng tín dụng đang trên đà hồi phục tốt, tỷ lệ nợ xấu của VIB giảm từ 2,62% cuối quý 1/2023 về còn 2,45% tại thời điểm cuối quý 2/2023. Ban lãnh đạo VIB cũng chia sẻ ngân hàng sẽ tiếp tục theo dõi, rà soát hoạt động tín dụng với khẩu vị rủi ro thận trọng nhằm tiếp tục giảm tỷ lệ nợ xấu.

Khẳng định uy tín và năng lực, tối ưu hóa nguồn lực để cạnh tranh

Tại ngày 30/06/2023, tăng trưởng huy động VIB đạt gần 345.000 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm, trong đó, huy động tiền gửi khách hàng tăng 3%. Trong tháng 6, VIB đã ký kết thành công khoản vay 100 triệu USD với IFC, đưa tổng hạn mức tín dụng của VIB tại IFC, ADB và các tổ chức tài chính quốc tế hàng đầu lên tới gần 2 tỷ đô la Mỹ. 

Các chỉ số an toàn ở mức tối ưu, trong đó Hệ số cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) ở mức 68,16% (quy định dưới 85%), Hệ số nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn 24,8% (quy định sắp tới điều chỉnh về mức dưới 34%) và Hệ số nguồn vốn ổn định ròng theo Basel III (NSFR) khoảng 113,6% (quy định của Basel III tối thiểu là 100%).

Với việc luôn tiên phong tuân thủ và áp dụng các chuẩn mực quản trị quốc tế, VIB không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và tính minh bạch khi tham gia thị trường tài chính quốc tế. Với việc huy động thành công các khoản vay dài hạn với chi phí thấp, VIB sẽ có thêm nguồn lực để tiếp tục mở rộng tín dụng phục vụ nhu cầu khách hàng bán lẻ, đồng thời tối ưu hóa biên lợi nhuận trong giai đoạn sắp tới và tiếp tục duy trì tỷ suất sinh lời trong nhóm đầu ngành.

Hoàn tất chi trả cổ tức 35%, duy trì tỷ lệ an toàn vốn ở mức cao

Hiện tại, VIB đã hoàn tất chi trả cổ tức 35% bao gồm 15% cổ tức tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu theo kế hoạch đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông trong quý 1. Bên cạnh đó, VIB cũng đã hoàn tất các thủ tục pháp lý để thực hiện phân phối 7,6 triệu cổ phiếu thưởng ESOP đến cán bộ nhân viên.


Hiệu quả sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) luôn duy trì ở mức cao giúp VIB tạo nguồn vốn chủ sở hữu dồi dào bổ sung vào hoạt động của ngân hàng. Sau khi chi trả cổ tức tiền mặt 15%, hệ số an toàn vốn của Ngân hàng (CAR Basel II) vẫn ở mức cao, đạt 12,02% tại ngày 30.06.2023 và dự kiến sẽ được duy trì mức 12% -13% trong năm 2023 so với quy định của NHNN là tối thiểu là 8%.

Đầu tư mạnh mẽ và tiên phong về công nghệ, hướng tới xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số

Với chiến lược nhất quán lấy khách hàng làm trọng tâm trong quá trình số hóa và chuyển đổi số, VIB tiên phong ứng dụng nhiều công nghệ mới và xây dựng các chuỗi giá trị nhằm mang đến cho khách hàng những trải nghiệm tốt hơn. Kể từ đầu năm 2023, VIB cho ra mắt thêm nhiều sản phẩm ngân hàng số với đa dạng tính năng mang lại tiện ích cho người dùng. Nhờ vậy, giao dịch qua kênh số trong 6 tháng đầu năm lên tới hơn 150 triệu lượt, dự kiến tăng gấp 3 so với năm 2022. Số lượng người dùng hoạt động lên tới hơn 1,5 triệu người, tăng gần 40% so với đầu năm.

Ứng dụng Ngân hàng số MyVIB và các giải pháp công nghệ đã nhận được nhiều giải thưởng và ghi nhận từ các tổ chức uy tín như The Asset, The Banker, Global Finance Review, Mastercard, Visa card, AWS và Microsoft.

Hệ sinh thái ngân hàng số VIB.

Trong thời gian tới, theo chia sẻ của ban lãnh đạo, VIB sẽ nâng cấp và cho ra mắt thêm nhiều ứng dụng phục vụ cho các hoạt động và nhu cầu khác nhau của khách hàng, tạo nên hệ sinh thái ngân hàng số và tiện ích ở mọi nơi. Điều này không chỉ mang lại các trải nghiệm đa dạng và tốt nhất cho khách hàng mà còn giúp tối ưu hóa quy trình vận hành và tiết giảm chi phí tối đa cho ngân hàng.

Lan Chi

Bình luận: 0

Đọc nhiều nhất

Đọc nhiều nhất

Ngày 16/12, tại thành phố Cần Thơ, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Tạp chí Người Làm Báo trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề : "Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Đó là nhấn mạnh của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Ngày 21/9, diễn đàn Tổng Biên tập năm 2024 với chủ đề “Báo chí giải pháp, hướng đi cho báo chí truyền thống” đã diễn tại tỉnh Bình Thuận. Diễn đàn do Báo Nhà báo và Công luận, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Bình Thuận tổ chức, thu hút sự tham gia hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí trên cả nước.
  • Zalo
  • Messenger
  • Back to top