Vì người nghèo Tây Nam Bộ
21:10 28/09/2016
- Báo chí & Công chúng
Đồng bằng sông Cửu Long còn được gọi là khu vực
Tây Nam Bộ hoặc theo cách gọi ngắn gọn là Miền Tây. Toàn
khu vực có thành phố trực thuộc Trung ương Cần Thơ và
12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh,
Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang,
Bạc Liêu và Cà Mau.
Đ/c Nguyễn Phong Quang (đứng giữa) thăm bệnh nhân nghèo phẫu thuật tim tại BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ và trao tiền tài trợ cho Bệnh viện để thực hiện 20 ca mổ tim. Ảnh:PV
Người dân còn lắm những gian nan
Tây Nam Bộ có diện tích gần 41.000 km2, với dân số gần 18 triệu người. Khu vực này dù diện tích chỉ chiếm khoảng 13% diện tích cả nước, nhưng dân số lại chiếm 20% cả nước. Tốc độ tăng trưởng dân số ở vùng này khá cao, năm 2015 tăng 7,8%, trong khi cả nước chỉ tăng 6,8%. Đây được xem là vựa lúa của quốc gia, chiếm 47% diện tích và 56% sản lượng lúa cả nước; xuất khẩu gạo toàn vùng chiếm tới 90% sản lượng. Ngoài ra, thủy sản chiếm 70% diện tích, 40% sản lượng và 60% xuất khẩu của cả nước...
Tuy được thiên nhiên ưu đãi, nhưng cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, mặt bằng dân trí thấp so với nhiều vùng miền khác, ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán nên số hộ nghèo và cận nghèo ở vùng Tây Nam Bộ vẫn còn gần 19%. Thu nhập bình quân đầu người nơi đây mới đạt mức 40,2 triệu đồng, trong khi cả nước là 47,9 triệu đồng/người/năm.
Cái nghèo khó của nông dân vùng Tây Nam Bộ dễ nhận thấy được qua cuộc sống bà con ở nông thôn còn khó khăn, thiếu thốn tiện nghi sinh hoạt trong gia đình; nhiều nhà tre lá tạm bợ, không có nhà vệ sinh; Tài sản trong nhà không nhiều, chủ yếu là đồ rẻ tiền, kể cả phương tiện có giá như chiếc ghe hay cái xe máy cũng đơn sơ. Nguồn nước sử dụng chủ yếu từ sông, rạch hoặc giếng đào, không có nguồn nước sạch. Các công trình công cộng như: chợ, điện, đường, trường học, trạm y tế cũng rất tạm bợ. Đường giao thông nhiều nơi vẫn là đường đất, cầu tre, cầu khỉ chiếm tỷ lệ lớn, đi lại chủ yếu bằng ghe, thuyền.
Mặt khác, Tây Nam Bộ còn là vùng trũng về giáo dục - đào tạo, chất lượng nhân lực thấp, số lượng doanh nghiệp ít, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân đồng bằng sông Cửu Long, nhưng yếu tố chính là nền kinh tế nông nghiệp phát triển thiếu bền vững.
Phần lớn nông dân thiếu vốn sản xuất, ngay từ đầu vụ phải vay ngân hàng để lo chi phí vật tư, cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu, đến cuối vụ lo trả lãi cho ngân hàng, lo giá cả và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp bấp bênh. Điệp khúc được mùa thì rớt giá, được giá thì mất mùa, cộng với thị trường xuất khẩu gạo, cá tra, tôm... không ổn định, càng làm cho người dân vùng Tây Nam Bộ vốn nghèo càng nghèo hơn.
Điểm tựa của người nghèo
Xác định được nguyên nhân trên, ngày 01/7/2015, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Tây Nam Bộ ra đời, sau này đổi tên là Hội Hỗ trợ người nghèo Tây Nam Bộ theo Quyết định 1492/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ ngày 10/6/2016.
Bằng nguồn quỹ vận động xã hội hóa, Hội đã khích lệ việc học hành của con em người dân thông qua việc trao học bổng hằng năm cho sinh viên nghèo tại các trường đại học trong vùng, nhằm nâng cao văn hóa, dân trí để họ thực sự tự sản xuất, làm giàu ở quê hương. Hy vọng người dân được đào tạo nghề, tập trung vào việc nâng cao giá trị sản xuất các ngành hàng chủ lực; mở rộng các ngành nghề phi nông nghiệp. Đó là cách thức giúp họ không chỉ đứng vững trên đồng ruộng, mà còn có thể làm giàu trên đất quê mình.
Hai năm qua, Hội Hỗ trợ người nghèo Tây Nam Bộ đã thực hiện 7 chương trình an sinh xã hội, giúp đỡ tích cực và hiệu quả cho người nghèo và trẻ em kém may mắn trong vùng, như: khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí; xây dựng mới, sửa chữa nhà cho người nghèo; trao học bổng; hỗ trợ xe lăn, xe đạp, xây dựng, sửa chữa đường giao thông nông thôn, hỗ trợ khoan giếng nước sạch; thực hiện bếp ăn từ thiện,... với tổng chi phí trên 21 tỷ đồng.
Với trách nhiệm và hành động quyết liệt, đặc biệt việc sử dụng tài chính minh bạch, công khai, Hội Hỗ trợ người nghèo Tây Nam Bộ được nhiều nhà hảo tâm đặt niềm tin tuyệt đối khi ủng hộ quỹ. Trong 1 năm qua, Hội tiếp nhận trên 100 tỷ đồng ủng hộ gồm hiện vật và tiền mặt từ Tập đoàn Vingroup, ngành Ngân hàng, các doanh nghiệp và nhiều mạnh thường quân trong và ngoài nước, góp phần hỗ trợ và giúp đỡ người nghèo, bệnh nhân nghèo giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.
Phía trước vùng Tây Nam Bộ vẫn còn 244.086 hộ nghèo (52.378 hộ người dân tộc thiểu số), 274.979 hộ cận nghèo, nhiều người bệnh tật hiểm nghèo rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng, hơn 400 trường hợp cần phẫu thuật tim để duy trì cuộc sống... là mục tiêu của Hội đang hết sức nỗ lực để trợ giúp cho họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống mới tốt đẹp hơn./.
Nguyễn Phong Quang - Chủ tịch Hội Hỗ trợ người nghèo Tây Nam Bộ
Bình luận: 0
Tin tức liên quan
- Hoa hậu Môi trường thế giới năm 2023 Nguyễn Thanh Hà: Môi trường chỉ có thể tốt hơn nếu lối sống của chúng ta thay đổi (08:18 09/11/2024)
- Hội đồng nữ doanh nhân Việt Nam - ASEAN báo công dâng Bác (03:43 22/10/2024)
- Báo chí kiến tạo, phát triển để hội nhập với nền báo chí hiện đại trên thế giới (02:21 27/08/2024)
- Ngành Thông tin và Truyền thông quyết liệt thực hiện chuyển đổi số quốc gia (03:02 30/07/2024)
- Thành phố Hồ Chí Minh: Trao giải và triển lãm ảnh “Khoảnh khắc tươi đẹp quanh ta” (09:18 29/06/2024)